“Nếu cộng đồng ngư dân, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và xã hội cùng đồng hành thì câu chuyện bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ ngày càng trở nên tốt hơn”, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
- Ông có thể phác họa đôi nét về “bức tranh” bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hiện nay ở nước ta?
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là công tác khó khăn, lâu dài và phải kiên trì. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương đã quan tâm, nỗ lực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như các hệ sinh thái. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản hiện đang ngày càng bị suy giảm; các hệ sinh thái bị suy thoái và thu hẹp diện tích; một số loài nguy cấp, quý hiếm tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đây, chúng ta ra đồng có thể bắt được cá, nhưng bây giờ điều này rất hiếm.
Nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái là tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Do vậy, Đảng, Nhà nước đã xác định công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân. Bảo vệ, giữ gìn là cho chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau. Nếu không còn nguồn lợi thủy sản thì không có sinh kế và không có cuộc sống.
Vẫn còn đó tình trạng ngư dân sử dụng nghề, ngư cụ cấm, ngư cụ có tính tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay) khai thác vùng ven bờ; đánh bắt cá con, đánh bắt trái phép ở vùng biển ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, thủy vực nội đồng vẫn tiếp diễn ngày càng tinh vi; đánh bắt, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn phổ biến; xây dựng cơ sở du lịch trong khu bảo tồn biển còn diễn ra; tác động của các ngành sản xuất kinh tế, công nghiệp đã và đang khiến các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản ở các dòng sông, khu vực biển ngày càng suy giảm, ô nhiễm nghiêm trọng. Cho nên công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đỏi hỏi sự kiên trì và lâu dài là như vậy.
Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư) đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT cũng như trình Chính phủ nhiều đề xuất, kiến nghị, theo đó đến nay về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, định hướng đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng đã tương đối đầy đủ.
Cụ thể, Luật Thủy sản năm 2017 có Chương 2 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; trong đó có điều tra, quy hoạch, kế hoạch quản lý; có các chương trình quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quy định về bảo vệ các loài và các biện pháp kỹ thuật để quản lý; có các nội dung về bảo tồn biển, đồng quản lý, tái tạo nguồn lợi thủy sản; thậm chí có cả vấn đề huy động nguồn lực để phục hồi cũng như xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Như vậy, về văn bản quy phạm pháp luật đã có không gian chung trong đó.
- Còn với lĩnh vực bảo tồn biển thì sao, thưa ông?
Đối với bảo tồn biển, vừa qua Hội đồng thẩm định Quốc gia đã thông qua Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sắp tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành.
Trong Quy hoạch có phân bố không gian cụ thể, đâu là bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đâu là khu vực cấm khai thác, khu thả rạn nhân tạo để phục hồi các loài nguy cấp, quý hiếm, cũng như các loài kinh tế, loài đặc hữu ở các tỉnh ven biển của nước ta.
Đồng thời cũng phân bố lại không gian cho khai thác thủy sản theo tàu, nghề và ngư trường khai thác (vùng vịnh Bắc bộ, miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ) phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Số lượng tàu theo nghề bao nhiêu là vừa để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Bền vững ở đây là khai thác thủy sản phải phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi ở từng vùng biển và phải kiểm soát cho được số lượng tàu cá. Như vậy chúng ta kiểm soát đầu vào - đầu ra, để nghề cá đi theo đúng định hướng.
Từ quy hoạch đó phát triển từng mảng, chẳng hạn như mảng bảo tồn biển. Đối với bảo tồn biển, đã có Đề án mở rộng thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kể cả các vùng đất ngập nước… để góp phần đạt được tổng diện tích bảo tồn ở vùng biển, ven biển là 6% trên diện tích cả nước đến năm 2030.
Bên cạnh đó, chúng ta đã trình Chương trình Quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đây là cơ sở để triển khai công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách toàn diện trên các mặt: Bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực, bảo tồn các hệ sinh thái biển, huy động các nguồn lực thông qua các doanh nghiêp để thực hiện chương trình.
Như vậy, chúng ta có quy hoạch, có đề án của Thủ tướng Chính phủ và chúng ta sẽ nâng cao hiệu cao hiệu quả công tác bảo tồn biển trong thời gian tới, tất nhiên còn rất nhiều việc cần phải triển khai.
- Ông nhìn nhận như thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo tồn biển?
Trước hết về thuận lợi, chúng ta đã có cơ sở pháp lý, quy hoạch, các đề án, điều này cho thấy Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm công tác bảo tồn biển, đây là nền tảng để triển khai trong thời gian tới.
Nói về khó khăn, tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chính là nhận thức. Nhận thức ở đây không phải là nhận thức của xã hội mà là nhận thức của những người có thẩm quyền ở địa phương.
