Na Đông Triều chính vụ, doanh thu kỳ vọng 300 tỷ đồng

Thời điểm này, nông dân Đông Triều bắt đầu bước vào vụ thu hoạch na lớn nhất trong năm. Thời gian thu hoạch trong vòng khoảng 1 tháng.

 

 

Na Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu... và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó na chín đến đâu có thương lái thu mua đến đó. Chuyện nhà vườn thu lãi hàng trăm triệu đồng hay tỷ đồng mỗi năm ở Đông Triều không phải là chuyện hiếm. Vì thế, nhiều năm nay, cây na đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của thị xã, tập trung chủ yếu ở các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê...

 

Nhà có hơn 1 mẫu vườn trồng na, chị Hà Thị Minh (xã Việt Dân) cho biết, vào tuần 4 của tháng 7, na bắt đầu chín. Khi đó cũng là lúc thương lái về tận vườn để ngã giá thu mua.

Khi hai bên thống nhất được mức giá, thương lái sẽ cùng chủ vườn thu hoạch. Na dai Đông Triều đang bán giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Riêng na bở, do ngày càng hiếm nên được thương lái thu mua tận vườn, giá hơn 100.000 đồng/kg (loại 300-350 gram/quả).

"Nếu chăm sóc tốt thì đến mùa thu hoạch, mỗi cây sẽ cho khoảng 20 quả đạt chất lượng. Quãng thời gian này ai cũng bận từ sáng đến tối, có hôm cắt na quá cả giờ ăn trưa", chị Minh phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Được (thôn Tân Thành, xã Việt Dân), một lão nông dày kinh nghiệm với 25 năm trồng na, cho biết: Na dai Việt Dân cho chất lượng tốt, sản lượng cao là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp, thêm vào đó là sự cần cù, chịu khó của người dân. Thế nên, từ cây xóa đói giảm nghèo, cây na đã trở thành cây làm giàu của người dân địa phương. Đến nay, hầu hết các hộ trồng na trong xã xây được nhà ở khang trang, to đẹp, kinh tế ổn định. Thậm chí, với nhiều gia đình, vườn na còn là của hồi môn cho con khi xây dựng gia đình. Gia đình ông Được có gần 1ha trồng na dai, lúc con trai lấy vợ, ông cho một nửa vườn, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Nhờ nguồn thu nhập từ cây na nên thời gian qua nhiều nông dân Đông Triều có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa vật dụng sinh hoạt đắt tiền, thậm chí là cho con cái đi du học. Ở đây, nhà ít cũng có vài mẫu trồng na, nhiều thì lên tới cả ha. Các vườn na đều được quy hoạch gọn gàng và được trang bị hệ thống tưới tiêu khoa học.

Ông Nguyễn Văn Khoa, xã Việt Dân cho biết, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn na của gia đình dù đã hơn 10 năm tuổi nhưng vẫn cho chất lượng tốt.

"Tại địa phương hiện chưa có cây trồng nào thay thế được cây na. Khi người dân nắm được khoa học kỹ thuật nên có thể quyết định được việc na ra quả nhiều hay ít, ra quả vào thời điểm nào. Vụ na năm nay được giá và người dân không phải mang na đi bán. Con em học hành giỏi giang, nhà cửa khang trang đều nhờ cây na", ông Khoa tự hào kể. 

Quả na sau thu hoạch được dán mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm. Tại xã An Sinh, nơi có diện tích trồng na lớn nhất thị xã Đông Triều, cây na hiện chiếm 1/3 tổng thu nhập từ nông sản của xã, đóng góp trên 100 tỷ đồng/năm vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện toàn thị xã Đông Triều có 14/21 xã, phường trồng cây na, với tổng diện tích trên 912ha, năng suất đạt 124,6 tạ/ha và cho sản lượng 11.366 tấn. Năm 2022, thị xã thu hoạch sản lượng trên 11.400 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần 286 tỷ đồng (tăng gần 72 tỷ đồng so với năm 2021).

 

 

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhiều vườn na dai hiện nay ở Đông Triều đã có chiều hướng suy thoái, năng suất, chất lượng giảm dần. Giai đoạn năm 2017 trở về trước, khi cây na sinh trưởng và phát triển ổn định, năng suất dao động 40-50kg/cây. Nếu tính 500 cây/ha thì sản lượng đạt 20-25 tấn quả/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây năng suất na suy giảm nhiều so với trước. Do quả nhỏ nên mỗi vụ chỉ thu hoạch dao động 20-25kg/cây, sản lượng đạt khoảng 10-12,5 tấn quả/ha. Rất ít vườn đạt năng suất 15 tấn/ha trở lên.

