Theo lý giải của nhà văn Văn Chinh, “quan văn” Hữu Thỉnh là người “có đủ sự trải nghiệm và ngẫm ngợi” để nói chuyện về một vấn đề đang được coi như là nguy cơ lớn của văn học nói riêng và xã hội nói chung: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn cứ dần vắng bóng ở trên văn đàn nước nhà.
Nguy cơ ấy, nhà văn Văn Chinh bảo rằng rất nghiêm trọng, cũng giống như hạn hán xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, giống như nguy cơ ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu vậy…, nếu không cắt nghĩa và kiến giải một cách thực sự nghiêm túc, chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy, thậm chí là một sự đứt gãy rất lớn trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.
Và quả thật, chủ đề này đã nhanh chóng khơi dậy nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Cuộc trò chuyện với chủ đề văn học viết về nông thôn được bắt đầu từ giai đoạn trước cách mạng, sau đó là hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và suốt gần 40 năm Đổi mới.
Tác giả của những trường ca “Sức bền của đất”, “Đường tới thành phố” mở đầu: Trong dòng chảy văn học cách mạng gần 100 năm ấy, nông thôn Việt Nam không chỉ là cái nôi văn hóa của dân tộc mà còn là những thửa ruộng màu mỡ để các thế hệ văn nghệ sĩ đất nước cày xới, vun trồng, để từ đó những mùa màng, những thành tựu lớn nhất của văn học cách mạng đa phần được sinh sôi, nảy nở từ nông thôn.
Nhắc lại lịch sử, chúng tôi muốn đặt vấn đề vì sao nông thôn cứ dần vắng bóng ở trên văn đàn và chúng ta nên kiến giải về nguy cơ này như thế nào, thưa ông?
Trước hết tôi muốn nói về vai trò, vị thế của nông thôn, không chỉ với Việt Nam chúng ta mà nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nông thôn ở bất cứ đâu luôn luôn là cái nôi văn hoá của dân tộc, nơi nuôi dưỡng, bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống từ đời này qua đời khác. Giống như một nhà văn phương Tây đã từng nói: Thành thị có thể xác, thôn dã có linh hồn.
Điều đó quá đúng, đặc biệt với Việt Nam chúng ta là một nước có truyền thống nông nghiệp, nông thôn chính là linh hồn, có giá trị văn hóa vững bền trong tâm hồn của mỗi người dân con Lạc cháu Hồng. Phải chăng cũng vì lẽ ấy mà văn học chúng ta viết khá sớm về nông thôn. Trước cách mạng, người viết về nông thôn hay nhất theo tôi là nhà văn Ngô Tất Tố.
Ông Ngô Tất Tố viết “Chị Dậu” bằng tất cả sự đồng cảm, chia sẻ, thương yêu của nhà văn đối với nông thôn. Qua nhân vật chị Dậu, đời sống nông thôn Việt Nam trong giai đoạn trước cách mạng đã được lột tả hết tất cả vẻ đau đớn của nó. Bên cạnh phản ánh đời sống người nông dân lam lũ, vất vả, đau thương, văn chương đã trở thành vũ khí tố cáo sự hà hiếp, bóc lột đến tàn nhẫn của giai cấp phong kiến đè nặng lên từng số phận người nông dân, bần cùng hóa nông thôn.
Chúng ta có Nam Cao, người gần như dành toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình để viết về đề tài nông thôn, lấy địa bàn nông thôn để miêu tả số phận người nông dân Việt Nam lầm than trong giai đoạn trước cách mạng, “rũ bùn đứng lên” trong thời kỳ kháng chiến. Có Nguyễn Bính với một tâm hồn thơ lãng mạn, chân quê, dân dã, mộc mạc, chất chứa đầy hồn cốt, bản sắc văn hóa nông thôn. Đến cả Vũ Trọng Phụng, một nhà văn hiện thực tuy không sống ở nông thôn nhưng cũng đã để lại cho văn học cách mạng những tác phẩm rất lớn về mảng đề tài “nhà quê” như “Giông tố”, “Vỡ đê”… Một vài dẫn chứng để nói từ giai đoạn trước cách mạng, nông thôn Việt Nam đã trở thành đối tượng của văn học Việt Nam và rất nhanh chóng đã trở thành một mảng văn học đồ sộ, sinh ra rất nhiều tác giả, tác phẩm để đóng góp lớn lao cho sự nghiệp văn học nước nhà.
