“Tôi tin anh đã từng uống nhiều loại cà phê, của nhiều thương hiệu, ở nhiều nơi, nhưng chắc chắn anh chưa thấy một ly cà phê “đặc biệt” như thế này. Nó không chỉ rất ngon, mà còn rất đẹp. Đó là kết quả của một quá trình canh tác tử tế”.
Đó là lời giới thiệu của Hà Công Xã, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông. Anh tiếp tôi trong văn phòng HTX, với 1 ly cà phê mang tên “Bechamp Nắng vàng” do chính HTX sản xuất, và tự tay anh pha.
Quả thật, đã đi nhiều, uống nhiều loại cà phê như anh nhận định, nhưng khi cầm ly cà phê do anh Xã pha, mời tôi trong chiếc ly sứ trắng. Bên trong ly, trên mặt cà phê là lớp caramel vàng óng như mật ong. Tôi từ từ đưa ly cà phê lên, lập tức, một mùi thơm đặc trưng của cà phê chín, quyện với vị béo, vị cay nồng của đất, của nắng gió Tây Nguyên, phảng phất, thoang thoảng, quấn lấy mũi, không giống hương vị của bất cứ ly cà phê nào tôi từng cảm nhận.
Cầm chiếc muỗng cà phê nhỏ khuấy nhẹ trong ly, anh Xã nói: “Vị đắng thì vẫn có, nhưng nó không đắng gắt đến mức anh phải nhăn mặt, còn lớp caramel này là từ cà phê, nó tạo ra nhờ quy trình, phương pháp chế biến, chứ không phải từ phụ gia, chất tạo đắng. Vì thế, khi nếm thử lớp caramel này, anh sẽ cảm nhận có vị béo, thơm. Còn khi nhấp vài giọt cà phê, nuốt rồi, một lúc sau, khi trong miệng không còn gì, anh lại cảm nhận có vị ngọt ở cổ họng.
Nhiều người vẫn hỏi tôi, hương liệu có phải là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có 1 ly cà phê ngon không? Tôi trả lời là không. Nếu làm cà phê rẻ tiền, chất lượng kém thì hương liệu là quan trọng nhất, vì để đánh lừa cảm gác của người uống. Anh được uống cà phê nguyên chất là đã quý, nhưng nếu được uống cà phê nguyên chất và không có hương liệu, tức là nguyên chất 100% như này, lại càng quý hơn. Để có ly cà phê này, phải trải qua một quy trình, phương pháp”.
Anh Hà Công Xã sinh năm 1975, vốn là một trí thức, có nghiệp vụ sư phạm, lại có kiến thức khá sâu về loại hình HTX liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững, nên nhiều địa phương thường mời anh đi giảng dạy cho nông dân, trong đó có Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra). Quá trình đi dạy nhiều nơi, anh nhìn thấy một “bức tranh toàn cảnh” về lối canh tác lạc hậu, độc hại, mang tính truyền thống của người nông dân.
Quá trình đi nhiều nơi, gia đình cũng canh tác cà phê, tiêu, anh Xã đã nếm trải hết tất cả những cung bậc cảm xúc của người nông dân, từ được mùa mất giá, canh tác hóa học độc hại… Đó là động lực để anh Xã tập hợp những người bạn, đều là trí thức, có cùng tâm huyết, thành lập HTX Bechamp. Ban đầu, HTX chỉ có 8 thành viên, với 24 triệu đồng vốn ban đầu. Nay là 40 thành viên, trong đó có 1 người là giáo sư, còn lại là tiến sĩ, chuyên gia, họ góp vốn vì cùng chung chí hướng, muốn tạo ra một giá trị nông nghiệp bền vững.
“Khi thành lập HTX, chúng tôi có mấy mục tiêu, đó là giúp người nông dân thay đổi cách canh tác truyền thống; mang đến cho người tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, chất lượng từ thiên nhiên, an toàn tuyệt đối cho sức khỏe; khởi tạo những mối quan hệ tích cực, lâu dài và tin tưởng giữa Bechamp với các đối tác và cộng đồng dựa trên sự ổn định, lợi ích và niềm tin; gia tăng lợi ích bền vững cho thành viên, tạo lập môi trường và cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng”, anh Xã nói.
