Hành trình 5 sao của sợi miến dong riềng đỏ đặc sản Bắc Kạn

Miến dong Tài Hoan là sản phẩm của Hợp tác xã Tài Hoan (HTX), có địa chỉ tại thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn. Sản phẩm miến dong của HTX là sản phẩm truyền thống được làm từ năm 1965, được sản xuất thủ công với quy mô nhỏ lẻ và sản lượng khiêm tốn.

Đến năm 2018, HTX Tài Hoan được thành lập với 14 thành viên, với mục tiêu nâng tầm chất lượng miến dong và mở rộng thị trường. Năm 2019 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đến năm 2021, sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Bắc Kạn đến thời điểm này.

Na Rì đầy rẫy các dãy núi đá vôi, cao cỡ 700 – 800 m, nhấp nhô, trùng điệp ít chỗ bằng phẳng. Cả huyện có khoảng 40.000 người, gồm nhiều dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao… người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ nông, lâm nghiệp.

Trong đó, dong riềng đỏ là giống cây đặc hữu của Bắc Kạn nói chung và Na Rì nói riêng, thường được trồng rải rác trên các sườn đồi, soi bãi để làm nguyên liệu cho miến dong tráng tay. Như bao người dân khác ở đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan đã làm miến dong từ năm 1965, khi đó mới chỉ là đồ ăn chống đói.

Gắn bó với miến dong từ sớm, cho đến khi có nhận thức rõ ràng, giám đốc của HTX 16 thành viên xác định sẽ theo đuổi và làm giàu trên quê hương bằng chính nghề truyền thống của cha ông.

Năm 1991, lập gia đình, hai vợ chồng chị Hoan bắt đầu tìm cách tự trồng dong riềng để chủ động nguồn nguyên liệu. “Chị đã làm là làm lớn luôn, thời điểm đó nhà chị trồng khoảng 1 ha dong riềng trên mấy sườn đồi của xã Côn Minh”, bà chủ sản phẩm miến dong Tài Hoan nhớ lại.

Thời điểm đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất chị Hoan đã phải thuê 3 - 4 nhân công, vừa giúp việc nhà, vừa làm dong riềng. Thậm chí lúc cao điểm khi cào bãi hay thu hoạch trong nhà có đến chục nhân công.

Ban đầu hai vợ chồng xác định tập trung làm bột dong, bán cho các cơ sở sản xuất miến trong vùng là chính vì nhanh thu hồi vốn, đỡ phải đầu tư đồ đạc làm miến. Dần dần độ 3 - 4 năm sau, khi đã có ít vốn dắt lưng thì chị Hoan mới sắm sửa các dụng cụ tráng miến, nhưng vẫn là làm thủ công, năng suất mỗi ngày loanh quanh 30 – 50 kg miến là nhiều.

Làm ra sợi miến ngon rồi vẫn chưa đủ, trong kinh doanh điều quan trọng nhất vẫn là bán được hàng. Khi cả làng cả xã cùng làm thì chẳng có cách nào khác là phải đi xa hơn, biết vậy nên chị Hoan cứ một mình với cái xe máy, mò mẫm đủ nơi tìm mối tiêu thụ.

“Ban đầu chỉ dám đi đến Thành phố Bắc Cạn là thấy xa lắm rồi. Cứ cầm gói miến lân la đi chào hàng thế thôi, có người thì thông cảm họ còn nghe mình nói, có người họ chẳng thèm tiếp. Nhưng vẫn phải kiên trì thôi”, người đứng đầu HTX 16 thành viên kể về những ngày đầu kinh doanh.

Thế là từ Bắc Cạn, chị sang cả Cao Bằng, Lạng Sơn để chào hàng, gửi miến cho các đại lý lớn ăn thử. Miến ngon nên dần dần đơn hàng cũng về, buôn bán khá lên 2 vợ chồng liền nghĩ đến việc mở rộng quy mô.

2007, ngoài vốn tích cóp được, anh chị vay thêm 100 triệu, cắm thêm một sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Thế là một dây chuyền làm miến quy mô xuất hiện, năng suất từ 50 kg được đẩy lên cao điểm 500 kg/ngày.

Công việc kinh doanh suôn sẻ, xác định không chỉ làm giàu cho mình mà còn phải giúp đỡ được bà con địa phương, năm 2018 HTX Tài Hoan ra đời để chuyên nghiệp hóa trong hoạt động và mở rộng thêm quy mô. Mặc dù ý tưởng thành lập HTX cũng khiến 2 vợ chồng suy nghĩ rất nhiều, nhưng được sự ủng hộ của cán bộ nông nghiệp huyện nên mạnh dạn làm.

Đến nay, HTX đã có 16 thành viên và liên kết với khoảng 700 – 800 hộ dân trồng dong riềng đỏ, đa phần là ở Na Rì và một số huyện lân cận. Về nhà xưởng, chị Hoan có trong tay dây chuyền sản xuất khép kín, từ máy nghiền củ, máy tách bột, máy tráng, máy cắt và hệ thống đóng gói, bao bì.

