Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây của PepsiCo

PepsiCo là Tập đoàn đồ uống và thực phẩm toàn cầu, hoạt động trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay PepsiCo có các nhãn hiệu toàn cầu nổi tiếng như Frito-Lay, Gatorade, Pepsi-Cola, Quaker, Tropicana… bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 1994 thông qua liên doanh Suntory PepsiCo Bevarge Việt Nam và Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, đến nay, PepsiCo đã đầu tư hơn 500 triệu USD và tạo ra 3.000 việc làm trực tiếp, hơn 10.000 việc làm gián tiếp với 14 nhà máy và nhà kho trên khắp cả nước.

Với doanh thu toàn cầu đạt hơn 67 tỷ USD vào năm 2019, mảng snack giữ vai trò quan trọng đối với tập đoàn sản xuất thực phẩm và nước giải khát lớn nhất nhì thế giới.

Tại thị trường Việt Nam, ngành hàng snack khoai tây ngày càng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều trên hai con số. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của khoai tây tươi nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% của nhu cầu này.

Trước năm 2008 nguồn cung khoai tây cho nhà máy sản xuất snack chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài do trong nước chưa có vùng trồng khoai tây quy mô chế biến công nghiệp.

Để có được những sản phẩm chất lượng quốc tế đến tay người tiêu dùng, PepsiCo cần có nguồn nguyên liệu lớn trong nước. Hơn 10 năm qua, PepsiCo đã miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm vùng đất và thử nghiệm để xây dựng vùng nguyên liệu. Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu ngay tại thị trường Việt Nam của PepsiCo đến nay vẫn chưa bao giờ dừng.

Do đó, năm 2006, ngay sau khi triển khai lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam và thành công trong mảng đồ uống, chương trình nông học của PepsiCo đã được khởi động tại tỉnh Lâm Đồng năm 2007. Dự án nhằm mục tiêu liên kết với nông dân để sản xuất ra những củ khoai tây làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thành các sản phẩm snack chip như Lay’s và Poca đang nổi tiếng trên thị trường.

Với phương thức “đối tác song hành” PepsiCo Việt Nam ký hợp đồng với người nông dân theo giá thỏa thuận, cung cấp giống, phân chất có lượng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân được thành công, PepsiCo Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương, trực tiếp tại đồng ruộng.

Hình thức hợp tác này tránh cho người nông dân rủi ro về biến động giá trên thị trường giúp người nông dân biết được thu nhập của mình khi liên kết với PepsiCo sau chu kỳ sản xuất 4 tháng.

Những ngày đầu tiên chương trình triển khai tại tỉnh Lâm Đồng, việc hợp tác với nông dân được chính quyền tỉnh Lâm Đồng hết sức hỗ trợ. PepsiCo Việt Nam ký kết với nông dân bằng hợp đồng. Vùng trồng được chính quyền quy hoạch.

Tuy nhiên, người dân Lâm Đồng khi đó lại không tin tưởng vào công ty, bởi đây là công ty đầu tiên ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Phương thức này còn quá xa lạ với nông dân và vùng đất chưa bao giờ trồng cây khoai tây, chỉ trồng rau màu, chỉ quen với các phương thức canh tác rau màu, chưa phù hợp với canh tác khoai tây.

Vì vậy, có những thời điểm, nông dân không tuân thủ theo điều kiện đã ký trong hợp đồng. Khi giá thị trường cao hơn cam kết của công ty, nông dân liền bán khoai tây cho thương lái. Khi giá thị trường thấp thì, cả những nông dân chưa ký hợp đồng với công ty mua khoai ở ngoài thị trường để bán lại cho công ty. Đó là một trong những khó khăn rất lớn mà đội ngũ nông học của PepsiCo phải vượt qua.

Và, với sự kiên trì, bền bỉ, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương hỗ trợ về quy hoạch, tuyên truyền, sự tận tụy của đội ngũ kỹ thuật công ty xuống tận ruộng để tập huấn kỹ thuật canh tác khoai tây cho nông dân, khoai tây phát triển tốt, năng suất được nâng lên rõ rệt.

Chính điều đó giúp nông dân nhận ra rằng: Nếu thực hiện cam kết với công ty sẽ có lợi nhuận về lâu dài. Từ đó người nông dân tin tưởng, gắn bó với PepsiCo.

“Đến nay, PepsiCo Foods là thành viên tích cực  Nhóm rau quả của Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) hơn 10 năm qua. Đối với Chương trình nông học của PepsiCo trên tất cả các quốc gia cũng như ở Việt Nam đều bắt đầu từ cây khoai tây, từ đồng ruộng đến nhà máy làm sao cho ra sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng” - Ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học của PepsiCo Việt Nam cho biết.

Hiện nay, cơ cấu đầu tư và lợi nhuận của PepsiCo: Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, PepsiCo đầu tư ứng giống, phân bón cho bà con khoảng khoảng 40%, nông hộ đầu tư 60% còn lại vào thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước... Lợi nhuận dòng tại mùa khô đạt khoảng 95 triệu  - 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp như PepsiCo đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thông qua Bộ, thông qua địa phương thì sẽ đưa được giống mới, công nghệ mới, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con. Từ đó, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho người nông dân.  Doanh nghiệp khi đầu tư vào vùng nguyên liệu như khoai tây ở Tây Nguyên thì có thể đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, cả doanh nghiệp và người dân sẽ cùng nhau chia sẻ lợi ích, đem lại hiệu quả cao hơn cho nông nghiệp địa phương.