Hiện nay, sau gần 4 năm thành lập, tổng diện tích đất của thành viên HTX Bechamp là hơn 120ha, trong đó có hơn 70ha cà phê. Còn lại là hồ tiêu, sầu riêng, bơ. Tất cả đều bắt buộc canh tác hữu cơ. Hiện nay, đã có 1/3 số hộ trồng cà phê đạt chuẩn hữu cơ, trong đó, 5 hộ đã có chứng nhận. Đối với cây hồ tiêu, hiện cũng có khoảng 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ.
Anh Xã kể, thời điểm mới thành lập HTX, anh chỉ là cố vấn sản xuất, vì vẫn đang là cán bộ của Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông. Nhưng công việc HTX, lại thêm việc cơ quan, một ngày anh làm việc 15 - 16 tiếng. “Đến hôm nay, mọi thứ của HTX mới gọi là tạm ổn, chưa có gì là thành công, nhưng như vậy đã là mừng lắm rồi. Vì để được như này, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt, thậm chí suýt mất cả hạnh phúc gia đình vì nó. Cây thì xấu đi, thu nhập giảm, chi phí lại tăng, đã không mang tiền về cho vợ thì thôi, lại còn lấy đi, nên mấy lần bả dọa gửi đơn ra tòa. May mắn là tôi quyết tâm, chịu khó học hỏi, lại có mối quan hệ bạn bè rất tốt, được giúp đỡ nhiều, nên cuối cùng, giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi. Đến bây giờ, HTX có cả một hội đồng khoa học, gồm 1 giáo sư, mấy tiến sĩ, chúng tôi cùng nghiên cứu, soạn ra một bộ nguyên lý vận hành quy trình hữu cơ cho người nông dân, tự nhân nuôi và đưa vào ứng dụng một số dòng vi sinh vật với chi phí rẻ, hiệu quả cao. Có thể khẳng định, canh tác hữu cơ vất vả hơn truyền thống, nhưng cây trồng tốt hơn, chi phí thấp hơn, đầu ra tốt hơn. Ví dụ, chỉ cần bốc điện thoại lên gọi, một lúc sau có người chở phân bón đến tận nơi, mình chỉ việc rải. Còn tự làm, không tốn bao nhiêu tiền, nhưng mất nhiều thời gian, vất vả hơn”.
“Với người nông dân, lý tưởng của họ nó đơn giản lắm. Dù anh có nói hay thế nào, mà mảnh vườn không đẹp bằng hóa học, thì cũng chỉ là “chém gió”. Cây không phát triển được, năng suất không có, thu nhập không tăng, không có tiền thì nói gì họ cũng không nghe. Vì thế, cái gì cũng phải thực tế. Và HTX đã chứng minh cho họ thấy, họ đang làm đúng”, anh Xã nói.
“Vì sao lại là Bechamp mà không phải một cái tên khác?”, tôi hỏi. “Đó là tên nhà khoa học chuyên ngành vi sinh vật Antoine Béchamp, người có nhiều đóng góp cho nông nghiệp hữu cơ thông qua nguyên lý đảo đường dựa trên nền tảng vi sinh vật để cân bằng hệ sinh thái, phân lập và nhân nuôi một số dòng lợi khuẩn. Ông Antoine Béchamp phát minh và kết luận đại ý: “Mầm mống của một số bệnh tật đối với con người và cây trồng là do hại khuẩn gây ra. Nhưng có vi sinh vật có hại thì chắc chắn cũng có vi sinh vật có lợi. Lợi khuẩn chiếm tỷ trọng trên 80% thì mới còn màu xanh của trái đất này, mới còn con người và vạn vật sinh sống. Nếu tiêu diệt hại khuẩn thì lợi khuẩn sẽ chết theo. Mà không còn lợi khuẩn đối kháng thì bệnh tật chắc chắn sẽ nhiều hơn, vì vậy cần phải: Cân bằng hệ sinh thái”. Chúng tôi trân trọng chọn Bechamp làm tên gọi của HTX và ứng dụng nguyên lý cân bằng hệ sinh thái để làm nguyên tắc sản xuất”.
Trò chuyện với anh, tôi thán phục bởi kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ như một chuyên gia, khát vọng về một nền nông nghiệp phát triển bền vững, về một ngày nào đó, sản phẩm cà phê của người nông dân Tây Nguyên sẽ “không thể thiếu” trên bản đồ nông sản thế giới. Dĩ nhiên, anh không nói suông, mà đã và đang bắt đầu hành động, bằng những kế hoạch, công việc cụ thể. Đó là những quan điểm, những triết lý độc đáo.
