Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong những năm qua, Lâm Đồng được mệnh danh là “mảnh đất vàng” đối với các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tỉnh này đã thu hút được 103 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD. Trong đó có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD. Các dự án đầu tư lớn, nhỏ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn FDI đều có sự đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển chung về kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Để hiểu sâu hơn về tình hình thực tế cũng như chính sách, cơ chế trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Lâm Đồng, Báo Nông Nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng.
Xin ông cho biết, Lâm Đồng có tiềm năng thế nào trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn? Thời gian qua, tỉnh đã đạt kết quả thế nào trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
Phải nói rằng, Lâm Đồng là địa phương có lợi thế và tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên và có diện tích tự nhiên 9.777km2. Trong đó có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp với 3 vùng sinh thái rõ rệt gồm vùng có độ cao dưới 500m, vùng có độ cao từ 500-800m và vùng có độ cao từ 800-1.500m.
Đặc biệt, Lâm Đồng có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với vùng khác như: cây công nghiệp dài ngày là chè, cà phê, dâu tằm…; chăn nuôi bò sữa, cá nước lạnh, sản xuất rau, hoa cao cấp. Và thời gian qua, để đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế thì Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp, chủ trương thu hút đầu tư.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 103 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD. Trong đó có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD.
Ngoài ra, địa phương hiện có khoảng 1.425 doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào nông nghiệp, 327 doanh nghiệp đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 56 nghìn ha.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh cũng có khoảng 294 Hợp tác xã nông nghiệp, 292 tổ hợp tác, 949 trang trại sản xuất nông nghiệp và hình thành những vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn, tương đối tập trung như 174 nghìn ha cà phê, trên 12 nghìn ha chè và 65 nghìn ha rau, 9 nghìn ha hoa, đàn bò sữa trên 24 nghìn con…
Nhìn chung, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở tỉnh Lâm Đồng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là đóng góp vào thu ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, việc thu hút đầu tư mà chủ thể là các doanh nghiệp đã trở thành nhân tố nòng cốt, góp phần quan trọng trong công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đầu mối thực hiện chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu các nông sản chủ lực, có giá trị.
Ông có cho rằng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng là một lợi thế? Trên lợi thế đó thì địa phương có chiến lược thu hút đầu tư như thế nào?
Nói về nông nghiệp công nghệ cao thì Lâm Đồng là địa phương có nhiều lợi thế hơn so với các địa phương khác. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đạt khoảng 62 nghìn ha với giá trị sản xuất bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, các diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Theo thống kê, Lâm Đồng hiện đã có 20 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu chứng nhận và 14 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Trong chương trình hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), tỉnh đã xây dựng và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với những sản phẩm chính như rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.
Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay đã có tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và giúp người nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đã và đang làm tăng giá trị nông sản, tăng giá trị sử dụng đất. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần trong việc nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, kỹ năng lao động mang tính chuyên nghiệp cho người lao động.
Phải nói rằng, việc thu hút vào nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua đã góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tạo cơ sở để nông dân và doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Xin ông cho biết về các cơ chế, chính sách hiện nay của địa phương trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp?
Việc thực hiện thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các Nghị định hướng dẫn kèm theo.
Ngoài ra, để cụ thể hóa các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Rà soát, thực hiện các giải pháp cải thiện các tiêu chí thành phần điểm số còn thấp, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công. Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp qua mạng điện tử, nộp hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện nhằm góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện công tác thông tin và truyền thông đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về định hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các chính sách ưu đãi đầu tư. Tăng cường cung cấp, phổ biến thông tin và các hướng dẫn doanh nghiệp thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác quốc tế như ASEAN, WTO, APEC, ASEM… để họ nâng cao năng lực hội nhập, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Lâm Đồng cũng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ 2 lần/năm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, chúng tôi rất chú trọng các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương trong nước để giới thiệu, quảng bá tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các hoạt động hợp tác này, nhiều nhà đầu tư của các tỉnh đã đến tìm hiểu và triển khai các dự án. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh được kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh bạn và với các siêu thị lớn, các chợ đầu mối phân phối nông sản để hình thành các chuỗi nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc, tạo được sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn.
Việc khuyến khích, phát triển doanh nghiệp tại chỗ hiện nay ở địa phương được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ngoài các hoạt động thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ theo hướng khuyến khích các trang trại, hộ gia đình, tổ chức nông dân có đủ năng lực, điều kiện hình thành doanh nghiệp.
Đây là các doanh nghiệp nông nghiệp đi lên từ sản xuất nên có sự am hiểu sâu sắc về đặc thù sản xuất của tỉnh, có mối quan hệ chặt chẽ với người nông dân, có sẵn nguồn lực, điều kiện đất đai để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các đối tượng này, chúng tôi tập trung hỗ trợ về đào tạo năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới để có thể đứng vững và ngày càng phát triển. Đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của địa phương.
