Làm nông nghiệp tử tế, vì người nông dân, chắc chắn sẽ thành công

 

 

Giữa tháng 9 năm 2020, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp tổ chức hội thảo khoa học công nghệ chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.

Sau khi tổng kết đánh giá các mô hình và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, có thể một đề án khoa học về chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025 sẽ sớm ra đời mà ở đó giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân.

Nhìn lại cuộc hành trình của những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, có nhiều người gọi là kỳ tích, nhưng với họ, đặc biệt là với thủ lĩnh tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam, đó là điều tất yếu.

Bởi, nhiều người biết đến chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi, giải quyết được nhiều bài toán nan giải của ngành chăn nuôi, nhưng người đứng đầu Quế Lâm dường như đã nhìn thấy điều đó từ hơn 10 năm trước.

10 năm trước, trong bối cảnh chăn nuôi an toàn sinh học vẫn còn là khái niệm xa lạ, ông Nguyễn Hồng Lam và các nhà khoa học của Tập đoàn Quế Lâm đã theo đuổi nghiên cứu giải pháp chăn nuôi lợn 5 không: Không sử dụng chất tạo nạc, không sử dụng kích thích tăng trưởng, không sử dụng chất kháng sinh, không sử dụng chất tạo màu và bảo quản, không có kim loại nặng...

Và cũng giống như câu chuyện về phân bón hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm luôn là một con đường riêng biệt. Thời điểm đó ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang quay cuồng trong cơn lốc tổng đàn, sản lượng và giá cả...

Lẽ tất nhiên, trong cơn lốc đó, người ta phải tìm đủ mọi cách để lợn lớn nhanh nhất, ít dịch bệnh nhất, bán giá cao nhất, còn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng thời điểm chấp nhận gạt sang một bên.

Trong suốt chặng đường gần 30 theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam luôn tâm niệm, làm nông nghiệp hữu cơ là làm với người nông dân, nông nghiệp bền vững là nông nghiệp luôn gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi để tạo thành một chuỗi kinh tế tuần hoàn khép kín bằng các mô hình liên kết với người nông dân.

Bằng triết lý đó, sau thành công với phân bón hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm bắt đầu đến với chăn nuôi theo đúng cái cách mà người ta vẫn thường gọi là “cách ông Lam”.

Thực ra, khi Tập đoàn Quế Lâm “lấn sân” sang lĩnh vực chăn nuôi, đã có không ít ý kiến xét nét rằng, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như Quế Lâm sao không mạnh dạn đầu tư quy mô công nghiệp hay ít nhất cũng phải quy mô trang trại mà lại bắt đầu từ những mô hình nông hộ nhỏ lẻ? Vì sao Quế Lâm lại hướng đến “phân khúc” chăn nuôi nông hộ giữa bối cảnh cả xã hội nhìn nhận là rủi ro, thiếu an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...?

Mọi thứ luôn phải bắt đầu từ việc xây dựng lòng tin. Tập đoàn Quế Lâm và người đứng đầu cứ lặng lẽ đi con đường riêng của họ, bởi cốt lõi văn hóa của doanh nghiệp này là sự biết ơn người nông dân, vì người nông dân là mục tiêu tối thượng.

Việc bắt tay vào xây dựng các mô hình chăn nuôi liên kết cũng vậy. Điều trăn trở nhất của ông Nguyễn Hồng Lam và các nhà khoa học ở Quế Lâm là phải tìm bằng được giải pháp cho nông hộ, đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro...

 

“Nếu doanh nghiệp làm thật tâm sẽ là trung tâm kéo nông hộ tạo thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín, kinh tế nông thôn sẽ bình ổn, cân bằng không bị thao túng, vì chính những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ trở thành một lực lượng đối trọng, cân bằng kinh tế", từ hơn 10 năm trước ông Nguyễn Hồng Lam đã có tham vọng như vậy.

Chính những triết lý tưởng chừng mộc mạc, đơn giản ấy cuối cùng lại thành công. Sau kỳ tích phân bón hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đúng là đã trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ thật.

Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm thành công là nhờ sử dụng men vi sinh theo công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.

Việc đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn làm tăng sức đề kháng cho lợn. Đệm lót sinh học giải quyết bài toán môi trường khi không sử dụng nguồn nước đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn cho nông hộ và gia trại.

 Nói theo cách ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì đó là những mô hình chăn nuôi “nhất cử tam tiện”.  Thứ nhất, việc sử dụng vi sinh trong ủ thức ăn chăn nuôi đã có tác dụng tích cực làm tăng sức đề kháng cho lợn, miễn dịch với nhiều loại bệnh khác mà không cần dùng kháng sinh.

Thứ hai, chăn nuôi hữu cơ tận dụng được các nguồn phụ phẩm trong nông hộ như thóc, cám, ngô, sắn... Người chăn nuôi chỉ cần đưa men vào ủ có thể trở thành thức ăn hỗn hợp, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi vừa đảm bảo vấn đề nâng cao sức đề kháng.

Thứ ba là vấn đề môi trường. Chăn nuôi hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học. Vừa không phải tắm cho lợn, nước tiểu của lợn, phân của lợn thấm vào đệm lót sinh học đảm bảo môi trường không mùi, không ô nhiễm, sau mỗi chu kỳ nuôi lại tận dụng phân hữu cơ này trở thành phân vi sinh bón cho cây trồng.

Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều về hiệu quả của giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, bởi sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi giữa năm 2019 thì quy trình chăn nuôi do ông Nguyễn Hồng Lam nghĩ ra và xây dựng đã phủ khắp các phương tiện truyền thông và trở thành chủ đề trong rất nhiều cuộc họp bàn về giải pháp của ngành chăn nuôi.

Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là những minh chứng cụ thể về việc đặt niềm tin vào giải pháp an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm.

Kể từ thời điểm lần đầu kiểm tra mô hình của Quế Lâm vào tháng 7/2019 đến lúc trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quyết định đưa mô hình của Quế Lâm lan tỏa đến các địa phương, đích thân Thứ trưởng phụ trách mảng chăn nuôi của Bộ NN-PTNT đã ít nhất 3 lần cùng các đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra trực tiếp quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi.

Từ Thừa Thiên Huế đến Vĩnh Phúc, Đồng Nai..., nhanh chóng nhưng kỹ càng, thận trọng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Việc kiểm tra lại các mô hình chăn nuôi liên kết một lần nữa chứng tỏ thực tiễn là sử dụng chế phẩm sinh học của Quế Lâm không những là giải pháp của chăn nuôi nông hộ, gia trại mà hoàn toàn có thể hữu hiệu với trang trại lớn, thậm chí là chăn nuôi công nghiệp.

Ngoài ra, mô hình chăn nuôi này cũng tiết kiệm chi phí đầu vào rất lớn, đặc biệt là tiết kiệm trong vấn đề nhân công, vấn đề xử lý môi trường... “Không có lý do gì để không lan tỏa một cách mạnh mẽ cả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Sau những chuyến thẩm tra của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã vào Thừa Thiên Huế để cùng với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này trực tiếp xác nhận ngay tại những mô hình chăn nuôi vẫn đang phát triển rất an toàn ngay giữa tâm dịch tả lợn Châu Phi.

Khi đã có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để khẳng định, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, khẩn trương nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học “bởi thực tế đang rất cần”.

Từ 15 mô hình ban đầu ở Thừa Thiên Huế, chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã lan tỏa hết sức mãnh liệt. Đến nay đã có hàng nghìn mô hình liên kết, hàng vạn con lợn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học khắp từ Bắc chí Nam. “Trên cơ sở các mô hình chăn nuôi liên kết đã thành công, Tập đoàn Quế Lâm mong muốn phát triển các làng xã kiểu mẫu chăn nuôi hữu cơ an toàn tại các địa phương với phương thức chúng tôi đầu tư đầu vào và thu mua đầu ra. Có như vậy người chăn nuôi mới phát triển và việc nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với người nông dân mới khả thi”, ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.

 

 

“Tôi từng hứa với với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chăn nuôi an toàn sinh học và thực tế chứng minh, Quế Lâm đã hoàn thành 100% những lời hứa đó. Bây giờ xin hứa với Bộ trưởng sẽ thành công việc xây dựng công nghệ chăn nuôi an toàn để giải quyết 3 vấn đề của ngành chăn nuôi là kinh tế, môi trường và an toàn dịch bệnh".

Đó là những lời ông Nguyễn Hồng Lam nói vào tháng 7 năm 2019, trong chuyến thị sát của tư lệnh ngành nông nghiệp đến những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm. Lời hứa thứ 3 trong vòng một năm của ông già 73 tuổi với Tư lệnh ngành nông nghiệp.

Tròn một năm sau, Tập đoàn Quế Lâm khánh thành Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F, công trình độc đáo, tiên tiến nhất của doanh nghiệp này và lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Cả 3 lời hứa của ông Nguyễn Hồng Lam với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã được thực hiện trọn vẹn, nếu không muốn nói là xuất sắc.

Điều gì khiến một ông lão 73 tuổi vẫn “lao tâm khổ tứ” (lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường) đến vậy? Chắc chắn, đó chỉ có thể là sự nặng nợ với người nông dân và tấm lòng ngưỡng mộ, lời hứa và sự truyền lửa từ người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Thực ra không đến một năm, chỉ trong vòng 5 tháng, từ một vùng đất hoang hóa, khô cằn đá sỏi, ông Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng nên tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam, giữa nắng gió, giữa thời điểm cả xã hội giãn cách vì dịch bệnh Covid…

150 ngày đầu năm 2020, gần như thủ lĩnh Quế Lâm dành hết thời gian ở công trường, dành hết sức lực, nhiệt huyết để thực hiện khát vọng hoàn thiện chuỗi nông nghiệp hữu cơ, khát vọng của cả cuộc đời.

Từ lãnh đạo tập đoàn đến cán bộ công nhân viên không khỏi xót xa khi thấy ông tỉ mẩn với từng chi tiết trong hệ thống chuồng trại, thao thức từ những điều rất nhỏ để có thể tạo nên mội môi trường “công bằng nhất cho vật nuôi”.

Nhưng hơn hết là sự ngưỡng mộ, bái phục. Trong phần giới thiệu về dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F đầu tiên của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm xúc động: Trong suốt chặng đường theo đuổi, khát vọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam thủ lĩnh Tập đoàn Quế Lâm vẫn hằng mơ ước sẽ có một ngày chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn khép kín từ phân bón, đến trồng trọt và chăn nuôi, và hôm nay, mơ ước đó thành hiện thực.

Thay mặt Tập đoàn Quế Lâm tôi xin gửi lòng biết ơn đến lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, lãnh đạo địa phương ,bạn bè đối tác và đặc biệt Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã quan tâm, hỗ trợ, truyền lửa để chúng tôi thực hiện được ước mơ của mình.

“Và điều mà chúng tôi muốn bày tỏ hôm nay chính là lòng biết ơn đối với ông Nguyễn Hồng Lam. Ông chính là tấm gương để chúng tôi học tập về những chặng hành trình vượt thác, về lòng đam mê khát vọng để đạt được mục tiêu đặt ra, vì nền nông nghiệp hữu cơ mà ông đã theo đuổi gần cả cuộc đời.

 Chúng tôi còn hiểu thêm một giá trị khác, thẳm sâu trong sự lặn lội bất chấp khó khăn, dải nắng dầm mưa quyết liệt giữa công trình này đến công trình khác mà người thủ lĩnh Tập đoàn không quản ngại đó chính là ông đang làm vì cái tâm, vì danh dự đối với người nông dân với xã hội. Điều đó chúng tôi càng khâm phục trân trọng ông hơn”, ông Nguyễn Thanh Vĩnh xúc động.

Nếu hiểu một cách đơn giản thì chăn nuôi 4F có nghĩa là hệ sinh thái chăn nuôi an toàn sinh học: FARM - FOOD - FEED - FERTILIZER. Đó là một dự ántổ hợp bao gồm quần thể trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 10.000 contrở lên, được bố trí khép kín đạt tiêu chuẩn tiên tiến về hữu cơ an toàn sinhhọc và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Diện mạo những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm là sự kết hợp giữa chăn nuôi truyền thống ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, thực hiện trên nền tảng áp dụng chế phẩm sinh học, trong đó“công nghệ lõi” chính là men vi sinh hiện diện trongtoàn bộ quy trình chăm sóc, từ đệm lót sinh học đến hoạt động heo ăn, uống, khí thở, vệ sinh...

 

 

Mô hình đó phải tạo ra được thịt lợn đạt chất lượng cao cả về cảm quan và vị giác, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATVSTP và an toàn sinh học. Hàng năm sản xuất trên 300 tấn thịt lợn hơi (FARM). Đóng gói và bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước (FOOD).

Trong quần thể đó Tập đoàn Quế Lâm xây dựng nhà máy sản xuất men vi sinh và nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ, ứng dụng công nghệ vi sinh đạt tiêu chuẩn, phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng phát triển của vật nuôi.

Những nhà máy đó có công suất hàng trăm ngàn tấn, phục vụ cho dự án và cho các tỉnh thành (FEED). Toàn thể chất thải trong trang trại được thu gom để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phục vụ cho trồng trọt. Tính trung bình hàng năm có trên 3 ngàn tấnchất thải (phân và chất độn chuồng) phục vụ cho sản xuất phân hữu cơ (FERTILIZER)...

“Đó là nơi có nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất sản xuất 50.000 tấn/năm nhằm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh, bảo vệ môi trường.

Là nơi có nhà máy sản xuất thức  ăn chăn nuôi hữu cơ với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm phục vụ chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học do chính nông dân Việt Nam chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Là trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi, được xây dựng khang trang, hiện đại, có quy mô nuôi từ 8.000 - 10.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái phục vụ việc tái và phát triển đàn cho trang trại lợn của Quế Lâm và các nông hộ liên kết...

Cũng trong tổ hợp này, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm, không chỉ thu gom, xử lý toàn bộ các phụ phẩm trong khu tổ hợp mà còn thu gom các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các khu vực lân cận để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ đầu vào sạch, chất lượng cao cho trồng trọt”, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ.

Sẽ không phải là tất cả, nhưng không thể phủ nhận chính những đóng góp, những dấu ấn của Tập đoàn Quế Lâm từ phân bón, trồng trọt đến chăn nuôi đã mở ra cục diện mới cho ngành nông nghiệp.

Tại lễ ra mắt tổ hợp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “5 tháng hình thành dự án tổ hợp 4F, 11 tháng làm xong nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh lớn nhất miền Bắc, những đóng góp của Quế Lâm đã mở ra một cục diện mới cho ngành nông nghiệp.

Đến giờ phút này ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phục hồi, vấn đề ở chỗ, ở khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp lớn đảm bảo được an toàn sinh học, nhưng quan trọng nhất là khu vực hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì hiện nay tái đàn rất khó khăn do giống đắt và vấn đề an toàn dịch bệnh.

Chính mô hình của Quế Lâm đã giải quyết được câu chuyện đó. Sự phù hợp của Tổ hợp 4F không chỉ riêng chăn nuôi mà nay mai sẽ phát triển sang cả cây trồng, vật nuôi, thủy sản…”.

Không ít lần người đứng đầu ngành nông nghiệp nhắc đi nhắc lại, ông Nguyễn Hồng Lam là tấm gương lao động hiếm có, cực kỳ đáng trân trọng.

Cục diện mới mà Bộ trưởng nói đến là một chuỗi kinh tế tuần hoàn với nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản công suất sản xuất 50.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ quy mô nuôi từ 8.000 - 10.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái phục vụ việc tái và phát triển đàn cho trang trại lợn của Quế Lâm và các nông hộ liên kết.

Ngoài ra, cũng trong tổ hợp này, Quế Lâm sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm, khi hoàn thành sẽ là nơi thu gom tất cả các phế phẩm, chất thải trong trang trại và các địa phương xung quanh để tạo ra một nguồn phân bón hữu cơ vi sinh...

