Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người được giao những quyền lực nhất định, nhưng phải sử dụng quyền lực có văn hóa. Trong xử lý công việc phải có lý, có tình, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam như vậy về văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý. Ông nêu những vấn đề này với nhiều trăn trở, băn khoăn. Theo ông, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị còn mất dân chủ, thiếu gương mẫu; một số cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu ý thức vì nhiệm vụ chung.
Cách đây 5 năm tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ, ông Hoàng Trung Dũng lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tới dự và tặng hoa chúc mừng Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Năm nay, trước thềm kỷ niệm 25 năm, chúng tôi vinh dự được đối thoại cùng ông những việc mà Hà Tĩnh đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đã chuẩn bị kỹ nội dung cho cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhưng rồi khi gặp ông, chúng tôi đã không thực hiện như một cuộc phỏng vấn thông thường.
Ngay từ đầu tôi hỏi ông, để phát triển và tiến tới thịnh vượng bền lâu, cái cần cho Hà Tĩnh là một tầm nhìn. Với tầm nhìn được xây dựng dựa trên ước vọng của người dân và những ưu thế của mảnh đất và con người nơi đây. Ông nghĩ sao về điều này? Trầm ngâm một lúc, ông Hoàng Trung Dũng mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về vấn đề văn hóa và con người Hà Tĩnh.
Ông nói, về tầm nhìn, cần phải có đúc kết, cần soát xét kỹ lưỡng những việc đã qua để đề ra những cái mới phù hợp với thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Hà Tĩnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi tự hào về truyền thống lịch sử, về vùng đất văn hóa, con người quê hương nhưng không có nghĩa những yếu kém của mình không thẳng thắn nhận ra. Tôi luôn tâm niệm, bí quyết của sự thành công phải luôn dám nhìn nhận những mặt hạn chế, đề ra đường hướng phát triển dài hạn, rõ nét, đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Tôi đồng tình với cách truyền tải ấy của Bí thư Hoàng Trung Dũng nên khi đặt ra vấn đề văn hóa và con người Hà Tĩnh, nhất là những tồn tại, hạn chế trong dòng chảy thời gian, ông Dũng đã không ngần ngại chia sẻ.
Thưa ông, người Hà Tĩnh yêu quê hương, đất nước nồng nàn, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, khắc phục, chế ngự thiên nhiên; hiếu học; chịu thương, chịu khó, sống cương trực, chân tình; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng… Thế đâu là tồn tại, hạn chế?
Nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về văn hóa, con người Hà Tĩnh đã nhận xét: Người Hà Tĩnh thẳng thắn, cương trực nhưng đôi lúc vụng về, thô ráp, âm giọng nặng nên thường gây ồn ào nơi công cộng và thiếu mềm mỏng trong giao tiếp.
Tính cố kết cộng đồng có lúc trở thành cục bộ, địa phương; không ít người tự cao, tự đại về vùng đất văn hiến, giàu truyền thống dẫn tới bảo thủ. Tư tưởng tiểu nông, sản xuất manh mún đôi khi dẫn đến thiếu tính kỷ luật trong lao động công nghiệp.
Tôi hết sức trăn trở về văn hóa ứng xử, mối quan hệ thiêng liêng, tốt đẹp của con người trong gia đình, nhà trường, xã hội đang bị chủ nghĩa thực dụng, tâm lý ích kỷ làm suy yếu. Lòng hiếu thảo với cha mẹ, đạo nghĩa vợ chồng, sự tôn kính trong quan hệ thầy - trò và mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, bè bạn... đang bị yếu tố vật chất chi phối. Tình làng, nghĩa xóm một số nơi bị rạn nứt, có nơi xảy ra mâu thuẫn nội bộ.
Văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý còn nhiều vấn đề. Môi trường làm việc ở một số cơ quan, đơn vị chưa tạo điều kiện để cán bộ chuyên tâm cống hiến. Một số cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu ý thức vì nhiệm vụ chung; im lặng trước cái sai, cái xấu; không dám bảo vệ cái tốt, cái thiện...
Điều trăn trở, một số cán bộ, công chức, viên chức ứng xử với người dân chưa đúng mực; làm việc vô cảm, thiếu tính phối hợp với đồng chí, đồng nghiệp. Một số cán bộ thiếu khiêm tốn, không nhận ra những mặt hạn chế của cá nhân, luôn cho rằng đáng ra mình phải được tổ chức quan tâm, ưu ái hơn, bố trí các chức vụ cao hơn, nhưng thực tế năng lực, uy tín không đáp ứng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ…, văn hóa phải làm cho mỗi người Việt Nam… hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình”.
Thấm nhuần những lời căn dặn của Bác Hồ, mỗi người dân Hà Tĩnh, trước hết cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn rèn giũa bản thân để xây đắp cho mình nhân cách, lối sống đẹp, nhân văn, luôn nêu cao trách nhiệm với xã hội; đề cao dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật.
