Tư liệu lịch sử về ngành Thủy lợi Thanh Hóa ghi chép khá chi tiết những thành tựu và dấu ấn của ngành xuyên suốt chiều dài lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành chủ quyền, bảo vệ độc lập cho đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng - sông Mã (Thanh Hóa) có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng và được xem là con đường “huyết mạch” của dân tộc. Năm 1965 Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trong đó trọng điểm đánh phá của chúng là cầu Hàm Rồng, nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam.
Tại Thanh Hóa, chỉ trong 2 ngày mùng 3-4/4/1965, Mỹ huy động 454 lượt máy bay ném bom rải thảm xuống mảnh đất này. Trong cuộc chiến oanh liệt đó, quân và dân Hàm Rồng đã làm nên chiến công lịch sử khi bắn hạ 47 máy bay bằng một lưới lửa phòng không kiên trung, đanh thép. Từ đó, Hàm Rồng đã được lịch sử khắc ghi là nơi đối đầu quyết liệt nhất của không lực Hoa Kỳ với lực lượng phòng không của quân và dân ta.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các công trình thủy lợi, các tuyến đê, cống, đập, kè ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc đều là những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ.
Ngày 2/2/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về công tác thủy lợi. Nghị quyết nêu, từ Thanh Hóa trở vào tập trung ngụy trang, bảo vệ, sửa chữa công trình đê điều, cống, kè, đập bị hư hỏng, nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, góp phần chi viện cho miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Năm 1972, trước nguy cơ thất bại quân sự ở miền Nam và để tạo thế “mặc cả” với ta ở hội nghị Paris, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn máy bay đánh phá miền Bắc lần thứ hai, trong đó có trọng điểm Hàm Rồng - sông Mã.
Riêng hệ thống đê điều tại Thanh Hóa, chỉ tính từ ngày 17/4 đến ngày 31/12/1972, không quân và hải quân Mỹ đã đánh phá 90 trận vào hệ thống đê điều Thanh Hóa với 425 quả bom các loại, làm chết 136 người và hàng trăm người bị thương, sụt sạt hơn 65 nghìn m3 đê sông Chu, sông Mã, sông Yên, sông Báo Văn và kè biển Y Vích.
Theo tư liệu sưu tầm của ông Phan Đình Phùng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 3 (thuộc Bộ NN-PTNT), năm 1972, nước sông Mã dâng cao, trong khi trước đó mấy tháng, bom Mỹ phá cầu Hàm Rồng đã làm đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng.
Khi đó, nguy cơ vỡ đê, ngập lụt khắp thị xã Thanh Hóa và vùng phụ cận là rất lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, cuối tháng 4/1972, Trưởng ty Thủy lợi Thanh Hóa được Bộ Thủy lợi triệu tập ra Hà Nội nhận nhiệm vụ bồi đắp đê.
Tại hội nghị ngành, Bộ trưởng Hà Kế Tấn đã phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc gia cố đê, đề phòng khi có lũ lụt hoặc địch lợi dụng đánh phá các công trình giao thông, quân sự và đê điều gây thiệt hại lớn. Bộ NN-PTNT giao cho Thanh Hóa 3 điểm mở rộng đê và cơ đê gồm: Đê hữu sông Chu phía Nam cống tiêu thủy Thọ Xuân (xã Xuân Thành); đê hữu sông Lèn, phía Nam cầu Lèn; riêng đê hữu sông mã phía hạ lưu cầu Hàm Rồng đến Nam Ngạn (K39+200-K40+550) là trọng điểm số 1 cần được gia cố.
“Đoạn đê này đã đủ cao trình và mặt cắt theo tiêu chuẩn chống lũ, nhưng phải đắp cơ rộng 20m với khối lượng gần 47 nghìn m3 đất, trong đó có hàng chục hố bom phải lấp, để đề phòng địch đánh bom trúng đê thì vẫn còn cơ đê để hàn khẩu. Tình hình không thể chậm trễ, tỉnh Thanh Hóa quyết định điều động lực lượng hàn gắn mặt đê trong thời gian sớm nhất”, ông Phùng cho biết.
