Luật chống phá rừng của Châu Âu và thích ứng của nông sản Việt

Quy định (EU) 2023/1115 của Nghị viện Liên minh Châu Âu về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng (sau đây gọi là Luật chống phá rừng của Châu Âu) gồm 9 chương, 38 Điều quy định về sự thống nhất trong nhận thức và hành động về việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu của cộng đồng Châu Âu, từ đó đặt ra các yêu cầu về sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo không gây mất rừng và suy thoái rừng đối với các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu cũng như các nước xuất khẩu sang Châu Âu.

Luật chống phá rừng của Châu Âu được Nghị viện Liên minh Châu Âu thông qua ngày 19 tháng 4 năm 2023, có hiệu lực ngày 26 tháng 6 năm 2023. Căn cứ vào các điều khoản chuyển tiếp khác tại Điều 38 thì Luật này sẽ có hiệu lực toàn bộ sau 18 đến 24 tháng nữa. Điều này đồng nghĩa với nông sản Việt Nam còn gần 2 năm nữa để chuẩn bị và tuân thủ quy định của Luật.

Thịt gia súc, ca cao, cà phê, cao su, dầu cọ, đậu nành, gỗ và các sản phẩm có chứa, được cung cấp hoặc đã được tạo ra từ những sản phẩm này là những mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ Luật chống phá rừng của Châu Âu. Danh mục các mặt hàng này được quy định tại Phụ lục I của Luật, trong đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt đang có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Châu Âu.

Đứng đầu danh sách phải kể đến cà phê. Châu Âu hiện vẫn đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 42% giá trị xuất khẩu. Cà phê Việt Nam cũng là một trong các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong năm 2022, cụ thể đạt 1,78 triệu tấn với giá trị xuất khẩu là 4,06 tỷ USD.

Diện tích trồng cà phê ở Việt Nam đứng thứ 6 trên gần 80 nước trồng cà phê (sau Brazil, Indonexia, Ethopia, Colombia, Bờ Biển Ngà). Cà phê ở Việt nam chủ yếu được phân bố ở các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông) chiếm 92,8% diện tích cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê cả nước năm 2022 đạt trên 709 nghìn ha, tăng 1,21 lần so với năm 2011. Diện tích này được trồng cách đây khoảng 20 - 30 năm do đó sẽ ít bị tác động bởi Luật chống phá rừng của Châu Âu bởi luật này chỉ hạn chế việc phá rừng sau ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ nếu chúng ta không chứng minh được nguồn gốc hoặc do không nắm được quy định nên có thể sẽ vi phạm trong tương lai.

  Tiếp đến là cao su. Theo FAO, năm 2022, diện tích cao su khai thác của Việt Nam là 727,82 nghìn ha bằng 5,82% diện tích cao su của toàn cầu và đứng thứ 4 sau các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, chủ yếu được trồng tại 10 tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum, Gia Lai…

Về sản lượng, năm 2022 Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, bằng 9,08% sản lượng của toàn thế giới và vươn lên đứng thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia. Sản phẩm cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu cao su Việt đứng thứ 3 thế giới với 3,3 tỷ USD năm 2022.

Trong 3 năm qua, diện tích trồng cao su giữ ổn định trên dưới 930 nghìn ha, tuy nhiên một số tỉnh miền núi đã thực hiện chính sách nông lâm kết hợp nên có thể một số diện tích rừng nghèo đã được thay thế bằng cây cao su. Do đó, chúng ta cũng lường trước tình huống Châu Âu truy xuất ngược thời điểm trước năm 2021. Bởi tại khoản 3 Điều 2 của Luật đã định nghĩa rõ phá rừng có nghĩa là chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng nông nghiệp.

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ bao gồm các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp, các sản phẩm khác nữa cũng là đối tượng chịu tác động bởi Luật này. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam sang Châu Âu những năm qua đạt trên 1 tỷ USD, trong đó năm 2021 là 1,14 tỷ USD, năm 2022 là 1,1 tỷ USD; 4 tháng đầu năm 2023 đạt 151,6 triệu USD.

