Khát vọng nền nông nghiệp hữu cơ nơi vùng ‘đất lửa’

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, trong đó, điều bất ngờ nữa là hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì… thì người nông dân Quảng Trị đi từ ngỡ ngàng đến tự hào, vui sướng…

 

 

Những năm trước đây, nông nghiệp Quảng Trị luôn bị ảnh hưởng lớn bởi điệp khúc “được mùa mất giá”. Chìa khóa giải bài toán chính là phải có doanh nghiệp đồng hành. Vì vậy, cách đây vài năm, “Tư lệnh” ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã 3 lần trực tiếp và mời  chào Công ty Đại Nam về đầu tư.

Doanh nghiệp liên kết với Quảng Trị sản xuất gạo hữu cơ là Công ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic), đơn vị thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam, có địa chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Những lần “ghé thăm” của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại trụ sở Công ty Đại Nam đã làm lãnh đạo doanh nghiệp “mềm lòng” trước khó khăn của vùng “đất lửa”. Cũng ít có doanh nghiệp nào khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mời gọi lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả với nông dân như Công ty Đại Nam.

Để “có đi có lại”, đại diện Công ty đã đàm phán với nông dân với những “điều khoản” bắt buộc. Đó là: nông dân phải dùng phân bón Ong Biển do Công y sản xuất; tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Ngoài ra, nông dân phải tuân thủ kỹ thuật thâm canh đúng với cán bộ kỹ thuật của Công ty, của Sở NN-PTNT hướng dẫn..

Đổi lại, Công y tuyên bố bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền ngay tại ruộng. “Nếu đến kỳ thu hoạch, diện tích nào có sản lượng dưới 2,5 tạ/sào (50 tạ/ha), Công ty sẽ bù phần lỗ mất mùa đó cho bà con”, đại diện Công ty “chốt” như vậy.

Ngoài ra, Công ty Đại Nam cũng cam kết, trả tiền tươi 7.000 đồng/kg và “bao cấp” từ cái bao đựng lúa cho đến phân bón và nhận sản phẩm ngay tại ruộng, khi bà con vừa thu hoạch xong.

Theo ông Trần Đại Nam, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam, bao đời nay, người nông dân lam lũ với nghề nông và cũng khó “cất mặt” lên được. Việc trồng lúa chỉ đủ ăn hay có dư thì cũng được chút ít làm người nông dân khó thoát ra được tư duy đó. Nhưng nếu đưa gạo hữu cơ chế biến ra các sản phẩm khác thì giá trị từ hạt gạo sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Theo đó, giá thu mua lúa cho nông dân sẽ tăng lên, thị trường cũng được mở rộng. Khi ấy, người nông dân sẽ không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà có thể làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Luôn sát cánh, hỗ trợ nông dân trong việc phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị với nguồn vốn đầu tư 100 tỉ đồng.

“Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một khu phức hợp các công trình chế biến nông sản hữu cơ như gạo, cà phê, lạc, ngô… Quy trình sản xuất được khép kín từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến khâu chế biến, đóng gói, thu hồi phụ phẩm. Người nông dân sẽ không còn lo lắng đầu ra nông sản mà chỉ làm cho thật tốt”, ông Nam chia sẻ.

 

 

Quảng Trị cũng như dọc dãy đất miền Trung vốn chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai. Cây lúa, hạt gạo chưa bao giờ được xướng tên trên bản đồ nông sản bởi năng suất thấp, chất lượng kém.

Người nông dân tự bao đời vẫn gắn với tư duy sản xuất, phương thức canh tác truyền thống, với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu...

Chúng tôi về huyện Gio Linh (Quảng Trị) và tìm về  vùng đất Gio Mỹ, nơi bắt đầu hình thành và tạo dựng nên thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Anh Nguyễn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), hồ hởi đón chúng tôi như những người bạn thân đi xa lâu ngày gặp lại.

Anh Nguyễn Giang kể lại, khi lãnh đạo Sở NN-PTNT về cơ sở và trao đổi làm mô hình nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là đã có được hướng đi mới, nhưng cái lo vẫn canh cánh liệu hiệu quả có được như mong muốn.

