| Hotline: 0983.970.780

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

Cả hai ông đều lo lắng trước cái mốc tương lai đang rất gần, khi đội ngũ khuyến nông cơ sở bị xóa sổ thì tình hình phát triển nông nghiệp sẽ ra sao?

Chữ "nếu" của ông Chủ tịch xã Phong Vân

Hoàng Thị Nụ làm khuyến nông cơ sở của xã Phong Vân (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) từ năm 2016 với mức lương cộng chế độ thu hút của vùng 135 là hơn 6 triệu/tháng. Địa bàn xã rất rộng, từ đầu đến cuối kéo dài 24km với 8 thôn, 13.000 nhân khẩu, công việc hàng ngày của cô gái nhỏ bé này là đi tuyên truyền kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con cũng như khuyến cáo những vấn đề có thể phát sinh trong sản xuất.

Ngoài ra, đối với những xã vùng cao như Phong Vân thì khuyến nông cơ sở phải cáng đáng thêm các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các chính sách hỗ trợ từ huyện tới các hộ dân. Nụ kể, khi mới lên đây công tác, việc đi xuống nhiều thôn rất khó khăn, đặc biệt là thôn xa nhất Suối Chạc lúc đó chỉ toàn đường đất, lại phải băng qua suối, thân gái dặm trường thường rất khó xoay sở, tủi thân chỉ chực muốn khóc.

Thế nhưng tình cờ một anh bộ đội gặp gỡ trên đường, khi biết cô vào thôn đi tập huấn cho dân đã tình nguyện chở đi. Suối Chạc khi đó không có nhà văn hóa nên lớp phải mở ở ngay nhà trưởng thôn, thế mà bà con kéo đến chật ních, ai cũng lắng nghe như thể được rót mật vào tai. Sau đó lại có người tình nguyện chở cô vượt suối, băng đồi về tận UBND xã. Vất vả nhưng không mấy khi Nụ cảm thấy buồn vì tình cảm của bà con, vì thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa.

Nụ đang hướng dẫn kỹ thuật khoanh cành cho cây vải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nụ đang hướng dẫn kỹ thuật khoanh cành cho cây vải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi nổ ra ở Phong Vân và lây lan nhanh, khó kiểm soát, phần do thiếu đội ngũ thú y thôn bản, phần do trình độ chăm sóc vật nuôi của bà con còn hạn chế. Hoàng Thị Nụ lúc đó lại cùng với Dương Văn Lương - thú y viên cơ sở nhiều thời điểm đến 8 - 9 giờ đêm vẫn cặm cụi theo xe rùa chở lợn chết dịch đi ra cánh đồng cách làng 1 - 2km để chôn, còn Phó Chủ tịch xã phụ trách mảng kinh tế do phải kiêm nhiều việc nên không mấy khi tham gia được. Khi dịch dã tạm lui, họ lại sát cánh triển khai kế hoạch tiêm phòng, hướng dẫn bà con chăm sóc vật nuôi, phòng ngừa chết đói, chết rét.

Tôi hỏi Nụ, khi biết tin hết năm 2024 sẽ bị cắt giảm chức danh khuyến nông, thú y cơ sở thì có suy nghĩ gì. Cô trầm ngâm rằng: “Việc thì em vẫn phải làm nhưng nghĩ đến ngày kết thúc cũng buồn chứ. Nếu thiếu khuyến nông, thú y cơ sở, việc thu thập các thông tin về sản xuất nông nghiệp cũng như chính sách của Nhà nước đến với dân sẽ khó thực hiện hơn và công tác quảng bá nông sản cũng vậy. Sau này nếu bị cắt giảm em sẽ chuyển về làm kinh tế gia đình với gần 1ha vườn và có thể tính bán thêm vật tư nông nghiệp nữa”…

Nghề chăn nuôi đại gia súc ở xã Phong Vân rất phát triển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghề chăn nuôi đại gia súc ở xã Phong Vân rất phát triển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Văn Trường - Chủ tịch xã Phong Vân khẳng định, với những xã vùng cao, thuần nông như địa phương mình thì đội ngũ khuyến nông, thú y cơ sở giúp ích cho công việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi của bà con rất nhiều: “Trước đây xã còn có đội ngũ thú y thôn bản, phụ cấp chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng nhưng từ năm 2018 đã bị cắt, sau đó thì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, nhờ vẫn còn có khuyến nông, thú y cơ sở nên cũng đỡ nhiều.

Giờ mà cắt bỏ những cán bộ này đi theo tôi là không hợp lý bởi kinh tế của xã vẫn phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp. Nếu thiếu họ, ai sẽ là người rà soát, thống kê, nắm bắt tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, diện tích trồng trọt tăng lên hay giảm? Nếu thiếu họ, ai sẽ là người chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến cáo cho dân?

Phong Vân là xã có nghề chăn nuôi đại gia súc rất phát triển với trên 1.400 con ngựa, cả ngàn con trâu bò, lợn, nếu hết năm 2024 mà xóa đội ngũ khuyến nông, thú y cơ sở thì Phó Chủ tịch xã phụ trách khối nông nghiệp cũng khó mà có thể cáng đáng nổi.

Để phát triển nông nghiệp luôn cần tổng hợp được những thông tin chính xác từ cơ sở. Một số người giờ lý luận rằng nông dân hiện nay giỏi rồi, chẳng cần có cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cũng biết trồng lúa lai, cây ăn quả, chẳng cần có cán bộ thú y hướng dẫn kỹ thuật cũng biết cách tự tiêm chọc cho gia súc, gia cầm nhưng nói vậy thôi, tập huấn chán rồi mà có khi nông dân vẫn còn làm chưa chắc đúng. Những hộ làm được chẳng qua cũng chỉ là may mắn, đúng vụ, đúng thời thôi chứ chưa thực sự bài bản, đảm bảo kỹ thuật đâu”.