Nhờ có kiến thức khá sâu về canh tác nông nghiệp hữu cơ, ngay từ khi có ý tưởng thành lập HTX, anh Xã đã cùng các thành viên sáng lập soạn ra những trang tài liệu có giá trị thực tiễn. Đó là nguyên lý “cân bằng sinh thái” với 6 nguyên tắc vận hành, bao gồm: “2 nền tảng” - Sử dụng vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật; “2 không” - Không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học; “2 bắt buộc” - Người nông dân tự lập, nhân nuôi các dòng vi sinh vật có lợi để phục vụ sản xuất, sử dụng vi sinh vật để sản xuất ra thuốc trừ nấm, trừ sâu, dựa trên 4 yếu tố cay, nóng, đắng, lợi khuẩn để giải quyết sâu bệnh; “2 khuyến khích” - Khuyến khích người nông dân trồng cây đa tầng nhằm mục đích cân bằng hệ sinh thái, hạn chế phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất; “2 kiểm soát” - Kiểm soát chặt chẽ quá trình từ đầu vào, thu hoạch đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch; và nguyên tắc cuối cùng là “2 mục tiêu” - Giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất và, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều.
Anh Xã cho biết, sau một thời gian vận hành, đến nay, tất cả thành viên HTX đã quen và thuần thục các quy trình về phòng trừ sâu bệnh theo 4 yếu tố cay - đắng - nóng - lợi khuẩn bằng cách tự phân lập và nhân nuôi lợi khuẩn. Những loại lợi khuẩn khó tạo lập thì mua ngoài thị trường. Tự sản xuất phân hữu cơ dựa trên nguyên tắc tuần hoàn. Nếu cần bổ sung thêm thì mua các sản phẩm tốt, có nguồn gốc, nhưng phải thân thiện mới môi trường.
“Rẫy vườn tuy xa nhau, nhưng tấm lòng luôn gần nhau”, bởi vì chúng tôi tin rằng sự minh bạch và lòng trung thực là tiền đề để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và lâu dài. Chúng tôi có cùng suy nghĩ “phẩm giá của thành viên HTX không thể mua bằng tiền”, không thể lừa dối khách hàng để bán sản phẩm mang thương hiệu Bechamp mà có chất lượng không tốt”, anh Xã tâm sự.
Ông Lê Đình Hùng, thành viên HTX, một trong những hộ canh tác hồ tiêu đạt chuẩn hữu cơ nhiều năm qua, cho biết, lãnh đạo HTX tổ chức nhiều buổi tập huấn, dạy cho nông dân quy trình tự nhân nuôi vi sinh vật có lợi để sản xuất phân vi sinh, thuốc trừ sâu, trừ nấm sinh học. Đạm hữu cơ được ủ từ cá, đậu tương, kali được tích hợp từ quá trình ủ thân và quả chuối, trung vi lượng từ bí đỏ, lân được tích hợp từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc. “Áp dụng phương pháp này có thể giảm chi phí khoảng 10 triệu đồng/ha cây tiêu. Chỉ có điều, phải cần cù, chịu khó, hết lòng vì mảnh vườn của mình mới làm được. Chứ nếu lười thì không làm nổi”, ông Hùng chia sẻ.
“Thời điểm này, để kiếm lợi nhuận từ cà phê không khó. Tôi chỉ cần đầu tư một cơ sở nhỏ, một máy rang xay thô sơ, sau đó thu mua cà phê xô, giá rẻ về, cùng với nguyên liệu khác, phụ gia, hương liệu… rồi chế biến là có cà phê bột bán cho thị trường với giá bình dân. Nhưng tôi không làm thế. Vì mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là phải có những sản phẩm chất lượng thực sự, sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận”, anh Xã nói.
Để tạo sự khác biệt, HTX đi theo một giá trị mới. Đó là tạo ra dòng sản phẩm cà phê bằng phương pháp Honey và Natural chất lượng cao. Để thực hiện những phương pháp này không hề đơn giản. Từ khi bắt đầu trồng, đến thu hoạch, chế biến.
