Một “chiến dịch” quy mô lớn, rộng khắp cả nước nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân chuyển dần một phần từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học sang các loại thuốc có nguồn gốc sinh học đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức quốc tế và nhiều địa phương khởi động.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, 12 doanh nghiệp đã cam kết với Cục xây dựng mô hình và ứng dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ sinh học với diện tích khoảng 200.000ha. Nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk cũng sẵn sàng bỏ tiền để tham gia.
Sau một thời gian triển khai, một số mô hình hiệu quả đã bước đầu hiện diện và nhân rộng. Cả nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều cảm thấy, chuyển từ nền canh tác sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học sang các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học giúp “lợi đủ đường”.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật về chủ đề này.
Có một thực tế rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV hoá học vẫn đang rất phổ biến tại nhiều vùng sản xuất trên cả nước. Rõ ràng, với thói quen canh tác như hiện nay, rất khó để chúng ta xây dựng được một nền nông nghiệp trách nhiệm, thân thiện với môi trường. Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Bảo vệ thực vật đưa ra những định hướng và giải pháp gì để ngành trồng trọt không tăng trưởng dựa trên sự đánh đổi môi trường và sức khoẻ con người, đồng thời giảm chi phí đầu vào?
Để xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, phát triển bền vững, chúng tôi đã vạch ra 3 định hướng lớn đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật. Đầu tiên là phải giảm lượng sử dụng thuốc BVTV hóa học. Thứ hai là phải tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học để thay thế cho thuốc BVTV hóa học. Và, định hướng thứ ba là cố gắng để sử dụng rất ít thuốc BVTV hóa học.
Để làm được như vậy, chúng ta đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết, kèm theo đó là các giải pháp đồng bộ đi theo từng định hướng lớn nêu trên. Đó không phải là mục tiêu định tính mà được định lượng cụ thể, theo từng giai đoạn.
Ví dụ, chúng tôi đưa ra chỉ tiêu cố gắng đến năm 2025 số sản phẩm thuốc BVTV sinh học nằm trong cơ cấu sản phẩm thuốc là 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học phải đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm.
Do đó, tất cả các đại lý, người nông dân phải được tập huấn hướng dẫn sử dụng đối với các loại thuốc BVTV sinh học này. Cục Bảo vệ thực vật đã dành hẳn một chương trình dài hạn để thực hiện nhiệm vụ này, bởi đây là một trong những vấn đề quan trọng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chứ không phải chúng ta nói chơi.
Vậy làm sao để chúng ta có thể giảm số lượng thuốc BVTV hoá học như hiện nay?
Để giảm lượng thuốc BVTV hoá học, đầu tiên chúng ta phải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu vào. Do đó, ngay từ khâu đầu tiên trong đăng ký, quá trình cấp giấy phép khảo nghiệm, đánh giá các kết quả khảo nghiệm, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện rất nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong thời gian tới, Cục sẽ tiến hành rà soát tổng thể Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, từ đó tiếp tục xem xét, đề xuất loại bỏ các hoạt chất độc hại, các thuốc có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.
Hiện nay, chúng tôi đã và đang xây dựng báo cáo đối với 7 nhóm hoạt chất hóa học độc hại, trong đó có 3 nhóm hoạt chất hóa học đã xây dựng xong và xin ý kiến các chuyên gia. Việc loại bỏ các hoạt chất hóa học độc hại này cũng đã được Cục thông báo tới các doanh nghiệp về loại thuốc, thời gian và lộ trình loại bỏ dự kiến. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục họp lại với các doanh nghiệp để cùng thực hiện các nội dung trên, đồng thời lấy ý kiến của các doanh nghiệp về việc loại bỏ này.
Nếu các ý kiến phản biện của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia có cơ sở thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ ghi nhận và nghiên cứu thêm. Còn nếu đã đủ căn cứ để loại bỏ các hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, thì cơ quan quản lý Nhà nước cùng các doanh nghiệp sẽ thống nhất để loại bỏ luôn.
Đó là cách thức mà Cục đang làm để đảm bảo công bằng, minh bạch chứ không vì bất cứ cái gì. Đây cũng là biện pháp để thực hiện theo đúng chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là “... Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ...” và hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Người xưa có câu “nói thì dễ, làm mới khó”. Vậy từ những định hướng, mục tiêu và giải pháp trên, Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương, đơn vị liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện như thế nào?
Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, để thực hiện được mục tiêu trên, đến tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết hợp tác với 12 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật về chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là những doanh nghiệp có tâm huyết, có trách nhiệm và đi đầu trong việc đăng ký sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học thân thiện môi trường.
Nội dung cam kết rất rõ ràng, thứ nhất là xây dựng gần 120 mô hình trình diễn thuốc BVTV trên đồng ruộng với 9 nhóm cây trồng chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng diện tích mô hình trình diễn và ứng dụng khoảng từ 200.000 - 250.000ha.
