Không thiếu tiền xây nhà máy chế biến, chỉ 'khát' vùng nguyên liệu

 Đặt lịch phỏng vấn “ông vua chanh leo” Đinh Cao Khuê luôn là thử thách khó với giới truyền thông, bởi ông là người khá kiệm lời và ít khi chia sẻ về bản thân trên báo chí. Có lẽ, tính cách ấy của ông phần nào ảnh hưởng bởi các bạn hàng người Nhật, người Đức – những người làm nhiều hơn là nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tiếp chúng tôi ở phòng họp khá rộng. Một không gian tràn ngập những lãng hoa tươi với hương thơm ngào ngạt. Với ông, đó là một ngày bận rộn, bởi liên tục có những đoàn khách đến chúc mừng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Khuê diễn ra khá chóng vánh, vậy mà cấp dưới của Chủ tịch Doveco bảo rằng: “Lần này sếp chia sẻ nhiều nhất rồi đấy”.

Trong căn phòng vắng chủ, chúng tôi nán lại để ngắm những tấm ảnh gắn đèn phản quang treo trên bức tường, ghi lại khoảnh khắc ông Đinh Cao Khuê gặp gỡ các chính khách tại nông trường Đồng Giao như cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Hóa ra, im lặng cũng là cách để chia sẻ thông tin! Một doanh nhân đã lăn lộn cùng nông dân suốt chặng đường dài để tạo nên nhiều kỳ tích như ông Khuê, chẳng cần khoe cũng hữu xạ tự nhiên hương.

Đến nay, Doveco đã ký hợp đồng liên kết với khoảng 40.000 hộ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích khoảng 20.000ha, phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu của công ty tại Ninh Bình và Gia Lai.

Sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là EU. Châu Âu là thị trường rất lớn và tiềm năng, chiếm hơn 65% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty Đồng Giao và tỷ trọng này đang ngày càng tăng.

Trong bối cảnh dịch covid-19 lan rộng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, Doveco vẫn đứng vững như bàn thạch, thậm chí không đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu lớn của đối tác.

Dường như, tuổi càng cao và gắn bó càng lâu với người nông dân, ngọn lửa đam mê đầu tư vào nông nghiệp với ông Khuê bùng cháy. Chẳng thế mà Trung tâm chế biến rau quả Doveco lớn nhất Tây Nguyên vừa được cắt băng khánh thành vào tháng 9/2019, thì năm 2020 người ta lại thấy ông Khuê lên Sơn La nhấn nút khởi công tổ hợp chế biến rau quả trị giá hơn 400 tỷ đồng.

Khi dự án này đi vào hoạt động (cùng với một số nhà máy chế biến thực phẩm của Tập đoàn TH và Công ty Nafood...), nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp (là tiêu thụ sản phẩm) của dải sơn nguyên Tây Bắc sẽ cơ bản được tháo gỡ.

Tổ hợp chế biến này có thể tiêu thụ hơn 500 nghìn tấn rau quả các loại mỗi năm, tương ứng với vùng sản xuất nguyên liệu từ 40.000 – 50.000 ha, tận dụng tối đa tài nguyên đất đai của tất cả các vùng, kể cả vùng đồi dốc.

 

 

 Động lực nào khiến ông liên tục đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm lớn như vậy?

Ông Đinh Cao Khuê: Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới và thấy rằng cái gì mình cũng có thể bán được. Quan trọng nhất là giá sản phẩm của mình phải cạnh tranh được với các nước khác. Chẳng hạn như dứa, thị trường EU đang rất cần nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan, Philippine, Peru, Ecuador, Costarica và Brazill...

Rất mừng là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã có hiệu lực, đồng nghĩa với việc thuế xuất nhiều mặt hàng nông sản ngay lập tức đưa về mức 0%. Nếu bây giờ các doanh nghiệp Việt không tận dụng cơ hội vàng này để chiếm lĩnh thị trường, thì quả là lãng phí.

Nói thì dễ, nhưng để làm được không hề đơn giản, phải không ông?

Để giải bài toán hiệu quả trong xuất khẩu nông sản, ngoài vấn đề giá cả và chất lượng thì phải quan tâm đến khối lượng. Trước đây Công ty Đồng Giao chỉ bán được vài container một tháng để khỏa lấp phần thiếu hụt nguyên liệu của khách hàng. Về sau, chúng tôi nhận ra rằng muốn chơi với các tập đoàn lớn, bán hàng với khối lượng lớn thì phải lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh. Còn dây chuyền công nghệ thì không có gì phức tạp.