Thời điểm này, tại Thanh Hóa, nhiều nam sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. Trong các trường trung học chuyên nghiệp chỉ còn những nữ sinh đang thu xếp hành lý về nghỉ hè. Đúng lúc ấy họ nhận được công lệnh điều động lên đường đi đắp đê sông Mã.
Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 5.000 người lên đường làm nhiệm vụ, bao gồm: 600 giáo viên huyện Quảng Xương, 250 giáo viên huyện Đông Sơn, 100 giáo viên thị xã Thanh Hóa, 400 người Trường Trung cấp Nông nghiệp Thanh Hóa, 400 người Trường Trung cấp Y Thanh Hóa, 100 người Trường Trung cấp Thương nghiệp Thanh Hóa; 100 người cán bộ y tế; 430 người của Trường Sư phạm 7+3 Quảng Xương; 1.000 người dân công nghĩa vụ huyện Đông Sơn; 1.200 người dân công nghĩa vụ huyện Quảng Xương, 400 người dân công thị xã…
Ban Chỉ huy công trường do ông Trần Văn Tiểu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Thanh Hóa làm trưởng ban; 1 Phó Giám đốc Ty Thủy lợi làm phó ban, cùng 14 cán bộ kỹ thuật tham gia làm việc tại công trường.
Địa điểm đắp đê là đoạn đê hữu sông Mã, cách chân cầu Hàm Rồng chừng 1km. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, công trường lại nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nên Ban chỉ huy công trường phân công, cứ 5 người làm một hầm chữ A dọc theo chân đê để tránh bom đạn khi giặc đánh phá. Các hoạt động đắp đê diễn ra vào ban đêm, nhưng để đảm bảo an toàn, bí mật và ưu tiên cho việc thông xe qua tiền tuyến, đoàn dân công quyết định chuyển giờ đắp đê vào lúc rạng sáng.
Do mật độ tập trung người quá đông nên Ban chỉ huy công trường đề nghị chia làm 2 đợt thi công và thi công từ 4 giờ đến 9 giờ sáng là phải rút quân. Đợt đầu có 2.741 người gồm 4 trường, hai huyện, thị và 45 công nhân kỹ thuật của Ty Thủy lợi Thanh Hóa tham gia. Mọi việc tại công trường đều diễn ra theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Đến sáng ngày 14/6/1972, số người có mặt tại công trường là 2.120 người và phần lớn đã rút dần theo chương trình, kế hoạch (rút quân trước 9 giờ). Tuy nhiên, trên công trường lúc này vẫn còn khoảng 1,6 nghìn người thuộc các Trường Sư phạm 7+3 và Trung cấp Y Thanh Hóa vẫn đang miệt mài làm việc.
Đúng lúc này (khoảng 9 giờ 10 phút) máy bay Mỹ kéo đến ném 12 quả bom phía cầu Hàm Rồng và 11 quả bom sát thương vào công trường, nơi có 841 người làm và một số khác đang chuẩn bị rút quân, làm chết 64 người (57 nữ, 7 nam); 26 người bị thương nặng, 187 người bị thương nhẹ thuộc các đơn vị, Trường Trung cấp Y Thanh Hóa, Trường Sư phạm 7+3, phòng giáo dục thị xã. Trong đó, trường Y Thanh Hóa có 32 người chết, 16 người mất tích; Trường Sư phạm 7+3 có 24 người chết, phòng giáo dục thị xã có 6 người chết.
Bà Dương Thị Hòa (74 tuổi, quê ở làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) nguyên là giáo viên Trường cấp 2 Hàm Rồng, đồng thời là một trong những giáo viên tham gia đắp đê sông Mã năm ấy vẫn nhớ như in khoảnh khắc đối diện với bom đạn của giặc Mỹ.
Khi Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, Trường cấp 2 Hàm Rồng sơ tán mỗi lớp một nơi, lớp thì học ở đình làng, lớp học ở nhà dân hoặc trong hang đá.