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước bước vào công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, hòa bình và đổi mới, nông thôn tiếp tục là địa bàn hoạt động rộng lớn, là căn cứ cách mạng của các nhà văn với rất nhiều tác phẩm viết về người nông dân, viết về đời sống nông thôn cực kỳ hay. Bức tranh văn học viết về nông thôn như một dòng chảy len lỏi khắp mọi miền đất nước. Có thể kể đến “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng, “Hòn đất” của Anh Đức, “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ, “Đất mặn” và “Bão biển” của Chu Văn, “Xung đột” của Nguyễn Khải, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Đất lửa” của Nguyễn Quang Sáng...
Bức tranh ấy với tất cả cái hay, cải dở, đầy tính hiện thực và mang đậm hơi thở cuộc sống, rất dữ dội mà cũng thật lãng mạn. Một dòng chảy văn học viết về nông thôn dường như vô tận, chuyển tải văn hóa, đời sống nông thôn đến người đọc qua ngòi bút Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Nguyễn Hữu Nhàn với “Dốc nắng”, “Làng Cói Hạ”, Ngô Ngọc Bội với “Ao làng”, Nguyễn Huy Thiệp với “Những bài học nông thôn”, Trần Huy Quang với “Câu chuyện về ông vua lốp”, Phùng Gia Lộc với “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, Tạ Duy Anh với “Bước qua lời nguyền”, Nguyễn Mạnh Tuấn với “Cù lao chàm”, Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”…
Tôi muốn khẳng định một lần nữa, xuyên suốt tiến trình của văn học cách mạng, nông thôn chính là nơi xuất hiện nhiều thành tựu văn học nhất, sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng nhất. Chính đặc điểm này đã giúp nền văn học nước ta mang đậm dấu ấn dân tộc, dấu ấn thời đại cực kỳ sâu sắc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đúng như anh đặt vấn đề, rõ ràng mảng đề tài nông thôn dần vắng bóng ở trên văn đàn. Dòng chảy văn học viết về nông thôn dường như đang bị chặn lại hoặc rẽ sang một hướng nào khác.
Tôi luôn luôn theo dõi, tìm đọc một số tác giả, tác phẩm viết về nông thôn, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến mảng đề tài này. Có thể nói cũng có một số tác phẩm khá hay nhưng quả thật trong nhiều năm trở lại đây mảng văn học viết về nông thôn của chúng ta chủ yếu chỉ dừng lại ở các thể loại truyện ngắn, bút ký, thơ, văn xuôi… Chúng ta thực sự đang thiếu những tiểu thuyết viết về nông thôn với yêu cầu xây dựng hình tượng nhân vật công phu, xây dựng hình tượng nghệ thuật cao, hoặc giả sử có viết, có xuất bản thì cũng chưa thấy tác phẩm nào thực sự có thể gây được tiếng vang.
Nên cắt nghĩa thực trạng “vừa thừa vừa thiếu” ấy như thế nào, thưa ông?
Tôi tạm nghĩ, đứng về góc độ người viết, sau khi đất nước lập lại hoà bình việc bố trí lực lượng của chúng ta có sự khác biệt rõ so với thời kỳ kháng chiến. Hầu hết các nhà văn Việt Nam trở về từ chiến trường, đi ra từ nông thôn đã lựa chọn hoặc được bố trí sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn hoặc chí ít cũng tập trung ở các trung tâm chính trị ở địa phương. Số nhà văn sống và làm việc ở nông thôn, gắn bó thực sự với làng quê gần như chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Điều đó là nguyên nhân chính dẫn đến “trận địa nông thôn” trong đời sống văn chương của chúng ta, trận địa đã từng chứng kiến những chiến công huy hoàng của văn học đến nay đã bị bỏ trống. Cho dù vai trò, vị trí của nông thôn đối với tiến trình phát triển đất nước vẫn như thế.
Nông thôn thay đổi từng ngày, từng giờ, thay đổi rất ghê gớm, thực tiễn đời sống ở nông thôn vẫn đầy sinh động, đáng lý ra phải là đề tài mới mẻ và đồ sộ, để tiếp tục là cánh đồng màu mỡ cần ngòi bút các nhà văn cày xới, vun trồng, tuy nhiên thực tế các nhà văn của chúng ta đã đánh mất địa bàn đó. Họ không có đủ điều kiện để thâm nhập và bám sát thực tế, không có đủ sự trải nghiệm, ngẫm ngợi và chất liệu để có thể cho ra đời những tác phẩm văn chương lớn, có thể gây được tiếng vang trong xã hội.
