“Học sinh, sinh viên càng ngày càng giảm sự quan tâm đến các chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn; một số chuyên ngành đặc thù thậm chí còn không có sinh viên đăng ký; ngành nghề nông nghề khó lòng cạnh tranh với các ngành nghề thời thượng khác…”. Tôi thấu hiểu và chia sẻ với suy nghĩ, tâm tư của các thầy cô gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tôi cũng thường nhắn gửi với các thầy cô rằng, chúng ta cũng cần nhìn nhận, nêu ra những câu hỏi ngược. Liệu các bạn trẻ không hề quan tâm đến nông nghiệp hay chính chương trình đào tạo, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn chưa đủ sức thu hút các bạn trẻ? Phải chăng chỉ có theo học chuyên ngành nông nghiệp thì sau này tốt nghiệp, các bạn mới gắn bó với nghề nông hay không?
Chúng ta có nghĩ đến các môn học, nội dung giới thiệu về kế toán nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào nông nghiệp, thương mại điện tử trong nông nghiệp, hay truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để kết nối, quảng bá nông sản?
Chúng ta đang đào tạo, tuyển sinh các chuyên ngành chúng ta có thế mạnh, có kinh nghiệm, hay chúng ta cần thiết kế các chương trình giảng dạy liên ngành nông nghiệp, nông thôn với các lĩnh vực các, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh, sinh viên? Nếu học sinh, sinh viên chưa tìm đến khối trường nông nghiệp, nông thôn, thì khối trường nông nghiệp, nông thôn có thể chủ động tìm đến các bạn để hỏi thăm, khảo sát, lắng nghe hay không?
Trên những chuyến xe đi công tác ngược xuôi về mọi miền quê nông thôn, về với bà con nông dân, tôi hay mở nghe các bài hát dân ca ba miền, các bài hát gắn với văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương, các bài nhạc cách mạng hào hùng… “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa. Và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế. Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…”. Những giai điệu da diết, ca từ sâu sắc, giúp đường xa như dần ngắn lại, chợt thấy lòng mình thêm yêu quê hương.
Một ngày, tôi nhận được bài hát “Rock Hạt gạo” (Phương Mỹ Chi https://youtu.be/jMo-Cdfz-xw?si=Gu5gWe_BVMC6-ulw ). Bấm vào đường dẫn, giai điệu vang lên mới lạ, khỏe khoắn và hiện đại. Tôi ít khi nghe nhạc trẻ, chưa có dịp tìm hiểu nhiều về các dòng nhạc mà các bạn trẻ - Gen Z yêu thích.
“Rock Hạt gạo” khác với “Hát về cây lúa hôm nay”, khác với hình ảnh cây lúa, hạt gạo thân thuộc đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần qua từng làn điệu dân ca, câu hò, điệu ví… Tôi lại bật “Rock Hạt gạo”, bật đi bật lại nhiều lần, lắng nghe các bạn trẻ đang hát lên điều gì, đang gửi gắm thông điệp gì. Càng nghe, tôi lại nghĩ về nỗi đau đáu của các trường nông nghiệp, nông thôn: gắn kết giữa giới trẻ với các giá trị nông nghiệp, nông thôn có phần mỏng manh? Càng nghe, tôi lại có thêm nhiều câu trả lời mới.
Bài hát mở ra bằng lời chào, lời giới thiệu chủ động, thể hiện sự tự tin hội nhập của các bạn trẻ, của hạt gạo, của nông sản quê hương, khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam. Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến lúa gạo, đến nền văn minh lúa nước, thưởng thức hạt gạo Việt Nam, bạn bè gần xa ít nhiều cảm nhận được hình ảnh, hương vị, nét đặc sắc Việt Nam.
Ngoại giao nông nghiệp dần trở nên phổ biến. Tại các sự kiện đối ngoại lớn nhỏ, nhiều lãnh đạo đứng đầu đất nước, địa phương say sưa, tự hào giới thiệu về từng trái quýt, quả nho. Ở nhiều quốc gia, tư duy thị trường, tiếp thị, tư duy quảng bá, đối ngoại, không phân biệt giữa doanh nghiệp, nông dân hay bộ máy nhà nước. Không chỉ là thương mại nông sản đơn thuần, mà thông qua đó, là giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, hình ảnh đất nước. Thương hiệu quốc gia cũng có thể được kiến tạo từ cách tiếp cận hình ảnh nông nghiệp, nông sản của đất nước.