Thời điểm đó đang là dịp nghỉ, bà Hòa cùng giáo viên trong trường nhận được lệnh động viên (chủ yếu là nữ giới) lên đường ra công trường đắp đê sông Mã.
“Chúng tôi sống trong bom đạn quen rồi, nên khi được điều động đi đắp đê sông Mã, mọi người đều vui vẻ, hăng hái lên đường, chẳng ai sợ hay nghĩ đến cái chết”, bà Hòa chia sẻ.
Bà Hòa kể: “Tại công trường, mỗi người mỗi nhiệm vụ. Nhóm giáo viên Trường cấp 2 Hàm Rồng được lệnh xếp thành hàng dài để chuyển đất từ chân ruộng vào thân đê để gia cố bờ. Cả công trường náo nhiệt bởi tiếng cười, nói xen lẫn tiếng bì bõm của những đôi chân dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Các tổ đội làm việc từ tờ mờ sáng đến 9 giờ sáng thì nghỉ để tránh địch phát hiện”.
Sáng ngày 14/6/1972 âm lịch (tức ngày 4/5, năm Nhâm Tý), mọi người cùng nhất trí tranh thủ làm thêm giờ, để hôm sau nghỉ ăn Tết Đoan Ngọ. Sau giờ giải lao, tốp nhân công tiếp tục bắt tay vào việc gia cố đê thì giây phút định mệnh xảy ra.
“Máy bay Mỹ ập đến thả hàng loạt bom trải dài cả cây số. Chúng đánh nhanh, bất ngờ gây sát thương lớn. Mọi người ở công trường chưa kịp nghe rõ tiếng máy bay thì bom đã rơi ào ào xuống công trường. Tốp nhân công chúng tôi không kịp chạy nên nằm rạp xuống bùn để tránh bom, hai tay ôm đầu, bịt chặt tai. Ngớt tiếng bom, tôi may mắn thoát chết nhưng quần áo rách tả tơi, mặt mũi lấm lem bùn đất, chạy thục mạng về nơi trú ẩn…”, bà Hòa kể.
Trong nhóm giáo viên nhà trường tham gia đắp đê, thầy giáo Lương Trọng Ngụ - Hiệu trưởng Trường cấp 2 Hàm Rồng không may bị trúng bom nên đã tử vong tại công trường. Một số người khác nhanh chân nên thoát nạn, số khác không kịp vào hầm trú ẩn nên hy sinh và bị thương khá nhiều.
“Loạt bom khốc liệt của giặc Mỹ nhất rải đúng vào đội hình những nữ sinh, giáo sinh các trường Trung cấp Thương nghiệp, Trung cấp Y tỉnh Thanh Hóa và giáo viên của thị xã, huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa đang chuyển đất đắp đê. Những người thiệt mạng tại công trường phần đông là nữ, tuổi mười tám, đôi mươi”, bà Hòa kể lại
Sự kiện ném bom của giặc Mỹ thời điểm ấy không khiến quân và dân tại công trường đắp đê sông Mã nản trí, trái lại, họ càng hăng hái thi đua lao động, làm thay phần việc của những người đã hy sinh.
Ông Lê Huy Bé (77 tuổi, chồng bà Hòa, trú tại phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) một trong những nhân chứng chứng kiến vụ đánh bom của giặc Mỹ tại đê sông Mã. Thời điểm đó, ông Bé công tác tại Công an phường Hàm Rồng.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông Bé cùng các đồng đội được phân công nhiệm vụ điều tiết giao thông tại cầu phao số Hàm Rồng, đảm bảo an toàn cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào chiến trường. Vị trí của ông Bé đang thực hiện nhiệm vụ nằm cạnh công trường đắp đê sông Mã.
Trước khi nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ, ông Bé giấu người thân, viết vội bức “di chúc”, để dưới gối của mẹ và không hẹn ngày trở về: “Đất nước có chiến tranh, mỗi chiến sĩ được tổ chức giao một nhiệm vụ. Nếu con có hy sinh vì đất nước, mẹ ở nhà hãy yên lòng và tự hào về con. Mẹ nhé!…”, ông Bé nhớ lời trong bức thư để lại.