Thứ hai, tôi cho rằng cùng với tiến trình phát triển của xã hội, đất nước, dường như chính văn chương đã bị mất động lực đối với mảng đề tài viết về nông thôn. Số nhà văn viết về nông thôn đã ngày càng ít đi rồi cộng với xu thế người đọc mảng văn học này cũng ngày càng ít dẫn đến số lượng tác phẩm được phát hành đã ảnh hưởng rất lớn đến động lực sáng tạo của các nhà văn và trở thành lý do chính khiến nông thôn vắng bóng trên văn đàn.
Kiến giải thêm câu chuyện này tôi từng nghe một nhà văn chuyên viết về nông thôn, ông Nguyễn Hữu Nhàn mà ông vừa nhắc đến ở trên có chia sẻ rằng: “Nhà văn của chúng ta hiện nay xa người nông dân nên không hiểu họ nữa”, ông nghĩ sao về nhận định này?
Để trả lời câu hỏi này trước tiên cần phải trả lời một câu hỏi khác: Tại sao trong suốt chiều dài lịch sử của văn học cách mạng nông thôn Việt Nam có thể sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm và trở thành một mảng văn học lớn đến như vậy?
Theo tôi là bởi vì suốt quãng thời gian ấy, hầu hết các nhà văn của chúng ta đều sinh ra từ nông thôn, sinh ra từ luống cày gốc rạ, lớn lên trên những cánh đồng, dòng sông. Các thế hệ nhà văn, nhà thơ nối tiếp nhau đều có chung một điểm, gắn bó với nông thôn như là quê hương, máu thịt của mình. Họ sống và viết về nông thôn như viết chính bản thân mình, viết những thứ gần gũi, thân thuộc bằng sự am hiểu và tình cảm, viết bằng sứ mệnh thiêng liêng nhất của người cầm bút.
Có vô vàn tác giả, tác phẩm có thể minh chứng nhận định này, tôi ví dụ: Nếu không sinh sống ở nông thôn, không gắn bó và am hiểu, không mang nhiều tình cảm với nông thôn thì làm sao Nguyễn Thế Phương có thể viết “Đi bước nữa” và “Nắng”, viết về vùng quê Thanh Hóa rất hay và sâu sắc đến như vậy được.
Hoặc giả sử không gần gũi với người nông dân Nam bộ mỗi ngày làm sao có một Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn mà tôi đánh giá viết về đề tài nông thôn xuất sắc nhất hiện nay. Hầu như tất cả các tác phẩm của Tư đều viết về đời sống nông thôn, viết về người nông dân Nam bộ. Những tác phẩm mới nhất của cô ấy vẫn bám rễ với nông thôn, vẫn đầy tình cảm và sự am hiểu, đầy trải nghiệm và day dứt với một mảng đề tài rõ ràng đang ngày càng ít người viết.
Hay mới năm ngoái đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã trao giải thưởng cho tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan. Đó là một người Việt gốc Hoa, một tác giả chuyên sống ở thành phố nhưng viết về nông thôn rất hay.
Tôi cho là không những hay mà còn quý. Nếu như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư viết về một nông thôn tù túng, bất ổn thì “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan là một nông thôn đang trong quá trình cựa quậy để thành hình hài, một vùng sông nước Nam bộ thất tán, lưu lạc, ngược xuôi với rất nhiều điều lạ lùng và hấp dẫn.
Một vài dẫn chứng như vậy để thấy với nông thôn chúng ta vẫn có những tài năng, có những tác giả, tác phẩm đã và đang giống như những viên ngọc quý của văn chương cách mạng. Và tôi tin tưởng nông thôn của chúng ta với tư cách là cái nôi văn hóa của dân tộc, với tiềm tàng là kho đề tài sáng tác vô tận chắc chắn văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ tiếp tục khai phá. Một ngày không xa nữa nông thôn của chúng ta sẽ lại sinh ra lớp lớp văn nghệ sĩ viết về nông thôn, sáng tác về nông thôn, xuất hiện những tác phẩm có thể gây được tiếng vang lớn.