 

Bộn bề nỗi lo của ông Chủ tịch huyện Lục Ngạn

Diện tích của huyện Lục Ngạn là 1.013km2, tức còn lớn hơn cả tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, với 397 thôn, bản mà diện tích mỗi thôn, bản có khi đã bằng cả xã ở dưới xuôi. Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện cho hay, địa phương đã trở thành một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm không chỉ của tỉnh Bắc Giang mà còn của cả nước với trên 28.000ha các loại, chủ lực là vải thiều, cam, bưởi, ổi, cho thu nhập khoảng 4.200 tỉ đồng/năm.

Trong 230.000 dân thì khoảng 80% sống bằng nghề nông nên huyện vẫn xác định nông lâm nghiệp là nguồn thu chính (5.000 tỉ/năm, chiếm khoảng 1/3 cơ cấu kinh tế), là bệ đỡ, là nơi đảm bảo cho nguồn công ăn việc làm tại chỗ, tránh phải đi làm ở xa, ở những ngành nghề không phù hợp.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính của địa phương nên cần đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở để giúp dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính của địa phương nên cần đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở để giúp dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, tỉnh Bắc Giang có chủ trương rút gọn đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Các cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở này xưa được hình thành bởi Nghị quyết riêng của Hội đồng Nhân dân tỉnh, không có trong cơ cấu công chức, viên chức của Bộ Nội vụ nên sẽ bị cắt giảm nhưng huyện thấy tầm quan trọng của họ và đã có văn bản xin giữ lại. Tại thời điểm 1/7/2021 huyện có 58 người, chưa thể bố trí, sắp xếp sang các chức danh công chức, chuyên trách cấp xã.

Với cây vải thiều, Lục Ngạn phát triển mạnh từ những năm 90 của thế kỷ trước và tập trung thâm canh từ năm 2000 đến nay. Với cây ăn quả có múi, huyện bắt đầu trồng từ năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013, 2014. Chúng tạo nên cơ hội vươn lên làm giàu cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình. Vai trò của đội ngũ cán bộ nông nghiệp là rất quan trọng để kiến thiết nên bộ mặt no ấm của Lục Ngạn ngày hôm nay.

Đối với đội ngũ khuyến nông, thú y cơ sở, đặc thù là huyện miền núi có dân số đông, dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, hiện đang triển khai thực hiện đề án xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở các xã đã phát huy tốt vai trò người kỹ sư nông nghiệp trong hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất, mỗi năm tổ chức được hơn 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 10.000 lượt nông dân.

Triển khai xây dựng nhiều mô hình về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi như mô hình sản xuất vải thiều, cam, bưởi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; Mô hình chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi đại gia súc... được nhân rộng ra cho hàng ngàn hộ gia đình, đặc biệt là việc triển khai mô hình sản xuất ở các xã vùng cao đã giúp cho nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cao, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, chính họ còn giám sát dân thực hành các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng như phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất như sâu bệnh để báo cáo lên huyện, mời các nhà khoa học về giúp đỡ.

Cây có múi ngày càng phát triển nhanh ở Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây có múi ngày càng phát triển nhanh ở Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Do đó, việc giữ nguyên đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở là rất cần thiết đối với huyện. Đề xuất của Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Ngạn tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy ngày 13/4/2021 là việc cho huyện giữ nguyên 29 cán bộ khuyến nông cơ sở tại các xã, thị trấn để thực hiện đề án xây dựng huyện thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia (thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong trồng trọt, chăn nuôi, triển khai các mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap, mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm...).

Quan điểm của ông Nam là nếu như mỗi xã không bố trí được 1 khuyến nông cơ sở thì có thể tổ chức cán bộ khuyến nông theo cụm xã: “Sau khi có chuyện dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở nhiều nơi chúng ta mới thấy được rằng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở quan trọng đến mức nào, từ khâu phát hiện bệnh đến hướng dẫn, điều trị sau đó chuyển giao kỹ thuật để người dân tái đàn. Với 21 cán bộ công chức xã họ đều có vị trí việc làm cả, chỉ phân công 1 Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh tế chung chung, chứ không thể sâu, sát được về mảng khoa học kỹ thuật nông nghiệp như cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở được”.

Với 28 cán bộ thú y cơ sở, UBND huyện Lục Ngạn dự kiến bố trí sắp xếp sang các chức danh cán bộ, công chức cấp xã còn thiếu biên chế, đảm bảo vận dụng theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 38/2020/QĐ-UBND ngày 24/11/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang theo lộ trình đến hết năm 2024; Trường hợp đến 2024 không bố trí, sắp xếp được thì giải quyết chế độ theo kế hoạch của tỉnh.

Tin liên quan

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Đội ngũ khuyến nông cấp cơ cơ sở đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã...

Câu chuyện khuyến nông

Câu chuyện khuyến nông1

Sứ mệnh của khuyến nông chính là chiếc cầu nối người nông dân với khoa học, kỹ thuật sản xuất, canh tác tối ưu, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững...

Khuyến nông, nước nào làm nông cũng có

Khuyến nông, nước nào làm nông cũng có

Trên thế giới, quốc gia nào làm nông nghiệp đều có khuyến nông. Ngày nay, khuyến nông Việt Nam cũng cần có những cách tiếp cận mới cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp.