“Chúng tôi đã lựa chọn được triết lý phát triển và thấy rằng đúng hướng, hãy cho chúng tôi cơ hội để nhân dân được hạnh phúc hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy .
Là cán bộ Trung ương luân chuyển, từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng về làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhưng những chia sẻ của ông Đỗ Đức Duy cứ như thể ông là người Tây Bắc vậy. Am hiểu, đầy trăn trở nhưng cũng rất nhiều khát vọng đối với vùng đất có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nói, trước hết cần phải khẳng định, với những chính sách, những nguồn lực đầu tư trong nhiều năm qua đã tác động và thay đổi rất lớn đến vùng Trung du miền núi phía Bắc. Có thể nhiều người ở đồng bằng lên nhìn thấy miền núi vẫn còn lạc hậu, kém phát triển, tuy nhiên nếu so sánh nội tại của vùng với nhiều năm trước thì rõ ràng đã có những sự thay đổi không thể tưởng tượng được.
Vừa rồi một số địa phương ở Tây Bắc tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập từ tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ, nhiều cán bộ lão thành đến dự, phát biểu mà như muốn khóc. Họ đã sống và làm việc ở đây, trải qua nhiều thời kỳ khó khăn gian khổ và hơn ai hết chính họ có thể cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao đến thế nào.
Lấy Yên Bái làm minh chứng. Chỉ cách đây 10 năm chắc không thể nghĩ sẽ có huyện Nông thôn mới, vậy mà đến năm 2019 đã có 2 huyện. Quy mô giá thực tế năm 2020 đạt hơn 33,381 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,14 triệu đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2004… Lào Cai cũng vậy. Từ chỗ 70% tỷ lệ hộ nghèo, 30% số xã trắng giáo dục bây giờ đã vươn lên rất mạnh mẽ.
Đó là những thước đo được đong đếm hẳn hoi chứ không phải là cảm tính. Chưa kể, nội lực của vùng đã được phát huy, cộng với những nguồn lực khác để tạo ra những vựa trái cây Sơn La, thủ phủ quế Yên Bái, trung tâm luyện kim lớn của đất nước như Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ…
Tuy nhiên, rõ ràng như nhiều ý kiến đã nói, vùng Trung du miền núi phía Bắc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vậy thì nguyên nhân do đâu?
Tôi cho rằng, ngoài những nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách chậm và thiếu… thì còn có một vấn đề mang tính cốt lõi là cơ chế quản lý, điều phối liên kết phát triển vùng và liên vùng ở Tây Bắc chưa phát triển, nếu không muốn nói là chưa có. Vấn đề này, nếu chỉ nhìn trên bình diện từng địa phương có thể chưa rõ ràng, nhưng nhìn toàn vùng sẽ thấy. Liên kết giữa các địa phương rất lỏng lẻo, mang tính tự phát và chưa có cơ chế. Một số tỉnh có hoạt động phối hợp với nhau song việc thực hiện cam kết các thỏa thuận chưa thực chất.
Tất nhiên đây cũng là vấn đề của cả quốc gia. Chúng ta từng nghe những ý kiến nói “63 địa phương là 63 nền kinh tế”, mạnh ai người đó làm, không có chia sẻ, hỗ trợ, tương tác nên cũng không có cơ chế, thể chế về kiểm soát liên kết vùng, mô hình tổ chức quản lý điều phối phát triển vùng...
Vì vậy, không chỉ riêng Tây Bắc, những vùng kinh tế khác cũng cần phải có quy hoạch vùng, quản lý và kiểm soát liên kết vùng để định vị lại. Cần phải xác định vấn đề khó khăn lớn nhất để thực hiện liên kết vùng hiện nay là chúng ta đang thiếu thể chế chính sách để quản lý và kiểm soát. Tôi muốn dùng từ kiểm soát chứ không phải như trong các diễn đàn hay trong báo cáo chúng ta chỉ nói là thiếu cơ chế. Bởi vì cơ chế liên kết chỉ một phần thôi, phải quản lý và kiểm soát để tránh tình trạng tỉnh nào cũng cam, tỉnh nào cũng bưởi, tỉnh nào cũng công nghiệp, tỉnh nào cũng thủy điện…
Tôi lấy câu chuyện trường đại học ở Tây Bắc làm ví dụ. Nhiều người thắc mắc tại sao Yên Bái không có trường đại học? Xin thưa, Phú Thọ đã có Đại học Hùng Vương, Tuyên Quang đã có Đại học Tân Trào, Lào Cai đã có Phân hiệu Đại học Thái Nguyên… vậy thì nếu Yên Bái cũng thêm trường đại học nữa thì lấy đâu ra sinh viên? Cả vùng này chỉ cần một trường đại học, tập trung đào tạo thật tốt là đủ.