Nói cách khác, nông thôn đối với văn chương cách mạng vẫn sẽ luôn là mảng đề tài không gì có thể thay thế được. Nhà quê của chúng ta, nông thôn của chúng ta - cái nôi văn hóa của dân tộc vẫn từng ngày, từng giờ nuôi lớn và cung cấp cho nền văn học đất nước những tài năng lớn.
Vấn đề cần phải nhìn nhận, suy nghĩ ngay, đó là với nông thôn nếu các nhà văn không bám rễ lâu ngày, không ăn ở với người nông dân thì không thể có tác phẩm lớn. Mỗi chuyến đi thực tế dăm bảy ngày chỉ đủ giúp các nhà văn viết vài bài báo, một số bài bút ký thôi chứ để xây dựng thành tác phẩm văn học có tiếng vang chắc chắn là điều không thể.
Trở lại với câu chuyện văn học và nông thôn, nhìn sang các quốc gia khác như Trung Quốc chẳng hạn, có một điều rất lạ là Trung Quốc công nghiệp hóa trước chúng ta, nhưng trong văn học hiện đại của họ các tác giả, tác phẩm gây được tiếng vang quốc tế, thậm chí là giải Nobel như Mạc Ngôn, Lý Nhuệ, Dư Hoa… vẫn lựa chọn đề tài viết về nông thôn và đạt được nhiều thành tựu to lớn từ mảng văn học ấy. Chúng ta nên suy nghĩ về hiện thực này như thế nào, thưa ông?
Không chỉ riêng Trung Quốc như anh nói đâu, bàn đến vấn đề này tôi nghĩ đến một nhà văn ở Liên Xô trước đây là Chingiz Aitmatov.
Ông Chingiz Aitmatov sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh và sau này gia đình chuyển về sống ở khu vực thành thị trong bối cảnh đất nước gần như đã hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa. Thế nhưng thành tựu lớn nhất, những tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp văn chương của Chingiz Aitmatov lại là những tác phẩm viết về nông thôn, viết về những vùng quê với thảo nguyên, núi đồi, làng mạc. Vì sao vậy? Tôi nghĩ đối với bất cứ đất nước nào, dân tộc nào thì vị thế của văn học viết về nông thôn đều mang một giá trị cực kỳ lớn lao, chắc chắn không gì có thể thay thế được. Bởi nông thôn mãi mãi là gốc gác, cội nguồn văn hóa dân tộc, là bản sắc đối với sự phát triển của con người, sự phát triển của xã hội.
Văn học Trung Quốc cũng vậy, văn học Nga hay bất kể quốc gia nào cũng vậy. Trở lại với câu chuyện nông thôn và văn học của chúng ta, tôi nghĩ rằng nông thôn Việt Nam hiện nay dù đã và đang thay đổi từng ngày bởi công nghiệp hóa, đô thị hóa, thậm chí ở góc độ nào đó nông thôn đang phải hy sinh để phục vụ sự phát triển của đất nước, nhưng vai trò, vị thế của nông thôn chúng ta mãi mãi là cội nguồn văn hoá của dân tộc Việt Nam, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tinh thần văn hoá Việt Nam.
Ở thế hệ này và nhiều thế hệ kế tiếp nữa, chúng ta chưa thể quên gốc gác, tâm hồn của mình chính là ở nông thôn. Chúng ta không thể đánh mất vùng quê tinh thần, cội nguồn văn hóa ở nông thôn được, bởi vì suy cho cùng bản sắc văn hóa của một dân tộc đậm đà nhất cũng chính là ở nông thôn và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc sẽ mất tất cả.
Bản chất sâu xa của văn hóa giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn con người và văn chương có vai trò rất quan trọng giúp nuôi dưỡng tâm hồn người Việt.
Chúng ta đã từng được đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp, thơ của Nguyễn Bính, Trần Đăng Khoa và vô vàn những tác giả, tác phẩm lớn của văn học nước nhà nuôi dưỡng tâm hồn. Tác phẩm của họ giống như những “chuyến đò” chuyên chở văn hóa, tâm thức của người nông dân, chở văn hóa nông thôn, từng ngày từng giờ nuôi dưỡng tâm hồn người đọc, nuôi dưỡng văn hóa dân tộc.