Cao điểm, HTX Tài Hoan có đến 35 – 40 nhân công làm việc trong các xưởng, năng suất có thể đạt đến 2 tấn/ngày. “Hàng có lúc chậm lúc nhanh, tùy thuộc vào thị trường nhưng cơ bản là vẫn tiêu thụ được. Đặc biệt là lúc cuối năm nhu cầu dùng miến dong cao lên thì hàng bán rất chạy”, bà chủ người Tày tươi cười nói.

Về nguồn nguyên liệu, người dân tham gia liên kết trồng cây dong riềng với HTX Tài Hoan được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ việc trồng theo hướng hữu cơ, cách chăm sóc để nâng cao sản lượng, cho đến việc thu hoạch đúng theo các quy định về kỹ thật. Nhờ vậy, hiệu quả canh tác của bà con tăng lên, mà chất lượng nguồn nguyên liệu cũng được bảo đảm để phục vụ cho chế biến.

Giám đốc Nguyễn Thị Hoan chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất miến, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chúng tôi ký kết bao tiêu sản phẩm với bà con và chính quyền các xã. Bà con được chuyển giao khoa học, kỹ thuật để làm ra những củ dong riềng tốt nhất, không chỉ là năng suất, mà còn tăng được hàm lượng tinh bột.

Sau đó, để lấy được tối đa lượng tinh bột trong củ dong riềng và có được những sản phẩm miến dong có chất lượng cao nhất, chúng tôi luôn quan tâm đến việc đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất.

Tất cả các khâu sản xuất hiện nay của HTX Tài Hoan đều dùng máy móc, như vậy sản phẩm mới có chất lượng và mẫu mã đồng đều, đảm bảo đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường và xuất khẩu".

Hiện nay, thêm một nhà xưởng nữa đang được xây dựng trên mặt bằng 4.000 m2, tập trung vào mặt hàng miến rút với hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa. Dự kiến, nếu đi vào hoạt động thì tổng sản lượng của HTX sẽ được nâng lên khoảng 2,5 tấn/ngày.

Những năm qua, HTX Tài Hoan đã tạo ra lượng công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người với mức lương từng 6 – 7 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con đồng bào ở miền núi Na Rì.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan hiện nay có bao bì với nhãn mác đẹp, ghi đầy đủ các thông tin theo quy định, sản phẩm đã được kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không có chất phụ gia và không có chất bảo quản.

Miến dong Tài Hoan ngoài phân phối trong hệ thống siêu thị Coop Mart thì kênh chính là các cửa hàng giới thiệu đặc sản địa phương hoặc các đại lý, đầu mối ở các địa phương.

Về xúc tiến thị trường, phải khẳng định trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn rất tích cực trong việc mang sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh đi quảng bá thương hiệu ở trong nước và quốc tế. Qua những cuộc xúc tiến thương mại đó, thương hiệu miến dong Tài Hoan đã đáp ứng được những đòi hỏi về mẫu mã và chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích. Cũng từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã xúc tiến nhập khẩu sản phẩm miến dong về thị trường EU.

Sau nhiều lần lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất độc hại tại Viện Hóa học (Cộng hòa Séc), miến dong Tài Hoan đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng nên được chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Séc nói riêng và thị trường khó tính bậc nhất thế giới nói chung là EU. Từ năm 2020, container sản phẩm miến dong đầu tiên hợp tác xã Tài Hoan đã được xuất khẩu thành công.

Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ: “Để xuất được đơn hàng này là hành trình hơn 1 năm cố gắng. HTX đã nhiều lần gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì đóng gói, thủ tục xuất nhập khẩu. Sản phẩm miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang CH Séc được kiểm định khắt khe về chất lượng, minh bạch về nguồn nguyên liệu trong suốt quá trình sản xuất, chúng tôi rất tự tin về điều này”.

Đến nay, các sản phẩm của HTX đang được xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ. Bà chủ cũng tiết lộ thêm là đang đàm phán để đưa một số sản phẩm phù hợp với thị hiếu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Như chị Hoan chia sẻ, để có được như ngày hôm nay cũng là nhờ việc HTX Tài Hoan đã chủ động tham gia từ khi có Chương trình OCOP. Để đạt được kết quả 3 sao trở lên, rồi 4 sao và hiện nay là 5 sao thì đơn vị phải ngày ngày cải tiến về phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ việc quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, yếu tố môi trường sản xuất, nâng cao kiến thức xúc tiến thương mại, bán hàng,… được quan tâm và ngày càng hoàn thiện hơn để đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

Chỉ như vậy, sản phẩm miến dong Tài Hoan mới đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho các trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng nông sản, tham gia các sàn thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội…

Tùng Đinh – Bảo Thắng – Ngọc Tú
Trọng Toàn
Tùng Đinh