Với Châu Âu năm 2018, Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), tiếp đến năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tạo thế chủ động, điểm mạnh cho sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu.

Hơn nữa thời gian qua với chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên” của Đảng tại Chỉ thị 13-CT/TW và quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, chúng ta đã hạn chế và tiến tới loại bỏ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng bất hợp pháp; diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng cũng chủ yếu sang phi nông nghiệp làm công trình giao thông, công nghiệp năng lượng…

Điều này được chứng minh thêm qua số liệu diện tích rừng, đất rừng trong những năm qua tăng lên nhất là đất rừng đặc dụng từ hơn 2,1 triệu ha năm 2010 tăng lên 2,2 triệu ha năm 2020 (tăng thêm 219,67 nghìn ha). Như vậy, so với các mặt hàng khác có thể khẳng định gỗ có lợi thế hơn khi xuất khẩu sang Châu Âu, tuy nhiên trách nhiệm giải trình và truy xuất chuỗi cung ứng của mình (truy xuất nguyên liệu gỗ) đang là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Âu châu.

Tương tự các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ, các nông sản khác của Việt Nam muốn có trên kệ tại các siêu thị ở Châu Âu thì ngoài chứng minh sản phẩm của mình không có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020 còn “phải đảm bảo các sản phẩm không dính dáng đến việc mất rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng” như lời ông Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ.

Luật chống phá rừng được Nghị viện Liên minh Châu Âu thông qua như là một thông điệp để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học bởi họ cho rằng Châu Âu đang gián tiếp phá rừng nếu tiếp tục để các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Châu Âu có nguồn gốc từ việc phá rừng. Luật được được áp dụng cho hàng hóa của tất cả các nước, không có ngoại lệ.

Quy định này chủ yếu áp đặt các lệnh cấm và nghĩa vụ đối với thể nhân hoặc pháp nhân ở Liên minh Châu Âu, tuy nhiên đang gián tiếp áp dụng với các nhà sản xuất hàng hóa và sản phẩm có liên quan bên ngoài Liên minh bởi sản phẩm của họ sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của Luật này để được bán tại thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh Châu Âu.

Theo đó, nông sản các nước chỉ được bán ở Châu Âu khi đáp ứng các nhóm điều kiện:

Một là, được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Hai là, được sản xuất tuân theo pháp luật của quốc gia sản xuất, bao gồm các quy định về quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, quyền của bên thứ ba, quyền con người và quyền của người dân bản địa bị ảnh hưởng.

Ba là, được nhà nhập khẩu và thương nhân tuyên bố thẩm định xác nhận sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng hoặc đã dẫn đến suy thoái rừng, kể cả rừng nguyên sinh không thể thay thế, sau ngày 31/12/2020. Điều này được thực hiện thông qua quy trình thẩm định mở rộng đối với tất cả các sản phẩm có liên quan được cung cấp bởi từng nhà cung cấp cụ thể ít nhất mỗi năm một lần và khi cần thiết để xem xét ba yếu tố: các yêu cầu thu thập thông tin, đánh giá rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro cùng với các nghĩa vụ báo cáo.

Cụ thể, thu thập thông tin thông qua xác định vị trí địa lý (tọa độ, kinh độ và vĩ độ) của tất cả các lô đất nơi các mặt hàng có liên quan, sản phẩm có liên quan chứa, hoặc đã được tạo ra bằng cách sử dụng, được sản xuất, cũng như ngày hoặc phạm vi thời gian sản xuất.

Đánh giá rủi ro dựa trên các tiêu chí đánh giá rủi ro cụ thể, gồm rủi ro gian lận hoặc trộn lẫn các sản phẩm có liên quan không rõ nguồn gốc hoặc được sản xuất ở những khu vực đã hoặc đang xảy ra nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng hoặc không được sản xuất theo quy định pháp luật liên quan của quốc gia đó hay không. Theo Luật này, các quốc gia xuất khẩu sang Châu Âu cũng được đánh giá, phân loại theo rủi ro cao, rủi ro thấp và rủi ro trung bình dựa trên các tiêu chí tỷ lệ phá rừng và suy thoái rừng, tỷ lệ mở rộng đất nông nghiệp hàng hóa có liên quan và xu hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm liên quan.

