Với việc phát huy bản sắc văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh đã từng bước hình thành nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.
Tại Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 162.000 người, chiếm 12,31% dân số của toàn tỉnh. Trong số đó, có 5 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản, bao gồm dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ) và Hoa.
Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, thể hiện qua phong tục tập quán, trang phục, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ẩm thực… Nhiều năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa dân tộc đặc sắc của mình.
Đơn cử như dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long), vẫn duy trì một số nghi lễ, lễ hội đặc trưng của dân tộc, có thể kể đến nghi lễ cấp sắc, Hội làng Bằng Cả (được diễn ra vào 5 ngày trong năm gồm ngày 1/2, 1/4, 1/7, 1/10 và 20 tháng Chạp âm lịch).
Theo Nghệ nhân dân gian Lý Văn Út, người có hơn 40 năm truyền dạy nghi lễ dân tộc, người Dao Thanh Y sẽ có những điệu múa, câu hát đặc trưng cho từng hoạt động. Ví dụ như múa gà trong lễ cấp sắc, hát cầu mùa thì phải theo cặp còn hát giao duyên là để trai gái kết đôi… Mỗi lời ca, tiếng hát, điệu múa đều có những ý nghĩa khác nhau, thể hiện những tâm tư, tình cảm cùng sự tinh tế của người Dao.
“Bản sắc văn hóa người Dao Thanh Y luôn luôn được duy trì qua nhiều thế hệ, chúng tôi tự hào với những nét đẹp văn hóa trong đời sống và phong tục tập quán. Đặc biệt, hàng năm xã đều tổ chức các lớp học thêu truyền thống, học chữ Nôm Dao, hát giao duyên, dân ca dân vũ… cho giới trẻ để lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc”, ông Lý Văn Út chia sẻ.
Cùng với người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), người Sán Chỉ tại huyện Tiên Yên vẫn còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu. Thể hiện rõ nhất là qua văn hóa kiến trúc nhà sàn hay trang phục truyền thống với váy áo màu xanh đen, có thiết kế đơn giản để phù hợp cho hoạt động nông nghiệp cho nữ và trang phục có màu chàm cho nam.
Hằng năm, dân tộc Sán Chỉ nơi đây vẫn duy trì nhiều lễ hội truyền thống, trong đó Lễ hội mùa vàng miền Soóng cọ được xem là ngày hội lớn nhất trong năm với nhiều hoạt động hấp dẫn như nghi lễ cầu may truyền thống, hát soóng cọ, đêm lửa trại Cao Ly, đá bóng nữ, đẩy gậy…
Còn đối với người Tày ở Ba Chẽ, bản sắc văn hóa được thể hiện rõ nét trong mọi mặt của đời sống, từ các lễ hội truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục…
Trong đời sống tâm linh của người Tày, múa lẩu then là một phẩn không thể thiếu, phản ánh tâm tư, nguyện vọng về cuộc sống đủ đầy, gia đình sung túc, hòa thuận. Cùng với đó là múa sư tử mèo, loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp giữa âm nhạc, múa và võ thuật. Điệu múa khắc họa một cách sinh động nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào, chứa đựng tinh thần hướng thiện, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần thượng võ, đối nhân xử thế giữa người với người, với thiên nhiên và xã hội.
Về ẩm thực, dân tộc Tày có 2 loại bánh đặc trưng là bánh giày (người Tày áo đen làm vào tháng 11 âm lịch, còn người Tày áo nâu làm vào ngày 10/10 âm lịch hằng năm) và bánh coóc mò (làm trong dịp Tết Đoan Ngọ để cầu mùa màng bội thu, mừng mùa lúa mới). Ngoài ra, người Tày còn có nghề đan lát truyền thống từ cây tre, cây dùng, cây cọ trên rừng để làm thành chiếc quạt cọ, nón mê, mẹt, sàng…
Những nét văn hóa truyền thống vẫn luôn được cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy qua nhiều thế hệ, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi tiến trình và là bước đệm quan trọng trong mọi kế hoạch phát triển.
Trong thời gian qua, phát huy lợi thế từ văn hóa dân tộc, tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Hạ Long… đã và đang hình thành nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang những nét đặc sắc riêng biệt.
Ngược trở về năm 2009, dự án Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y được đầu tư xây dựng tại xã Bằng Cả (TP Hạ Long). Hiện nay, khu bảo tồn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Y, thể hiện tại những món đồ sinh hoạt hằng ngày, dụng cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thống… Đặc biệt, nơi đây còn diễn ra lễ Hội làng được tổ chức định kỳ mỗi năm.
Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Cả, nhấn mạnh: “Cộng đồng sống quần tụ, truyền đời, chúng tôi luôn có ý thức gìn giữ cũng như giáo dục người dân, thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây vừa là kho báu, vừa là nguyên liệu cho phát triển du lịch trong thời gian tới”.
Từ đây, hàng nghìn lượt du khách đã không quản ngại đường xa tìm đến Bằng Cả để thăm những ngôi nhà truyền thống, trải nghiệm những buổi sinh hoạt văn nghệ, cùng ngâm chân bằng lá thuốc nam và thưởng thức ẩm thực. Thông qua các hoạt động bước đầu hình thành sản phẩm du lịch cộng động trên địa bàn xã, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia các hoạt động phát triển du lịch trải nghiệm trên địa bàn.
Cũng trên địa bàn TP Hạ Long, tại xã vùng cao Kỳ Thượng, nhiều hộ dân người Dao Thanh Phán đã cùng nhau triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng mà còn được trải nghiệm các hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu trang phục, văn hóa truyền thống.
Còn tại xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), đầu năm 2024, được sự vận động và hỗ trợ của chính quyền, 6 hộ dân đồng bào Sán Chỉ đã xây dựng homestay và Thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Chia sẻ về quá trình hình thành nên homestay đón khách du lịch, anh Nình A Lộc, sinh sống tại khu Nà Mó (thôn Khe Lục, xã Đại Dực), cho biết:
“Ban đầu người dân cũng khá bỡ ngỡ với loại hình du lịch này và ngại làm lắm, vì từ trước đến nay có bao giờ cho người lạ vào ngủ rồi sinh hoạt cùng gia đình đâu. Thế nhưng, từ sự vận động cả lãnh đạo các cấp, đồng thời gia đình tự tìm hiểu trên mạng xã hội, từ đó hiểu được việc làm kinh doanh du lịch theo mô hình homestay nên thực hiện làm theo. Bước đầu, chúng tôi cũng thấy thuận lợi và chắc chắn sẽ duy trì đều đặn trong các năm tới”.
Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm nếp nhà truyền thống mà còn được tham gia giao lưu văn nghệ, nghe hát Soóng cọ, múa Tắc xình, đánh quay và thưởng thức những món ăn của người đồng bào. Những hoạt động đã mang đến cho du khách những kỷ niệm không bao giờ quên.
Với chủ trương phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện Bình Liêu đã xây dựng nhiều mô hình như Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô); bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngạn), Sông Moóc (xã Đồng Văn)… Song hành cùng với đó là tổ chức thường niên các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, Hội Mùa Vàng...
Đến Bình Liêu vào đúng thời điểm diễn ra Hội Mùa Vàng, anh Nguyễn Viết Luân (đến từ Hà Nội) bày tỏ: “Những tiết mục văn nghệ được trình diễn trong chương trình khai hội đã giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Ngoài ra, tôi còn được tham gia các trò chơi dân gian và cổ vũ các cô gái Sán Chỉ đá bóng”.
Những hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa được kết hợp cùng nhiều trò chơi dân gian mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, độc đáo. Để từ đó, những nét văn hóa truyền thống được truyền tải một cách sâu sắc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc và trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc tới du lịch Quảng Ninh.
Trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên độc đáo và nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, những mô hình du lịch của người đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang gặt hái được những trái ngọt, hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển và “bùng nổ” trong thời gian tới.
Ngay khi nhận thông tin địa phương làm du lịch, đông đảo bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều chung một cảm xúc, đó là sự phấn khởi, hào hứng và niềm tin yêu, lạc quan. Để lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc, nhiều người đã tích cực tham gia tổ du lịch cộng đồng, các CLB múa, hát dân ca truyền thống hay dạy may thêu trang phục truyền thống.
Qua đó, nhiều nghi lễ truyền thống do chính đồng bào dân tộc thiểu số tái hiện đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo sự quan tâm, yêu thích của du khách. Mỗi người dân dường như đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch để lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng với đó, đông đảo nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số đang ngày ngày vun đắp, bảo tồn và phát huy, trao truyền cho lớp thế hệ trẻ kế cận. Một số nghệ nhân ưu tú có thể kể đến như ông, bà Lương Thiêm Phú, Hoàng Thiêm Thành, Hoàng Thị Viên, Vi Thị Mè (dân tộc Tày) ở Bình Liêu; bà Nông Thị Hang (dân tộc Tày), ông Trần Văn Sẹc, ông Lỷ A Sáng (dân tộc Sán Chỉ), ông Hoàng Văn Hoa (dân tộc Dao) ở Tiên Yên; các bà Tô Thị Tạ, Trương Thị Choong, Trương Thị Trúc (dân tộc Sán Dìu) ở Vân Đồn; các ông, bà Bàn Thị Vinh, Trương Thị Quý, Lý Văn Út, Trương Thị Hoa, Đặng Văn Thương, Trần Xuân Bích, Đặng Thanh Lương (dân tộc Dao) ở Hạ Long…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa dân tộc là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025.
Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch, nhiều địa phương đã tích cực khôi phục, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như TP Móng Cái đã thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn; huyện Vân Đồn triển khai lập hồ sơ tư vấn xây dựng công trình Dự án làng văn hóa dân tộc Sán Dìu; huyện Bình Liêu hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ mừng cơm mới của người Tày và hội Kiêng gió (xã Đồng Văn)…
Đặc biệt, ngày 10/5/2024 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025).
Trong 2 năm 2024-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai 15 nhiệm vụ trọng tâm như: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi….
Với sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các ngành và toàn thể nhân dân, các sản phẩm du lịch độc đáo “made in dân tộc thiểu số” đã ra đời và thu hút đông đảo sự quan tâm, yêu thích của khách du lịch, từ đó tạo động lực góp phần lan tỏa, bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.