Hạn hán và giải pháp cho vùng khô hạn nhất cả nước

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (NTB) từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận có diện tích tự nhiên hơn 40.000 km2 (tương đương khoảng 12,5 % diện tích cả nước).

Dọc theo đới bờ biển có trên 250.000 ha là cồn cát, bãi cát trắng - đỏ – vàng, chiếm gần 6% diện tích đất tự nhiên của cả nước. Nhiều nơi, cát di động làm lấp ruộng vườn và các công trình dân sinh. Bên cạnh vùng đất cát là hàng chục ngàn ha đất mặn, đất phèn luôn mở rộng do hạn hán, triều cường. Chưa kể, trên vùng đồi xuất hiện đất bạc màu chiếm trên 65.000 ha, đất xói mòn trơ đá chiếm trên 41.000 ha.

Khác với các loại thiên tai khác (như bão lụt, sóng thần...) hạn hán xẩy ra một cách từ từ và rất khó xác định thời điểm bắt đầu của đợt hạn, nhưng đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế - xã hội và môi trường. Hạn hán cũng là nguyên nhân chính gây thoái hóa đất và sa mạc hóa. Hiện nay thế giới đang phải đối mặt với nạn sa mạc hóa diễn ra với tốc độ dáng báo động.

Theo Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong hàng chục năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ luôn bị hạn. Trong đó, vùng khô hạn thường xuyên tại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa chỉ đạt 500-700 mm, khí hậu nắng nóng đã tạo thành vùng đất bán sa mạc, vùng cát khô hạn với những tráng cây bụi thưa có gai rất khó phát triển sản xuất.

Về nguyên nhân, vùng Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa có nền nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm, bức xạ cao. Trong vùng có nhiều dãy núi cao, chạy nhô ra sát biển nên chia cắt dải đồng bằng ven biển thành những ô ngăn cách hẳn với nhau, đặc điểm này đã tác động đến sự phân hỏa khí hậu, hình thành các vùng tiểu khí hậu, nhiều khu vực mưa lớn nhưng nhiều khu vực lại rất khô hạn.

Theo các nghiên cứu trước đây, lượng bốc hơi trong khu vực từ 800 đến 1.000 mm. Như tại Ninh Thuận, lượng bốc hơi 1.600 mm trong khi đó lượng mưa trung bình chỉ đạt giá trị 700 mm.

Trong khi đó, địa hình của vùng tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông với dạng địa hình núi, đồi, đồng bằng ven biển và biển. Phía Đông là các dải đồng bằng ven biển rất hẹp, tiếp sau đó là khu vực đồi thấp và cuối cùng bị chặn bởi sườn đông của dãy Trường Sơn.

Trong đó địa hình núi cao từ 500 - 2.000 m ở phía tây, độ dốc trên 25° chiếm khoảng 62 % diện tích toàn vùng, làm cho khả năng tích nước kém, do đó tình trạng thiếu nước và hạn hán rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, về thổ nhưỡng và lớp phủ thực vật thì hiện nay trên những cồn cát, bãi biển ở khu vực Nam Trung Bộ thảm thực vật rất thưa thớt. Ở những dải cát ven bờ mới có rừng phi lao nhân tạo để chắn gió, chống cát bay. Trong các cánh đồng phù sa, thảm thực vật chủ yếu là cây trồng lúa, hoa mẫu, dừa, mía, thuốc lá...

Ở vùng gò, đồi có nhiều diện tích trồng chè, cao su, hồ tiêu, song nhiều nơi còn bỏ hoang chỉ có trang cây bụi. Các sườn núi trước kia là rừng rậm nhưng bị chặt phá để trồng cây lương thực và trồng cây công nghiệp cộng với việc khai thác gỗ không hợp lý đã làm cho diện tích rừng giảm dần, làm mất cân bằng tự nhiên.

Thời gian gần đây, tuy diện tích rừng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh, khả năng trữ nước và điều tiết nước trong lưu vực kém, khiến cho đất đai bị xói mòn mạnh  đó cũng là nguyên nhân gây suy kiệt nguồn nước mặt cũng như nước ngầm, làm gia tăng sự bồi lấp các lòng sông ở hạ du.

