“Cây hành, tỏi đã có ở mảnh đất Kinh Môn hàng trăm năm qua. Người dân Kinh Môn gắn bó với cây hành, tỏi đời này sang đời khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lễ hội hành, tỏi được tổ chức. Chúng tôi vui lắm”, chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thiệp, 70 tuổi, ở xã Thượng Quận, ra đồng từ sớm, đón chào ngày hội quê mình.
Thêm một lần bất ngờ và hứng khởi khi được về với Hải Dương, tham gia sự kiện gần gũi trên con đường làng, cạnh cánh đồng lộng gió: Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn. Tiết trời vào xuân se lạnh, không khí làng quê như ấm áp hẳn lên, qua những nụ cười nô nức, rộn ràng của bà con nông dân đón chào sự kiện mới mẻ ngay trên quê nhà.
Mạnh dạn“bước ra” khỏi không gian có phần kín của những nhà hát, trung tâm hội nghị, tiết mục văn nghệ đậm chất địa phương thay cho chương trình hoành tráng, lễ hội nơi“thủ phủ hành, tỏi” của cả nước được đông đảo bà con đón chào nồng nhiệt. Sự kiện gửi gắm câu chuyện đặc sắc về nghề nông truyền thống và tôn vinh những người nông dân, qua nhiều thế hệ, đã tạo ra một loại gia vị làm đậm đà, trọn vị độ nồng cay những món ăn hàng ngày của biết bao gia đình. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, tự bao giờ, hành, tỏi đã quyện hòa vào văn hóa đời sống, văn hóa ẩm thực.
Nông nghiệp ở nhiều đất nước thường gắn với sứ mệnh vun trồng: “vun trồng đất, vun trồng con người, vun trồng tương lai”. Khi nghề nông được trân quý thì nông nghiệp mãi trường tồn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi người nông dân được trân trọng thì nông thôn thực sự là miền quê đáng sống. Khi nghề nông và người nông dân được tôn vinh, người tiêu dùng không xem việc mua nông sản như cách trao đổi vật chất, hàng hóa, mà trân quý bằng cả tấm lòng. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người đều hành xử vì lòng biết ơn. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là triết lý ông bà mình trao gửi cho thế hệ mai sau.
Mỗi một vùng quê đều gắn với những đặc sản riêng có, người ta gọi đó là tài nguyên bản địa. Bên cạnh tài nguyên bản địa, còn có tri thức bản địa, là hệ thống kiến thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển dựa trên kinh nghiệm để thích nghi với môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội. Tất cả những tài nguyên đó trở thành sức mạnh nội sinh, quyện hòa vào nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn xã hội, đóng góp tích cực vào phát triển địa phương.
Những lễ hội xuống giống hay thu hoạch nông sản cần được lan tỏa trong cộng đồng dân cư nông thôn, của cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng, có thể kích hoạt những tài nguyên, nguồn lực, nguồn vốn còn tiềm ẩn ở mỗi làng quê. Không gian giá trị nông nghiệp không chỉ mang yếu tố kinh tế đơn thuần, mà còn bao hàm cả yếu tố văn hóa, xã hội. Lời reo, tiếng chào, câu hát gọi nhau trên đồng khi thu hoạch hành, tỏi cũng là giá trị văn hóa đặc sắc, lưu luyến du khách gần xa.
“Được mùa mất giá” là điệp khúc ám ảnh sau mỗi mùa vụ. Để vượt qua lời nguyền đó, nông nghiệp cần mạnh mẽ chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Nông sản vừa thu hoạch ngay bờ ruộng khó lòng có giá trị cao bằng khi được sơ chế. Nông sản sơ chế sao bì được giá cả với nông sản đóng gói chỉn chu, đã qua chế biến sâu. Nông sản đóng gói tỉ mỉ lại cần đến việc đáp ứng các quy trình canh tác, sản xuất, yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, cần đến chuyện kể, thông điệp sống xanh đủ sức thuyết phục nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Từ hành, tỏi ngày nào, Kinh Môn giờ đây cho ra mắt hành khô, tỏi khô, đến tỏi đen, rượu tỏi, tỏi mật, vang tỏi đen, siro tỏi đen…
Những sản phẩm nông nghiệp luôn có trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Bữa ăn đối với con người không còn đơn thuần là để no mà còn nhiều chức năng khác. Văn hóa ẩm thực, bao gồm toàn bộ môi trường dinh dưỡng của con người, cách trang trí và cách thức ăn uống. Thực phẩm còn như biểu tượng của sự tinh khiết, hòa hợp, vui vẻ, hạnh phúc. Ngày nay còn có khái niệm bữa ăn vì sức khỏe và tinh thần con người, thông qua thực phẩm dinh dưỡng. Chuỗi nông sản “Từ nông trại đến bàn ăn” đang trở thành một trong những xu hướng của ngành nông nghiệp.
Những lễ hội nho nhỏ không chỉ quảng bá tiêu thụ nông sản mà cần hướng tới giới thiệu, quảng bá giá trị dinh dưỡng của nông sản trong bữa ăn hằng ngày. Nghiên cứu chuyên sâu từ góc độ dinh dưỡng, khoa học dược liệu sẽ tăng thêm giá trị cho hành, tỏi Kinh Môn. Cách thức chế biến thế nào để đạt được vị ngon và giữ nguyên dưỡng chất, qua bí quyết gia truyền, mẹo vặt gia đình, hay kinh nghiệm của đầu bếp nhà hàng năm sao, đều có thể thổi vào sức sống mới cho hành, tỏi Kinh Môn.
Người tiêu dùng đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện, quy trình tạo ra sản phẩm, chứ không chỉ là tiêu thụ sản phẩm đơn thuần. Người nông dân cần biết tự hào chuyển tải câu chuyện về tài nguyên, tri thức bản địa, gắn với văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương.
Biết tự hào, người nông dân sẽ chăm chút chất lượng, làm cho nông sản mình tốt hơn. Biết tự hào, người nông dân sẽ cảm nhận giá trị mảnh đất nơi mình sinh ra, trưởng thành, càng trân quý, yêu thương đất, càng biết vun trồng cho đất. Biết tự hào, dù có đi đâu về đâu, rồi mỗi người cũng luôn hướng về và góp phần trù phú thêm cho quê cha, đất mẹ.
Đất có bao giờ phụ người, sao người lại nỡ lòng phụ đất. Người ta giàu lên cũng nhờ đất, nghèo đi cũng vì đất. Tất cả do năng lực của mỗi người nông dân. Nâng cao năng lực bằng cách tri thức hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là vì vậy. Những mảnh đất màu mỡ, bờ xôi ruộng mật cha ông dày công vun bồi, đem lại sự sống cho bao người, cho nhiều thế hệ và mãi mãi về sau.
Trách nhiệm “vun trồng đất” không chỉ riêng của người nông dân mà của cả hệ sinh thái nông nghiệp. Trách nhiệm “vun trồng đất” cũng không chỉ là ở các cơ quan quản lý chuyên ngành, mà còn của các viện, trường, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Mỗi người thể hiện lòng biết ơn đến những người đem đến bữa ăn ngon, sạch, giàu dinh dưỡng, vui vẻ, bằng cách hãy về với ruộng đồng và làm điều thiết thực bằng sự hiểu biết của mình. Có một câu danh ngôn nhiều ý nghĩa: “Người ta không quan tâm đến chúng ta biết gì, mà chỉ quan tâm đến chúng ta đem sự hiểu biết đó để làm gì”.
Sau mỗi sự kiện diễn ra trên đồng ruộng, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, sức mạnh gắn kết sẽ được nhân lên. Những hội thi thu hoạch vui, với sự hòa mình, tham gia của doanh nghiệp, du khách, sẽ tăng thêm phần cảm xúc. Đời sống nông dân đâu chỉ đo đếm bằng thu nhập, mặc dù đó là tiêu chí quan trọng. Người nông dân còn cần lắm những cơ hội để thể hiện năng lực nghề nghiệp, sự sáng tạo thông qua các hoạt động ngay trên bờ ruộng của mình. Đường làng, ngõ xóm sẽ bừng sáng hơn không chỉ bởi những ánh đèn, mà bởi lòng người đón nắng mới chói chang.
Yêu nghề, kính nghiệp. Khi nghề nông được trân quý như di sản và người nông dân tự hào về “nghiệp nông gia”, nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành tài nguyên du lịch trải nghiệm, giáo dục tình yêu thiên nhiên, tình yêu ruộng đồng, tình yêu với người nông dân. Dòng khách từ đô thị sẽ tìm đến trải nghiệm bầu không khí trong lành của làng quê, cùng với những con người chân quê, dung dị, mộc mạc mà thấm đẫm tình người, tình đất. Người nông dân sẽ trở thành những người làm du lịch, “hướng dẫn viên” tự hào giới thiệu đặc sản do mình làm ra cùng, tận tình hướng dẫn hoạt động nông nghiệp, đời sống nông thôn, kỹ năng làm nông kết hợp tri thức bản địa và tri thức hiện đại.
Ngày mới trên cánh đồng hành, tỏi Kinh Môn, Hải Dương ấm áp đón chào “ánh mặt trời Biển Đông”.