Đối với các mô hình, Cục Bảo vệ thực vật thành lập ban kiểm tra đánh giá thường xuyên, liên tục. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân để tham gia cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình xây dựng và đánh giá, đảm bảo kết quả công tâm nhất. Với những mô hình được đánh giá tốt, hiệu quả cao, Cục Bảo vệ thực vật sẽ khuyến cáo người dân ứng dụng sản phẩm thuốc BVTV đó.
Song song với từng mô hình trình diễn là các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho người nông dân và các đại lý về sử dụng thuốc BVTV sinh học. Điều này rất quan trọng, bởi nếu không thay đổi được nhận thức của người nông dân và các đại lý bán hàng, dù cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp có cố gắng đến mấy thì các mô hình vẫn chắc chắn thất bại.
Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, các doanh nghiệp cam kết tập huấn cho hơn 400.000 nông dân; 15.000 đại lý về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Đồng thời xây dựng hơn 1.300 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Tổng kinh phí mà các doanh nghiệp cam kết để thực hiện chương trình này khoảng 310 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục ký kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản.
Trước đó, Cục cũng đã ký kết phối hợp với Sở NN-PTNT Đồng Tháp và tổ chức Croplife về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trong 5 năm (tập huấn cho nông dân, đại lý thuốc BVTV, xây dựng các mô hình thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng) với tổng kinh phí hàng năm là 600 triệu đồng.
Từ quá trình kiểm tra, đánh giá các mô hình sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học, ông có thể chia sẻ những kết quả bước đầu trong chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và các đối tác?
Hiện nay, các mô hình vẫn đang trong quá trình thực hiện và đánh giá tính hiệu quả. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu chúng tôi ghi nhận được là rất khả quan. Điển hình là mô hình “Sức mạnh sinh học trên lúa” (giống lúa OM 5451), mô hình sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học là các Polyphenol (vi chất tự nhiên trong thực vật) chiết xuất từ than bùn, lá, vỏ thân cây xoài, cây núc nác, cây liễu, cây hoa hoè, cây vải..., được triển khai trên diện tích 40.000ha tại ấp Thới Hoà, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Mô hình này được Công ty TNHH-TM Tân Thành cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn sử dụng thuốc, phân bón hợp lý. Theo các hộ dân tham gia, mặc dù hiệu quả phòng trừ các loại thuốc sinh học không có tác dụng phòng trừ nhanh bằng các loại thuốc hóa học nhưng việc sử dụng thuốc sinh học trong mô hình “sức mạnh sinh học” mang lại năng suất lúa và kinh tế cao hơn so với ngoài mô hình và an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Hiện công ty đã có đầy đủ bộ sản phẩm thuốc sinh học để sử dụng cho các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Hiện đã có hơn 7.000 nông dân tham gia. Đặc biệt, công ty bao tiêu toàn bộ đầu ra cho người nông dân tham gia mô hình với giá cao hơn thị trường 10-15% nên bà con yên tâm sản xuất theo đúng quy trình công ty hướng dẫn.
Bên cạnh đó, mô hình sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100EW (dịch chiết từ vỏ lụa hạt điều) để điều trị bệnh trên cây thanh long ruột đỏ tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng cho hiệu quả tốt. Theo chủ vườn đang sử dụng thuốc Amtech 100EW vào giai đoạn thanh long rút râu, hiệu quả trừ bệnh hại của thuốc thấp hơn hiệu quả khi sử dụng thuốc hóa học nhưng năng suất, chất lượng vẫn đảm bảo.
Điều quan trọng nhất là sử dụng thuốc sinh học không ảnh hưởng đến sức khỏe, bảo vệ môi trường và đặc biệt không để lại dư lượng thuốc trên quả. Trong thời gian sử dụng Amtech 100EW, chủ vườn đã xuất khẩu nhiều sang các nước không bị dư lượng thuốc BVTV, nên rất yên tâm khi sử dụng thuốc theo quy trình công ty đã hướng dẫn.
Để thay đổi tư duy của người sản xuất trong vấn đề sử dụng thuốc BVTV an toàn, thân thiện môi trường là rất khó? Vậy ông mong chờ điều gì từ chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và các đối tác?
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhiều lần nói với chúng tôi rằng, các Cục quản lý chuyên ngành phải rất kiên trì, bám sát thực tế để truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nói một lần mà người nông dân chưa hiểu thì tiếp tục nói đến bao giờ họ hiểu thì mới thôi”. Và quan trọng nhất là không nói trên giấy trên vở, mà xuống tận nơi, hướng dẫn thực tế cho người dân ngay tại đồng ruộng, chứ bây giờ đơn vị tổ chức không mời bà con lên hội trường để họp nữa. Cách làm đó không hiệu quả.