Hạt gạo không chỉ có giá trị về vật chất, về dinh dưỡng, mà còn hàm chứa lời nhắn gửi trân trọng về lòng biết ơn, truyền thống dân tộc, trân quý từng hạt gạo, nhớ ơn người trồng lúa:“Là người Việt Nam xin cám ơn cuộc đời, xin cám ơn viên ngọc trời”.
Nếu biết cách nâng niu, tích hợp đa giá trị, từ những điều bình dị nhất, một hạt gạo nhỏ cũng có thể tạo nên“gấm hoa” vô giá, vô cùng, vô tận.
Biết quan tâm, tìm tòi, dành thời gian cho bảo quản, chế biến, chúng ta có thể nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa sản phẩm. Tính riêng cho hạt gạo, đi khắp các vùng miền đất nước, khó lòng nhớ hết, kể ra đầy đủ sản phẩm chế biến từ gạo. “Nên cơm, nên rượu nên xôi. Nên cơm, nên sợi thơm ngon. Còn nhiều lắm…”.
Bài chia sẻ trên mạng xã hội của một vị nguyên Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã phần nào nói lên nét đặc sắc và đa dạng của hạt gạo, cây lúa Việt Nam: “Thường xuyên đạp qua cảnh đồng lúa thơm. Nhưng vừa mới được phát hiện từ vựng tiếng việt có 11 từ liên quan đến một cây đơn giản. Finally learned all 11 Vietnamese words for rice. Lúa: rice plant. Mạ: young rice plant. Thóc: unchaffed rice. Gạo: chaffed rice. Cơm: cooked white rice. Cốm: immature rice. Nếp: sticky rice. Tấm: broken rice. Tẻ: long grain rice. Lứt: brown rice. Mẻ: fermented rice”.
“Bạn ăn cơm chưa!” cũng là lời chào mà tôi gửi đến quý đại biểu, khách dự, bà con nông dân tham gia, theo dõi sự kiện Festival Lúa gạo quốc tế 2023 tổ chức tại Hậu Giang.
“Bạn ăn cơm chưa” là lời thăm hỏi chân tình, đậm chất văn hóa gắn bó thiết thân mà người Việt Nam vẫn dành cho nhau mỗi ngày. Tự bao giờ, cây lúa, hạt gạo, bữa cơm thường ngày đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần trên đất nước mang hình chữ S, như biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa. Đó là lòng hào sảng, hiếu khách, người người đều là anh chị em một nhà: “Chưa ăn cơm thì ta ăn chung nè”. Đi khắp phương trời, nhắc đến hạt gạo, cùng ăn bữa cơm, là trọn vẹn, đong đầy tình thân.
Lắng nghe các bạn trẻ “rock” về hạt gạo, phần nào hiểu thêm về các bạn trẻ, càng thêm trân quý các bạn trẻ.
Việc kết hợp một thể loại nhạc rock vốn là âm nhạc đặc trưng phương Tây với chất liệu truyền thống Việt Nam là hạt gạo, đã mở ra cho ta một nhận diện tươi trẻ về hình ảnh công dân toàn cầu. Từ ghép tiếng Anh “glocal” được kết hợp từ toàn cầu (global) và bản địa (local) là một gợi mở rất hay: kết nối toàn cầu, gắn với sự am hiểu địa phương, trân trọng tài nguyên bản địa. Chúng ta hòa nhập toàn cầu, chắt lọc những điều tốt đẹp của thế giới, để làm mới những giá trị truyền thống. Và tự tin, tự hào giới thiệu, quảng bá giá trị truyền thống đến thế giới, để chủ động tạo dựng hình ảnh, định vị thương hiệu Việt Nam.
Phải chăng đó cũng là câu chuyện khi xây dựng thương hiệu nông sản? Chúng ta cần nhanh nhạy để hội nhập, nhưng để hội nhập và nhập hội tốt, thì trước hết, cần xây dựng nền tảng bền chắt, chắt lọc những giá trị riêng biệt, nâng niu những điều bình dị, gần gũi, bén rễ muôn đời.
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Ngày mai của nông nghiệp, nông thôn đang bắt đầu từ ngày hôm nay của các bạn trẻ luôn tự tin hội nhập với niềm tự hào về nông sản quê hương.
Nào chúng ta cùng “rock” hạt gạo! “Ăn cơm chưa. Chưa ăn cơm thì ta ăn chung nè.”