Với những dòng sông ở khu vực này, đặc điểm chung là ngắn, trung bình đạt 0,9-1,0 km/km2, có hướng chung từ Tây sang Đông và đoạn sông ở thượng nguồn dốc mạnh.

Trong năm, mùa lũ chỉ dài 3-4 tháng nhưng lượng dòng chảy chiếm 75-80% lượng dòng chảy năm gây nên tình trạng ngập úng, lũ quét trên bề mặt lưu vực.

Còn mùa kiệt kéo dài 8 – 9 tháng và lượng dòng chảy chỉ chiếm 20-25% lượng dòng chảy năm gây nên xảy ra tình trạng dòng sông bị cạn, độ ẩm trong đất giảm.

Do đặc điểm địa hình, sông suối ngắn dốc nên khả năng giữ nước của sông suối ở Nam Trung Bộ kém. Tuy lưu lượng trên các sông không quá nhỏ, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cộng với sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh, nhu cầu dùng nước tăng, nên các hồ chứa trong khu vực hầu hết khan hiếm nước vào mùa khô.

Theo tính toán của các nhà địa chất thủy văn, dòng ngầm của các hệ thống sông chính ở vùng nghiên cứu khá lớn. Tuy nhiên, do lưu vực có độ dốc lớn, nên mặc dù trữ lượng nước ngầm trung bình cả năm lớn nhưng bị thoát rất nhanh ra sông và biển, gây cho mùa khô trong vùng thường xuyên xảy ra hiện tượng khan hiếm nước.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước mặt còn nhiều lãng phí, quản lý vận hành khai thác công trình thủy lợi vừa, nhỏ và các công trình tạm còn bị hạn chế dẫn đến tổn thất nước nhiều, những vùng cuối kênh, vùng cao, vùng xa không có nước tưới. Các công trình thủy lợi hoạt động kém hiệu quả so với thiết kế.

Tóm lại, việc phân bố dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng phát triển bền vững chưa được chú trọng, làm giảm khả năng phòng chống hạn hán, gây hậu quả xấu tới môi trường sống của cộng đồng, làm suy thoái các nguồn tài nguyên (như đất, nước...). Cùng với tác động của các yếu tố tự nhiên, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng tình trạng hạn hán ở Nam Trung Bộ.

Theo các chuyên gia tổ chức khí tượng thế giới (WMO), năm 2015 - 2016, Việt Nam nói chung và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng chịu tác động trực tiếp của hiện tượng Elnino, đây là một trong những đợt Elnino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử.

Elnino làm cho nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài, với số ngày nắng nóng cao hơn rất nhiều so với nhiều năm cùng kỳ. Kéo theo đó là mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, cộng với lượng mưa ít gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong năm 2015 và kéo dài qua năm 2016.

Theo số liệu thống kê từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ lượng mưa các tỉnh trong năm 2015 chỉ dao động từ 800 - 1.500 mm, riêng vùng núi có nơi đạt từ 1.800 - 2.000 mm; lượng mưa năm 2015 ở hầu hết các nơi trong khu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 200 - 500 mm, có nơi thiếu hụt từ 800 - 1.000 mm như khu vực An Lão, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên; khu vực Tánh Linh tỉnh Bình Thuận.

Nắng nóng xuất hiện từ đầu năm 2015 ở vùng núi Sơn Hòa - Phú Yên. Từ tháng 5 đến tháng 9 nắng nóng phát triển mở rộng ở hầu hết các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, tháng 10 vẫn còn xảy ra vài nơi ở 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận. Nắng nóng dẫn đến lượng bốc hơi cao hơn nhiều năm cùng kỳ từ 170 - 360 mm.

Kéo theo đó là mực nước trung bình trong năm 2015 trên các sông suối đều ở mức thấp hơn nhiều năm cùng kỳ; mực nước trung bình năm 2015 trên các sông thấp hơn năm 2014 từ 0,08 - 0,38 m và thấp hơn nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 - 1,00 m.

Đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30 % so với trung bình nhiều năm, nhiều nơi không có mưa như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa gây khô hạn nặng. Do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nên diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 phải giảm hơn 20.000 ha.