Quan tâm xây dựng văn hóa trong trường học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ý thức trách nhiệm, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Xây dựng hình mẫu người giáo viên tận tâm, hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu, thực sự là tấm gương mẫu mực, sáng tạo để học sinh noi theo.
Các cấp, ngành phải đặc biệt chú trọng tới các thiết chế văn hóa, tạo môi trường cho công dân có nơi sinh hoạt, hưởng thụ lành mạnh. Các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường văn hóa công sở; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, thực dụng, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.
Phải hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm phục vụ nhân dân, trăn trở với chuyên môn, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Luôn đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Sự tử tế, mực thước của người lãnh đạo, quản lý có sức cảm hóa, lan tỏa rất lớn. Do đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải luôn thể hiện rõ văn hóa trong công việc thường ngày; biết nhận sai và sửa sai; biết bàn thảo kỹ lưỡng mọi công việc, phát huy trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm trước mọi công việc; làm việc phải thực chất, tạo sản phẩm thiết thực, tránh xa căn bệnh hình thức.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người được giao những quyền lực nhất định, nhưng phải sử dụng quyền lực có văn hóa, đặt trong tổng thể lợi ích chung; trong các mối quan hệ phải ứng xử có lý, có tình, không xu nịnh cấp trên, không coi thường cấp dưới, không trù dập người có chính kiến. Phải giữ vững nguyên tắc, quyết đoán, biết làm chủ bản thân và kiểm soát cảm xúc, hành vi, biết lắng nghe.
Người cán bộ có văn hóa là khi thấy cấp trên, thấy đồng nghiệp của mình có khuyết điểm, ứng xử chưa đúng mực phải góp ý chân thành, xây dựng, tránh cổ xúy, a dua. Tôi đọc được ở đâu đó câu danh ngôn rất ý nghĩa “Thế giới phải chịu đau khổ nhiều không phải vì tính bạo lực của những người xấu mà vì sự im lặng của những người tốt”.
Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã tìm ra được hướng phát triển ngày càng rõ. Tuy nhiên, đúng như ông nhận định so với các tỉnh trong khu vực, Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn. Vậy đâu là tiềm năng của Hà Tĩnh để khơi dậy lợi thế phát triển?
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phát huy giá trị văn hóa, khát vọng con người Hà Tĩnh. Khái niệm con người Hà Tĩnh không chỉ 1,3 triệu dân đang sinh sống tại quê hương, mà còn là những người con Hà Tĩnh ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Điều này đã minh chứng rất rõ, trong thiên tai, bão lũ và đại dịch Covid-19 vừa qua, những người con quê hương Hà Tĩnh đã có sự chung tay, góp sức rất lớn cho quê hương.
Hà Tĩnh đã đề ra những cách làm để đảm bảo sức khỏe, bình yên cho nhân dân, các đối tượng khó khăn được chia sẻ, truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh được phát huy. Chủ động tổ chức đón con em lao động, học tập ở các tỉnh phía nam đã giúp các công dân về quê tránh dịch an toàn. Có những thai phụ tâm sự, cuộc đời họ chưa bao giờ được đi máy bay mà trong bối cảnh khó khăn, họ không biết bấu víu vào đâu thì được tỉnh đưa về quê bằng máy bay sinh nở mẹ tròn con vuông. Làm được việc này ngoài trách nhiệm của tỉnh có sự hỗ trợ rất lớn của Hội đồng hương các tỉnh phía Nam.
Chúng tôi ý thức rõ, để Hà Tĩnh phát triển, ngoài khai thác các giá trị văn hóa, con người, phải khai thác tối đa những lợi thế sẵn có của địa phương, nhất là lợi thế của Khu Kinh tế Vũng Áng, cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển lâu nay chưa được khai thác hiệu quả. Nếu tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp gắn với biển và khai thác tối đa hiệu quả của các khu kinh tế chắc chắn Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển hơn.
Tỉnh đang phấn đấu năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới. Nội dung này đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.
Để khai thác thật tốt những lợi thế về nông nghiệp, trong thời gian gần đây, Hà Tĩnh đã tập trung cao để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chú trọng khâu chế biến nông sản, tạo nhiều sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu.
Đã có người đưa ra ý kiến rằng, chúng ta có một số yếu tố làm cho chúng ta không khá lên được. Chúng ta mất nhiều thì giờ để ngưỡng mộ quá khứ, không đầu tư thỏa đáng cho tương lai, do đó chúng ta chậm. Vì chúng ta sĩ diện, nặng các tiêu chuẩn hình thức. Cho nên đôi khi chúng ta mải mê chạy theo cái bóng mà quên mất con mồi.
Xin hỏi ông, Hà Tĩnh đã từng lỡ nhịp trong đón những làn sóng đầu tư lớn và đã bị chảy máu chất xám? Có bao giờ ông tự đặt câu hỏi, vùng đất học, có nhiều người đỗ đạt như thế, nhưng số người về quê lập nghiệp rất ít. Có phải vì “chúng ta sợ nhau” hay không? Hà Tĩnh sẽ làm gì để chứng minh là vùng đất có thể “chơi với nhau được” để thu hút đầu tư, thu hút nhân tài ngày càng lớn?