Trong nông nghiệp cũng vậy, rõ ràng chúng ta thấy Sơn La đang là vựa trái cây phát triển rất tốt và có nhiều quan điểm cho rằng tại sao Yên Bái, Phú Thọ không chuyển đổi theo mô hình đó? Không làm như thế được đâu. Sơn La có thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của Sơn La và Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ hay các tỉnh khác cũng thế. Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy mỗi địa phương trong vùng phải có hướng đi riêng, theo hướng hỗ trợ lẫn nhau chứ không thể giống nhau.
Mặt khác, những ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid -19 càng cho thấy vấn đề tăng cường liên kết phát triển vùng là một đòi hỏi vừa mang tính khách quan vừa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và cả những năm tiếp theo.
Chính vì vậy, Trung ương cần sớm ban hành thể chế để kiểm soát và quản lý liên kết để thúc đẩy phát triển vùng. Thậm chí có thể xây dựng mô hình của tổ chức quản lý và điều phối phát triển vùng. Đó phải là cơ quan cấp Chính phủ với sự tham gia của các bộ ngành và các địa phương, một mô hình thực chất có quy chế, có điều lệ hoạt động. Đầu tư dự án nào, ở địa phương nào phải được sự đồng thuận của cơ quan quản lý cấp vùng ở đấy chứ không phải như bây giờ.
Đi kèm với đó là nghiên cứu hình thành các thiết chế để điều phối kết nối vùng. Nghiên cứu ban hành thí điểm một số cơ chế chính sách để hỗ trợ thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Chúng ta đã có cơ chế đặc thù cho một số địa phương nên chăng cũng cần phải có cơ chế đặc thù cho từng vùng.
Ví dụ Trung ương xác định Tây Bắc phát triển dựa trên lợi thế tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước thì cần có những chính sách đặc thù chỉ Tây Bắc mới có. Xác định Tây Bắc chia sẻ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vùng hạ du thì cũng cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực từ vùng hạ du để bảo vệ phát triển rừng và phát triển kinh tế xã hội. Có thể đó là những chính sách liên kết giữa Đồng bằng Bắc bộ và Tây Bắc xây dựng các chuỗi cung ứng, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, liên kết chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư phát triển…
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chia sẻ những định hướng phát triển của Yên Bái: Chúng tôi xác định lấy lâm nghiệp là bước đột phá trong nông nghiệp nhiệm kỳ tới. Bởi vì xét cho cùng thì kinh tế lâm nghiệp vẫn là tài nguyên lớn của Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung. Tiềm năng lớn và thị trường cũng đang rộng mở.
Thực tế, theo ông Đỗ Đức Duy, sau một thời gian dài, Yên Bái cũng như các tỉnh trong vùng đã định vị được mình là ai, ở đâu trong tương quan phát triển vùng, trong tương quan phát triển so với các địa phương khác của cả nước. Chúng tôi đã biết được mình có lợi thế gì, cần gì để tiếp tục phát triển và phát triển theo hướng nào, nhận diện rõ tiềm năng lợi thế cũng như khó khăn thách thức. Đến nhiệm kỳ này chúng tôi rất tự tin rằng Yên Bái đã xác định được đường hướng phù hợp.
Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê sẽ có người thắc mắc tại sao trong mấy mươi năm qua Yên Bái chỉ chuyển đổi cơ cấu diện tích cây ăn quả từ 6.000 ha lên có 9.000 ha thôi, trong khi nhiều tỉnh khác trong khu vực lại có sự chuyển dịch mạnh mẽ như thế?
