Mấy ngày qua, ĐBSCL đón những cơn mưa vàng giải nhiệt cho mùa hạn, mặn. Khu vực ĐBSCL đã bước qua thời kỳ hạn, mặn gay gắt nhất trong lịch sử.
Đến giờ này, nhìn lại mùa hạn, mặn năm 2020 có thể khẳng định rằng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp nhẹ hơn hẳn so với 2016. Nguyên nhân từ đâu? Các nhà chuyên môn cho rằng do chúng ta đã chủ động, thích ứng rất tốt. Đặc biệt, do tính kỷ luật và bản lĩnh nông dân ĐBSCL.
Nhận định năm 2020 sẽ diễn ra đợt hạn, mặn lịch sử nên công tác triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được tiến hành sớm ngay từ tháng 10 năm 2019. Tại hội nghị “Kế hoạch và giải pháp sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh thành Đông Nam bộ và ĐBSCL” được tổ chức ở tỉnh Tiền Giang vào ngày 11/10/2019 do Bộ NN-PTNT tổ chức, các cơ quan chuyên ngành Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ đã nêu lên những số liệu rất quan trọng. Đó là, hạn mặn vụ đông xuân năm 2020 nghiêm trọng hơn năm 2016.
Cụ thể, trên lưu vực sông Mêkông, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước. Lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Thậm chí, thấp hơn cả năm 2016, năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục. Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô tại trạm Kratie (Campuchia) đạt 6,67m, thấp hơn 0,5m so với cùng kỳ năm 2016. Dung tích trữ nước ở Biển Hồ Campuchia đến ngày 10/2/2020 ước khoảng 1,9 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. Đây là nguyên nhân gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020.
Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp then chốt. Thứ nhất, phải xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn. Đẩy thời vụ lên, xuống giống tập trung trong hai tháng chủ lực là tháng 11 và 12/2019. Theo đó, vụ đông xuân 2019-2020 đã được triển khai sớm hơn 20-30 ngày. Diện tích xuống giống nhiều hơn ở vùng ven biển để đảm bảo nguồn nước cung cấp đến cuối vụ nhằm né hạn mặn. Những vùng còn lại phân bố thời gian xuống giống xen kẽ để chia sẻ nguồn nước với nhau. Thực tế, một số nơi ở vùng U Minh (Kiên Giang) bà con nông dân tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo xuống giống vụ đông xuân ngay từ những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2019.
Điểm then chốt thứ hai, khâu cảnh báo liên tục được ngành chuyên môn đưa ra. Ranh mặn đến đâu, ngày nào để toàn bộ người dân hiểu, nắm được tác động của thiên tai mà áp dụng vào điều kiện sản xuất cho phù hợp. Các phương tiện truyền thông liên tục đưa thông tin cảnh báo các diễn biến hạn, mặn ở ĐBSCL đến tận nông dân. Rất đáng mừng là bà con nông dân ĐBSCL đã chấp hành theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, năm nay mặc dù xâm nhập mặn sâu hơn, lâu hơn, nghiêm trọng hơn nhưng thiệt hại thấp hơn so với năm 2016.
Có thể nói, trong suốt thời gian qua công tác tuyên truyền để người dân chủ động thay đổi nhận thức đã được tăng cường hơn bao giờ hết. Để sản xuất hiệu quả thích ứng được với thiên tai thì ý thức hành động nhất quán từ người dân, xã, huyện, tỉnh và toàn vùng chứ không phải một cấp nào làm mà thắng lợi được. Chúng ta đã làm được điều quan trọng và khó khăn đó.
“Năm nay, điều rất đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL, nhưng với sự quyết tâm của các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã chuyển thời vụ sớm, có cơ cấu cây trồng hợp lý nên được mùa lúa”.
Đó là nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL vào chiều ngày 28/4/2020.
Tại cuộc họp này, theo báo cáo của Bộ Công thương, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn lúa. Riêng vùng ĐBSCL, vụ đông xuân tới nay đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng lúa còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Còn tại hội nghị trực tuyến sơ kết vụ đông xuân các tỉnh Nam bộ và ĐBSCL vào ngày 27/3/2020, đại diện các tỉnh ĐBSCL cho rằng, về cơ bản vụ đông xuân 2020 được mùa được giá. Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ đông xuân 2019-2020 hơn 1,6 triệu ha, năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Trong đó, ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha.
Từ hiệu quả vụ đông xuân mang lại, Bộ NN-PTNT đưa ra kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2020 của toàn vùng Nam bộ hơn 1,6 triệu ha. Trong đó, ở ĐBSCL gieo sạ 1,5 triệu ha, năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha. Để đạt được kết quả trong vụ hè thu này, đối với các vùng nước ngọt ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ bà con nên tranh thủ xuống giống sớm vì không gặp trở ngại về hạn, mặn.