Chẳng hạn nếu muốn chế biến cam, chúng tôi chỉ cần đầu tư thêm dây chuyền chiết ép, còn công nghệ cô đặc thì cam, dứa, hay chanh leo đều giống nhau. Nhưng giá nguyên liệu cam của Việt Nam quá đắt, dù chế biến được nhưng bán là lỗ ngay. Ngược lại, nếu chúng ta tập trung phát triển các loại nông sản thế mạnh như dứa, chanh leo, chuối, rau chân vịt, ngô ngọt... một cách bài bản thì không sợ lép vế với bất cứ đối thủ nào.

Nhiều người nghĩ rằng khoa học công nghệ của Việt Nam thua kém các nước phát triển nên không thể cạnh tranh về giá thành sản xuất, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ, để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại của Isarel phải mất 1 tỷ đồng mỗi héc ta. Nhưng với công nghệ của Việt Nam, chúng tôi chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng là có thể sở hữu hệ thống tưới tiết kiệm cho một héc ta chanh leo ở Tây Nguyên. Vậy đến khi nào 1 tỷ đồng có thể cạnh tranh được với 1 tỷ đồng?

Hay với cây dứa ở nông trường Đồng Giao (tại TP Tam Điệp, Ninh Bình) cũng vậy. Bản thân nó đã chịu hạn rất tốt rồi nên không cần phải đầu tư hệ thống tưới. Chúng ta không nhất thiết phải trồng cây trong nhà kính, nhà lưới (trừ một số loại rau, củ quả có giá trị cao hoặc sản xuất giống).

 

Tháng 6/2020, giới truyền thông xôn xao chuyện Hải Dương, Bắc Giang xuất khẩu thành công lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản. Nhưng thực tế, từ nhiều năm trước, Doveco đã âm thầm cung cấp hàng ngàn tấn vải chế biến cấp đông sang thị trường này. Vậy làm thế nào để sản phẩm của Doveco lọt qua phòng tuyến kiểm dịch nghiêm ngặt của người Nhật?

Muốn làm ăn với các đối tác lớn thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Điều này không thể làm được trong một sớm một chiều. Phải bảo đảm chữ tín từ lựa chọn vật tư đầu vào, cây giống, quy trình chăm sóc đến chế biến sản phẩm. Người Nhật đánh giá doanh nghiệp rất tỉ mỉ. Khi đến một công ty, họ không để ý phòng khách rộng hay hẹp mà quan sát cái toa-lét, phòng thử nghiệm V-LAB và mọi hoạt động liên quan đến quy trình sản xuất. Khi lọt qua vòng kiểm duyệt năng lực, các công ty Nhật lại cử chuyên gia sang training (tập huấn) cán bộ quản lý và người lao động cho đến khi thực hành thuần thục từng công đoạn. Bởi vậy, phải mất 3 năm mới có thể xuất khẩu lô vải đầu tiên cho doanh nghiệp Nhật. Khi đã giữ được chữ tín trong kinh doanh, việc xuất khẩu vài ngàn tấn vải sang Nhật mỗi năm là chuyện bình thường.

Riêng đối với rau chân vịt, trước khi thu hoạch khoảng 7-10 ngày, chúng tôi phải lấy mẫu và thuê đơn vị chuyên môn kiểm tra dư lượng 760 loại hoạt chất, nếu đáp ứng yêu cầu thì mới thu mua. Câu ngạn ngữ “một lần bất tín, vạn lần mất tin” luôn luôn đúng. Và chúng tôi làm tất cả để giữ vững niềm tin với khách hàng.

Cách đây 3 năm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về thăm Đồng Giao. Ông mong muốn Doveco phải trở thành thủ phủ sản xuất nông sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Vậy để đạt được điều đó, một doanh nghiệp cần hội tụ những điều kiện gì?

 Ai cũng nhìn thấy Đồng Giao đang chuyển mình nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn hơn. Khi quỹ đất những vùng nguyên liệu của Doveco ở Thanh Hóa, Gia Lai, Ninh Bình ngày càng hạn hẹp, chúng tôi chuyển hướng lên Sơn La để khai phá tiềm năng của vùng đất này. Và trong tương lai gần, Trung tâm chế biến rau quả của chúng tôi đặt tại vùng Tây Bắc sẽ có quy mô lớn nhất.

