Muốn vượt lên trước xu thế của thế giới, chúng ta phải vượt qua chính mình

Tại tại Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tối 14/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có bài phát biểu "vo" nói về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam và kêu gọi sự chung tay, đóng góp của kiều bào Việt Nam khắp thế giới. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

  

Ba tiếng đồng hồ làm tôi nhớ đến nhà bác học Albert Einstein với Thuyết tương đối. Một đại lượng thời gian tương đối, có những người thấy rất dài, nhưng đối với tôi, ba tiếng đồng hồ với kiều bào ta tại Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành nông nghiệp tối 14/2 sao quá ngắn.

Tôi biết rằng, để truyền tải được những tâm huyết của các Việt kiều qua hình thức trực tuyến, để đón nhận được tất cả điều trân quý của kiều bào chúng ta trên khắp thế giới thì quãng thời gian đó thực sự quá ít ỏi.

Trong cuốn “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, Nguyễn Phi Vân, một Việt kiều tại Úc đã viết: “Hai mươi mấy năm sau, hành trình đi ra thế giới của tôi là hành trình trở về nguồn cội, trở về nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn. Đi để học cách yêu thương con người. Đi để biết cái tôi khổng lồ không là gì trong sự hiện hữu của vũ trụ. Đi để hiểu khái niệm vô cùng tương đối của được và mất. Đi chỉ để tìm lại chính mình…”.

Cũng bằng cảm xúc đó tôi muốn chia sẻ với quý vị bà con Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới, những người đi rồi trở về nơi “nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn”, hoặc có những người không trở về được nhưng bằng tâm thức của mình cũng vẫn luôn hiện hữu, hướng về đất nước Việt Nam thân yêu của tất cả chúng ta.

Ba tiếng đồng hồ tại diễn đàn này, vừa nghe quý vị phát biểu trực tiếp tại hội trường và qua màn hình, vừa theo dõi phần bình luận trong hộp trò chuyện, đã giúp tôi hiểu được cảm xúc của những kiều bào muốn gửi gắm và thực sự rất vui và trân trọng khi hôm nay chúng ta đã kết nối được thông tin từ rất nhiều các đầu cầu.

Trước hết, quý vị hãy chịu khó ghi lại số điện thoại của tôi với zalo và viber của tôi, lưu lại địa chỉ email của tôi. Tại sao tôi phải nói điều đó? Bởi thế giới không chờ đợi chúng ta, thời gian không chờ đợi chúng ta và chúng ta nên không chỉ là những ngày đầu xuân năm mới này mà cả 365 ngày quanh năm, suốt tháng, bất kể giờ nào, bất kể khoảng cách nào, chênh lệch múi giờ ra sao chúng ta đều có thể kết nối được với nhau. Tôi muốn bằng những phương tiện kết nối đó, những vấn đề đưa ra có thể giải quyết kịp thời trong một khoảng thời gian nhanh nhất.

Như quý vị đã biết, Thông điệp của Bộ NN-PTNT trong năm 2022 là “Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật”.

Tư duy mở ở đây là mở ra cả thế giới và mở ra cộng đồng người Việt của chúng ta ở khắp mọi nơi. Tôi đọc một quyển sách của Hàn Quốc có tựa là “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”. Bộ NN-PTNT chỉ có hơn 1.000 nhân sự, lâu lâu được đi nước ngoài một vài chuyến, cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” nên cần lắm tất cả kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới, những người có thể tường tận hơn văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, quy chuẩn của những nước sở tại để cùng chung tay với nền nông nghiệp Việt Nam.

Chúng ta phải cung ứng những hàng hoá, sản phẩm thế giới, cần chứ không phải chỉ sản xuất, kinh doanh những gì chúng ta có. Nhu cầu của thế giới thế nào thì từng ấy con người của Bộ NN-PTNT sẽ không hiểu được hết, nếu không có sự hỗ trợ của bà con kiều bào chúng ta khắp nơi trên thế giới, bằng khát vọng và bằng tình yêu quê hương.

Tôi đọc những câu chuyện ở Hàn Quốc, thực ra yêu quê hương cũng không có gì to tát lắm, có khi chỉ là những cử chỉ, những câu chuyện rất nhẹ nhàng, dung dị.

Ví dụ mỗi người chúng ta hãy ủng hộ một sản phẩm nông sản của bà con nông dân, giới thiệu một sản phẩm nông sản của bà con nông dân đã là yêu quê hương rồi. Hay chúng ta giới thiệu, chuyển giao một ý tưởng, một sáng kiến, một công nghệ, nhỏ thôi, từ những nước tinh hoa, những nước hiện đại, những nước đã đi vào nền nông nghiệp cách mạng 4.0 về Việt Nam chính là biểu hiện của lòng yêu nước.

Và yêu nước, yêu quê hương còn là những vấn đề quý vị gợi ý, góp ý, thậm chí có hơi phiền trách Bộ NN-PTNT nếu gửi đúng lúc, đúng nơi. Những đóng góp đó không đánh đổi, so sánh bằng vật chất cụ thể mà còn cao cả hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sỹ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga nói “chúng ta không phải đưa Việt Nam ra thế giới mà chúng ta đưa thế giới về Việt Nam”, theo tôi phải là cả hai. Chúng ta vừa giới thiệu Việt Nam ra thế giới nhưng cũng phải vừa thu hút, mời gọi những tinh hoa của thế giới về Việt Nam, thông qua cộng đồng người Việt, thông qua mối quan hệ của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Đó có thể là những mô hình nông nghiệp của những đất nước mà quý vị sinh sống, ở các viện nào đó, trường nào đó, tập đoàn nào đó, ngôi trường nào đó ở Đông Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ,… mà quý vị làm việc, góp sức.

Hỗ trợ Bộ NN-PTNT và cá nhân tôi với cương vị đảm trách ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như thế là một điều vô giá. Tôi mong rằng tất cả chúng ta hãy hành động bằng một tình yêu đất nước và nhanh hơn một chút, Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng phải hành động nhanh hơn một chút, bởi vì như tôi vẫn thường nói, ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để bay cao, bay xa hay chấp nhận đứng lại để ngọn gió xô ngã?

Có những câu hỏi là tại sao chúng ta là một dân tộc thông minh, dân tộc của những con người tâm huyết với đất nước, yêu đất nước từ trong sâu thẳm của mình mà tại sao nông nghiệp lại cứ “chập chờn” như vậy?

Cả những câu hỏi quý vị đặt ra hôm nay, những câu hỏi của người Việt chúng ta đặt và hàng ngày tôi cũng thường tự hỏi mình, để mỗi người chúng ta thấy được trách nhiệm của mình trong đó: Làm sao để kết nối được tất cả những tinh hoa, những nguồn lực như chủ đề của bộ phim “Tâm lực kiều bào kết nối tinh hoa nông sản Việt”? Kiều bào chúng ta không chỉ có “lực” mà còn có “tâm”, chữ tâm, tấm lòng của mỗi con người Việt Nam xa xứ. Chữ tâm, tấm lòng đầy ắp nguồn lực và nguồn lực xuất phát từ chữ tâm phải cộng hưởng, không chỉ là cấp số cộng, mà phải là cấp số nhân.

Cho nên tôi nghĩ rằng không có gì tuyệt vời bằng việc tất cả chúng ta cùng ngồi lại trong một khoảng không gian nào đó, một khoảng thời gian nào đó để tĩnh tâm lại một chút. Bởi tôi biết rằng dù trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ cho quê hương đất nước không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Sẽ có những lúc trắc trở, có những lúc quý vị nặng lòng vì những thiếu sót, những điểm chưa hoàn thiện về thể chế, thủ tục, nguồn lực, phương pháp, phương thức, thậm chí là kể cả văn hóa làm việc… Mặc dù cùng mang dòng máu Việt Nam, tâm hồn Việt Nam nhưng đôi khi quốc tịch khác, văn hóa làm việc khác cũng là điều khó. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng, mỗi người hãy vượt qua cảm xúc của mình để đóng góp chung cho quê hương, đất nước.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết một câu mà tôi nhớ mãi, hay trích dẫn: “Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân”. Bởi tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ít nhiều sinh ra ở nông thôn, bố mẹ, ông bà chúng ta cũng là nông dân, chính vì thế chúng ta quay lại với nông nghiệp, với nông thôn, với nông dân bằng một hành động nhỏ, nếu lớn càng quý để cùng nhau làm nên những điều rất to lớn cho đất nước.

Hàng ngày tôi đều cố gắng tìm hiểu những quốc gia, những đất nước thông qua sách báo, phim ảnh và những chuyến đi, để rồi tự hỏi: Tại sao người ta như vậy mà chúng ta như vậy? Tại sao người ta bán sản phẩm tinh, qua chế biến mà chúng ta lại bán thô? Tại sao nông sản của người ta “chiễm chệ” trên những kệ hàng sang trọng mà nông sản của chúng ta lại “chập chờn”, lúc có lúc không ở những kệ hàng cấp thấp hơn? Tại sao Israel có thể làm nên một câu chuyện cuộc hồi sinh của một quốc gia thông minh nhất thế giới?...

Tôi đã đọc và hiểu được giá trị của hợp tác xã, của những ngày đầu lập quốc của Israel bằng nông nghiệp. Hiểu được Nhật Bản qua những quyển sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, “Quả táo thần kỳ của Kimura”… Hiểu được những người nông dân làm nông nghiệp bằng đạo, bằng tâm, bằng triết lý. Hiểu được con đường xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc từ chương trình Saemaul Undong, đi lên bằng năng lực của cộng đồng, bằng sự mạnh mẽ của những con người tự lực tự cường và cùng nhau tạo ra những giá trị. Thái Lan cũng vậy. Tôi xem những bộ phim và thấy từ 30 năm trước Thái Lan đã chuyển đổi ngành nông nghiệp, mặc dù kinh độ, vị trí địa lý giữa chúng ta với Thái Lan rất gần nhau.

Chính vì thế tôi mong muốn rằng chúng ta gặp nhau hôm nay, dù trực tiếp hay ở các đầu cầu, dù có thể chênh lệch nhau 1, 2 múi giờ, thậm chí là 12 múi giờ nhưng lúc nào trong tâm thức cũng là anh chị em thân thích một nhà. Một khi có được tâm thế đó, cảm xúc đó, tôi nghĩ rằng, không gì là không vượt qua được, không gì là không thể. Vấn đề là chúng ta ngồi lại với nhau. Bằng cách nào, bằng kênh nào đó nhưng trước tiên phải là bằng tình cảm của người Việt chúng ta với nhau.

Qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ của quý vị có lẽ những người ở trong nước cũng cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn, cần nhanh chóng tích hợp, tổ hợp những tâm huyết thông qua những ý kiến của cộng đồng kiều bào hôm nay cũng như hàng triệu kiều bào của chúng ta ở nước ngoài.

Nếu những thông tin, tâm huyết đó, những công nghệ, ý tưởng, sáng kiến đó được đón nhận, phản hồi, nhân rộng thì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ làm được một điều gì đó dù chưa thể hình dung ngay nhưng chắc sẽ kì vĩ lắm và sẽ mang lại một giá trị cho đất nước, cho nền nông nghiệp, cho bà con nông dân của chúng ta.

     

Tích hợp đa giá trị là Thông điệp Bộ NN-PTNT đề xuất. Điều này đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt cách đây không lâu.

Trong chiến lược đó, tất cả những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp đều đã được đặt ra từ chất lượng nông sản, chuẩn hóa nông sản, phát triển từng loại thị trường, tích hợp đa giá trị, chuyển từ sản xuất thô sang sản xuất chế biến… Giải quyết những vấn đề đó là mục tiêu để Việt Nam tự hào là quốc gia có trách nhiệm, một nền nông nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng thế giới.

Một quốc gia có trách nhiệm thì nền nông nghiệp phải có trách nhiệm, tôi mong muốn chiến lược đó sớm đến tay cộng đồng doanh nghiệp, nhất là bà con ở khắp nơi trên thế giới để bà con hiểu rằng Chính phủ Việt Nam, Bộ NN-PTNT đang trong quá trình chuyển đổi tư duy và đang lựa cho mình một hướng đi đúng đắn. Bởi vì tìm hướng đi, lựa chọn hướng đi quan trọng hơn giải pháp. Bắt đầu phải từ con đường.

Con đường đúng, giải pháp mới đúng, con đường lệch, giải pháp khó có thể chuẩn xác. Trong chiến lược đó, có rất nhiều tư duy, nhiều vấn đề mà nhiều năm chúng ta bị vướng, bị nghẽn nên đã không thông được con đường nông sản của chúng ta, từ mảnh ruộng, bờ ao, từ vườn tược, ra thế giới.

Bây giờ chúng ta phải tư duy lại, phải cùng nhau thể hiện được trách nhiệm của mình. Người ở nhà cố gắng làm tốt hơn, người ở xa giúp người ở nhà tiếp cận được những tư duy mới của những quốc gia, những nền khoa học nông nghiệp đã đi xa, đi trước chúng ta rất nhiều. Chỉ khi nào cộng hưởng sự thay đổi trong nước với những trí tuệ, tâm huyết, khát vọng của bà con ở xa thì chúng ta mới tự hào có một nền nông nghiệp, tự hào với nông sản của chúng ta.

Tôi đọc trên Báo Nông nghiệp Việt Nam bài phỏng vấn rất nhiều tri thức Việt kiều, trong đó có một câu phát biểu đầy cảm xúc, đại ý rằng: Tôi đã có dịp đi khắp thế giới. Bây giờ làm sao Việt Nam chứng minh với thế giới rằng Việt Nam không chỉ là quốc gia chỉ có chiến tranh, chỉ có những cuộc chiến, mà là một quốc gia năng động, sáng tạo và có một nền nông nghiệp với những sản phẩm, đặc sản có thể ngang tầm với thế giới. Nhưng hiện giờ vẫn đang trong vòng loay hoay.

Cảm xúc đó, suy nghĩ đó, tôi vẫn hay nói với mọi người trong Bộ NN-PTNT là nhiều khi mình ngồi ở nhà cứ loay hoay, mình tưởng rằng người ta biết về Việt Nam, biết về nông sản Việt Nam nhưng thật ra nếu chúng ta đứng ở hệ tọa độ khác thì chúng ta không bằng bà con kiều bào. Mỗi góc độ nhìn sẽ có những giá trị mang lại khác nhau. Càng nhiều góc nhìn, càng có thể tích hợp đa giá trị.

Do đó, tôi mong muốn rằng cuộc hội ngộ hôm nay mở ra một tiền đề để Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và những bộ ngành của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận thật sự với những tấm lòng, trí tuệ, sáng kiến của những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Sẽ không có gì chúng ta không làm được, nếu người Việt Nam cùng ngồi lại để hiện thực hóa khát vọng của người Việt Nam.

Khát vọng của chúng ta đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, thời gian còn gần 25 năm nữa. Trong 25 năm đó chúng ta có khát vọng thì các quốc gia trên thế giới cũng có khát vọng trong cuộc chạy đua mà chúng ta đang đứng ở phía sau.

Nói cách khác người ta đang đi trước, nếu cùng một vận tốc như nhau thì chúng ta mãi mãi ở phía sau và chỉ một phút bằng lòng chúng ta đứng lại thì khoảng cách đó càng ngày càng dài ra. Nhưng nếu chúng ta đồng tâm, đồng lòng, đồng hành với nhau để vượt qua với vận tốc lớn hơn sẽ rút ngắn được sự chênh lệch đó. Đến một ngày nào đó chúng ta đuổi kịp, thậm chí tự hào vượt lên.

Nhưng muốn vượt qua thế giới, trước hết chúng ta phải vượt qua chính mình. Từ nay về sau, quý vị hãy nhớ rằng ở Việt Nam, ở trụ sở Bộ NN-PTNT tại số 2 Ngọc Hà, nếu cần trút bầu tâm sự, hiến kế, hỗ trợ kết nối, giải quyết khó khăn, quý vị chỉ cần gõ vài chữ, ấn nút gửi là sẽ tới đây, sẽ được phản hồi dù bất kì khoảng cách địa lý nào, thời gian nào. Khoảng cách gần nhất là từ trái tim đến trái tim.

Hoàng Anh - Phạm Hiếu (ghi)
Trọng Toàn
Tùng Đinh - TL