Linh hồn gốm sứ và câu chuyện chạm đến cảm xúc khách hàng

Gốm sứ Quang Vinh hay Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có giám đốc là bà Hà Thị Vinh. Bà Vinh là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, có truyền thống làm nghề gốm sứ ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Ngay từ nhỏ, bà Hà Thị Vinh đã đam mê những nét tinh hoa của làng gốm quê hương, niềm đam mê ấy theo năm tháng lớn lên để rồi bà nung nấu quyết tâm đưa sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ra thế giới.

Nghĩ là làm. Từ năm 1989, bà Hà Thị Vinh mạnh dạn xây dựng tổ hợp tác gốm sứ xuất khẩu Mỹ Hạnh với mong muốn các sản phẩm gốm sứ của làng nghề Bát Tràng không chỉ mang đậm giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao mà còn thể hiện hồn cốt và phẩm chất của dân tộc Việt.

Đến năm 1994, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh được thành lập thay thế cho tổ hợp tác. Để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2001, Gốm sứ Quang Vinh đã quyết định đầu tư nhà máy tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.

Từ một tổ hợp tác chỉ với 6 thành viên ban đầu, đến nay Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm gốm sứ với trên 300 lao động.

Riêng cơ sở sản xuất tại Đông Triều (Quảng Ninh) được mở rộng trên diện tích 30.000m2. Hiện tại, công ty mẹ tại Bát Tràng (Hà Nội) đã đầu tư xây dựng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt trên mảnh đất 3.300m2m, thường được biết đến với cái tên “Bảo tàng gốm Bát Tràng”.

Còn ở Quảng Ninh, Quang Vinh đã chắt chiu tinh hoa của tổ tiên truyền lại của làng gốm cổ truyền Bát Tràng với gần 1.000 năm tuổi kết hợp với làng gốm truyền thống của Đông Triều để xây dựng lên nhà máy thứ 2 của Quang Vinh tại đây.

Như vậy, Quang Vinh hiện nay có cơ sở tại 2 địa danh sản xuất gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam.

Tính đến nay, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tại xã Bát Tràng đã có hơn 30 năm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực gốm sứ. Điều khác biệt làm nên thành công của Gốm sứ Quang Vinh là 90% thị trường xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, sản phẩm của gốm Quang Vinh đang được bán tại 20 thị trường trên thế giới ở các khu vực khó tính như châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước khác.

Các sản phẩm được sản xuất từ Gốm sứ Quang Vinh luôn thân thiện với môi trường, không có chất độc hại, đảm bảo tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng.

Không những vậy, các sản phẩm của Gốm sứ Quang Vinh còn mang linh hồn, tinh hoa Việt bởi được thừa hưởng nghề truyền thống của tiền nhân, đồng thời đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại cho sản xuất với đội ngũ kỹ sư được đào tạo tại nước ngoài.

Để nâng cao giá trị sản phẩm chinh phục thị trường, năm 2019 Gốm sứ Quang Vinh có 5 sản phẩm của được UBND thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Trong đó, có 4 sản phẩm đạt 5 sao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen; Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen.

Các sản phẩm OCOP 5 sao của Gốm sứ Quang Vinh hiện nay được ra đời với nguyên liệu đầu vào được tuyển chọn kỹ, được nghiên cứu phối liệu cẩn thận, qua các thiết bị chế biến nguyên liệu có tính chuẩn mực cao, có độ đồng đều về chất lượng gần như tuyệt  đối.

Sản phẩm OCOP 5 sao của Gốm Sứ Quang Vinh được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu cao lanh từ Phú Thọ, sau khi loại bỏ tạp chất mới tiến hành tạo hình và sau đó được nung đốt ở nhiệt độ 1.350 độ C, giúp màu sắc không bị phai, bị bay. Đặc biệt các sản phẩm sứ mỹ nghệ còn được nung đốt khử nên không gây độc hại cho người sử dụng.

Điều này khiến sản phẩm có độ kết khối cao, độ cứng đảm bảo đủ điều kiện sử dụng cho nhà hàng, khách sạn nếu có dùng máy rửa bát, chén. Đây là đặc điểm khác biệt với một số sản phẩm chất lượng thấp hơn đang bán trên thị trường.

Có được điều đó là bởi Gốm sứ Quang Vinh là một trong những doanh nghiệp có ý thức rõ ràng và mạnh dạn trong đầu tư công nghệ. Theo đó, đơn vị đã tiên phong áp dụng hệ thống lò gas vào sản xuất cho cả hai nhà máy. Từ một lò gas 4m3 đến nay Quang Vinh đã có 6 lò gas 22m3 và 1 lò gas 6m3. Đặc biệt Quang Vinh vừa đầu tư 1 lò gas 12m3 công nghệ nung đốt cưỡng bức vòi đốt tốc độ cao hiện đại nhất trong nghành gốm sứ hiện nay.