Song song với đó, chúng tôi cũng hướng đến tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn từ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời xây dựng và triển khai các đề án sử dụng ngân sách địa phương kết hợp huy động nguồn lực trong nhân dân như Đề án xã hội hóa công tác đầu tư và khai thác công trình nước sinh hoạt nông thôn, Đề án phát triển hệ thống ao hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ, phát triển kinh tế xã hội và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi để định hướng phát triển sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa, đặc biệt là quy hoạch các khu, vùng sản xuất nônag nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư tập trung, quy mô lớn, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển các thương hiệu nông sản để mở rộng thị trường.
Vấn đề khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở địa phương hiện nay là gì, thưa ông?
Như tôi đã đề cập ở trên, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên quỹ đất có diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư hiện nay lại rất hạn chế. Mặc dù hiện nay tỉnh đã quy hoạch nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhưng theo cơ chế sử dụng đất hiện nay thì các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người dân trong khi giá đất nông nghiệp trên địa bàn cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng chính vì thế tăng cao và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp bị chậm lại, nhất là thu hút các doanh nghiệp FDI.
Hiện nay, việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các ngành nghề khác nên đây cũng là một trong những trở ngại ở địa phương. Đồng thời, cơ sở hạ tầng nông thôn hiện chưa đáp ứng đầy đủ, nhất là đối với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà. Số doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, có quy trình công nghệ hiện đại hiện chưa nhiều nên chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất quy mô lớn.
Mặt khác, ở Lâm Đồng, người nông dân hiện đang nắm giữ tư liệu sản xuất quan trọng là đất đai lớn nhưng đa phần sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn nên dẫn đến sản xuất thiếu ổn định, chưa tạo được nhiều chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn đỉ đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với đầu tư, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã ra đời nhưng đầu tư cho nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng còn nhiều vướng mắc. Chính sách tài chính tín dụng chưa tính tới nhu cầu thật sự của doanh nghiệp. Thủ tục tiếp cận tín dụng vẫn yêu cầu về các loại chứng nhận, đăng ký, tài sản thế chấp… dẫn đến nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển các loại giống mới, đặc biệt là rau, hoa để phục vụ thị trường trong và ngoài nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Điển hình là thời gian qua, Lâm Đồng vẫn phải nhập khẩu lên đến gần 90% các loại giống mới về rau và hoa nên chưa chủ động được nguồn để xuất khẩu.
Một điều quan trọng nữa là quan hệ giữa nông dân sản xuất nguyên liệu trong các vùng quy hoạch với các doanh nghiệp trên địa bàn và giữa các doanh nghiệp với nhau chưa thực sự chặt chẽ. Nhất là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là nội tiêu, thị trường xuất khẩu chưa mở rộng và chưa nhiều hợp đồng ký kết lâu dài, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Quy mô sản xuất hiện nhỏ lẻ, phân tán vẫn còn phổ biến.
Xin ông cho biết định hướng trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Lâm Đồng trong thời gian tới đây?
Để thực hiện có hiệu quả trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Lâm Đồng hướng đến thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động được nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chú ý đến tính đặc thù của từng vùng và nhu cầu thiết thực của từng địa phương để xây dựng các đề án, đề án phù hợp thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Cần rà soát, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa. Thường xuyên rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ban hành mục kêu gọi đầu tư.
Đặc biệt tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ nhà đầu tư. Tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình một cửa liên thông, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Lâm Đồng cũng hướng đến xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở vùng nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân, hợp tác xã theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Tạo môi trường thuận lợi thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế và nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Hiện nay, vấn đề giá thuê đất ở địa phương cao hơn so với mặt bằng chung nên tỉnh đang khuyến khích thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân theo hình thức nông dân góp đất với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp thuê đất của nông dân và sử dụng lao động của các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư. Tất nhiên, việc này cũng phải theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tỉnh khuyến khích thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở những dự án sử dụng ít tài nguyên, có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao, dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng thay cho chỉ tăng về số lượng.
Tôi nghĩ, ngoài những ưu đãi hiện có, thời gian tới, Chính phủ cũng cần tiếp tục mở rộng ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có phương án linh hoạt trong cách định giá tài sản thế chấp, cơ chế bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp, nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, đầu tư sản xuất.
Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, mạnh dạn đầu tư theo hướng “đi tắt đón đầu” để áp dụng các các công nghệ mới nhất vào thực tiễn sản xuất. Trong đó ưu tiên cho công nghệ giống, công nghệ tự động hóa và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch.
Đối với doanh nghiệp FDI thì nên lựa chọn các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn, công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu đến các thị trường của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với tổ chức JICA thực hiện thí điểm mô hình Khu Công nghiệp nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư sản xuất, liên kết với nông dân sản xuất và chế biến nông sản để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Xác định doanh nghiệp tại chỗ có tầm quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, phát triển nên địa phương hướng đến hỗ trợ họ để họ có điều kiện phát triển, làm cầu nối giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chế biến sản phẩm và cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt là tiếp tục đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn trong đó bao gồm như giao thông, thủy lợi để giảm các chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh cho nông sản trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
Xin cảm ơn ông!