Gỡ thẻ vàng IUU: Cấp ủy và người đứng đầu phải quyết liệt hơn

 

 

Đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Sau 4 lần thanh tra, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, quá trình gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến vào tháng 10/2024 là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Đây cũng là lúc địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình cho hình ảnh quốc gia. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về những giải pháp cần thực hiện ngay trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Thưa Thứ trưởng, kể từ lần thanh tra trước của EC, chúng ta đã khắc phục được những vấn đề nào mà EC khuyến nghị?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: So với 4 lần thanh tra trước, chúng ta đã đạt được những kết quả tương đối cơ bản và tích cực.

Về khung pháp lý, Việt Nam đã có Luật Thủy sản năm 2017, có 8 thông tư, 1 thông tư sửa đổi, gần đây đã sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP; sửa Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá thành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT để rà soát quản lý đội tàu một cách toàn diện và triệt để hơn.

Bên cạnh đó, hồ sơ xuất khẩu thủy sản của chúng ta sang EU cơ bản đáp ứng được yêu cầu, với cả sản phẩm khai thác trong nước cũng như nhập khẩu.

Đồng thời, chúng ta cũng đã làm tốt việc xử lý vi phạm pháp luật. Chúng ta đã xét xử và truy tố 11 vụ hình sự, tạo sự nghiêm minh và răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm, đưa người đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Hơn nữa, đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, hiện nay đã thực hiện được trên 70 cảng cá, đây là một điểm nhấn đáng chú ý.

Vậy còn những hạn chế thì sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã tăng cường chỉ đạo về vấn đề này. Sau Văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU đã có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; tiếp theo là Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; và Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Tuy nhiên, theo các khuyến nghị của EC, chúng ta vẫn còn những tồn tại nhất định, đó là quản lý tàu, giám sát đội tàu; xử lý vi phạm hành chính… chưa đạt kỳ vọng cao như mong muốn.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất tích cực và quyết liệt trong công tác chống khai thác IUU. Đồng thời các bộ, ngành, đặc biệt lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đã có sự quan tâm sâu sát, bám sát mục tiêu gỡ “thẻ vàng”. Vậy còn vai trò của các địa phương, địa phương đã thực sự làm “tròn vai” hay chưa, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Qua 4 lần thanh tra của EC, phía EC đều khẳng định, ở cấp Trung ương, những văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, dưới sự tham vấn của châu Âu, đã đủ điều kiện để gỡ “thẻ vàng”.

Tuy nhiên vấn đề tổ chức thực hiện, sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, những người đứng đầu đều chưa quyết liệt. Điều này đã được khẳng định ở Chỉ thị số 32-CT/TW và mới nhất là Thông báo số 403/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về công tác chống khai thác IUU.

Văn bản số 81-CV/TW và Chỉ thị số 32-CT/TW đều phân tích những nội dung đạt được, nội dung chưa đạt được, nguyên nhân và hệ thống giải pháp. Nghị quyết số 52/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những nhiệm vụ phải thực hiện.

Đặc biệt, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bí thư, Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành ven biển và đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, nêu rõ trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, cho nên sự vào cuộc của các địa phương từ nay đến khi EC sang thanh tra lần thứ 5 có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc gỡ “thẻ vàng” IUU.

Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch của Bộ NN-PTNT đối với địa phương trong giai đoạn nước rút hiện nay nhằm tăng cường công tác chống khai thác IUU?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ NN-PTNT đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác, thậm chí có những cảng cá đoàn công tác đã đến lần thứ 5. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều giở từng cuốn sổ nhật ký ra xem và đã có những chỉ đạo kịp thời ngay sau đó, tuy nhiên việc để ý và tổ chức thực hiện còn rất hạn chế.

Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban cán sự Bộ NN-PTNT được sự ủy quyền của Ban Bí thư, mỗi lần đoàn công tác làm việc đều có sự tham gia của Thường vụ Tỉnh ủy và sau khi làm việc xong đều có văn bản gửi tới Thường vụ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh để triển khai. Khi phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW cũng đã làm rất bài bản. Nói tóm lại, việc tổ chức thực hiện tại các địa phương là yếu tố quan trọng quyết định.

Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã hoàn thiện. Thêm vào đó, kể từ ngày 23/10/2017 đến nay, đã có 13 hội nghị về IUU do Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng chủ trì, song song đó cũng đã có 11 văn bản, công điện, chỉ thị. Điều này cho thấy rằng, 7 năm qua, các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU rất quyết liệt. Vì vậy, tổ chức thực hiện vẫn là yếu tố then chốt.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam trong lần thanh tra thứ 5 này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phân tích một cách khách quan cả trong nước và quốc tế, đây là cơ hội rất thuận lợi để Việt Nam có thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” IUU.