Ngay sau đó, vào khoảng tháng 4/2016, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện của khu vực Nam Trung Bộ có dung tích trữ thấp, không đủ đáp ứng cho cây trồng vụ Hè Thu. Tại tỉnh Phú Yên, chỉ 10/22 hồ đủ khả năng đáp ứng đủ cho vụ Hè Thu, các hồ còn lại chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu dùng nước.

Tại Khánh Hòa có 8/19 hồ chứa chỉ đáp ứng tưới một phần nhu cầu, đặc biệt là các hồ Suối Lớn, Suối Luồng (đáp ứng được 20 - 30%), Láng Nhớt, Đá Bàn (đáp ứng được 40 - 50%), tổng diện tích dừng sản xuất khoảng gần 10.000 ha.

Tại Ninh Thuận các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ đạt 30 - 35%, đầu vụ Hè Thu dung tích trữ còn lại khoảng 25%, vụ Hè Thu chỉ có 4/21 hồ đáp ứng đủ tưới, 7/21 hồ đáp ứng được 1 phần nhu cầu và 10/21 hồ không có khả năng phục vụ sản xuất.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, một số hồ sẽ không đủ khả năng cung cấp tưới trong vụ Hè Thu; diện tích phải dừng sản xuất khả năng cao hơn, khoảng gần 20.000 ha.

Gần đây hơn, năm 2020, các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hạn hán chưa từng có, trên 46.000 ha cây trồng phải bỏ vụ để ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê, những tháng mùa khô năm 2020, các tỉnh Nam Trung bộ lượng mưa rất thấp; đặc biệt khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận 4 tháng đầu mùa khô không có mưa, tổng lượng mưa khu vực Nam Trung bộ thấp hơn TBNN từ 20-40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40-70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng. Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã phải công bố cấp độ rủi ro hạn hán cấp độ 2-3.

Tính đến ngày 23/5/2020, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận hầu hết xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy, lượng nước trong các hồ chỉ còn 23,94/194,49 triệu m3 (12,31%). 17 hồ của tỉnh Bình Thuận, dung tích chỉ còn 11,16/259,38 triệu m3 (4,3%).

28 hồ thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa với dung tích 210 triệu m3 cũng chỉ còn hơn 50% dung tích. Nước cho sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều nơi người dân phải mua với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/m3.

Đứng trước tình hình hạn hán nghiêm trọng thời điểm đó, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Nam Trung bộ đã chủ động bám sát tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó với hạn hán, thiếu nước.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận phải dừng 16.831 ha diện tích cây trồng, tỉnh Bình Thuận 15.000 ha, tỉnh Khánh Hòa khoanh vùng, bỏ vụ 14.200 ha để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho 51.177 hộ, với 197.728 nhân khẩu và phục vụ chăn nuôi.

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, hạn hán ở Nam Trung bộ vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới; đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước cho các tỉnh Nam Trung bộ, bảo đảm an ninh nguồn nước, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác tới các địa phương để làm việc về công tác ứng phó với hạn hán, đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của của các địa phương, bảo đảm ổn định sản xuất và an sinh xã hội.

Một số giải pháp phi công trình là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tính toán chuyển đổi hợp lý cây trồng để thích ứng với điều kiện và khả năng nguồn nước của từng địa phương. Bên cạnh đó, phát triển, quản lý có hiệu quả rừng; tăng diện tích che phủ đặc biệt là rừng đầu nguồn, góp phần giữ nước, hạn chế sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.

Cụ thể, trước tình hình hạn hán xảy ra gay gắt trong địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ, theo Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, các địa phương cần quán triệt các nội dung, nhiệm vụ đã được quy định "Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050" ban hành theo quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó chủ động phòng tránh, thích nghi về thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng chống bão lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo đó, tập trung các giải pháp: Nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm để chủ động ứng phó, nhất là đến kỳ bão, mưa, lũ, ngập lụt, hạn hán. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù thiên tai, nhất là khu vực thường xuyên ngập lụt, hạn hán. Cũng theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bên cạnh đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp, cần chú trọng công tác truyền thông tin đến cán bộ, người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó. Cần có những biện pháp về chọn giống cây trồng và phương pháp canh tác phù hợp.