Cũng chính vì vậy mà khi đặt vấn đề trống vắng, mỏng mảnh của văn học viết về nông thôn hiện nay tôi lo lắm. Lo lắng thực trạng các nhà văn hiện nay đã đánh mất trận địa nông thôn rồi. Họ đã và đang bị mất rễ, bị bật khỏi nông thôn, dẫn đến đời sống nông thôn vắng bóng trên văn đàn. Đây là nguy cơ rất lớn, rất đáng lo ngại bởi có thể xảy đến nguy cơ đứt gãy văn hóa cội nguồn của dân tộc.
Nguy cơ đang dần hiện hữu, hệ lụy cũng đã thành hình hài, vậy giải pháp là gì, thưa ông?
Vừa rồi tôi có viết một bài báo, đặt vấn đề cấp thiết rằng cần phải có chiến lược, chính sách giúp đỡ các nhà văn trở về với nông thôn, nhập cuộc trở lại với trận địa họ đang đánh mất.
Bởi vì, như tôi đã nói ở trên, thực tiễn đời sống nông thôn bây giờ thay đổi khủng khiếp lắm, nhiều cái hay, nhiều cái mới mẻ vô cùng. Thực tiễn đòi hỏi các nhà văn phải có đủ sự trải nghiệm thực tế, có đủ chất liệu thực tiễn để chuyển tải hình ảnh một nông thôn kiểu mới. Phải làm sao để các nhà văn của chúng ta có được tình yêu nông thôn đủ lớn, có sự gắn bó với thôn dã đủ lâu dài, có được sự đồng cảm, thấu hiểu người nông dân đủ sâu sắc… chứ không phải giải pháp tình thế như hiện nay là những chuyến đi thực tế chỉ vài ngày.
Phải có những hình tượng người nông dân, hình tượng nghệ thuật về nông thôn kiểu mới. Nhà văn văn phải coi nông thôn là quê hương mình, coi người nông dân là họ hàng ruột thịt của mình, viết về nông thôn như viết về chính bản thân mình thì mới có thể có những tác phẩm hay được. Tóm lại, giải pháp căn cơ nhất tôi nghĩ rằng chúng ta phải có chính sách để nhà văn có thể sống lâu dài ở nông thôn mới có thể lấy lại trận địa đã từng đánh mất.
Giải pháp thứ hai, tôi nghĩ giáo dục sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta phải đào tạo, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đến thế hệ trẻ, tìm tòi năng khiếu văn học thế hệ trẻ ở nông thôn, từ đó nuôi dưỡng thành thế hệ nhà văn trưởng thành từ nông thôn, trưởng thành từ chính mảnh đất quê hương mình để họ có thể viết về nơi mình sinh ra, lớn lên một cách xúc động nhất, thấm thía nhất, sâu sắc nhất…
Tôi thường suy nghĩ, tại sao ở thế hệ của chúng tôi, ngày trước lại có những giờ học văn say sưa đến thế, thầy cô giáo gieo vào chúng tôi những hạt giống văn chương thấm đẫm tâm hồn, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và sau đó lớn dần lên theo năm tháng. Làm gì để thế hệ trẻ hôm nay cũng có được những hạt giống tâm hồn như thế? Có lẽ vấn đề chất lượng giáo dục cần phải được nâng cao hơn, tình yêu văn chương phải được khơi dậy lớn hơn và xem đó như là một giải pháp giáo dục để chúng ta có những nhà văn viết về nông thôn không chỉ hay, hấp dẫn mà còn khẳng định giá trị của nông thôn như là mảnh hồn của dân tộc Việt Nam.
Thứ ba là chuyện chính sách và chiến lược. Tôi cho rằng mảng đề tài nông thôn đối với văn học phải trở thành một nếp nghĩ hằng ngày của các nhà quản lý văn hóa. Phải đặt nguy cơ văn học viết về nông thôn vắng bóng là một sự báo động giống như vấn đề suy thoái môi trường ở cấp cực kỳ cao. Từ đó, đặt vấn đề cấp thiết hỗ trợ văn học viết về nông thôn là phục vụ chiến lược xây dựng văn hóa con người, xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Rất cần thiết đặt vấn đề như thế để có thể chủ động ứng phó với nguy cơ đứt gãy văn hóa ở nông thôn đang ngày một hiện hữu dưới áp lực của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cũng là để khắc phục một thảm họa có thể xảy ra khi đất nước chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không có giải pháp phù hợp nông thôn Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ không còn là cái nôi của văn hóa dân tộc nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!