Sau khi châu Âu hoàn thiện bộ máy của giai đoạn tới thì cuối năm 2024 các ủy ban sẽ đi vào hoạt động. Nếu đi vào hoạt động mà Việt Nam không gỡ được “thẻ vàng” trong lần thanh tra thứ 5 này thì thời gian sau đó sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì khi châu Âu họp những phiên họp đầu tiên, chắc chắn họ sẽ ưu tiên bàn đến những vấn đề quan trọng của họ; như vậy vấn đề gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam sẽ phải xếp sau. Điều này sẽ khiến chúng ta phải mất thêm thời gian vài năm nữa.

Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, song bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng ngư dân, quyết tâm sớm khắc phục “thẻ vàng” của EC, trong thời gian tới chúng ta sẽ có những giải pháp nào để thực hiện song song hai vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khi công bố Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) đã khẳng định, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP không phải nhắm vào ngư dân mà nhắm vào những đối tượng không tuân thủ pháp luật, cố tình lôi kéo người đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài hoặc là gửi thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Đối với vấn đề tuyên truyền, thông tin truyền thông gắn với giáo dục và xử lý vi phạm hành chính là giải pháp quan trọng trong Chỉ thị số 32-CT/TW. Tới đây, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta vẫn phải tăng cường tuyên truyền để bà con ngư dân hiểu rằng, Việt Nam hiện nay đã hội nhập quốc tế, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt hơn 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó nghĩa là chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc, những quy định mà các thị trường đặt ra. Không chỉ thị trường EU mà các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ cũng đã đặt ra các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU.

Vì vậy, công tác truyền thông để bà con ngư dân nắm bắt được những quy định về IUU là yếu tố quan trọng. Sắp tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, Cục Thú y cùng các tỉnh phối hợp với báo chí để tuyên truyền nhằm lan tỏa hơn nữa tinh thần chống khai thác IUU.

Thưa Thứ trưởng, gthẻ vàngIUU chỉ là bước khởi đầu, về lâu dài, mục tiêu mà Việt Nam hướng đến là nghề cá minh bạch, trách nhiệm. Chúng ta đã, đang và sẽ có những giải pháp nào cho mục tiêu này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đã hội nhập khu vực và quốc tế, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì không thể không minh bạch được. Đây cũng là điều giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, nâng cao giá trị hơn. Do vậy, nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc, cơ sở chế biến cũng như toàn bộ những yếu tố cấu thành an toàn thực phẩm Việt Nam đều phải tuân thủ. Chỉ khi chúng ta tuân thủ được thì thế giới mới đánh giá cao và các thị trường mới tiếp nhận các sản phẩm của chúng ta. Vì thế, không chỉ riêng lĩnh vực thủy sản mà các lĩnh vực khác như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp… cũng phải truy xuất được nguồn gốc.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, Bộ NN-PTNT đang thực hiện chuyển đổi số và nông dân cũng vậy, để cho thấy rằng, tất cả thông tin cấu thành sản phẩm đều tuân thủ các yêu cầu của thị trường. Đây chính là cách để khẳng định, chúng ta không chỉ mang giá trị của sản phẩm, mà còn là đem giá trị văn hóa, giá trị vùng miền vào sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

Liệu có kế hoạch nào trong tương lai để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chống khai thác IUU hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đang tham gia Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác IUU. Việt Nam cũng đã cử đoàn ra, tiếp nhận đoàn vào cùng nhiều quốc gia khác giúp nước ta các dự án, đề án trong chiến lược thủy sản tại Quyết định số 339/-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hợp tác quốc tế trong ngành thủy sản hiện nay tương đối tốt, tuy nhiên tiềm năng, lợi thế của cả khai thác, nuôi trồng, bảo tồn vẫn còn rất lớn. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ được kiến thức, tranh thủ được chuyên gia, tranh thủ được trang thiết bị và tranh thủ được nguồn vốn để giúp chúng ta có thể hội nhập một cách chủ động hơn, sâu rộng hơn đối với khu vực và quốc tế.

 

Tôi lấy một ví dụ, Việt Nam học tập Na Uy, Đan Mạch và Bỉ về nuôi biển và đã xây dựng được Quyết định số 1664/-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2025, sản lượng nuôi biển của Việt Nam sẽ đạt 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến hết năm 2024, sản lượng nuôi biển của nước ta đã đạt 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Ví dụ này để minh chứng rằng, việc học tập, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy cũng như các quốc gia khác đã mang lại hiệu quả rất rõ. Chưa kể các hợp tác khác của các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cũng như Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư về thủy sản nói chung và IUU nói riêng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

Hồng Thắm
Tiến Thành
Phạm Huy - Hồng Thắm
Thanh Thủy