Hàng năm, Quang Vinh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tập trung vào việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm, nghiên cứu các chất liệu phục vụ cho sản xuất.

Nhiều đề tài, dự án của công ty đã được nghiên cứu thành công tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đạt nhiều giải thưởng khoa học trong ngành gốm sứ mỹ nghệ.

Không chỉ có công nghệ tiên tiến, các sản phẩm gốm sứ ở đây còn được sản xuất theo phương thức thủ công. Điều này khiến những sản phẩm khi ra lò đều mang đậm tính văn hóa do bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo của người thợ, các sản phẩm đều mang nét độc đáo với tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng nghề truyền thống Việt.

Bên cạnh đó, sự đa dạng cũng được thể hiện qua nét văn hóa trên từng sản phẩm, mang đặc trưng của nơi sản xuất ra sản phẩm, có sự khác biệt rõ rệt, không đồng nhất với các đơn vị sản xuất cùng sản phẩm sứ mỹ nghệ khác.

Để làm được điều đó, Gốm sứ Quang Vinh sở hữu đội ngũ thiết kế giàu kinh nghiệm được đào tạo chính quy tại các trường đại học danh tiếng về chuyên ngành gốm sứ, có thể  thay đổi mẫu mã và kiểu dáng liên tục, phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp.

Các sản phẩm được sản xuất từ Quang Vinh luôn thân thiện với môi trường, không có chất độc hại, bảo đảm tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng và được kiểm soát bởi Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015.

“Có 4 bộ sản phẩm OCOP 5 sao chưa phải là mục tiêu cuối của Gốm sứ Quang Vinh. Từ những nguyên liệu nguyên khai với từng câu chuyện, hình ảnh truyền thống của dân tộc, công ty sẽ xây dựng thêm nhiều hệ sản phẩm cao cấp nữa và đó có thể sẽ trở thành các sản phẩm 5 sao trong thời gian tới”, bà Hà Thị Vinh chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản, việc tạo ra các sản phẩm chất lượng không phải là điều gì đó quá khó khăn với Quang Vinh. Điều mà công ty gốm sứ muốn tập trung đó chính là tính nghệ thuật của mỗi sản phẩm, theo bà Hà Thị Vinh, nghệ thuật truyền thống trên mỗi sản phẩm gốm sứ là thứ có thể chạm đến cảm xúc của người mua.

Chia sẻ về OCOP, người đứng đầu của Gốm sứ Quang Vinh cho rằng đây là một chương trình rất hay, không phải chỉ phong trào mà đã giúp nền kinh tế của các làng nghề bước hẳn sang một trang mới.

“Nếu như trước đây, chủ thể trong các làng nghề vốn phải tự vận động, tự tìm phương hướng kinh doanh theo những kinh nghiệm của mình, không biết thị trường có thích hay không. Thì giờ đây nhờ có chương trình OCOP, các sản phẩm của làng nghề được chăm chút, đáp ứng các tiêu chí, các yêu cầu của thị trường về cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật”, bà Vinh nhấn mạnh.

Theo đó, ngoài chất lượng tốt, an toàn, mỹ thuật cao thì việc các sản phẩm truyền thống được gắn với các câu chuyện hay, chạm vào cảm xúc của khách hàng là điều rất quan trọng.

Do vậy, các chủ thể tại các làng nghề phải cùng nhau vào cuộc, nâng cấp từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho đến bao bì đóng gói. Qua đó giúp các chủ thể nâng cao được kiến thức, kỹ năng một cách bền vững, tự nâng cao năng lực để phù hợp với sự cạnh tranh của thị trường.

Với 4 bộ sản phẩm của công ty, bà Hà Thị Vinh chia sẻ rằng, có thể xem đó là những đề tài nghiên cứu khoa học, tìm ra được sự phù hợp giữa xương gốm và men gốm, giúp sản phẩm có thể chịu được nhiệt độ đốt cao, tạo ra độ bền, độ trắng, độ trong, độ nhẹ và màu sắc ở mức độ cao nhất.

Luôn khoe sắc, tỏa mùi thơm cuốn hút và không bao giờ bị hòa lẫn giữa những thứ "hôi tanh" khác, hoa sen đi vào đời sống với rất nhiều ý nghĩa.

Hoa sen còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Ý nghĩa hoa sen gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt trong tà áo dài thướt tha, đầu đội nón lá và tay ôm bó hoa sen, khiến người nhìn cảm thấy xuyến xao.

