Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, được ví như một "Việt Nam thu nhỏ". Nơi đây có vựa than trữ lượng lớn thứ 2 Đông Nam Á, có vịnh Hạ Long di sản nhiên nhiên thế giới, một loạt cửa khẩu giáp với Trung Quốc và 250km bờ biển rộng trên 6.000km2 mặt biển cùng hệ thống cảng phân bổ đều từ đầu tỉnh (TX Đông Triều) cho đến Móng Cái.
Ngoài tài nguyên than, Quảng Ninh có nhiều mỏ đá, mỏ cát, đất sét,... trữ lượng lớn tập trung ở một số địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn,...
Quảng Ninh hôm nay phát triển, văn minh và đáng sống. Kết quả này là cả một quá trình để lại cho địa phương nhiều bài học.
Những năm 2008 trở về trước, Quảng Ninh tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực chính là khai thác than, du lịch Hạ Long và hoạt động xuất nhập khẩu tại các vùng biên tiếp giáp Trung Quốc. Thời đó, nền kinh tế của tỉnh phụ thuộc gần như vào công nghiệp, 70% cơ cấu ngân sách Quảng Ninh đến từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh, du lịch và 10% còn lại đến từ đất.
Về kinh tế, so với các địa phương thì Quảng Ninh vẫn được đánh giá cao, nằm trong "tam giác" kinh tế của miền Bắc gồm Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Vì là "tỉnh giàu" lại được thiên nhiên ban đãi quá nhiều thứ nên khoảng thời gian này Quảng Ninh chưa đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cả tỉnh, ngoài các đơn vị ngành than - điện ra thì chỉ có "lác đác" vài doanh nghiệp tư nhân lớn hiện diện là Tập đoàn Tuần Châu, Bim Group, Indevco và một số doanh nghiệp thương mại vùng Móng Cái.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên... vì tài nguyên thiên không phong phú như Quảng Ninh nên từ những năm 2002 - 2005 các địa phương này đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra rất nhiều cụm, khu công nghiệp.
Còn "nhà giàu" Quảng Ninh vẫn như đang "ngủ vùi" trên chiến thắng, "lơ là" thu hút đầu tư. Ngay như cảng Cái Lân (Hạ Long), một cảng nước sâu có vị trí quá thuận lợi để phát triển kinh tế biển thì cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, vụt mất cơ hội làm giàu từ "kinh tế biển" cho bên Hải Phòng.
Từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh Quảng Ninh ngày đó chỉ có quốc lộ 18A độc đạo. Phương tiện đông, đường xuống cấp nên việc giao thương trở nên bất tiện, xe hàng đi từ Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái phải mất chừng 8 tiếng đồng hồ. Đi lại khó khăn khiến khách du lịch đến Quảng Ninh cũng hạn chế, mỗi năm chỉ tầm 3 triệu lượt người.
Do tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp nặng (khai thác than, cơ khí) nên việc làm "đàng hoàng", ổn định cho phụ nữ rất ít. Thu nhập chính của các gia đình thợ mỏ chủ yếu đến từ người chồng, phụ nữ nếu muốn kiếm tiền thì đa phần chỉ đi than nhặt hoặc "cửu vạn", trộm cắp than trong các mỏ.
Đó là với những vùng có tài nguyên than, còn lại các khu vực khác như Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn thì nguồn thu chính ít ỏi, bấp bênh đều dựa vào rừng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Người dân Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên muốn có việc làm ngoài ngành than thì phải "lặn lội" sang Hải Phòng, Hải Dương làm trong các nhà máy, khu công nghiệp.
Những năm 2001 - 2008, đáng buồn Quảng Ninh còn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người nhiễm HIV; trong đó Cẩm Phả, Uông Bí và thành phố Hạ Long là nơi có tỷ lệ nhiễm cao nhất.
Nghiện hút tràn lan, than "thổ phỉ" hoành hành, các nhóm tội phạm xã hội đen thanh toán nhau tranh giành địa bàn khiến Quảng Ninh trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự - tệ nạn xã hội, nổi tiếng khắp cả nước.
Từ khoảng năm 2010, lãnh đạo Quảng Ninh đã nhận ra để phát triển toàn diện thì không thể dựa mãi vào khai thác than và cửa khẩu. Từ đó tỉnh bắt đầu đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư, những Tập đoàn kinh tế lớn đã dần dần "đặt chân" lên đất mỏ.
Là một địa phương hoàn toàn không "xin" tiền từ Trung ương, trong hơn 10 năm qua, một đồng vốn từ ngân sách đã hút 8 - 9 đồng vốn từ xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển.
Đầu tiên là quốc lộ 18A đi Móng Cái được đầu tư mở rộng và nâng cấp. Hàng loạt các dự án phát triển đô thị, du lịch, thương mại của Vin Group, Sun, FLC, Bim Group, Geleximco, HD Mon holdings, Licogi,... được triển khai tại TP Hạ Long - thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh khiến cho "bộ mặt" đô thị Hạ Long mấy năm sau thay đổi ngỡ ngàng đến kinh ngạc.
Cũng từ những năm 2011, tại nhiều địa phương đã dần hình thành nên một số khu công nghiệp như: KCN Hải Yên (Móng Cái), KCN - cảng biển Hải Hà, KCN Đông Mai (Quảng Yên), KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) và một số nhà máy ở Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả,...