Quan điểm chung trong sản xuất lúa là từ nay đến cuối năm 2020 giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng. Thực tế đến nay, vụ lúa hè thu ở ĐBSCL được kỳ vọng sẽ tiếp tục được mùa. Nhiều nơi như ở Đồng Tháp Mười bà con nông dân đã chuẩn bị thu hoạch lúa hè thu sớm từ đầu tháng 5.
Quyết định tiến - đẩy sớm khung thời vụ đông xuân ngay từ tháng 10/2019 để tránh thời điểm xâm nhập cao trùng với thời kỳ nhạy cảm của cây lúa lúc làm đòng, trổ. Thực tế, trong tháng 10, 11/2019, diện tích xuống giống vụ đông xuân đạt cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 450.000 ha. Dứt khoát đến hết tháng 12/2019 sẽ không tiếp tục xuống giống, diện tích chưa xuống giống sẽ đẩy lùi thời vụ. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng kéo dài của vụ thu đông nên diện tích xuống giống trong tháng 1 năm 2020 đã được khuyến cáo hạn chế tối đa.
Quyết định lùi - Cục Trồng trọt đưa ra khuyến cáo, đối với 100.000 ha thuộc vùng sản xuất lúa đông xuân hằng năm, nhưng có nguy cơ cao ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020, đã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000 ha và chuyển dịch lùi thời vụ cho 50.000 ha còn lại.
Cụ thể, diện tích ở các địa phương chuyển đổi và lùi thời vụ như sau: Long An: 9.200 ha (chuyển đổi 2.000 ha, lùi thời vụ 7.200 ha), Tiền Giang chuyển đổi 2.900 ha, Bến Tre chuyển đổi 12.800, Trà Vinh 23.600 ha (chuyển đổi 3.600 ha, lùi thời vụ 20.000 ha), Kiên Giang 4.000 ha chuyển đổi, Hậu Giang chuyển đổi 1.400 ha, Sóc Trăng 39.500 ha (chuyển đổi 18.500 ha, lùi thời vụ 21.000 ha), Bạc Liêu 5.100 ha (chuyển đổi 3.300 ha, lùi thời vụ 1.800 ha), Cà Mau 1.500 ha chuyển đổi.
Ngoài ra, đã thống kê chính xác diện tích cần tăng cường thực hiện mạnh hơn các giải pháp thủy lợi để bảo đảm nước tưới khi xâm nhập mặn kéo dài khoảng 332.000ha ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang.
Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đưa ra khuyến cáo sử dụng những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao. Thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp để vừa bảo đảm yếu tố kinh tế và giảm nguy cơ thiếu nước cuối vụ. Áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác hợp lý, bón phân tập trung, chăm sóc sớm góp phần rút ngắn thời.
Mặc dù xâm nhập mặn năm 2020 ở mức cao hơn năm 2016, nhưng khả năng gây thiệt hại của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa năm nay giảm thiểu đáng kể (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2016 là 405.000 ha). Nguyên nhân, do thông tin xâm nhập mặn được cảnh báo sớm, nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp. Ngoài ra, các công trình thủy lợi mới được đầu tư đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn với diện tích tăng thêm so với năm 2016 khoảng 50.000 ha.
Cơ cấu giống, Cục Trồng trọt đề xuất và định hướng cơ cấu giống lúa theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Cơ cấu giống này về mặt tỷ lệ có phần đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Theo đó, diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao tăng so với vụ đông xuân năm trước, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao của nhóm giống lúa này.
Kết quả cho thấy, vùng ĐBSCL: Nhóm lúa thơm, đặc sản: (Đài thơm, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9): chiếm tỷ lệ 45,02% tổng diện tích, tăng 12,62 % so với đông xuân 2018 - 2019.
Nhóm chất lượng cao (OM5451, OM4900, OM7347, OM6976, OM2517): chiếm tỷ lệ 28,46 %, giảm 7,65% so với đông xuân 2018-2019 do chuyển sang sản xuất nhóm giống lúa thơm, đặc sản.
Nhóm chất lượng trung bình (IR50404, OM576, OC10): chiếm tỷ lệ 12,60%, giảm 3,92% so với đông xuân 2018-2019. Nhóm Nếp: chiếm tỷ lệ 10,72 %, tăng 0,35% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm khác, gồm các giống lúa chất lượng cao không phổ biến, các giống lúa triển vọng: chiếm tỷ lệ 3,20%, giảm 1,40% so với đông xuân 2018-2019.