Giảm thiểu rủi ro đòi hỏi các nhà nhập khẩu, thương nhân phải có các chính sách, biện pháp kiểm soát và thủ tục đầy đủ và phù hợp, chẳng hạn như thực hành quản lý rủi ro theo mô hình, báo cáo, lưu trữ hồ sơ, kiểm soát nội bộ và quản lý tuân thủ để giảm thiểu và quản lý hiệu quả những rủi ro đó.

Việc thẩm định sẽ đòi hỏi các nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu cần phải xác định rõ vùng trồng, địa điểm trồng theo vị trí địa lý và đảm bảo thời gian trồng không liên quan tới việc phá rừng từ sau 31/12/2020. Lưu trữ hồ sơ, thông tin về sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng theo pháp luật trong nước. Việc cấp mã số vùng trồng sẽ có ý nghĩa trong việc cung cấp thông tin chứng minh nếu chúng ta gắn được cả không gian, thời gian của từng cây trồng. Cần sớm thực hiện điều này bởi ngay cả với mặt hàng cà phê hiện nay cũng mới triển khai cấp mã số vùng trồng được 11.540 ha (tại 5 xã với 15.000 hộ dân ở vùng Tây Nguyên).

Nông sản Việt Nam ngay lúc này đã sẵn sàng xuất khẩu Châu Âu chưa là câu hỏi khó trả lời nhất hiện nay. Biết rằng chúng ta còn khoảng 2 năm nữa để phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của Châu Âu nhưng ngay tại thời điểm này, khi Luật chống phá rừng của Châu Âu vừa được thông qua, chúng ta có thể cần sớm có hành động để thích ứng như:

Một, thống kê diện tích, sản lượng trồng trọt gắn với thông tin địa lý truy xuất nguồn gốc nông sản Việt.

Trước khi phía Châu Âu đưa ra các hướng dẫn cụ thể, các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thống kê nguồn gốc, diện tích, vùng trồng, sản lượng cây trồng những năm gần đây. Theo đó, cần thống kê, xác minh rõ nguồn gốc hình thành các vùng trồng nhất là cà phê, cao su, gỗ tại thời điểm trước năm 31 tháng 12 năm 2020 và sau thời điểm này.

Thực hiện dồn điền, quy hoạch vùng trồng nông nghiệp cũng là một giải pháp giúp nông sản Việt chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Xây dựng thông tin và cơ sở dữ liệu cho các mặt hàng này từ nguồn gốc vùng trồng, diện tích, bản đồ, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng đang áp dụng, thông tin về mã số vùng trồng hay chứng nhận địa lý (nếu có) để đảm bảo rằng các sản phẩm không liên quan tới việc mất rừng, suy thoái rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng. Dự kiến kế hoạch triển khai xác nhận nguồn gốc xuất xứ trong trường hợp Châu Âu có yêu cầu.

Hai, chọn và xác định hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Châu Âu.

Hiện nay, mỗi sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài, thì ngoài tuân thủ pháp luật trong nước còn quan trọng hơn là phải tuân thủ pháp luật của nước nhập khẩu.

Ví như cà phê xuất khẩu Châu Âu. Hiện đang tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, quy định như tuân thủ Luật Thực phẩm Châu Âu, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 9001, ISO 22000, nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), chương trình an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn như FSSC22000 hoặc BRC, chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và có thể truy xuất GLOBALGAP, kiểm soát dịch bệnh thực vật, độc tố và ghi nhãn thực phẩm theo yêu cầu của Châu Âu. Như vậy, trong một số tiêu chuẩn áp dụng đã có thông tin về nguồn gốc, chất lượng của nông sản Việt.