Nguyên nhân này là do nhiều vườn cây có độ tuổi khoảng 20 năm, thậm chí 25-30 năm. Qua công tác rà soát của ngành nông nghiệp Đông Triều, trên 900ha ở các vùng sản xuất na tập trung của thị xã, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%; còn lại có đến 36% diện tích từ 11-15 năm tuổi; 31% diện tích có độ tuổi trên 16 năm trở lên, trong đó 22% diện tích từ 16-20 năm tuổi, 9% diện tích cây trên 20 năm tuổi.

Hiện tại, những cây già cỗi mặc dù cho năng suất, chất lượng quả kém, nhưng nhiều hộ dân vẫn để tận thu. Việc thay thế không thực hiện bằng cách chặt bỏ, mà trồng dặm, trồng xen cây mới dưới tán cây. Do vậy, cây mới trồng sinh trưởng kém, tốc độ thay thế cây già khá chậm.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích na đang trồng ở những vị trí không thuận lợi. Những năm trước đây, cây na được mở rộng diện tích cả ở những vùng đất trũng, thấp như diện tích chuyển đổi từ đất lúa, chân vàn thấp. Những diện tích này có mực nước ngầm cao, thoát nước kém hoặc thường bị ngập do mưa lũ. Việc này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bộ rễ cây na. Một số lại được trồng trên đồi cao, không chủ động được nước tưới...

Cây na ở các điều kiện này thường sinh trưởng kém, dễ nhiễm các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thối rễ trên các vị trí đất trũng, không thoát nước. Từ đó, năng suất thấp và tuổi thọ cây không cao. Nhiều diện tích cây 7-8 năm tuổi đã có hiện tượng suy thoái. Do vậy, cây na cho hiệu quả không như mong muốn.

Theo định hướng của thị xã Đông Triều, nhiều chủ vườn na đã và đang tiến hành "trẻ hoá" cây na thông qua việc cải tạo giống, qua đó nâng cao chất lượng, sản lượng quả.

Ông Phạm Duy Duẩn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Quảng Ninh) cho biết: Việc tác động các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất như trồng với mật độ cao, làm na trái vụ... đang gây tác động tiêu cực đến cây na. Với đặc điểm sinh trưởng, ra hoa, đậu quả của cây na, sau vụ thu hoạch chính, cây cần có thời gian phục hồi sinh trưởng và nghỉ đông mới có khả năng cho một vụ quả bội thu vào năm sau.

Tuy nhiên, với các kỹ thuật hiện có, nhất là kỹ thuật sản xuất na trái vụ, rải vụ thu hoạch, đa phần các hộ khai thác hết công suất của cây na. Thời vụ thu hoạch chính của na từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8, nhưng trong thời gian na đang mang quả, bà con tiếp tục cắt tỉa, thụ phấn để làm na trái vụ, thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 11, thậm chí muộn hơn. Những năm đầu, do cây na còn khỏe, na trái vụ tăng hiệu quả rõ rệt, giá thành na trái vụ cũng cao.

Việc khai thác tối đa tiềm năng để tăng năng suất của cây na, nhưng các kỹ thuật chăm bón cho cây không có thay đổi nhiều so với quy trình cũ, quả để quá nhiều trong một lứa dẫn đến cây na không còn có thời gian để khôi phục sức sinh trưởng sau khi thu hoạch, theo đó bị suy kiệt dần, quả nhỏ, chất lượng suy giảm. Sau một thời gian, cây na bắt đầu già cỗi, suy thoái, thậm chí cây mới được trên dưới 10 năm tuổi đã rơi vào tình trạng này.

Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân, hơn 200ha na của xã Việt Dân đã có diện tích già cỗi, năng suất thấp. Năm 2023, xã Việt Dân sẽ hoàn thành việc cải tạo và thay thế diện tích na già cỗi trên địa bàn và xây dựng các mô hình mô hình na VietGAP và hiện đang thử nghiệm trên 7 ha hữu cơ nanô. Sau vụ na này sẽ có kết quả đánh giá.

Thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tăng diện tích đối với cây na lên đến 990ha (tăng khoảng 80ha so với thời điểm hiện tại). Ngoài ra, thị xã cũng đang triển khai thực hiện dự án phục tráng các giống na đang được trồng tại địa phương, đảm bảo năng suất của giống được phục tráng đạt trên 150 tạ/ha; tiến hành thay thế 30% diện tích na hiệu quả thấp đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng.

"Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, trên địa bàn thị xã sẽ duy trì và nhân rộng 665ha đạt chứng nhận VietGAP, 100% diện tích còn lại sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; 65ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, 65ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ", ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho hay.

 

 

Theo ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, quả na sau thu hoạch được dán mã QR và đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.

"Địa phương chủ động đa dạng các kênh tiêu thụ ở các thị trường lớn, truyền thống như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình... cũng như đưa na VietGAP vào các siêu thị lớn với các loại na chất lượng, mẫu mã đẹp. Tiến tới Đông Triều sẽ tiếp tục mở rộng na VietGAP ở các xã đang xây dựng chương trình nông thôn mới để đạt năng suất, chất lượng và thu nhập tốt nhất", ông Ruyến thông tin. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng quả na, năm nay nhiều hộ dân ở Đông Triều đã mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH Han Nông (Hàn Quốc) trong triển khai dự án Chuỗi liên kết hoạt động khu du lịch trải nghiệm miệt vườn Han Nông để đẩy mạnh việc tiêu thụ. Hiện Công ty TNHH Han Nông đang liên kết hợp tác với Công ty Du lịch của Hàn Quốc để trở thành điểm dừng chân trải nghiệm của khách Hàn Quốc đến tham quan nông trại trái cây. Việc đưa vào vận hành mô hình đã tạo tiềm năng về tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân quanh khu vực với sản lượng tiêu thụ trái cây các loại dự kiến 200-300kg/ngày.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Tân Thành, xã Việt Dân, chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1ha na, trước đây chủ yếu bán cho thương lái nên giá bán không cao. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình đã giúp chúng tôi có thêm một kênh tiêu thụ mới với giá bán cao hơn so với thương lái thu mua. Ngoài ra, chúng tôi còn có thêm cơ hội để quảng bá sản phẩm trái cây của địa phương đến với nhiều du khách quốc tế.

Bên cạnh sự chủ động của các hộ dân và doanh nghiệp, để tìm kiếm những giải pháp đầu ra bền vững cho quả na, đầu tháng 8 vừa qua, thị xã Đông Triều đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ na. Thông qua hội nghị đã tạo cơ hội cho các hợp tác xã, hộ sản xuất na và các đơn vị đầu mối kinh doanh gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức thu mua, thanh toán và các điều kiện trong ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với kết nối tiêu thụ trực tiếp, thị xã cũng tăng cường và nâng cao hoạt động marketing điện tử, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm na. Với giá na dai loại 1 đạt 50.000 đồng/kg, loại 2 giá 30.000/kg, na bở loại 1 đạt 150.000 đồng/kg, thị xã Đông Triều kỳ vọng doanh thu năm nay từ na sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về quả na có chất lượng tốt, sản xuất theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP chưa được triển khai phổ biến trên địa bàn, do đó giá trị của sản phẩm này chưa có sự khác biệt so với các nhà vườn sản xuất theo hướng truyền thống.

"Về sản xuất đã đảm bảo quy trình nhưng với bao bì, tem nhãn đã dày công gây dựng nhãn hiệu na dai Đông Triều và có bảo hộ nhãn hiệu thì việc đưa ra thị trường sử dụng nhãn mác chưa nhiều và chủ yếu bán theo hướng truyền thống nên có sự bấp bênh và ép giá. Vì vậy, cần có sự liên kết qua các sở ngành để bán hàng bài bản và mang lại giá trị cao hơn.

Ngoài ra, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tại các vùng trồng na từ chất đất, kỹ thuật canh tác, phân bón,... cũng chưa đạt kỳ vọng nên giá trị kinh tế từ quả na chưa đạt mức tối đa. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đây là xu hướng sản xuất an toàn và diện tích trồng na ở Đông Triều có lợi thế để áp dụng mô hình này để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp", ông Đức nói.

Cường Vũ
Trương Khánh Thiện
Đinh Tùng
Đinh Tùng