Từ tháng 8/2019, Bộ NN-PTNT nhận định tình hình hạn, mặn năm nay bằng hoặc cao hơn so với đỉnh điểm 2015 -2016. Đến nay, cho thấy dự báo này hoàn toàn đúng. Nếu như năm 2015-2016 diện tích lúa bị thiệt hại vào khoảng 405.000 ha và 500.000 hộ dân không có nước sinh hoạt, thì năm 2019 - 2020 diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ khoảng 23.800 ha, 79.000 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng nước sinh hoạt.
Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm để thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt. Ngay trong mùa khô 2019-2020, Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý vượt kế hoạch từ 6-13 tháng.
Cụ thể, đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019. Tháng 1/2020, như: Cống Âu thuyền Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang). Các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1 và Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu.
Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặt đến 300.000 ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên.
Trong 5 dự án, gồm có 28 cái cống đã được đưa vào sử dụng và phát huy được hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt rất tốt. Đảm bảo kiểm soát được cho khoảng gần 400.000 ha không bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, vùng ảnh hưởng trực tiếp là 83.000 ha, vùng cung cấp nước ngọt để tạo nguồn là 300.000 ha. Còn lại 6 công trình lớn, đặc biệt là dự án Cái Lớn - Cái Bé, nếu hoàn thành hết thì tổng số 11 công trình sẽ đảm bảo kiểm soát được khoảng 1 triệu ha không bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NN - PTNT tiếp tục nghiên cứu đặc thù các tỉnh, trong đó ưu tiên cho các vùng ven biển làm thế này để ngăn mặn, khi độ mặn lên có thể điều hòa được mặn, ngọt, chủ động cho sản xuất tại ĐBSCL.
Hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp: Cống âu thuyền Ninh Quới, được triển khai xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Công trình có 2 cống hở ở hai đầu và buồng âu thuyền dài 150m, rộng thông nước hơn 31m. Đây là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, dự án còn nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn mặn giữ ngọt, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.
Công trình dù mới đưa vào vận hành đã góp phần cùng với những công trình khác chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu, và nuôi tôm 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Riêng với vùng trồng lúa thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), năm nay cống ngăn mặn Âu thuyền Ninh Quới đã giúp bà yên tâm sản xuất không lo mặn. Vùng tranh chấp mặn, ngọt giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng đã được giải quyết một cách hài hòa.
Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít: Quy mô dự án xây dựng 3 cống: Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm. Mục tiêu chính, cùng với các công trình khác trong hệ thống kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Công trình hoàn thành sẽ cùng với các công trình khác trong hệ thống kiểm soát mặn và triều cường, bổ sung nguồn nước ngọt, tiêu úng, cảo tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh)
Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1: Dự án này từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Mục tiêu chính cùng với tuyến đê biển huyện Ba Tri, Bình Đại tạo thành hệ thống đê khép kín. Kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 139.000 ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre gồm các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và thành phố Bến Tre. Chủ động lấy ngọt, dẫn ngọt, lấy phù sa, rửa phèn phục vụ cho 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát mặn cho 20.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc hai huyện Bình Đại và Ba Tri.
Đến giờ này, nhìn lại thành công của vụ lúa đông xuân vừa qua tại ĐBSCL cho thấy việc nhận định đúng tình hình và chủ động các giải pháp sớm là một bài học rất quan trọng. Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, năm nay nông dân đã cảnh giác hơn nhiều nên dù hạn mặn khốc liệt nông dân vẫn giữ được sự chủ động trong canh tác.
Tất cả bà con nông dân đều tuân thủ đúng lịch thời vụ từ làm đất, gieo sạ, bơm tát nước. Đây là đức tính tốt khi làm ăn tập thể trong canh tác lúa của bà con nông dân vùng ĐBSCL hiện nay. Ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã có sự phối hợp chặt chẽ với bà con nông dân trong việc xuống giống đồng loạt để né hạn, mặn. Có lẽ chưa bao giờ cán bộ nông nghiệp lại thường xuyên bám đồng ruộng hơn vụ lúa vừa qua. Hơn nữa, vụ này ít sâu bệnh cũng giúp nông dân giảm được chi phí phun xịt.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi từng bước hoàn thiện đó là điều then chốt từng bước giúp nông dân ĐBSCL vượt qua khó khăn của thời tiết. Hơn thế nữa, nông dân bây giờ đã giỏi cập nhật từng con nước, nhờ đó có những quyết định rất chính xác thời điểm bơm xả nước vào đồng ruộng.
Thắng lợi vụ lúa đông xuân mang đến nhiều cảm xúc cho nông dân ĐBSCL, vì đã phải canh tác trong điều kiện khó khăn hạn, mặn. Lúa đông xuân thắng lợi còn là món quà đầy ý nghĩa trong thời điểm ngành nông nghiệp là bệ đỡ cho các ngành nghề khác bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19.