Tại thời điểm vào vụ Hè Thu năm 2017, HTX Phước Thị được Sở NN-PTNT chọn là đơn vị đầu tiên canh tác lúa hữu cơ. Vì vậy mà gian nan, khó khăn không phải là ít. Khi triển khai họp dân, kêu gọi làm lúa hữu cơ, ai cũng lắc đầu ngại khó. Ruộng đất đã chia, manh mún, giờ tích tụ lại đâu phải chuyện dễ. Có người còn bàn ngang: “Mấy chục năm rồi, cứ làm lúa vô cơ, tuần tự làm đất, gieo mạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, rồi gặt mang vô nhà. Bây chừ làm lúa hữu cơ thì sao chịu được”.

Để có được thống nhất cao, cán bộ HTX phải đi từng hộ dân nói cho thuận lòng. “Những người lớn, có uy tín trong dòng họ, trong cụm dân cư thì chúng tôi đến tận nhà thuyết phục. Những người còn lại thì động viên với cam kết có lợi cho nông dân. Dần dần, sự đồng thuận gần như cơ bản”, anh Giang kể lại.

 

 

Cái khó nữa của làm ruộng hữu cơ là cánh đồng mẫu lớn, trăm người như một. Chỉ cần một người không làm mà liền địa, liền ruộng trong đó, thì tất cả còn lại cũng “chào thua”, không triển khai được. Bởi quy trình nghiêm ngặt của lúa hữu cơ là không thể lọt vào một diện tích nhỏ nào, để tránh lây lan, nhiễm bệnh.

“Về quy trình kỹ thuật cũng phải thay đổi hoàn toàn”, anh Giang chuyển sang khó khăn khác. “Nông dân mình vốn bảo thủ, hơn 30 năm nay muốn bón phân lúc nào thì bón, giờ đâu có được. Nông dân bón phân vô cơ chỉ 10 kg/sào, nhưng hữu cơ là 105 kg/sào và phải bón 5 lần trong 1 vụ, thời gian 15-20 ngày/lần. Khâu này thôi, cũng phải chỉ rõ là tốn công cho bà con hiểu”, anh Giang nói.

 Khi bắt tay vào làm lúa hữu cơ, nảy sinh ngay vấn đề là lúa xấu, bởi phân Ong Biển bón thì lúa không xanh đậm, hơi vàng, mật độ thưa lúc đầu nên nhìn ruộng lúa bà con lo lắng. Có khi thấy sâu bệnh xuất hiện, nông dân hoài nghi, gọi cho cán bộ HTX chất vấn ngay trên bờ ruộng: “Các ông làm thế này, nếu mất mùa, HTX có đền không? Làm gì có loại phân bón kháng được tất cả sâu bệnh?”.

Trước những chất vấn của bà con, Giám đốc Nguyễn Giang lắm lúc cũng lo lắng. Nỗi lo như vợi đi được phần nào khi được lãnh đạo Sở NN-PTNT khi đó và đại diện doanh nghiệp động viên, cam kết sẽ hỗ trợ cho bà con nếu có thất bát mùa màng.

 

 

 

 

Diện tích ban đầu được triển khai 20ha, dự kiến năng suất tầm 2 tạ/sào (40 tạ/ha). Những ngày đầu khi cây lúa trên đồng bắt đầu vào chín ươm, gần như hôm nào các anh trong HTX cũng tranh thủ ra thăm đồng. Thông tin cũng được cập nhật cho lãnh đạo Sở NN-PTNT để nắm bắt tình hình. Khi những hạt thóc đầu tiên được chở từ ruộng về sân bà con thì mọi người mới nhẹ nhõm trong lòng. “Cho dù lúc đó, năng suất cũng chỉ đạt 40 tạ/ha, nhưng chúng tôi và bà con nông dân đã có được lòng tin ban đầu”, anh Giang cho hay.

Có được những kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, HTX  Phước Thị chỉ đạo bà con xuống vụ thứ hai trong khí thế mới. Cây lúa trên đồng cứ cứng cáp lên trong nắng gió khắc nghiệt. Năng suất thu hoạch cứ tăng lên 50 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha. Người nông dân càng vững chắc lòng tin nhìn ra đồng ruộng. Cứ hễ gặp nhau là chuyện trao đổi kinh nghiệm về canh tác lúa hữu cơ được mở ra hàng đầu. Người chưa làm được cũng nóng ruột muốn được tham gia làm ngay.