Tôi xin khẳng định, Hà Tĩnh luôn đồng hành với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy sức mạnh trong nhân dân để từng bước làm cho Hà Tĩnh “nổi bật lên” như mong muốn sinh thời của Bác Hồ.
Như ngay từ đầu, tôi đã nói về những hạn chế của con người Hà Tĩnh. Nhiều người hay nhắc đến trí thông minh, sáng tạo của con người Hà Tĩnh, tôi chỉ xin đề cập đến phẩm chất hiếu học, chịu thương, chịu khó của con người Hà Tĩnh, nhưng không nên quá tự tin về truyền thống của mình, mà lại bỏ quên mình cần phải làm gì trong tương lai. Có không ít người đi đâu cũng tự hào về gia đình, dòng họ, quê hương nhưng lại không thẳng thắn nhìn nhận hiện tại mình như thế nào và sắp tới phải làm gì.
Liên quan đến bỏ lỡ cơ hội đầu tư như một số nhận xét, cá nhân tôi nhận thấy chưa thật xác đáng. Nếu không biết nắm bắt thời cơ, vận hội, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước thì nay Hà Tĩnh không có những khu kinh tế phát triển, chắc chắn thu ngân sách sẽ thuộc tốp cuối.
Tôi nghĩ, thời điểm hiện nay với những thuận lợi trong phát triển chung của cả nước, nhất là sắp tới sẽ có đường cao tốc Bắc - Nam, các khu công nghiệp đã có bước phát triển, các nhà đầu tư cần nhìn thấy những tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh, các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ để tiếp tục đầu tư.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững nhằm thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cho rằng, những điều đó nếu đoàn kết thực chất và quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì chắc chắn Hà Tĩnh sẽ có bước phát triển mới. Là người đứng đầu tỉnh, ông có suy nghĩ gì về lời căn dặn của Bác Hồ “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên” và mong muốn đó của Thủ tướng?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nhiều điều, trong đó nhiều lần Người nhắc đến phát huy tinh thần đoàn kết.
Có người cho rằng hệ thống chính trị, cán bộ, người dân Hà Tĩnh có thời điểm chưa thực sự tạo được thống nhất cao. Chúng tôi luôn ý thức được điều đó. Những lời căn dặn của Bác cũng như mong muốn của các lãnh đạo cấp cao là “kim chỉ nam” để Hà Tĩnh soi xét tổng thể, phát huy tinh thần đoàn kết, chung tiếng nói. Trong lãnh đạo, chỉ đạo chúng tôi hết sức chú trọng đến phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.
Tất nhiên trong vận hành chung cũng có lúc, có việc còn có ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng, thế hệ cán bộ lãnh đạo hiện nay đều cùng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của tỉnh nhà. Rõ ràng có “đoàn kết thực chất” như nhấn mạnh của nhà báo thì mọi việc sẽ thành công. Cấp trên có đoàn kết thì mới làm gương được cho cơ sở, làm gương được cho cán bộ, đảng viên; người đứng đầu các cấp có gương mẫu giữ vững đoàn kết, thống nhất mới tạo được sức lan tỏa cho hệ thống chính trị.
Trong quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâu nay luôn khuyến khích cán bộ nói thẳng, nói thật, nói những điều mình suy nghĩ vì nhiệm vụ chung. Đặc biệt rất khuyến khích cán bộ phản biện. Trong quá trình vận hành chắc chắn có điều tốt, chưa tốt. Nếu cán bộ, người dân không lên tiếng đầy trách nhiệm, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh chê bai mà không góp ý thì hệ thống chính trị cũng như cán bộ sẽ không thấy được mặt hạn chế để khắc phục.
Cá nhân tôi luôn cầu thị, lắng nghe, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, với đồng chí, đồng nghiệp, luôn hướng tới người dân, luôn lấy người dân là chủ thể, theo đó mong muốn người dân nói tiếng nói của mình với ý thức xây dựng cao, để nhân được điều tốt đẹp, dẹp bỏ cái xấu, khơi dậy ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, bao dung trong mỗi con người của vùng đất được đánh giá là “địa linh nhân kiệt”.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!
Báo chí luôn đồng hành với Hà Tĩnh
Hà Tĩnh luôn nhận được sự đồng hành của các cơ quan truyền thông. Với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao về sự ủng hộ, đồng hành với tỉnh. Báo đã luôn cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Những vấn đề đặt ra của tỉnh dư luận quan tâm, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh để các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý.
Tôi nhớ năm ngoái trang trại chăn nuôi lợn Khánh Giang ở Đức Thọ xả thải ra môi trường. Sau 2 bài viết của báo, dư luận rất quan tâm, Thường trực Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành đi kiểm tra và đã có những chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Vụ việc được giải quyết thấu đáo, người dân đồng tình và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của tỉnh. Tôi nhận thấy phản ánh kịp thời của Báo Nông nghiệp Việt Nam rất thiết thực và trách nhiệm.