Cùng với đó, sức sống của hoa sen có những điểm tương đồng với đức tính của người phụ nữ Việt, chịu thương chịu khó, luôn hy sinh và khiêm nhường, song cũng thật mạnh mẽ và nổi bật.

Bộ gốm sứ sen đỏ của Quang Vinh đã đưa hồn của hoa sen vào trong từng nét vẽ. Ai xem tranh cũng biết rằng cái hồn của bức vẽ nằm ở nét, và hồn của tranh nằm ở sự tương tác của các lớp màu với nhau và với nền của tranh.

Gốm là chất liệu cứng, nhưng hình ảnh vẽ trên gốm vẫn có được sự chìm nổi của tranh. Để pha màu vẽ gốm, không phải người thợ nào cũng làm được. Tại Quang Vinh, người pha màu phải là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, để khi pha màu vẽ gốm, người thợ sẽ trộn màu với đất đúng với cái độ mà anh muốn màu trong lò nung sẽ tan và loang ra, ngấm vào men hoặc vào cốt đất của từng sản phẩm. Hoa được vẽ bằng cọ lên gốm. Nung xong, nhánh hoa nằm trong men chứ không chỉ ở trên bề mặt.

Không ai có thể không yêu một bộ chén bát men trắng vẽ hoa sen, tranh sen được vẽ tay từng nét thanh thoát nhất, người ngắm sẽ nghe thoảng chút hương sen. Hàng gốm mang cái đẹp Việt đằm thắm sẽ mãi mãi được trân quý.

Thi thoảng chúng ta vẫn tự hỏi nhau “là người Việt” có ý nghĩa thế nào, bản sắc và vị trí mỹ học của chúng ta ở đâu, niềm tự hào của một người Việt Nam có phải chỉ nằm ở những trận cầu, món phở hay kiến trúc cổ điển hay không. Có lẽ, vẻ đẹp nội hàm của văn hóa Việt Nam được bộc lộ như chính cung cách tinh tế, khiêm nhường của hoa sen - loài quốc hoa trong lòng mỗi người dân Việt.

Hoa sen từ lâu đã trở thành một biểu tượng cao quý trong mỹ học Việt Nam, hiện diện trên hơn ngàn vạn các tác phẩm mà người Việt đã làm ra. Thế nhưng, vẻ đẹp thực sự của hoa sen lại nằm chính ở sự kín đáo của loại hoa này - khi biểu lộ, lúc lại ẩn đi, dịu dàng ý nhị, như thể có ánh sáng bí mật tỏa ra từ phía sau những cánh hoa mỏng manh.

Còn về chim én, én là một loài chim có hình dáng nhỏ xinh, bay nhảy nhẹ nhàng uyển chuyển với chiếc đuôi linh hoạt, rất thân thiện với con người. Từ thuở xa xưa, én đã trở thành một loài vật mang ngụ ý may mắn trong tâm trí mọi người, tượng trưng cho mùa xuân, và được ví với tình yêu.

Để thể hiện được vẻ đẹp trung thực của hoa sen và tấm lòng Việt, kết hợp với màu xanh trắng truyền thống của gốm sứ Bát Tràng, Quang Vinh đã thổi hồn vào bộ sản phẩm “chim én hoa sen”, vừa tinh tế vừa giữ lại được sự gần gũi với thiên nhiên và đời thường.

30 năm đi qua, Quang Vinh vẫn kiên trì với giấc mơ tìm lại vẻ đẹp chân thực của Việt Nam. Mong ước là hồi sinh lại những ngành thủ công truyền thống đẹp và lâu đời nhất của dân tộc, viết tiếp con đường cho chúng để có thể đưa mỹ học Việt Nam dần trở nên thật đẹp, thật lay động và đáng ngưỡng mộ không chỉ trong chính tấm lòng của người Việt mà còn trên khắp thế giới - như nó thật sự xứng đáng.

Bộ bát đĩa rồng phượng không chỉ mang tính biểu tượng tâm linh, mà còn vì mục đích giữ gìn cái hồn trong văn hóa người Việt.

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên.

Con rồng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là một hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng... Hình tượng con rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, mỗi khi nói đến “con rồng cháu tiên”, người Việt đều cảm thấy hãnh diện, tự hào.

Trong dịp lễ Tết, người Việt hay tặng nhau bộ bát đĩa hình rồng phượng để chúc cho nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc. Màu xanh trắng kết hợp trên từng sản phẩm cũng là màu truyền thống của gốm sứ Bát Tràng.

Tùng Đinh
Trọng Toàn
Tùng Đinh