Đừng quá cứng nhắc khi nhìn vào những con số, Yên Bái xác định lợi thế của tỉnh là gỗ rừng trồng. Xét góc độ nào đó có thể thể giá trị gia tăng của gỗ rừng trồng không bằng cây ăn quả nhưng đó là sự phát triển rất bền vững và giải quyết được đa mục tiêu. Trồng rừng kinh tế, bảo vệ sinh thủy, tăng độ bao phủ, khai thác kinh tế dưới tán rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng kết hợp với du lịch dịch vụ là con đường phát triển Yên Bái đã định vị.
Thực tế, đã có một thời Yên Bái đặt mục tiêu đưa tỷ trọng công nghiệp lên mức cao hơn 30% trong cơ cấu kinh tế. Rất nhiều chính sách, quyết định tập trung đẩy mạnh khai thác khoáng sản, thủy điện… Tuy nhiên sau đó đã phải định vị lại.
Đành rằng lợi thế của Yên Bái đúng là có nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng nếu cứ bán nguyên liệu thô thì giá trị gia tăng rất thấp, bán rẻ tài nguyên thì không ổn. Sau đó chúng tôi đã không chú trọng công nghiệp khai khoáng nữa mà đi vào công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm sản…
Hiện chúng tôi đang đề xuất xây dựng khu trung tâm lâm nghiệp công nghệ cao của cả vùng miền núi phía Bắc, đặt tại Yên Bái, vùng lõi của nguyên liệu gỗ rừng trồng. Cái cần là cơ chế tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực như liên kết trong phát triển kinh tế lâm nghiệp từ quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên rừng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dẫn chứng thế này thôi, xây dựng một nhà máy chế biến gỗ có thể giá trị sản xuất công nghiệp không cao nhưng lại giải quyết được giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Tức là phải tăng trưởng đều, hỗ trợ, liên kết với nhau để tăng trưởng. Đó cũng là câu trả lời vì sao trong thời gian qua cơ cấu kinh tế ở Yên Bái thay đổi không nhiều nhưng tổng giá trị quy mô kinh tế đã tăng gần 10 lần so với trước.
Nói cách khác chúng tôi không cố giảm tỷ trọng nông nghiệp. Bối cảnh đại dịch Covid -19 hiện nay càng cho thấy giảm để làm gì khi chỉ với cơ cấu 23-24% thôi nhưng nông nghiệp nuôi sống với 80% dân số, dung dưỡng 60% lao động ở khu vực nông thôn. Chúng tôi không khoác chiếc áo thu ngân sách bao nhiêu mà đặt vấn đề cốt lõi là đời sống nhân dân.
Mấy mươi năm qua, Yên Bái đã dồn lực để giải quyết bài toán tư liệu sản xuất và thực tế đã làm được. Bởi vì đối với vùng cao do điều kiện tự nhiên khó khăn như thế nên tư liệu sản xuất rất thiếu, trước đây cứ đói triền miên. Để khắc phục vấn đề này chúng tôi phải vận động người dân khai hoang phát hóa, chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau và đến bây giờ dù chưa thể nói là dồi dào nhưng ai cũng có đất cấy lúa trồng ngô. Ở nhiều địa bàn vùng cao vẫn còn nghèo, nhà cửa có thể còn tuềnh toàng nhưng trong nhà đã treo đầy ngô lúa.
Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, Yên Bái đã chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, năng suất cao. Nhiệm kỳ trước Yên Bái đã hình thành vùng quế 78.000 ha, sơn tra 9.000 ha, lúa đặc sản hơn 4.000 ha, đại gia súc xấp xỉ 600.000 con đầu đàn… tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Bước tiếp theo sẽ nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác, sản xuất theo chuỗi giá trị, không chú trọng đến số lượng, sản lượng nữa mà nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.
Định hướng chiến lược đó giúp Yên Bái đã có những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trước đây Yên Bái trồng quế bình thường chỉ cho thu nhập bình quân khoảng 30-50 triệu đồng/ha/năm. Nhưng quế Yên Bái bây giờ là quế hữu cơ, xuất khẩu đi EU, đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… giá trị tăng lên gấp rưỡi đến gấp 2 lần.