Cho đến vụ Đông Xuân năm 2019, khi sản lượng trên đồng được xác định trung bình là 70tạ/ha và có thửa ruộng  đến 80 tạ/ha. Ông Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân có 1,5 ha diện tích làm lúa hữu cơ hồ hởi: “Đúng là như trong lúc nằm ngủ mơ thấy. Cây lúa khi vào canh tác thì cũng dễ chứ không phải là khó. Sâu bệnh càng ít thấy. Năng suất thì hiếm có lúa nào chạy theo kịp, hạt lúa đẹp lắm. Đó là chưa kể đến nguồn lợi lớn từ tôm, cá trên ruộng”.

Cũng như ông Thành, nhiều nông dân ở Gio Mỹ sau khi làm lúa hữu cơ cũng đã nói phấn chấn cho hay, làm hữu cơ cho lãi gấp 2-3 lần vô cơ.

Ngoài ra, sức khỏe nông dân được gìn giữ, người ăn hạt cơm cũng vững dạ vì gạo sạch, cơm sạch. “Môi trường đồng ruộng được đảm bảo. Nhiều ruộng, cá tôm trở lại, có vụ bắt 2 tạ cá/ha. Bà con sướng lắm”, ông Thành vui cười khoe thêm.

Khi hội thảo đầu bờ vụ thứ 2 làm lúa hữu cơ tại Gio Mỹ, ông Võ Văn Hưng (lúc đó là Giám đốc Sở NN- PTNT Quảng Trị) đã chỉ đạo: “Mô hình này là cơ sở để nông dân Quảng Trị bắt tay vào làm nền nông nghiệp hữu cơ. Phải mở rộng mô hình ra một số địa phương khác để từ đây làm cho được thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị”.

 

 

 

Chỉ sau 5 vụ lúa kể từ khi thực hiện mô hình đầu tiên ở huyện Gio Linh, thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị “Gạo Quảng Trị” không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài biết đến.

Để thắt chặt mối liên kết với nông dân, QTOrganic được Công ty Đại Nam giao nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ cho nông dân tại khu vực miền Trung. Trong quá trình thực hiện lúa hữu cơ tại Quảng Trị, giống lúa mà QTOrganic  gieo cấy là ST 24 và lúa Thơm RVT . Hạt gạo ST24 đạt giải Nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019. Vinh dự này cũng làm cho nông dân Quảng Trị thêm động lực gắn với sản xuất hữu cơ an toàn.

Bà Nguyễn Thị Mai (xã  Gio Mỹ, huyện Gio Linh) có diện tích trên 3 ha trồng lúa hữu cơ bằng giống lúa ST 24 nói vui: "Nghe thông tin cũng rất tự hào lắm. Gạo ST 24 nhất thế giới mà nhà tui thì trồng lúa hữu cơ bằng giống lúa nhất ni thì đúng là nhiều cái nhất rồi. Trong đó có cái nhất nữa là bà con làm ruộng không có thuốc trừ sâu nên an toàn lắm. Giữ được sức khỏe là quan trọng. Thật là cảm ơn công ty đã mang lại niềm vui và hiệu quả lớn cho nông dân chúng tôi”.

Theo cán bộ kỹ thuật của QTOrganic, toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác bằng chủng men vi sinh Ong Biển. Loại phân bón này được dành riêng cho thổ nhưỡng của những địa phương trước đó dùng nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Kỹ sư Trần Thị Loan, cán bộ kỹ thuật QTOrganic, cho hay, bón phân này có tác dụng giải quyết hết các độc tố có trong đất và làm cho đất màu mỡ, nhiều dưỡng chất. “Từ đó, tạo ra những hạt gạo với hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội”, kỹ sư Loan cho biết.

Nói về những cam kết và hỗ trợ cho nông dân của QTOrganic, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Cái hay của quá trình sản xuất gạo hữu cơ là công ty cam kết thu mua hết sản phẩm (lúa tươi) và thanh toán tiền tại đồng ruộng với giá cao hơn thị trường khoảng 30%. Liên kết này mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nông dân, đưa lại sản phẩm an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, tạo được sự bền vững môi trường”.

 

 

Quảng Trị đã có trên 100 mô hình nông nghiệp hữu cơ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân có hiệu quả ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… Do đó, việc nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh là bài toán mà lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo sát sao.

Từ những mô hình ban đầu, đến nay Quảng Trị đã có bước tiến vững chắc trong xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để mang lại cho bà con nông dân thu nhập cao trên  đồng đất của mình.