Ngoài các lớp đào tạo, tập huấn, chúng tôi cũng đang thiết kế và hướng tới tổ chức các cuộc thi để lan toả các mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Rất mừng là ngoài cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, CorpLife Việt Nam (là một tổ chức quốc tế hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận thúc đẩy các hoạt động của ngành khoa học cây trồng) và Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) đã đồng hành và hỗ trợ chúng tôi rất đắc lực.
Thông qua đó hỗ trợ nâng cao nhận thức, trang bị cho nông dân Đồng Tháp, An Giang những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đầu vào trong đó có các sản phẩm thuốc BVTV đúng cách và làm nông một cách có trách nhiệm, từ đó giúp nâng cao giá trị nông sản của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vị thể nông sản Việt Nam nói chung.
Từ thành công bước đầu của mô hình, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất với Cục, tổ chức CropLife và VIPA mở rộng phạm vi trên địa bàn tỉnh. Địa phương cũng sẵn sàng bố trí kinh phí để thực hiện.
Tuy nhiên, để các mô hình thành công và nhân rộng được, nguyên tắc sống còn là phải hình thành sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng giúp nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Vậy Cục Bảo vệ thực vật và các đối tác đã xây dựng được mô hình nào như vậy chưa, thưa ông?
Chúng tôi đã bước đầu hình thành được những mô hình như vậy. Điển hình là mô hình “Canh tác sử dụng thuốc BVTV an toàn trên khoai tây” ở Đắk Lắk và Gia Lai với diện tích 10ha do Cục Bảo vệ thực vật hợp tác với Công ty TNHH Adama Việt Nam. Trong mô hình này, các doanh nghiệp đã liên kết cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Trong đó Công ty Adama cung cấp một số sản phẩm thử nghiệm để trừ tuyến trùng và bệnh mốc sương, bước đầu bà con khi nhận có hiệu quả cao so với đối chứng.
Công ty Pepsico Việt Nam đã hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như giống mới, kỹ thuật canh tác trong việc tưới nước, sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật bón phân an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, áp dụng cơ giới hoá tưới phun sương nhỏ giọt, máy thu hoạch trong sản xuất khoai tây bền vững.
Nhờ vậy, đến nay năng suất khoai tây đã tăng hơn gấp 3 lần, giá thành giảm, năng suất ước khoảng 25 - 27 tấn/ha. Đặc biệt, chúng tôi rất vui mừng khi sản phẩm khoai tây tại mô hình ở Gia Lai có chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Vậy những mô hình “nông nghiệp trách nhiệm” của Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các đối tác được người dân đón nhận ra sao? Những mô hình này có triển vọng nhân rộng hay không?
Những mô hình chúng tôi làm không chỉ là Cục Bảo vệ thực vật mong muốn mà rất nhiều người dân cũng mong đợi. Nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Cục hỗ trợ xây dựng các chương trình tập huấn và kêu gọi các doanh nghiệp về phối hợp với các tỉnh.
Bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra trong thời gian qua là tỉnh nào, địa phương nào mà các cấp lãnh đạo quan tâm sâu sát thì rất thành công, họ có nguồn lực đối ứng để cùng vào làm với mình.
Nếu Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật các địa phương nói rằng “cái này có tiền mới làm” thì chúng tôi sẽ từ chối hợp tác. Bởi, các đơn vị chuyên môn của địa phương phải xác định đó là việc thường xuyên, liên tục. Cục Bảo vệ thực vật chỉ hỗ trợ phương pháp ban đầu và cách thức triển khai làm sao cho người dân nhận thức được hiệu quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; phối hợp với địa phương để giám sát quá trình sử dụng thuốc BVTV trên thực địa.
Không chỉ thuốc BVTV sinh học mà cả phân bón hữu cơ, các mã số vùng trồng, các chương trình quản lý sức khoẻ cây tồng tổng hợp cũng được Cục Bảo vệ thực vật và các đối tác triển khai như vậy.
Thông qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là Báo Nông nghiệp Việt Nam tăng cường bám sát thông tin đối với các mô hình. Qua đó, phân tích, phản biện xem mô hình nào hiệu quả, mô hình nào không hiệu quả, nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả, kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình tốt.
Chúng tôi đặt quyết tâm rất cao vào chương trình này, vì trong tương lai, chúng ta sẽ giảm thiểu việc sử dụng các BVTV hoá học, chuyển dần sang sử dụng thuốc BVTV sinh học đặc biệt là trong thời điểm mà giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao, như giá thuốc trừ cỏ, phân bón. Như vậy, người sản xuất vừa an toàn, đảm bảo sức khoẻ bên cạnh đó bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường đất, nước.
Xin cảm ơn ông!