Ngày 14/6/1972, gợi nhớ mốc thời gian đau thương của đồng bào Thanh Hóa mà ông Bé từng chứng kiến và day dứt đến tận bây giờ. “Máy bay Mỹ trút xong đợt bom, tôi và 6 chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông chạy hộc tốc tới hiện trường để cứu người.
Khi tới nơi, hàng trăm người nằm la liệt dưới đất, trong số này có người đã chết và nhiều người bị thương. Khuôn mặt ai cũng lấm lem bùn đất, khó nhận dạng. Nhiều người bị bom xé tan quần áo, trần truồng nằm dưới bùn đất.
Tại hiện trường, có người đứt chân, người đứt tay nằm quằn quại trong đống bùn nhão kêu rên thảm thiết, xé lòng. Cả tuyến đê nhuốm máu trộn bùn thành một màu đỏ sẫm. Cảnh tượng hãi hùng lắm! Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh”, ông Bé chia sẻ.
Trong thời khắc nghẹt thở giữa sự sống và cái chết, ông Bé và đồng đội khẩn trương sơ cứu, cầm máu cho bệnh nhân.
“Tôi lấy quần áo của người đã khuất, cầm máu cho người bị thương. Sơ cứu xong, tôi và đồng đội bế họ trên tay, lao nhanh về phía bờ đê, kêu gọi sự hỗ trợ. Đồng đội tôi ở phía trên hô hoán tất cả xe ô tô đang chờ xuống cầu phao 1 đến hiện trường chở người bị thương đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Không lâu sau đó, các lực lượng vũ trang, dân quân, công an vũ trang của huyện Đông Sơn và thị xã Thanh Hóa đến hiện trường ứng cứu. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, công tác cứu thương và xác định danh tính nạn nhân hy sinh trong vụ bỏ bom của giặc Mỹ mới được hoàn tất”, ông Bé kể.
Tiếng bom ngớt, ông Bé may mắn sống sót nhưng quần áo lấm lem bùn đất, không còn chỗ nào lành lặn. Nhiều người trạc tuổi ông Bé thời đó, chủ yếu là giáo viên, giáo sinh đã mãi nằm lại nơi công trường đắp đê khi chưa hoàn thành tâm nguyện cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Ông Bé bảo, ai trong hoàn cảnh ấy cũng bất chấp, xả thân để cứu người: “Khi Tổ quốc, nhân dân cần, chúng tôi sẵn sàng hiến thân mình mà không chút đắn đo. Đó là lý tưởng, là lẽ sống của những người chiến sĩ”.
Để tôn vinh những liệt sỹ đã hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, ngày 19/1/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14/6/1972. Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 125 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách tỉnh là hơn 60 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố là gần 65 tỷ đồng.
Dự án có quy mô đầu tư trên diện tích khoảng 2 ha, gồm 2 khu vực chính. Khu vực trong đê là Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh; nhà quản lý, đón tiếp khách; khu tưởng niệm nữ sinh (hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh...); khu tái hiện lịch sử; khu trồng cây lưu niệm. Khu vực ngoài đê là khu tượng đài nữ sinh; bến thuyền lịch sử; miếu thờ, bia ghi dấu địa điểm lịch sử; khu tái hiện không gian làng Nam Ngạn truyền thống…
Tỉnh Thanh Hóa mong muốn Công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh không chỉ là nơi tôn vinh, tri ân các giáo viên và học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 trên công trường đắp đê sông Mã, mà nơi đây sẽ là điểm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng thu hút du khách khi đến thành phố Thanh Hóa cùng với cảnh quan sông Mã, núi Hàm Rồng.
Ông Phan Đình Phùng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 3 (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết: “Các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đang còn sống đã góp sức trên đại công trường đắp đê Sông Mã đã góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc; là mốc son lịch sử không bao giờ quên của ngành thủy lợi trong kháng chiến. Các thế hệ những người làm thủy lợi hôm nay và mai sau phải coi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, bất khuất của cha anh đã hy sinh trên công trường thủy lợi sông Mã năm ấy”.