Với câu hỏi chung bà con có cảm giác thế nào khi vượt qua được vụ đông xuân đầy khó khăn, gian khổ? Đa số bà con nông dân đều có chung câu trả lời: Làm nông nghiệp trúng hay thất bại là chuyện bình thường. Thiên tai, rình rập thường xuyên nhưng đã là nông dân thì ít ai nghĩ đến bỏ nghề nông. Bản lĩnh nông dân là thế, bây giờ phải biết tính toán trong mọi hoàn cảnh.
Chính vì vậy, những nỗ lực của bà con nông dân đến nay đã được đền đáp. Thiên tai hạn, mặn dù diễn ra gay gắt, nhưng với ý chí và triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp nên vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao, mức độ thiệt hại rất ít. Nông dân ĐBSCL đã hoàn thành vụ lúa thắng lợi.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về các giải pháp lâu dài cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sảnđể chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn. Cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước. Các dự án đề nghị ưu tiên: Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2, Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ…
Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình). Mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực lân cận (Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Bến Tre mở rộng 40 km đường ống, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân), Tiền Giang mở rộng 200 km đường ống.
Xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang). Khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng.
Đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực ĐBSCL. Phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực ĐBSCL, có mở rộng cho khu vực nông thôn).
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Lập, rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có các các dự án tích, trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn.
Đến giờ này, phải khẳng định rằng vụ lúa đông xuân 2020 là vụ sản xuất kinh điển. Có thể điểm ra những thuận lợi và khó khăn trong vụ đông xuân đó là rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời. Dự đoán chính xác những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể trước, trong khi xuống giống. Đặc biệt, điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng tỉnh hợp lý.
Cục Trồng trọt đã phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất, rà soát, bố trí lịch thời vụ linh hoạt, chặt chẽ. Bên cạnh đó, đưa ra khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp với thực tế sản xuất, nhu cầu của thị trường, những giống có khả năng thích ứng với điều kiện hạn, mặn.
Cùng với kinh nghiệm và sự chủ động của địa phương chuẩn bị các nguồn lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh để chỉ đạo và xử lý kịp thời, hiệu quả. Nhận thức của người nông dân về việc tuân thủ mùa vụ, sử dụng giống, thâm canh trong sản xuất ngày càng cao.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trên, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sớm, thiếu nước ngọt trong vụ đông xuân 2019-2020 làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nhất là các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL. Hơn nữa, vẫn còn một số nơi do chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nên việc xuống giống vẫn chưa theo khuyến cáo chung của các cơ quan chuyên môn.
Trong chuyến công tác kiểm tra hạn mặn tại ĐBSCL những tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng để đảm bảo vượt qua khó khăn thiên tai: Trước tiên, là sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Bộ NN-PTNT với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn.
Thứ hai, xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất bao gồm cây ăn trái, cây lúa và hoa màu, bố trí diện tích sản xuất linh hoạt theo dự báo nguồn nước. Chuyển đổi cây trồng phù hợp. Xuống giống sớm hơn 20-30 ngày. Sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày và một số giống chịu hạn, mặn.
Thứ ba, phát huy hiệu quả các công trình và hệ thống thủy lợi. Đẩy nhanh tiến độ thi công, khai thác sử dụng sớm một số công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp theo từng cánh đồng, từng vùng sinh thái.
Thứ tư, sự đồng hành của cơ quan truyền thông trong công tác thông tin, cảnh báo, khuyến cáo kịp thời đến người dân. Sự tham gia và chấp hành tốt của nông dân trong việc thực hiện lịch thời vụ khuyến cáo, tuân thủ các hướng dẫn sản xuất, ứng phó hạn, mặn của chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Về lâu dài, xác định đối mặt sống chung với tình hình này để có giải pháp tổng thể ứng phó, chuyển từ ứng phó sang chủ động, thích ứng. Giảm diện tích lúa ở hai vụ chính. Vụ lúa đông xuân không còn 1,6 triệu ha mà giảm đi 100 đến 200 nghìn ha. Vụ thu đông không cần 900 nghìn ha mà giảm chỉ còn 600-700 ngàn ha. Giảm ở đâu, giảm ngay thượng nguồn để tạo thành những vùng trữ nước tạo sinh kế mới.
Biện pháp vô cùng quan trọng đó là vẫn phải có những thiết chế công trình hạ tầng chứ không nói thích ứng toàn bộ cứ để tự nhiên. Tổng rà soát lại, bước một hoàn thiện những công trình kiểm soát mặn ngọt và những công trình điều phối.