Ở đâu mà địa phương quan tâm thì công tác bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái thì nguồn lợi thủy sản sẽ phát triển một cách bền vững, chuyển từ “nâu sang xanh”. Ngược lại, ở một khu vực mà địa phương không quan tâm thì nguồn lợi thủy sản sẽ không còn, diện tích các hệ sinh thái như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp do phát triển du lịch, kinh tế, do không kiểm soát được khai thác bất hợp pháp. Nguồn lợi không còn thì dĩ nhiên sinh kế của người dân cũng không còn, khi đó du lịch cũng sẽ không có, mọi hoạt động kéo theo cả một chuỗi như vậy.
Ví dụ như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, những năm đầu khi mới thành lập, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Khu bảo tồn này hoạt động chỉ có 700 - 800 triệu đồng, nhưng hiện nay Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được quản lý một cách bài bản, đúng quy định và doanh thu hằng năm gần 20 tỷ đồng, không những thu mà còn nộp ngân sách Nhà nước. Đây là một mô hình tốt mà người dân và chính quyền đã nhận thức được tầm quan trọng để cùng tham gia vào.
Ngược lại, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, nguồn lợi và rạn san hô rất nhiều ở các đảo. Nếu phát triển du lịch, san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở du lịch thì sẽ không còn các hệ sinh thái rạn san hô nữa. Và thực tế chúng ta thấy, rạn san hô ở Nha Trang hiện đã suy giảm rất nhiều, đây là do tác động của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
Khó khăn thứ hai chính là thiếu nguồn lực, gồm kinh phí, con người, đầu tư cho các cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển. Việc đầu tư các trang thiết bị cho các khu bảo tồn biển còn thiếu, từ tàu thuyền tuần tra, thiết bị nghiên cứu, phòng truyền thông, bảo quản mẫu vật…
Số lượng biên chế quá ít, có những khu bảo tồn biển chỉ có 3 - 5 người, như Khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ hiện chỉ có 5 người, Phó Chủ tịch huyện kiêm nhiệm giám đốc thì làm sao mà quản lý hiệu quả được. Hay Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng chỉ có 6 - 7 người, không đủ nhân lực để triển khai các hoạt động bảo tồn theo quy định ở một vùng biển rộng lớn như vậy được.
Khó khăn thứ ba, đó là thẩm quyền của Ban quản lý các khu bảo tồn biển hiện nay, lý do vì đây là một đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong và xung quanh khu bảo tồn biển diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Thêm một khó khăn nữa trong việc thành lập mới khu bảo tồn biển, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tinh giản biên chế, không tăng bộ máy. Trong khi đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch ở địa phương, nhưng lại không cho thành lập được ban quản lý các khu bảo tồn biển, do không có biên chế, không sinh ra được bộ máy mới thì đây là bất cập cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Về mặt nguyên tắc là phải tinh giản biên chế để đảm bảo sự chuyên nghiệp và hiệu quản lý của hệ thống, tuy nhiên vẫn có những lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng cần phải quản lý thì chúng ta phải tăng chứ không phải tinh giảm một cách cơ học.
Còn nhiều khó khăn nữa trong công tác bảo tồn biển, tuy nhiên đây là “4 thiếu” vô cùng quan trọng cần phải giải quyết ngay.
- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục “4 thiếu” này?
Chúng tôi đã kiên trì, liên tục tham mưu cho Chính phủ, Bộ NN-PTNT để làm tốt công tác này. Tuy nhiên thứ nhất về mặt nhận thức, không phải tôi mà tất cả chúng ta phải cùng nhau thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng, ý nghĩa của các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên là vô giá đem lại cho chúng ta và từ đó phải có trách nhiệm bằng hành động cụ thể để bảo vệ, bảo tồn.
Chúng tôi cũng đang triển khai rất nhiều nhiệm vụ truyền thông về công tác bảo tồn biển, có cả đề án của Bộ NN-PTNT để nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ công chức, du khách, công ty lữ hành du lịch và người dân ở những nơi có khu bảo tồn biển.
Thứ hai, về mặt tài chính, kinh phí, khi có quy hoạch, chính sách thì các khu bảo tồn biển và địa phương có nguồn kinh phí để đầu tư cho một khu bảo tồn biển một cách đồng bộ. Chúng tôi sẽ xây dựng định mức đầu tư nữa, như vậy sẽ có định mức, chính sách, quy hoạch, theo đó việc đầu tư cho khu bảo tồn biển sẽ bài bản hơn.
Thứ ba, về mặt tổ chức, nằm ngoài tầm với của chúng tôi. Chính phủ và Bộ NN-PTNT phải quan tâm đến vấn đề biên chế cũng như tổ chức vì sắp tới quy hoạch bảo tồn biển không phải 11 khu bảo tồn biển như hiện nay mà lên tăng lên 27 khu bảo tồn biển đến năm 2030, nghĩa là tăng thêm 16 khu bảo tồn biển trong vòng 7 năm triển khai. Như vậy, đòi hỏi phải tăng thêm bộ máy, phải thành lập mới và không có con đường nào khác, không thể nhét vào chi cục thủy sản hoặc một trung tâm nào đó của địa phương được. Phải có bộ máy, con người thì mới thực hiện hết trách nhiệm, quyền hạn, có như vậy mới làm tốt công tác bảo tồn biển được.
