Lợn đen xứ Mường - Câu chuyện lấy thị trường làm trung tâm xây chuỗi

Thương hiệu "Lợn đen xứ Mường" giúp thay đổi căn bản tư duy chăn nuôi của bà con nông dân Hòa Bình bằng cách giải bài toán thị trường ngay từ đầu xây dựng chuỗi.

Xóm núi Tân Lạc một buổi chiều cuối hè, mặc cơn mưa dày hạt, chị Huế vẫn trải một tấm bạt lớn dưới hiên nhà, bỏ mớ rau vừa thái xong để trộn với muối và rỉ mật, làm thức ăn cho đàn lợn đen của gia đình.

Thân chuối, dọc khoai bổ sung thêm mấy loại lá thảo dược trồng trong vườn là nguồn thức ăn xanh chính của lợn đen được nuôi tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn mà chị Huế là Giám đốc.

Những loại rau này được trộn với muối, rỉ đường rồi ủ trong thùng kín từ 5 - 7 ngày sẽ lên men với một mùi đặc trưng mà chị Huế tả là “thơm như cơm rượu”. Sau đó, thức ăn xanh sẽ được trộn với cám ngô, cám gạo, bột cá, đậu tương để cho lợn ăn.

Đây chỉ là một vài công đoạn trong quy trình sản xuất lợn đen thuộc Dự án CooPlus Social Enterprise do Tổ chức Good Neighbors International (GNI) của Hàn Quốc hỗ trợ với đại diện ở Việt Nam là Công ty TNHH CooPlus, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cùng các HTX chăn nuôi lợn bản địa triển khai.

Ra đời từ năm 2018, Công ty TNHH CooPlus và Dự án có sứ mệnh hỗ trợ người dân tại các vùng dự án do GNI đang thực hiện tại Việt Nam sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giúp trẻ em có điều kiện sinh sống và học tập tốt hơn.

 

Lợn đen là giống bản địa được người Mường, người Thái trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nuôi từ lâu đời. Con lợn đen gắn chặt với đời sống văn hóa và ẩm thực của người dân nơi đây.

Sản phẩm thịt lợn đen Hòa Bình nổi tiếng vì chất lượng thơm ngon, thịt đỏ, nước luộc trong, mỡ giòn không ngấy, ngọt tự nhiên... Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn đen đang bị thu hẹp do sự cạnh tranh bởi các mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp hiện đại.

Trong bối cảnh đó, CooPlus cùng Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình và các đối tác liên quan (các HTX chăn nuôi lợn bản địa, các tổ chức phi chính phủ...) trên địa bàn tỉnh hợp tác triển khai dự án: “Phát triển chuỗi giá trị lợn đen nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn nguồn gen quý của Việt Nam”.

Các hoạt động chính của dự án bao gồm chọn tạo nguồn gen để tạo ra các thế hệ lợn đen bố mẹ có chất lượng tốt nhất, tăng tỉ lệ nạc, giảm mỡ rồi nhân giống phục vụ nuôi thương phẩm…

Sau đó, CooPlus sẽ hỗ trợ bà con về quy trình chăm sóc lợn theo hướng nông nghiệp sinh thái, sử dụng thức ăn phối trộn, lên men kèm thảo dược giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm được thời gian, chi phí chăn nuôi.

Hòa Bình có tổng đàn lợn bản địa (lợn đen) vào khoảng 32.000 con, được chăn nuôi chủ yếu tại các hộ gia đình và HTX.

Hòa Bình có tổng đàn lợn bản địa (lợn đen) vào khoảng 32.000 con, được chăn nuôi chủ yếu tại các hộ gia đình và HTX.

Ngoài ra, Công ty CooPlus cũng giám sát để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Sản phẩm thịt lợn hoàn toàn không dư lượng kháng sinh, hocmon tăng trưởng...

Hạng mục tiếp theo của Dự án là hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giết mổ và chế biến với các cơ sở giết mổ được đầu tư đầy đủ với các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Thịt được bảo quản lạnh ngay sau khi giết mổ để đảm bảo chất lượng và công tác vệ sinh.

Sau khi đã có các sản phẩm thịt, CooPlus phối hợp với các đối tác để phát triển truyền thông và thị trường thông qua các mạng lưới phân phối, giúp tạo ra lượng tiêu thụ ổn định, tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… và Hòa Bình.

Chia sẻ sâu hơn về quá trình hợp tác với CooPlus, chị Vũ Thị Hương Huế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) nói: “Trước đây, tôi và bà con trong xã đa phần làm nghề chăn nuôi tự phát. Từ năm 2022, được CooPlus và GNI tạo điều kiện lập chuỗi sản xuất, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm nên HTX đã tập trung chăn nuôi lợn đen bản địa”.