Nông nghiệp Yên Bái cũng đã định vị được sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản. Quan điểm của tỉnh, sản phẩm chủ lực sẽ sản xuất theo hướng hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn còn sản phẩm đặc sản sẽ sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Đặt vấn đề lâm nghiệp, kinh tế rừng là định hướng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói: Chúng tôi đi họp ở Trung ương lắm lúc cũng thấy chạnh lòng, nhất là khi nghe các địa phương khác chia sẻ kinh nghiệm tăng thu ngân sách, nhưng rồi lại nghĩ, nếu các tỉnh Tây Bắc cũng đặt nặng mục tiêu thu ngân sách, cũng chuyển đổi rừng để phát triển kinh tế thì ai sẽ giữ rừng, giữ nguồn nước, giữ môi trường?
Cho nên đây là vấn đề cần phải tính toán thật kỹ và chúng tôi quan điểm nếu để có một đồng thu ngân sách mà phải đánh đổi diện tích rừng thì không làm, có thể giai đoạn trước có tư duy đấy nhưng bây giờ thì không. Thay vào đó cần phải có chiến lược, chính sách vừa phát triển vừa bảo vệ rừng, mấu chốt làm sao để người dân gắn bó với rừng, yên tâm sinh sống vươn lên thoát nghèo và có thể làm giàu từ rừng.
Bởi vì nhìn vào thực tế Tây Bắc mặc dù là vùng có độ che phủ rừng hàng đầu cả nước nhưng cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Sinh kế của người dân chủ yếu từ lâm nghiệp đồi rừng và chúng ta hay nói vui chỗ nào rừng càng giàu thì dân càng nghèo. Vui thế thôi nhưng cần phải có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với người dân thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên…
Đây là điều tôi kêu chung cho bà con Tây Bắc. Chính sách quản lý, bảo vệ phát triển rừng từ trước đến nay còn rất nhiều bất cập, hỗ trợ bảo vệ rừng còn quá hạn chế. Ví dụ chúng ta tính chi phí bảo vệ 400 nghìn đồng/ha, hạn mức tối đa một hộ gia đình là 30 ha, chỗ nào có thêm dịch vụ môi trường rừng thì cũng chỉ 800 nghìn/ha. Một gia đình 4-5 người, một năm ăn với bảo vệ rừng chia bình quân được khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng, tức là dưới cả chuẩn nghèo hiện nay.
Chính sách chuyển đổi đất rừng cũng vậy. Chúng ta rất máy móc, sợ mất rừng. Nhưng thực tế hiện nay có rất nhiều khu vực đất rừng nghèo kiệt, có độ che phủ thấp, khả năng sinh thủy kém, bà con muốn chuyển sang trồng quế, trồng măng tre để vừa phát triển kinh tế vừa phát triển tán rừng, tăng khả năng sinh thủy thì lại vướng.
Chúng tôi đề nghị không quá cực đoan về chuyện chuyển mục đích sử dụng rừng. Chỗ nào bảo vệ thì phải bảo vệ, chỗ nào cần điều chỉnh, bổ sung thì phải có chính sách đặc thù cho các địa phương được chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, cây ăn quả theo hướng thâm canh.... Có như thế mới có tư liệu sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao, người dân có thể sống được, thậm chí là làm giàu từ rừng.
Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế chính sách đặc thù để đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, giao đất giao rừng để người dân sống trong những khu vực có rừng có thể phát triển các loại dịch vụ du lịch liên quan đến thế mạnh của rừng để tạo thu nhập và sinh kế bền vững cho người dân.
Chúng ta đã nói nhiều, đã giao nhiệm vụ Tây Bắc phải đặc biệt coi trọng bảo vệ và phát triển rừng nhưng dường như vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề này.
Phân tích những hạn chế trong vấn đề liên kết vùng ở Trung du miền núi phía Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng đề cập đến vấn đề thể chế và những đề xuất, kiến nghị để phát triển bền vững.
Ông Đỗ Đức Duy nói, Đại hội XI của Đảng đã cực kỳ sáng suốt khi xác định những khâu đột phá mang tính chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, với Tây Bắc vấn đề này lại càng đúng, cho đến bây giờ và tôi nghĩ rằng đột phá là ở thể chế mà điểm nghẽn cũng nằm ở thể chế.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy có những thể chế còn nhiều tồn tại, hạn chế, gây khó khăn, cản trở trong vấn đề thu hút đầu tư phát triển, có những chính sách thể chế đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu nguồn lực.