Thứ tư, thực thi pháp luật, chúng tôi sẽ cùng các địa phương, cái này cũng đã có trong Nghị định 26 là các địa phương phải bố trí lực lượng kiểm ngư trong các khu bảo tồn biển để thực hiện tuần tra, kiểm soát hoặc phối hợp với lực lượng biên phòng để xử lý vi phạm pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển. Đây là một khó khăn lâu dài cần phải tham mưu để thực hiện tốt trong thời gian tới.
Thêm một việc nữa đó là cần tính đến xã hội hóa công tác bảo tồn biển. Không chỉ Nhà nước mà các doanh nghiệp cũng tham gia vào. Đây mới là nguồn lực để góp phần, đẩy nhanh việc bảo tồn biển và phục hồi các hệ sinh thái.
- Một vấn đề nữa rất quan trọng để đảm bảo nguồn lợi thủy sản bền vững chính là công tác phục hồi và tái tạo. Ông có thể cho biết, thời gian qua, công tác này đã được quan tâm và chú trọng ra sao?
Trong Luật Thủy sản năm 2017 có một điều nói về tái tạo nguồn lợi thủy sản và đã ban hành các quy định, hướng dẫn, tái tạo ở đâu, thủy vực nào, loài nào nên, loài nào không nên, những khuyến cáo, quy trình cụ thể. Như vậy, công tác tái tạo đã đi vào cuộc sống một cách khoa học và bài bản.
Đồng thời cũng đã huy động nguồn lực xã hội vào công tác tái tạo thông qua việc ký kết Biên bản quy chế phối hợp giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư).
Như vậy, mỗi năm từ việc thả vài triệu con cá giống đã tăng lên 60 - 70 triệu con cá giống các loại, thả trên khắp các thủy vực ở 63 tỉnh, thành phố. Và 63 tỉnh, thành phố đều có kế hoạch, quy chế phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh, thành phố. Rõ ràng chúng ta đã huy động được nguồn lực rất lớn để tham gia vào công tác tái tạo này. Tôi cho đây là hoạt động có ý nghĩa, lan tỏa đến tăng ni phật tử, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Với thực trạng nguồn lợi thủy sản biển ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt, việc quản lý nguồn lợi này chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước rất khó thành công. Cần phát huy vai trò của ngư dân trong câu chuyện này. Vậy theo ông, Nhà nước cần có những chính sách gì để khuyến khích, đảm bảo hài hòa lợi ích cho ngư dân trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn lợi thủy sản?
Phải cảm ơn ngư dân vì họ là chủ thể chính trong câu chuyện khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Một số ngư dân đã có ý thức, tuy nhiên một số chưa ý thức được câu chuyện bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính những người dân này đã và đang làm cho nguồn lợi ngày càng suy giảm. Tất nhiên, câu chuyện suy giảm nguồn lợi còn do nhiều yếu tố khác.
Hiện nay, một số ngư dân vẫn sử dụng ngư cụ cấm, hủy diệt như xung điện, chất nổ, te, xiệc điện, sử dụng lưới kéo khai thác vùng ven bờ, đánh bắt cá con, mắt lưới nhỏ hơn quy định… Ngư dân đánh bắt càng nhiều càng ít, vét hết tất cả những gì lọt vào lưới. Như vậy là sai quy định. Như vậy có khôn khéo không, có trách nhiệm không?
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ “câu chuyện mắt lưới”, hay nói cách khác là việc đánh bắt các loài nhỏ hơn quy định hiện nay. Chúng tôi rất đau lòng và đang mong muốn xử lý dứt điểm vấn đề này.
Đảng, Nhà nước, Bộ NN-PTNT đang tham mưu nhiều chính sách, trong đó có chính sách chuyển nghề. Trong thời gian tới chính sách này sẽ tạo bước đột phá, bỏ đi những nghề hủy diệt, không thân thiện với môi trường, chuyển qua những nghề khác thân thiện hơn, những nghề phi thủy sản hoặc nghề dịch vụ liên quan đến thủy sản như nuôi trồng, du lịch hoặc các sinh kế mới được sáng tạo từ cộng đồng liên quan đến thủy sản. Hiện nay đã có một đề án chuyển nghề, các địa phương cùng tham gia vào chắc chắn đề án sẽ đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, đối với người dân, không còn cách nào khác là chúng ta cùng nhau truyền đi một thông điệp: “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh chính là cho cuộc sống và tương lai của con em chúng ta. Hãy đánh bắt một cách có trách nhiệm và khôn khéo”. Chỉ đánh bắt những loài có kích thước trưởng thành, những loài cá nhỏ thì hãy thả lại.
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài; là trách nhiệm của toàn dân, của các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, chúng ta phải đồng hành cùng nhau.
Xin cảm ơn ông!