“Ban đầu, quá trình canh tác thì đương nhiên phải tuân thủ nghiêm quy trình hữu cơ rồi. Đến giai đoạn thu hoạch, phơi thôi đã phải qua rất nhiều khâu rồi. Cây phải đạt 85% trái chín mới hái. Vì phải trái cà phải già, phải chín thì mới thơm, ngọt. Sau khi hái xong phải rửa sạch, phơi qua cho khô, rồi đến công đoạn tách hạt xanh, chín. Cà phê qua hệ thống máy tách này sẽ tách hết những trái còn xanh, vỏ cứng riêng, chỉ còn lại trái chín. Khi có nguyên liệu tốt nhất rồi, thì các công đoạn sau như phơi lên men, sấy… đều vô cùng quan trọng, góp phần để ly cà phê ngon hay không”.
Nghe tâm sự của anh, tôi hiểu rằng, sự khác biệt giữa Bechamp và doanh nghiệp khác là muốn truyền tải đến người nông dân mọi thứ. Muốn làm tốt, chúng ta phải hiểu cây trồng, mỗi loại cây có đặc điểm sinh trưởng khác nhau, cần loại dinh dưỡng khác nhau và cách chăm sóc cũng khác nhau. Đây chính là những thứ mà Bechamp muốn truyền tải đến người nông dân.
“Những kiến thức này nhà khoa học họ nắm được, nhưng họ có tiếp cận và dạy cho người nông dân được đâu? Còn doanh nghiệp, họ cũng nắm được, nhưng họ chỉ in công thức pha chế, hướng dẫn 1 lít, 1kg pha với bao nhiêu, tưới cho diện tích bao nhiêu, chứ nói chi tiết, làm sao họ bán được nhiều sản phẩm? Còn Bechamp thì khác, chúng tôi có trách nhiệm dạy cho người nông dân về nguyên lý cây trồng: Cây nó cần những gì? Dùng những phương pháp nào? Dùng bao nhiêu, thời điểm nào? Hay dạy người nông dân cách xây dựng một “đội quân” vi sinh có lợi hùng mạnh trước khi thả ra đất, để chúng tiêu diệt nấm, khuẩn có hại. Nói cách khác, chúng tôi chỉ cho người nông dân cách làm ít nhất, chi phí thấp nhất, nhưng hiệu quả thì phải cao nhất. Chứ mình cũng kiếm lợi nhuận trên mồ hôi, công sức của người nông dân thì ai theo mình?
Chúng tôi có trách nhiệm nói cho người nông dân biết, thế nào là “đất giàu sự sống”. Nói nôm na là bổ sung cho đất các lợi khuẩn, để chúng tiêu diệt hại khuẩn có trong đất. Ví dụ, nếu chỉ dùng các chế phẩm sinh học, thì trong đất sẽ có nhiều giun, mà nấm, vi khuẩn có hại trong đất lại là thức ăn của giun, giun sau khi ăn nấm, thải ra chất thải mà ta vẫn thấy giống như đất, thực chất là phân giun. Và đây chính là một trong những thứ làm giàu cho đất, giúp đất khỏe hơn, tức là giàu sự sống. Theo khảo sát, nếu đất khỏe, tức không có yếu tố hóa học, là môi trường thuận lợi nhất cho côn trùng, giun sinh sống, thì cứ 1m2 đất có từ 50 - 100 con giun, đây là nguồn sản xuất phân hữu cơ cực lớn”.
Bechamp đã và đang sản xuất các chế phẩm sinh học để cùng sử dụng với người nông dân. Trong đó, thuốc trừ sâu sinh học do Bechamp sản xuất là một dòng vi khuẩn, cũng sản phẩm này, ngoài thị trường phải mua với giá 280 ngàn đồng, còn ở Bechamp, các thành viên chỉ phải trả 100 ngàn đồng cho 1 túi cùng trọng lượng.
Ông Lê Đình Hùng nói thêm, nguyên tắc của HTX là hỗ trợ nông dân, đầu vào mua chung, tức là các sản phẩm phục vụ cho sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu chẳng hạn, đều cùng 1 nơi, 1 giá. Ngược lại, sản phẩm của các thành viên được HTX thu mua lại với giá cao hơn thị trường. Ví dụ như cà phê, được mua giá cao hơn thị trường từ 10 - 20 ngàn đồng/kg.