Như tôi đã từng nói có những đoạn đường mấy cây số thôi nhưng thuộc 4 chương trình, tức là có tới 4 nguồn vốn đầu tư. Rải mành mành như thế thì bao giờ mới xong được? Hay như một hộ nghèo ở vùng cao cũng có rất nhiều chính sách. Điện một chút, thông tin một chút, giáo dục một chút, y tế, bảo hiểm một chút… Rất rải rác nên nguồn lực bị phân tán tính tổng thể không cao.
Vấn đề bố trí nguồn lực cũng vậy, ví dụ các Quyết định 2085, 2086 của Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi khi ban hành đã không có một đồng nào cả, hai ba năm sau mới thu xếp được nguồn lực thì cũng gần hết thời gian thực hiện chính sách. Rồi chính sách hỗ trợ hợp tác xã cũng thế, mãi đến năm 2019 mới lấy nguồn dự phòng của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ… Tức là chúng ta có những chính sách khi thiết kế đã không tính đến nguồn lực ở đâu.
Chính vì vậy bây giờ muốn phát huy nguồn lực để phát triển thì phải tích hợp chính sách lại cho gọn. Ví dụ từ năm 2018 chúng tôi đã tích hợp khoảng 20 chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới thành một bộ chính sách nhằm tránh vấn đề dàn trải, rải mành mành, để nguồn lực được tập trung và phát huy hiệu quả.
Thứ hai là hạ tầng. Trước đây từ Hà Nội lên Yên Bái mất nửa ngày đường, nhà đầu tư quý lắm thì lên ăn với nhau bữa cơm rồi về chứ không dám đầu tư gì vì xa xôi cách trở quá. Từ khi có cao tốc Nội Bài – Lào Cai rõ ràng chúng ta đã thấy bộ mặt Tây Bắc thay đổi đến ngỡ ngàng. Điều đó cho thấy đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, liên kết vùng, liên vùng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính đột phá cao, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Chúng tôi kiến nghị cần quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng. Lấy các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên làm trục kết nối chính, đồng thời nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường, lối ngang để tăng cường khả năng kết nối. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng theo tiêu chuẩn hiện đại để kết nối với Vân Nam (Trung Quốc) nhằm phát huy hiệu quả tuyến hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. Sớm đầu tư xây dựng sân bay Sa Pa, nâng cấp sân bay Điện Biên, khai thác sân bay Yên Bái theo phương thức lưỡng dụng…
Thứ ba là nguồn nhân lực. Mặc dù trình độ còn thấp nhưng nguồn nhân lực rất lớn là lợi thế của Tây Bắc, rất cần những sự đột phá, đào tạo để chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, cần chính sách ưu tiên đặc thù, tạo điều kiện trong đào tạo, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp vào làm việc tại các địa phương đồng thời có chính sách thu hút khuyến khích tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài 3 yếu tố trên, riêng Yên Bái cũng xác định thêm các khâu đột phá về chuyển đổi số, cải cách hành chính… Khi tôi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đề xuất xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, sau đó nhân rộng đến 9 huyện thị và 180 xã phường thị trấn trên địa bàn. Chỉ bằng một giải pháp ấy thôi mà trong vòng 4 năm chỉ số cải cách hành chính Yên Bái từ chỗ đứng thứ 56/63 cả nước đã vươn lên đứng thứ 24, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 vươn lên đứng thứ 17, chỉ số PCI từ chỗ xấp xỉ 60 bây giờ đứng thứ 33…
Xác định đó sẽ là những khâu đột phá nên khi xây dựng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, ban đầu chúng tôi thiết kế có 9 Nghị quyết chuyên đề nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ban hành thêm Nghị quyết chuyển đổi số và Nghị quyết về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một lần nữa khẳng định rằng, Yên Bái đã xác định và lựa chọn con đường phát triển xanh, hài hòa và bản sắc. Xanh màu xanh của rừng, hài hòa giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bản sắc phải gìn giữ.
Qua thực tiễn đại dịch Covid -19, qua những thay đổi về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo… các anh có thể đi gặp bà con nhân dân để nghe họ trả lời. Còn với chúng tôi luôn cố gắng thay đổi và mong có cơ hội để có thể làm cho nhân dân được hạnh phúc hơn, đất nước được phồn vinh hơn.