“Rõ ràng, Quảng Trị không có thế mạnh về cây lúa, hạt gạo so với các tỉnh khác trong nước. Nhưng khi hạt gạo “Made in Quảng Trị” có đủ sức hút với người tiêu dùng và đã có những bước tiến dài trên thị trường. Từ đây, cách làm nông nghiệp, tư duy sản xuất của bà con nông dân cũng có sự thay đổi lớn”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết.

Theo ông Võ Văn Hưng, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, đó chính là thay đổi cách nhìn, về tư duy hướng tới nông nghiệp hữu cơ organic của nông dân.

Trong lộ trình mà tỉnh Quảng Trị thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững” là chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên tinh thần này, Quảng Trị không làm ồ ạt, nóng vội mà có từng bước đi vững chắc dựa trên nền tảng hiệu quả từ những vùng đất, những cánh đồng để sau đó nhân rộng các mô hình với tầm vóc lớn.

Sự cam kết ban đầu của doanh nghiệp tạo cho nông dân có thêm lợi thế “sân nhà” để an tâm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ qua 5 vụ lúa  thắng lợi, người nông dân lần đầu tiên có được "tiền tươi”, lãi trên cánh đồng mà mình đã  đổ mồ hôi công sức xuống đó. Mức lợi nhuận cứ tăng dần theo thời gian, từ 22 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng rồi 40 triệu đồng/ha và con số chưa dừng lại.

Đến nay, mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ đã được nhân rộng ra gần 400ha. Trong tương lao gần, lúa hữu cơ sẽ được mở rộng trên 6.000ha cánh đồng lớn của Quảng Trị.

Từ những mô hình có hiệu quả ban đầu như gạo hữu cơ, cam sạch, chanh leo xuất khẩu…, Quảng Trị đã hình thành mới hơn 100 mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghịệp với nông dân. Hầu hết các mô hình đều có hiệu quả, ổn định và tạo lòng tin cho nông dân hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ.

 

 

Những mô hình nông nghiệp hữu cơ đã đưa Quảng Trị có những sản phẩm sánh được với các địa phương vốn có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo hữu cơ và các sản phẩm Organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, cam Hải Phú, chanh leo miền tây Quảng Trị… Đặc biệt lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp; chanh leo đã tiến vào được thị trường Châu Âu.

 

 

Những vùng đất miền Tây của các  huyện Hướng Hóa, Khe Sanh, Cam Lộ… đến vùng cát ven biển của Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh… ẩn chứa một tiềm nắng lớn đang dần dần được đánh thức.

Điều đó đã được minh chứng qua việc nhiều doanh nghiệp lớn đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Vùng đất đồi hoang miền Tây trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu dứa của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; hay những dự án tiếp theo của Công ty TNHH Thương mại Đại Nam, của Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị. Nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn FLC, Tập đoàn ISE food, Tập đoàn Sumitomo… cũng đã "gõ cửa" và bước vào cam kết đồng hành với nông dân Quảng Trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu nông nghiệp. “Trong đó, một trong những bước đột phá là đã từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Xác định trong sản xuất nông nghiệp, công đoạn mang lại nhiều giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm là công nghiệp bảo quản, chế biến, Quảng Trị đang cố gắng xây dựng thêm các nhà máy bảo quản, chế biến nông sản.

Đơn cử, Công ty My Anh - Khe Sanh đang đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, chế biến và bảo quản sản phẩm chuối và một số loại trái cây khác với công suất 27 - 36 ngàn tấn/năm; Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang liên kết trồng dứa với các địa phương trong tỉnh tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm dứa và các loại thực phẩm đồ uống xuất khẩu tại Quảng Trị...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Trị đã có 5 doanh nghiệp lập dự án theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 34 trang trại chăn nuôi áp dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh, 1 trang trại chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAP với quy mô nuôi 18.000 con gà/năm...

Và một số HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: HTX Nguyên Khang - Hải Lăng Garden (trồng rau bằng hệ thống thủy canh hồi lưu, trồng dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Israel trong nhà màng với quy mô 1.000 m2); HTX Trường Sơn (Vĩnh Tú, Vĩnh Linh) sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu với quy mô 4.500 m2; Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Hải Ba, Hải Lăng) với tổng diện tích 120 ha với mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng...