Mỗi lần Bộ trưởng đến sẽ thấy Tập đoàn Quế Lâm làm tốt hơn

Những đóng góp và thành tựu Tập đoàn Quế Lâm mang lại đang trở thành hạt nhân của kinh tế nông nghiệp  và hướng đến mục tiêu nền nông nghiệp tuần hoàn.

Những ngày cuối nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường không ít lần chia sẻ, một trong những điều mà ông cảm thấy đã tạo được dấu ấn rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đã phát động xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.

Tổng kết tóm tắt lại thành quả trong nhiệm kỳ 5 năm tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 5 năm qua là đỉnh điểm của thiên tai, dịch họa, biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, theo ông Nguyễn Xuân Cường, thành công lớn chính là sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp.

Trong 5 năm qua, nông nghiệp thực sự phát triển, nông thôn thực sự đổi thay, vị thế ngành được nâng lên rõ rệt. Đi đến bất cứ nơi nào chúng ta cũng đều bắt gặp những câu chuyện nói tới sự thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ý nghĩa to lớn mang lại cho người nông dân.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong, có nhiều đóng góp to lớn trong nhiệm kỳ vượt khó của ngành nông nghiệp là Tập đoàn Quế Lâm.

Với hệ sinh thái của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam dày công xây dựng trong mấy mươi năm qua, có thể khẳng định, Quế Lâm là hạt nhân đóng vai trò hết sức quan trọng, trở thành giải pháp vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, góp sức cùng ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu vì một nền nông nghiệp không bỏ đi bất cứ thứ gì.

Không ít lần trên cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, trong bất kỳ hành động kinh tế nào, sản xuất nào cũng phải chú ý 3 trục kinh tế, môi trường và an sinh, thoát ly bất kỳ một trong 3 yếu tố này thì không thể làm nên câu chuyện phát triển bền vững.

Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu theo hướng một nền nông nghiệp thông minh. Thứ hai là một nền nông nghiệp đặc hữu, sản xuất những thứ người ta không có mà mình có. Thứ ba là một nền nông nghiệp hữu cơ.

Thứ tư là một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì. Thứ năm là một nền nông nghiệp chia sẻ, không bỏ lại ai phía sau.

Để làm được những điều đó, không có còn đường nào khác ngoài việc phải xây dựng được một nền nông nghiệp vừa đảm bảo yếu tố cung ứng như phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, giống… vừa giải quyết được bài toán đầu ra của lĩnh vực này là đầu vào của lĩnh vực kia, tạo thành vòng tuần hoàn trong nông nghiệp. Quế Lâm đã làm được điều đó.

Một ngày cuối tháng Tư vừa rồi, tại buổi lễ chia tay Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT do Tập đoàn Quế Lâm tổ chức, ông Nguyễn Hồng Lam đã rất xúc động bày tỏ, chính sự truyền lửa của Bộ trưởng trong suốt những năm qua đã trở thành động lực rất lớn để ông và Quế Lâm hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

Người cựu chiến binh già đã rưng rưng khi ở tuổi 75, tuổi mà chính Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói “tiền bạc quan trọng gì nữa đâu nhưng vẫn lao tâm khổ tứ” đã hiện thực khát vọng cả cuộc đời là nông nghiệp tuần hoàn.

Có lẽ chính vì thế mà trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có một điều vô tiền khoáng hậu là trong những bối cảnh khó khăn, một doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Quế Lâm đã hứa với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT 3 điều mà sau đó đều trở thành giải pháp của ngành nông nghiệp.

Hai năm 2019 và 2020, ông Lam hứa với với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để hoàn thiện mục tiêu 3 triệu tấn của Bộ NN-PTNT.

Hứa xây dựng thành công mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ. Hứa xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm, hạt nhân của kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn.

Bằng khát vọng và nỗ lực thần kỳ trong bối cảnh cả xã hội quay cuồng vì dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng thành công Tổ hợp 4F, trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra của ngành nông nghiệp.

Hệ sinh thái đó bao gồm 14 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh thành và đặc biệt là tổ hợp 4F ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam.

Điều quan trọng là với sự bền bỉ, kiên định trên hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đối với lĩnh vực này.

Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Những thành tựu khiến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhiệm kỳ 2016-2020 rất xúc động: Lịch sử sẽ còn nhiều người làm được những việc to lớn hơn, nhưng có lẽ không có một ông nào như vậy. Nếu không có khát vọng, không có tâm thế người lính, yêu quê hương đất nước bằng hành động thì có lẽ khó có thể làm được như thế. Người ta tưởng rằng, đất nước 100 triệu dân, xu thế thời đại 7,5 tỷ dân không ai dám hô làm nông nghiệp hữu cơ mà ông lại làm và làm được.

Ngay thời điểm sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn.

Tại thông báo kết luận cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng ba trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.

Đặc biệt, tân Thủ tướng chỉ đạo ngành nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Điều đó cho thấy, nông nghiệp tuần hoàn đang là mục tiêu tối thượng, là con đường bắt buộc của nền nông nghiệp Việt Nam. Và để thực hiện thành công, những doanh nghiệp tiên phong như Tập đoàn Quế Lâm được kỳ vọng giữ vai trò nòng cốt bằng việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu đầu vào, bằng những mô hình liên kết với người nông dân để lan tỏa, bằng triết lý nông nghiệp xanh, sạch, bền vững mà họ đã kiên định theo đuổi mấy chục năm qua.

Con đường của Nông nghiệp Việt Nam nhất quyết phải là nông nghiệp tuần hoàn. Và chặng hành trình mấy chục năm xây dựng của Tập đoàn Quế Lâm đã không còn đơn lẻ khi mà các địa phương, các cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, nhà trường, doanh nghiệp lần lượt đến hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm như một lẽ tất yếu.

Cách đây mấy tháng, trong cuộc làm việc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc với Tập đoàn Quế Lâm, cả ông Đỗ Văn Chiến và ông Hầu A Lềnh, những người đứng đầu các cơ quan này đã đánh giá rất cao những mô hình từ trồng trọt đến chăn nuôi của Quế Lâm.

Sau khi nghiên cứu rất kỹ tư duy, chiến lược và thực tiễn các mô hình của tập đoàn, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nói: Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng khi tôi còn ở Ủy ban Dân tộc là làm sao để bà con đồng bào có sinh kế, nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…

Có thể khẳng định, hợp tác với Quế Lâm, trong thời gian tới bà con đồng bào dân tộc lại có thể nuôi lợn dưới nhà sàn mà vẫn rất sạch sẽ.

“Đối với đồng bào dân tộc miền núi thì tiên quyết phải là làm thật, phải tận thấy hiệu quả mới tin nên không có cách nào khác ngoài việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình để từ đó nhân rộng, lan tỏa. Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tư duy, chiến lược và thực tiễn các mô hình của của Tập đoàn Quế Lâm rất có ý nghĩa với việc thực hiện các mô hình tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc. Theo dự kiến chúng tôi sẽ xây dựng 2.000 – 3.000 mô hình sản xuất theo hình thức dân làm nhà nước hỗ trợ và phải đi theo sản xuất hữu cơ, cả chăn nuôi lẫn trồng trọt”, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Rất đáng kỳ vọng và tin tưởng, bởi thay đổi tư duy và tạo sinh kế cho đồng bào miền núi cũng là khát vọng của ông Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm. Sau những thành công của các mô hình liên kết với người nông dân ở nhiều tỉnh thành, Chủ tịch Quế Lâm chia sẻ, đa phần khu vực miền núi là những vùng đất cách mạng, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mang khát vọng lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đến những vùng đất đó không chỉ là trách nhiệm của một doanh nghiệp vì cộng đồng mà còn là sự tri ân đối với bà con nông dân ở những vùng đất đã hi sinh nhiều cho Tổ quốc.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, đó là hành trình khó. Lựa chọn con đường sát cánh với người nông dân, cùng một lúc Quế Lâm phải làm ba việc. Một là tuyên truyền để người nông dân thay đổi nhận thức, đây là vấn đề hết sức khó khăn do thói quen canh tác của bà con nông dân thích làm những cái nhanh nhất, dễ nhất. Hai là phải tính toán giúp người nông dân bài toán kinh tế, đầu vào, đầu ra, lợi nhuận của họ được bao nhiêu. Phải có lời giải hiệu quả cho bài toán đưa cho người nông dân thì họ mới theo, phải dạy cho họ làm kinh tế.

Thứ ba là dạy cho người nông dân về khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất. “Chúng tôi sống nhờ người nông dân nên trước hết người nông dân phải có hiệu quả”.

Hãy nhìn Sơn La. Là một trong những địa phương tiên phong hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất và lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, đến thời điểm hiện tại tỉnh Sơn La đã có nhiều bước tiến rất rõ rệt.

Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đúc rút: "Vùng đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi có một đặc trưng giống nhau là diện tích tự nhiên rộng nhưng địa hình lại dốc. Đã là đất dốc mà dùng phân vô cơ thì hiệu quả không cao, phải là nông nghiệp hữu cơ. Đối với đồng bào dân tộc miền núi, nói gì thì nói nhưng phải nhìn thấy hiệu quả mới tin. Khi niềm tin đã có trong bà con rồi sức mạnh sẽ lớn lên rất nhiều. Tôi luôn cho rằng một trong ba yếu tố thành công của Sơn La trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố văn hóa. Bà con tin và làm thật theo các mô hình đã được chứng minh hiệu quả".

Bây giờ, từ Sơn La đến Sóc Trăng, Đồng Tháp, từ Vĩnh Phúc đến Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Thực tiễn hợp tác liên kết với Tập đoàn Quế Lâm của các địa phương cho thấy, tỉnh nào mà những người đứng đầu quyết liệt thì nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ thành công, lan tỏa rất mạnh mẽ.

Nói như ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm “mang rất nhiều ý nghĩa và kỳ vọng lớn”.

Trước đây Đồng Tháp thực hiện hai bài toán, thứ nhất là khai hoang đất hoang hóa đưa vào sản xuất, thứ hai là bài toán xóa đói giảm nghèo. Những bài toán đó đã tạo nên một Đồng Tháp Mười là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của quốc gia.

Tuy nhiên, 8 năm qua, Đồng Tháp đã tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi nhận thức người dân từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển dần từ việc sản xuất chạy theo số lượng sang sản xuất chất lượng và giá trị.

“Tuy biết rằng đường đi không phải tất cả đều bằng phẳng nhưng với quan điểm lãnh đạo Đồng Tháp và thực tiễn người nông dân Đồng Tháp đã luôn tin tưởng đồng hành với tỉnh sẽ vượt qua khó khăn để cùng với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng từng mô hình, từng địa phương, từ đó tạo sự lan tỏa nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm trên mọi lĩnh vực để tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị, tiêu chuẩn, không chỉ riêng với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia”, ông Phạm Thiện Nghĩa nói.

Đặc biệt, sau khi Tập đoàn Quế Lâm hoàn thiện Tổ hợp 4F, tổ hợp nông nghiệp tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam, phong trào liên kết lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ngày càng mãnh liệt.

Ông Nguyễn Thanh Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho biết: Đây là một công trình độc đáo, tiên tiến nhất mà Tập đoàn Quế Lâm có được. Tổ hợp 4F này là kết quả sự dày công, tự nghiên cứu, trải nghiệm qua thực tiễn của ông Nguyễn Hồng Lam cùng các nhà khoa học và cộng sự trong gần 10 năm trời. Khi hoàn thiện, Quế Lâm mong muốn đây sẽ là một trường học cho người nông dân.

Năm 2020 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, trong đó, đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hợp phần đóng vai trò cấp bách.

Cùng với đó, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 do Bộ NN-PTNT trình Chính phủ đã được phê duyệt, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến.

Một trong những nội dung quan trọng của các chính sách là xác định vai trò hạt nhân của những doanh nghiệp tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như Tập đoàn Quế Lâm.

Có lẽ vì thế mà tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã lựa chọn thị sát Tập đoàn Quế Lâm vào những ngày đầu nhiệm kỳ.

Đánh giá cao thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm nói chung và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Hồng Lam, tân Tư lệnh ngành nông nghiệp nói rằng ông thực sự xúc động triết lý làm nông nghiệp của Quế Lâm và ông Lam, câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế, để làm nên những câu chuyện tử tế.

Sự tử tế chính là trách nhiệm. Suốt một quá trình dài chúng ta chạy theo sản lượng, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, trở thành vòng lẩn quẩn khiến đất đai chai lỳ, thiếu dinh dưỡng, ngày càng kiệt quệ, hệ sinh thái của đất bị biến dạng… Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải xác định, chúng ta lấy cái gì của đất thì phải trả lại cái đó, để gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Người Nhật có một triết lý rất hay là hãy nghĩ cho người khác. Mình phải nghĩ cho người khác rồi người ta mới nghĩ lại cho mình. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm. Trách nhiệm với thương hiệu nông sản của chúng ta, trách nhiệm với sức khỏe của gần 100 triệu dân, trách nhiệm với chính những người nông dân sử dụng phân vô cơ đang hủy hoại sức khỏe của họ…

Ngay sau chuyến thăm nhà máy phân bón vi sinh lớn nhất miền Bắc và khảo sát mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn 5 không của Quế Lâm, tân Tư lệnh ngành NN-PTNT đã khẳng định rằng, giá trị mà Quế Lâm mang lại nhiều hơn doanh thu và lợi nhuận. Đó là giá trị cộng đồng. Là tâm thế làm nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp tử tế. Chính vì vậy cần phải lan tỏa tinh thần Quế Lâm, tinh thần của những người dấn thân vì cộng đồng. Phải có một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi tư duy nhận thức người nông dân.

Có thể thấy rằng, từ nhiệm kỳ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến nhiệm kỳ Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với nông nghiệp, tinh thần cựu chiến binh Nguyễn Hồng Lam vẫn luôn bừng cháy. Đó là tinh thần “mỗi lần Bộ trưởng đến sẽ thấy Tập đoàn Quế Lâm làm tốt hơn” như ông vẫn thường chia sẻ quyết tâm.

Mới đây thôi, khi Bộ Nội vụ có quyết định cho phép thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, tổ chức mà ông Lam là Trưởng Ban vận động, ông gọi điện cho tôi nói: Đó sẽ là nơi tập hợp người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước ở trong một hệ sinh thái có chung mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn vừa nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững.

Thật trân quý, bởi đó là khát vọng của một người sắp tuổi 75.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Nhật Quang - QL- Hoàng Anh