Chúng tôi nhìn thấy lãnh đạo tỉnh Sơn La có khát vọng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ. Nếu đầu tư vào đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ dựa được vào chính quyền địa phương. Các hợp tác xã ở đó cũng hoạt động rất chuẩn mực. Nhiệm vụ của chúng tôi là kiên trì tập huấn cho nông dân để họ trở thành những người sản xuất chuyên nghiệp. Giống như ngày xưa mình đi học, Chẳng ai có thể tự giải được các bài toán nếu không có người hướng dẫn. Đó là một quá trình phấn đấu lâu dài.

Giờ đây, có nhiều HTX làm rất tốt. Thậm chí khi đặt một lô xoài, người ta biết chúng tôi cần quả xoài có kích cỡ ra sao, thu hái thời điểm nào là phù hợp. Công ty không cần kiểm tra, chở về Đồng Giao rồi mới test mẫu và trả tiền.

Doveco cũng dự định sẽ mở thêm một trung tâm chế biến rau quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, đặt tại tỉnh Tiền Giang. Qua đó khép kín hệ thống nhà máy tại ba miền. Như vậy, bạn hàng nước ngoài cần sản phẩm gì của Việt Nam là chúng tôi sẽ đáp ứng được. Chúng tôi làm kinh tế thị trường quen rồi nên không lo đầu ra, quan trọng là cơ chế phối hợp với các địa phương ra sao để có thể xây dựng vùng nguyên liệu.

Vùng nguyên liệu sẽ quyết định thành – bại của một doanh nghiệp chế biến nông sản. Giống như sản xuất xi măng thì phải có đá, sản xuất thép thì phải có quặng, sản xuất smartphone phải có linh kiện điện tử.

Muốn đầu tư một nhà máy chế biến dứa, thì phải có vùng nguyên liệu khoảng 3.000ha trở lên mới chủ động bố trí thời vụ được. Nếu đầu tư 400 tỷ đồng mà mỗi năm dây chuyền sản xuất chỉ hoạt động 2 tháng trong vụ thu hoạch thì 10 tháng khác anh làm gì? Không ai dại gì liều lĩnh đầu tư như vậy.

Để nâng hiệu quả đầu tư, nhiều doanh nghiệp có xu hướng “ôm” đất và tự mình tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu. Còn ở nông trường Đồng Giao, thay vì tự làm, công ty ký khoán cho các hộ nhận đất (trung bình 1ha/hộ) theo Nghị định 135, mỗi người lao động trở thành người chủ thực sự để sử dụng và đầu tư trên mảnh đất của mình. Đó chính là động lực để họ hăng say lao động và làm giàu?

Công ty Đồng Giao không chỉ ký khoán đất nông trường cho các hộ dân mà còn liên kết với hàng chục nghìn hộ để tạo vùng nguyên liệu.Về bản chất, nền kinh tế của đất nước mình là nền kinh tế hộ. Một doanh nghiệp lớn cố gắng lắm cũng chỉ thuê được khoảng 5.000 – 10.000ha. Khi anh có đất rộng thì phải nuôi hệ thống quản lý khổng lồ. Quản lý sản xuất nông nghiệp không giống như quản lý trong nhà máy. Nhà máy thì diện tích rất hẹp, nhưng nông nghiệp thì rộng lớn vô cùng. Tại sao chúng tôi phải tự làm tất cả những điều ấy trong khi có thể liên kết với nông dân và tận dụng Ban quản trị hợp tác xã và các tổ sản xuất để quản lý.

Đất đai nông dân có sẵn rồi, những năm đầu phối hợp với doanh nghiệp có thể gặp khó khăn vì còn bỡ ngỡ, nhưng lâu dần họ sẽ quen. Như ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bây giờ công ty chỉ cần chuyển giống, đến thời điểm thu hoạch, các hợp tác xã xuất đúng khối lượng, chất lượng sản phẩm rau chân vịt, đậu tương rau và ngô ngọt theo hợp đồng.

Họ hiểu rằng làm việc với công ty Đồng Giao thì phỉa làm nghiêm túc thì mới tiêu thụ được. Và đã hợp tác với công ty Đồng Giao thì luôn được đảm bảo lợi nhuận bền vững. Mỗi năm bà con ở Phú Lộc chỉ cần sản xuất vụ đông là có  hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta rồi.

 

 

Vậy còn bài toán chia sẻ lợi ích giữa Doveco và người nông dân thì ra sao, thưa ông?

Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người nông dân lên trên lợi ích của mình. Chúng tôi song hành với họ đến tận cùng để đưa ra phương án sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Như ở nông trường Đồng Giao, các hộ trồng dứa được công ty cung cấp vật tư đầu vào và thành lập các tổ sản xuất để chỉ đạo toàn bộ quy trình chăm sóc từ lúc mới trồng đến khi thu hoạch.

Nếu xảy ra mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, thiệt hại năng suất từ 30 – 50% thì công ty sẽ miễn toàn bộ chi phí đã đầu tư cho nông dân. Khoảng tháng 10 – 11 hàng năm, chúng tôi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân với mức giá cụ thể cho năm sau. Cho dù giá sản phẩm xuống thấp đến mức nào, chúng tôi vẫn thu mua của bà con theo giá trong hợp đồng.

Thời điểm này, giá dứa rất cao, 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha và 600 đồng/chồi dứa (làm giống), trừ chi phí đầu tư, nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng/ha/vụ. Đó là mức lợi nhuận cao. Tôi đi khảo sát rồi. Ở đây 80% hộ gia đình có tiền gửi ngân hàng. Có người không gửi thì lại đầu tư lĩnh vực khác.

Ông nhận định như thế nào về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau, củ quả của thị trường thế giới?

Về bản chất thị trường rau quả có quy mô rất lớn, lớn gấp 3 lần thị trường gạo. Càng thú vị hơn là tăng trưởng giá trị ngành hàng này mỗi năm từ 7 - 10%. Quay trở lại với câu chuyện ban đầu, chúng ta chỉ cần tập trung phát triển sản phẩm có thế mạnh là sẽ thắng lợi. Ví dụ như cây chanh leo, Trung Quốc không có cơ hội đọ sức với mình, vì họ không có những tiểu vùng khí hậu thuận lợi như Sơn La và Tây Nguyên. Họ chỉ có một số diện tích ở Côn Minh sản xuất được nhưng bây giờ cũng bắt đầu lạnh giá rồi. Thái Lan cũng không thể cạnh tranh được với mình.

Trong khi đó, thị phần chanh leo của Việt Nam so với nhu cầu của thế giới là rất nhỏ. Cho nên dù có thêm 5 hay 10 nhà máy chế biến chanh leo như Doveco hay Nafood và các đơn vị khác thì cũng không đáng là gì cả. Chúng ta phải cùng bắt tay nhau để làm giống tốt; cùng nhau phát triển vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu của ai thì người ấy thu mua sản phẩm, thống nhất giá cả để cạnh tranh với thế giới, chứ các nhà máy trong nước không nên cạnh tranh làm gì cả.

 

DOVECO được biết đến với tư cách là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với công ty thương mại, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng trong nước.

 Đây là doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới công nghệ, quản lý tài chính để tạo lợi thế cạnh tranh vượt bậc với những giải pháp ưu việt hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

  Sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn tới nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mông Cổ, Nhật Bản...

 Hiện nay, tổng công suất các nhà máy của Doveco ở Gia Lai và Ninh Bình khoảng 120.000 tấn sản phẩm/năm (chưa bao gồm nhà máy ở Sơn La đang thi công xây dựng). Với lợi thế về chế biến, bề dày kinh nghiệm 65 năm hoạt động và lợi thế phát triển thị trường, Doveco có thể tiêu thụ khoảng 500.000 -  700.000 tấn nguyên liệu nông sản các loại mỗi năm.

 Các sản phẩm được làm hoàn toàn từ thiên nhiên hiện nay đã có mặt trên thị trường, và dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Mỗi công ty đều xây dựng cho mình giá trị tinh thần cốt lõi, vậy ở Doveco, giá trị đó là gì?

Đồng Giao xuất phát từ nông trường quân đội, gồm các chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc và chiến sỹ từ Điện Biên về. Bởi vậy, đoàn kết chính là sức mạnh. Ngoài văn hóa doanh nghiệp, nơi đây còn lưu giữ được nét văn hóa của một làng nông trường. Mọi người tôn trọng nhau, gia đình nào có việc lớn, có con em đỗ đạt, chúng tôi đều đến thăm hỏi, tặng quà. Và khi đã gắn bó với nhau rồi thì không bao giờ rời nhau.

Minh Phúc
Trọng Toàn
Tùng Đinh
Đức Minh - Quang Dũng