Đối với những chân ruộng cao ven sông suối không đủ nước sản xuất lúa, nếu có khả năng bơm tưới bổ sung, vận động nhân dân chuyển sang trồng bắp, dậu xanh.

Có thể sử dụng các biện pháp giữ ẩm cho đất như: che phủ đất bằng rơm rạ, có khô đối với cây trống lâu năm (cà phê, chè, cây ăn qua...) có tác dụng chống hạn và bổ sung lượng mùn làm xốp đất, tốt cây,... hoặc đưa vào đất các chất giữ ẩm mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ rừng, bảo vệ chất lượng nước. Cụ thể là cần khoanh giữ các khu rừng tự nhiên, tái tạo rừng đầu nguồn đạt mức độ che phủ nhất định, đảm bảo điều hòa dòng chảy tự nhiên, lãng lượng nước trong sông suối vào mùa kiệt và giảm dòng chấy trong mùa lũ.

Theo tỷ lệ che phủ hiện nay, cần tăng cường trồng thêm một số diện tích rừng phòng hộ tăng cường khả năng điều tiết dòng chảy. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc xử lý nước thải và quản lý chất lượng nước thải xả vào nguồn nước.

Về các giải pháp công trình, trước tiên cần hoàn thiện, tăng cường hệ thống thủy lợi nhất là các kênh chuyển nước, kênh nội đồng và tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm.

Một giải pháp quan trọng nữa là kết nối liên hồ, liên lưu vực như giữa hồ Tân Mỹ tỉnh Ninh Thuận với các hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, hồ Sông sắt và chuyển nước qua khu vực phía Nam TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; giữa hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chuyển nước từ hồ Sông Chò 1 tới các hồ chứa nước Cam Ranh, hồ chứa nước Suối Dầu tỉnh Khánh Hòa; hệ thống kênh chuyển nước liên huyện phía Nam tỉnh Bình Thuận, từ Đập dâng Tà Pao về hồ Biển Lạc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi.

Theo đó, để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí hậu, việc xây các công trình thủy lợi nối mạng liên thông giữa các hồ chứa nhằm chuyển nước giữa các lưu vực để tận dụng nguồn nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô là việc là hết sức cần thiết.

“Việc triển khai nối mạng liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh Thuận cũng khá thuận lợi, do các công trình thủy lợi lớn nằm ở thượng nguồn và các hồ có khoảng cách gần nhau, sau khi hoàn thành sẽ giải được bài toán khô hạn trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Chuyên ngành, thuộc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, hiện nay dự án thủy lợi Tân Mỹ đã hoàn thành từng phần và bàn giao từng hạng mục cho địa phương.

Để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, hiện nay Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống kênh bằng đường ống thép với chiều dài 15km, trong đó đoạn 12km để đưa nước về hồ Sông Trâu và 3km đưa nước về hồ Bà Râu nhằm giải quyết tiếp nước cho vùng tưới cũng như khả năng tiếp nước vào cho 2 hồ này trong thời điểm khô hạn.

“Bài toán tiếp theo của dự án Tân Mỹ là đưa nước về hồ Ông Kinh, đây là vùng giáp biển. Hồ Ông Kinh có dung tích 0,83 triệu m3, phục vụ tưới khoảng 108ha cây màu nhưng do lưu vực hồ chứa rất ít mưa nên nguồn nước đến của hồ thấp hơn rất nhiều so với thiết kế, một số năm vào mùa mưa hồ cũng không tích được đầy nước, thường đến khoảng tháng 2 năm sau hồ đã bắt đầu cạn nước, do vậy tình trạng thiếu nước trong mùa khô hầu như năm nào cũng xảy ra và đây cũng là vùng khô hạn nhất tỉnh Ninh Thuận”, ông Nguyễn Văn Bính chia sẻ.

Dự kiến, đến 2025 việc kết nối liên thông giữa hồ Tân Mỹ với các hồ chứa khác hoàn thành sẽ cơ bản đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như các nhu cầu sử dụng nước khác, tình trạng khô hạn cơ bản được giải quyết, đặc bệt là các địa phương ven biển huyện Thuận Bắc và Ninh Hải.

Tùng Đinh - Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh - Hoàng Anh
Hoàng Anh