“Điều đó sẽ góp phần tạo nên mó là một nền nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì, một nền nông nghiệp chia sẻ, không bỏ lại ai phía sau”, Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định.

 

 

Sau những biến động ghê gớm của thị trường, bây giờ chăn nuôi nông hộ đang lấy lại vị thế để đóng góp vào sự bình ổn, đối trọng với những âm mưu thao túng giá cả.

Những người đứng đầu ngành nông nghiệp vẫn thường trăn trở, đối với Việt Nam chúng ta, con lợn và cây lúa không chỉ đơn thuần kinh tế mà còn là máu thịt, là văn hóa, nền tảng để có được kinh tế nông nghiệp ngày hôm nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mỗi một năm ngành chăn nuôi sản xuất ra 4 triệu tấn thịt lợn, con số này, nếu chọn cách đi tắt đón đầu thì chỉ cần 20 doanh nghiệp đã có thể đảm bảo chăn nuôi 30 triệu con và có thể đạt được mục tiêu đó đơn giản. Nhưng vấn đề ở chỗ, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải có cách phát triển hài hòa, vừa đảm bảo mục tiêu vừa đảm bảo được sinh kế của người nông dân.

“Con lợn có vai trò hết sức quan trọng trong chăn nuôi, nhưng nghiệt ngã ở chỗ đầy rủi ro. Từ môi trường, dịch bệnh, chất lượng thực phẩm...

Qua thực tế khảo sát, đánh giá, mô hình chăn nuôi liên kết hữu cơ an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm thì cả 3 vấn đề kinh tế, môi trường, cộng đồng an sinh đều được giải quyết, nếu làm tốt”.

Mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp tục khẳng định: Dịch tả lợn Châu Phi 100 năm nay không có vắc xin, không có thuốc, cho nên giải pháp an toàn sinh học là số một, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều như vậy.

Với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm, đã có mô hình, có căn cứ thực tiễn, có căn cứ khoa học và đã tổng kết trên nhiều mô hình ở các tỉnh thành nên tinh thần của Bộ NN-PTNT là sẽ phối hợp với Bộ KH-CN hoàn thiện một cách tốt nhất để triển khai nhân rộng nhanh nhất, mạnh nhất ra khắp cả nước.

 

 

Từ cơ quan quản lý, nhà khoa học, chính quyền địa phương và những người tham gia mô hình liên kết đều khẳng định sự thành công của chăn nuôi an toàn sinh học Quế Lâm.

Nói theo cách Giáo sư Vũ Duy Giảng là Tập đoàn Quế Lâm đã Việt Nam hóa tất cả những kết quả nghiên cứu hiện đại của thế giới để ứng dụng vào Việt Nam, trong điều kiện Việt Nam, nông thôn Việt Nam, khí hậu, đất đai Việt Nam…

Vị giáo sư cũng phân tích, từ trước đến nay có nhiều đề án đổ lỗi cho chăn nuôi nông hộ, tầng lớp dễ bị thiệt thòi nhất. Để giúp được nông hộ phải có những tập đoàn lớn vào kết hợp, hỗ trợ, đưa công nghệ tiên tiến vào như cách Tập đoàn Quế Lâm đang làm.

Tương tự, Giáo sư Nguyễn Văn Đức, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng chia sẻ rằng, kết quả những mô hình của Tập đoàn Quế Lâm rõ ràng đã thành công rồi, vấn đề là phải bàn để xem chuyển giao như thế nào để nhanh lan tỏa đến người nông dân mà thôi.

Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đang khẩn trương xây dựng đề án chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học giai đoạn 2021-2025.

Nói như Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thì ai đủ bản lĩnh, đủ năng lực sẽ được đăng ký để chung tay thực hiện. Với những mô hình đã được tổng kết, đánh giá, với năng lực đang có, Tập đoàn Quế Lâm chắc chắn sẽ là hạt nhân trung tâm.

Bằng tâm thế vì nền nông nghiệp, vì người nông dân, con đường nông nghiệp hữu cơ của ông Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm bây giờ đã không còn đơn lẻ nữa.

 

Hoàng Anh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nhật Quang - Tùng Đinh
Nhật Quang