 

Để phát triển khoai tây tại địa phương, đảm bảo nguồn cung nội địa thì cần có bộ giống tốt. Hiện nay, trên toàn cầu, PepsiCo có 2 hệ thống nghiên cứu giống tại Mỹ và Peru. Để tạo ra một giống khoai mới phải mất trung bình từ 8 - 15 năm. Hàng năm, PepsiCo chọn loại giống phù hợp với điều kiện nhiệt đới đưa về thử nghiệm.

Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã công nhận 2 loại giống FL2215 và FL2027 để đưa vào sản xuất. Hai giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và năng suất cao. Giống FL2215 có khả năng chống chịu trong mùa mưa tại Lâm Đồng, Đăk Lăk.

Ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam khẳng định: Với chính sách hiện nay của PepsiCo, bà con nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật từ công ty rất tốt, phân, giống được đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu rất kỹ để ra được củ khoai có hàm lượng đường phù hợp với loại khoai tây chế biến. Đến nay, công ty đã đầu tư kho lạnh để bảo quản giống, giúp việc dự trữ giống tốt hơn thay thế cách bảo quản giống trước đây chỉ để trên các giá, kệ nơi mát.

Ngoài việc chuyển đổi tập quán canh tác của nông dân, việc cơ giới hóa trong sản xuất đã giúp cho việc canh tác thuận lợi hơn, giảm được chi phí nhân công thời vụ, tạo chất lượng đồng đều hơn PepsiCo đã giúp người dân thay đổi từ hình thức tưới thông thường sang hình thức tưới phun sương, nhỏ giọt.

Đặc biệt, tại Đăk Lăk tưới bằng hệ thống nhỏ giọt, giúp năng suất tăng và lượng nước/1ha giảm, tiết kiệm hơn 4.000m3/ha so với tưới xoa truyền thống. Nếu tính trên hệ thống nhỏ giọt so với tưới phun sương, sẽ tiết kiệm 30% nước tưới. Điều đó cho thấy việc áp dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Năm 2017, thanh niên Nguyễn Quốc Bảo sinh năm 1989 rời quê hương Lâm Đồng lên lập nghiệp tại xã Cư Bao, huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Tài sản Bảo mang theo là 4 năm kinh nghiệm trồng khoai tây và một số vốn đủ để thuê được 8ha đất đỏ bazan.

Với quyết tâm lập nghiệp và 8ha đất thuê ban đầu cùng sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật của PepsiCo để trồng khoai tây, cuối năm 2017 Bảo thu lời 450 triệu đồng.

Có lợi nhuận từ vụ khoai tây đầu tiên, Bảo thuê thêm 2ha nữa và xuống giống. Vụ Đông Xuân thứ hai, Bảo thu về trên 500 triệu đồng. Năm 2019, diện tích trồng khoai tây của Bảo nâng lên 20ha, năng suất bình quân từ 25 -30 tấn/ha. Đầu năm 2020, Bảo thu về xấp xỉ 1,3 tỷ đồng.

Đồng hương của Bảo, Nguyễn Công Giang sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Đại học Công nghiệp TP.HCM đã tạm cất hai tấm bằng cử nhân để khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Năm 2018, Giang cùng người bạn tên Đăng bắt tay vào trồng các loại rau củ như cà rốt, củ cải… và nhận thấy làm nông nghiệp thì đầu ra của sản phẩm là quan trọng.

Từ mô hình thành công của Bảo và thấy được tiềm năng của PepsiCo đang cần mở rộng nguồn nguyên liệu và sẵn sàng liên kết, bao tiêu đầu ra sản phẩm khoai tây, Giang và Đăng bỏ cà rốt, củ cải liên kết cùng với Bảo đầu tư sản xuất khoai tây cho PepsiCo.

Chia sẻ về quyết định liên kết với PepsiCo để trồng khoai tây quy mô lớn, Giang cho biết, so vào các loại nông sản khác, trồng khoai tây cho thu nhập ổn định. Mục tiêu liên kết giữa PepsiCo với nông dân là để đưa ra thị trường sản phẩm snack được làm từ nguyên liệu đầu vào là củ khoai tây an toàn.

Đối với hình thức hợp tác này, PepsiCo ký hợp đồng với nông dân theo giá thỏa thuận, tránh được cho người nông dân rủi ro về biến động giá trên thị trường, giúp người nông dân biết được thu nhập của mình khi liên kết với PepsiCo sau chu kỳ sản xuất trong 4 tháng. PepsiCo sẽ cung cấp giống và phân bón chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương, trực tiếp hướng dẫn tại đồng ruộng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân được thành công. 

Dè dặt với mô hình liên kết trồng khoai tây của PepsiCo, năm 2017, ông Trần Trung Quyết, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar chỉ dành ra 5ha thí điểm liên kết trồng khoai tây với PepsiCo. Nhưng chỉ sau đúng một vụ, Quyết đã thu về 400 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí ứng trước của công ty.

Lê Tuấn
Gia Minh-Đỗ Trung
PepsiCo-NNVN
Nhật Quang-Đinh Tùng