Việc lựa chọn hệ thống tiêu chuẩn áp dụng là quyền của doanh nghiệp nhưng nếu cùng một loại sản phẩm có nhiều tiêu chuẩn áp dụng hoặc mỗi công đoạn sản xuất lại áp các tiêu chuẩn khác nhau, sẽ làm khó cho doanh nghiệp khi thực hiện cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhập khẩu trong trường hợp phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Để thuận lợi cho quá trình chứng minh, xác nhận hàng hóa không có nguồn gốc từ phá rừng, nên định hướng, lựa chọn tham gia hệ thống tiêu chuẩn tự nguyện cho toàn bộ quy trình được chính quyền Châu Âu khuyến khích. Việc lựa chọn chung hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có tiếng nói chung (thông qua hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng), thuận lợi cho việc giám sát và bày tỏ các vấn đề phù hợp hoặc không phù hợp điều kiện sản xuất, đời sống tại địa phương lên Chính phủ các nước thành viên Liên minh Châu Âu bởi Luật chống phá rừng của Châu Âu đang đề cao trách nhiệm giám sát của cộng đồng. Điều này cũng góp phần thay đổi, tăng tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trước sự giám sát, chấp thuận của Châu Âu.

Ba, thể chế hóa bằng quy định của pháp luật nếu xét thấy cần thiết.

Thực thi Luật chống phá rừng của Châu Âu có đặt ra yêu cầu cho Việt Nam thể chế bằng quy định pháp luật? Luật này áp dụng cho các nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nông sản cho thị trường Châu Âu, tuy nhiên để tuân thủ được quy định này Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận các thông tin, quy định mới của Châu Âu, trường hợp cần thiết có thể tính đến ban hành các quy định pháp luật để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực thi các quy định của Luật này.

Trong đó nội dung chuẩn bị hồ sơ tuân thủ hoặc trao quyền giám sát cho cộng đồng (tức nếu nghi ngờ có vi phạm, bất kỳ cá nhân, cộng đồng bản địa hay các tổ chức xã hội dân sự đều có quyền báo cáo đến các cơ quan thực thi ở các nước thành viên Liên minh Châu Âu) là một ví dụ.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần lường trước yêu cầu tương tự của các thị trường nhập khẩu khác hoặc yêu cầu áp dụng triệt để quy định của Châu Âu, để sớm có kế hoạch bài bản, hành động kịp thời cho trường hợp này nói riêng và trường hợp tương tự nói chung.

Bốn, nghiên cứu, có hướng dẫn doanh nghiệp, người trồng trọt, chăn nuôi tuân thủ quy định của Luật chống phá rừng của Châu Âu và các hướng dẫn của Châu Âu về nội dung này.

Xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn, tuyên truyền và thống nhất nhận thức các quy định trong Luật chống phá rừng của Châu Âu đang tạo ra thách thức cho nông sản nhiều quốc gia nhưng với Việt Nam có thể là cơ hội để quảng bá hình ảnh con người, đất nước được kết tinh trong sản phẩm tới các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất.

Tuyên truyền cho bà con hạn chế phá rừng làm nương rẫy, tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây trồng và thực hiện nội dung giám sát cộng đồng - một trong nội dung quan trọng trong Luật này. Tổ chức diễn đàn doanh nghiệp trao đổi, hướng dẫn thống nhất cùng thực hiện các quy định của Luật này trong đó quan tâm đảm bảo quyền con người và quyền của người dân bản địa bị ảnh hưởng tiến tới tìm vị thế chủ động cho doanh nghiệp và nông sản Việt.

Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, người trồng trọt chuẩn bị tâm thế, điều kiện, năng lực để tiếp tục duy trì mặt hàng nông sản Việt trên các kệ siêu thị của thị trường Châu Âu ngay tại thời điểm này cũng như sau năm 2024 khi Luật chống phá rừng của Châu Âu có hiệu lực toàn bộ.

Nguyễn Thị Mai Hiên
Trọng Toàn
Tùng Đinh - CTV