Bước đột phá lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn này về hạ tầng giao thông chính là cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng, đây là dự án được tỉnh ấp ủ từ năm 2010. Sau khi được sự đồng ý của Trung ương, dự án chính thức phát lệnh khởi công từ tháng 9/2014 và đi vào sử dụng vào tháng 9/2018, tổng mức đầu tư gần 13.700 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến là 25,2km, khi đưa vào sử dụng giúp rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô chỉ còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng giảm từ 70km xuống chỉ còn 25km.
Giá trị của cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không chỉ nằm ở việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai trọng điểm kinh tế phía Bắc là Hải Phòng và Quảng Ninh, mà tuyến đường này đóng vai trò then chốt trong tạo không gian phát triển mới, dọc khu vực ven biển của Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là khu vực hàng chục năm qua chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản quảng canh, giá trị thấp, dù lợi thế rất lớn về hàng hải và diện tích đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ...
Việc hoàn thiện và đưa tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào khai thác cũng là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cho huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Nếu như năm 2010, Quảng Ninh thu ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng thì đến 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 40.000 tỷ đồng. Nhiều năm Quảng Ninh đều nằm trong top 5 cả nước về thu ngân sách. Sự tăng trưởng về số thu ngân sách trên địa bàn đã giúp tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các dự án cải thiện kết cấu hạ tầng như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đưa điện lưới ra các xã đảo, xây dựng hạ tầng nông thôn,… và đảm bảo an sinh xã hội.
Từ tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên top các địa phương phát triển năng động nhất cả nước. Đột phá hơn cả là sự dịch chuyển kinh tế từ "nâu" sang "xanh" với những cú hích mạnh mẽ về hạ tầng - chính sách.
Tiếp nối và kế thừa những thành quả nhiệm kỳ 2010 - 2014, từ 2015 Quảng Ninh vẫn tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sân bay quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được khởi công, tháng 12/2018 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại Quảng Ninh, trị giá trên 20.000 tỷ đồng.
Tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, hàng loạt các khu đô thị, du lịch mới "mọc" lên, làm thay đổi diện mạo địa phương, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện, đô thị sầm uất đã giúp Quảng Ninh "bứt phá" về du lịch, thương mại. Nếu như những năm 2010, tỉnh đón tầm 3 triệu lượt khách thì 2016 đã tăng lên hơn 8 triệu lượt người.
Năm 2019, Quảng Ninh triển khai thi công tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Đến tháng 4/2023 dự án hoàn thành toàn diện, kết nối hai vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, giảm tải phương tiện cho quốc lộ 18. Đây được xem là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo bậc nhất Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi rừng hùng vĩ và biển cả mênh mông.
Ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác sau hơn 2 năm thi công gấp rút. Đây là "mảnh ghép" cuối cùng của chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600km Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc dài nhất nước (176 km/1.046 km). Hoàn thành tuyến cao tốc chiến lược này đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long xuống còn 1 giờ 30 phút (theo quốc lộ 18 mất 3 giờ), thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn 3 giờ (trước đó mất 5 giờ 30 phút).
Rất nhiều người tới Quảng Ninh thời 2010 và bây giờ đã rất ngưỡng mộ sự "lột xác ngoạn mục" của vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ vàng đen".
Song, cũng do phát triển quá nóng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản nên đã để lại nhiều hệ lụy cho Quảng Ninh sau này. Không ít quả đồi đã bị san gạt để phát triển nhà, hàng loạt khu đất đẹp ven quốc lộ bị đem ra phân lô bán nền rồi bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất, làm thiếu hụt quỹ đất phát triển kinh tế, hạ tầng công nghiệp.
Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục có những thay đổi lớn về chủ trương, chính sách trong điều hành kinh tế. Tỉnh đã hạn chế phát triển bất động sản để tập trung thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông, các quy hoạch, kế hoạch được xây dựng bài bản, với chiến lược, tầm nhìn mang tính kế thừa dài hạn, môi trường đầu tư của Quảng Ninh đã ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Hàng loạt khu công nghiệp lớn xuất hiện tại Quảng Yên như KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Các khu công nghiệp trên đã và đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút ngày càng nhiều dự án trọng điểm vào hoạt động. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho Quảng Ninh lên gần 55.000 tỷ đồng năm 2022.
Năm 2023, tính đến hết tháng 8, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt 853 triệu USD, bằng 85,5% kế hoạch năm. Các cơ quan đăng ký đầu tư của tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký đạt 727,24 triệu USD, đưa Quảng Ninh đứng thứ 9 trong cả nước, đứng thứ 4 trong Vùng đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay.
Hiện tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Với bộ tiêu chí, tỉnh sẽ thể hiện rõ quan điểm trong việc ưu tiên, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực và kinh nghiệm; thu hút trọng tâm vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách... nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo đúng định hướng và đạt chỉ tiêu.
Nhờ giữ vững sự đoàn kết, đề cao tính gương mẫu và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nhiều năm trở lại đây Quảng Ninh luôn nằm trong top đầu cả nước về mọi mặt, từ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân - tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước,...
8 tháng đầu năm 2023, du lịch Quảng Ninh đón trên 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 875.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng nhiều khởi sắc. 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1,993 tỷ USD, tăng 13,8%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,068 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài chú trọng phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, với mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn được giữ vững, ổn định, tạo tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng nay, như mọi ngày, Đài Phát thanh Uông Bí lại vang lên bản tin tuyển công nhân đi làm trong nhà máy Yazaki Quảng Yên. Hiệu quả từ thu hút đầu tư của Quảng Ninh, qua một bản tin có thể trông thấy rõ.