Theo chị Vũ Thị Hương Huế, hiện nay HTX có 14 thành viên và 9 hộ tham gia liên kết nuôi lợn đen. Ngoài nuôi, HTX cũng được các đối tác hướng dẫn, hỗ trợ công nghệ giết mổ và chế biến một số sản phẩm chế biến như giò chả, xúc xích, ruốc và thịt nướng.

So với trước đây, việc đảm bảo đầu ra, bao tiêu sản phẩm của CooPlus là yếu tố rất quan trọng để các thành viên HTX tự tin và yên tâm đầu tư vào sản xuất. “Nếu trước đây tự phát, giá cả bấp bênh, hiện chúng tôi không còn phải lo lắng về đầu ra nữa”, chị Huế nói.

Với vai trò quan trọng là quản lý và điều phối Dự án, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong tư duy, cách tiếp cận với mô hình chăn nuôi lợn đen xứ Mường.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Thay vì hỗ trợ con giống, vật tư như trước, chúng tôi tập trung phối hợp với các đối tác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất và mang tính giải pháp thực chất cho chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ”.

Về giống, để giải quyết yếu điểm của lợn đen thuần chủng là mỡ dày, trọng lượng nhỏ, các nhà chọn tạo, di truyền đã lai giống lợn đen với đực  rừng to khỏe như lợn rừng Thái Lan hoặc dòng đực Duroc.

Từ đó, những con lai F1 này vừa có tầm vóc lớn hơn, tỷ lệ nạc cao hơn, có mỡ đan xen…Lợn thương phẩm vẫn giữ được chất lượng tự nhiên từ nguồn gen lợn đen nhưng đã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân sống tại những thành phố lớn.

Để những chuỗi liên kết này phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình xác định đưa các doanh nghiệp lên làm chủ chuỗi vì đầu ra là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới sự thành công bền vững của chuỗi.

Giữa chủ chuỗi với các HTX và các HTX với xã viên đều phải có những hợp đồng rất chặt chẽ. Trong đó ràng buộc về tiêu chuẩn đầu ra của sản phẩm lợn đen xứ Mường, phải làm thế nào để đảm bảo an toàn và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia sẻ thêm về mục tiêu phát triển ổn định, dài hơi của mô hình chuỗi liên kết này, ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX Hòa Bình cho rằng, điều đầu tiên phải là sự tự nguyện, giữa người nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp.

“Sự hỗ trợ của nhà nước chỉ là phần nâng cao và đưa vào quy chuẩn là chính. Quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân mới là yếu tố quan trọng quyết định tính bền vững, ổn định của chuỗi”, ông Trần An Định cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cần đến sự nỗ lực của cả 2 phía, doanh nghiệp làm tốt khâu quảng bá, phát triển thị trường còn HTX thì nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, tối ưu hóa giá thành sản xuất. Đó là cách tốt nhất để những sản phẩm nông sản bản địa của Hòa Bình có thể khẳng định được tên tuổi và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững lâu dài cho người dân.

Giống lợn đen Hòa Bình có thịt thơm, ngon, ngọt thịt, kết hợp ưu thế lai cải tiến để tăng nạc, giảm mỡ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thành phố lớn.

Giống lợn đen Hòa Bình có thịt thơm, ngon, ngọt thịt, kết hợp ưu thế lai cải tiến để tăng nạc, giảm mỡ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thành phố lớn.

Anh Ninh Văn Nghị, Giám đốc Công ty TNHH CooPlus, đơn vị được định danh là chủ chuỗi liên kết sản xuất “Lợn đen xứ Mường” chia sẻ, Công ty được sự đầu tư, hỗ trợ từ Tổ chức Good Neighbors International (GNI) của Hàn Quốc.

GNI là tổ chức có 17 năm hoạt động tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ các trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để có điều kiện sống và học tập tốt hơn. Một trong những hợp phần mà GNI quan tâm đầu tư đó là phát triển sinh kế cho phụ huynh của trẻ em thông qua sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là lý do mà CooPlus ra đời.

 “Ở Hòa Bình, nhận thấy lợn đen bản địa là sản phẩm có nhiều ưu thế chất lượng nhưng đang phải chịu sự cạnh tranh của lợn nuôi quy mô công nghiệp và đầu ra bấp bên nên quy mô đang ngày càng thu hẹp. Chúng tôi cùng các đối tác đã nghiên cứu và lựa chọn phát triển chuỗi liên kết lợn đen bản địa để phát triển kinh tế cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen quý của Việt Nam.” ông Ninh Văn Nghị chia sẻ.

Trong quá trình liên kết, CooPlus phối hợp với các viện, trường để hỗ trợ bà con nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi theo phương thức sinh thái, tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng lợn. Ngoài ra, Công ty cũng hỗ trợ bà con áp dụng các quy tắc an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và hỗ trợ về vốn cho người chăn nuôi.

Riêng về thị trường, yếu tố quan trọng nhất của chuỗi, Giám đốc CooPlus cho biết, đã nghiên cứu trong vòng 3 năm và từ đầu 2023 đã đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối, đặc biệt là các cửa hàng thực phẩm sạch.

“Đây là những đơn vị đã có tệp khách hàng mong muốn có sản phẩm ngon, sạch, chất lượng cao và sẵn sàng chi tiền để mua được những sản phẩm này. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn thị trường tiêu thụ của lợn đen xứ Mường ngày càng được mở rộng, làm cơ sở để CooPlus có thể xây dựng thêm nhiều chuỗi nữa cho nông sản khác, ở các địa phương khác”, anh Nghị tâm sự.

Thừa nhận việc triển khai một số dự án trước đây vẫn tập trung vào vốn hay kỹ thuật sản xuất nên hiệu quả không cao. Giám đốc CooPlus Ninh Văn Nghị khẳng định, việc tiếp cận từ đầu ra như chuỗi lợn đen xứ Mường, lấy thị trường làm trung tâm sẽ giúp bà con gắn bó chặt chẽ, lâu dài hơn với chuỗi.

“Thông qua việc phát triển kinh tế, giúp các hộ nâng cao được thu nhập thì trẻ em trong gia đình sẽ có được điều kiện sinh sống và học tập tốt hơn. Từ đó, chúng tôi cũng có thêm nguồn lực để hỗ trợ những trẻ em ở các vùng mà đơn vị chưa thể tiếp cận được”, lãnh đạo CooPlus khẳng định.

Cũng theo anh Nghị, ngoài việc hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, việc đi lại, cùng ăn, cùng làm với bà con khiến những nhân viên của CooPlus giờ đây chẳng khác gì anh em trong nhà với người dân địa phương.

Chính bởi đã coi mình là một phần của những gia đình người Mường, người Thái tại Hòa Bình nên anh Ninh Văn Nghị và đội ngũ của mình tin tưởng và mạnh dạn chốt mục tiêu cho Công ty CooPlus sẽ cùng bà con nông dân Hòa Bình tiêu thụ bình quân 5.000 con lợn đen/năm vào năm 2025.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình các trang trại chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp, quy mô lớn cơ bản đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, mật độ chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng có lợi thế của từng địa phương gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chăn nuôi lợn tỉnh Hòa Bình tăng trưởng bình quân hàng năm 6,5%.

Tổng đàn lợn của tỉnh tính đến 30/6/2023 trên 485.000 con, trong đó, lợn chăn nuôi trong các trang trại quy mô lớn là 75.000 con và lợn chăn nuôi trong trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ hơn 378.000 con. Ngoài ra, Hòa Bình có tổng đàn lợn bản địa (lợn đen) vào khoảng 32.000 con, được chăn nuôi chủ yếu tại các hộ gia đình và HTX.

Tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình tiếp tục các hoạt động quảng bá xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm đặc chưng có lợi thế của địa phương. Cụ thể như quảng bá sản phẩm đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, OCOP...

Lợn đen xứ Mường là giống bản địa của Việt Nam, chất lượng thịt tự nhiên đã vô cùng thơm ngon. Kết hợp với phương thức chăn nuôi truyền thống cải tiến, sử dụng thức ăn từ phối trộn các thành phần nguyên liệu tự nhiên (bột ngô, sắn, cám gạo, đậu tương, bột cá, giun quế) cùng thức rau củ quả ủ lên men bằng men vi sinh và rỉ mật) và các loại dược liệu (cây chè đại, hoàn ngọc, khổ sâm).

Với phương thức nuôi trên, lợn đen xứ Mường được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, lợn hấp thu dinh dưỡng tốt, sức đề kháng tự nhiên được tăng cường và tạo ra loại thịt đặc biệt thơm ngon.

Cùng với đó, lợn được nuôi với thời gian tối thiếu 7 tháng để tạo ra chất lượng thực sự vượt trội với các sản phẩm thịt lợn khác trên thị trường. Thịt lợn đen xứ Mường hoàn toàn không dư lượng kháng sinh và chất tăng trọng nên hoàn toàn an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Lợn đen xứ Mường được giết mổ bằng hệ thống khép kín đạt yêu cầu về vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt được bảo quản trong điều kiện môi trường lạnh ngay sau khi giết mổ để đảm giữ chất lượng thịt tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng.

Thương hiệu Lợn đen Xứ Mường hiện được bán và giới thiệu sản phẩm tại địa chỉ 467 Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm và các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình.

Thương hiệu Lợn đen Xứ Mường hiện được bán và giới thiệu sản phẩm tại địa chỉ 467 Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm và các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình.

Tùng Đinh - Nguyên Huân
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tùng Đinh
Quang Dũng