Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1954) và nhà báo Cù Mai Công (sinh năm 1962) xác lập tên tuổi vào thời báo in phát triển vượt bậc tại Việt Nam thập niên cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thực hiện những chuyến xuyên Việt để viết phóng sự cho Báo Lao Động, còn nhà báo Cù Mai Công lừng lẫy với những khám phá nhịp sống đô thị phương Nam theo cảm hứng “Sài Gòn by night” trên Báo Tuổi Trẻ.
Báo chí Việt Nam hiện tại, những ai chỉ cần có chút quan tâm, cũng nhận ra sự chuyển động đầy thách thức cho phương pháp tác nghiệp truyền thống. Tôi cũng có lúc thất vọng và cũng có lúc hoang mang về nghề báo mà mình nhiệt tâm gắn bó. Thế nhưng, nghề báo dường như vẫn có sức cám dỗ nhất định, mà tôi không thể nào dứt ra. Tờ giấy và cây bút ngày xưa đã được thay thế bằng máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, liệu có khiến nghề báo trở thành một nghề dịch vụ bình thường và nhà báo đổi mặt đổi giọng không? Tôi luôn vật lộn với băn khoăn đó, và rất muốn lắng nghe ưu tư của đồng nghiệp mình.
Tôi đề nghị làm cuộc trò chuyện với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà báo Cù Mai Công. Ban đầu, hai anh đều từ chối. Thế nhưng, sau vài phút đắn đo, thì họ nhận lời. Có lẽ, vì họ có sẵn tình cảm trân trọng với Báo Nông nghiệp Việt Nam, và cũng không nỡ nhìn thấy tôi tẽn tò.
Cuộc trò chuyện này, tôi chỉ làm một động tác hết sức đơn giản là đặt câu hỏi, còn toàn bộ nội dung được quyết định bởi văn phong của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà báo Cù Mai Công. Tôi tin, sự chuyên nghiệp của họ và sự từng trải của họ, sẽ mang đến cho độc giả nhiều điều thú vị về bức tranh báo chí Việt Nam hôm qua và hôm nay.
Lê Thiếu Nhơn: Báo chí bây giờ đã thay đổi, mà rõ nhất là báo in không còn đắc dụng. Là một nhà báo chuyên nghiệp, ông tiếp cận thông tin mỗi ngày theo những thứ tự ưu tiên nào?
Huỳnh Dũng Nhân: Báo in đã rơi vào tình hình lạc hậu và khó sống, chậm chạp so với các loại hình khác. Có người bảo tôi là “báo in chỉ còn để gói xôi thôi”. Tôi trả lời: “Vậy thì chừng nào còn xôi thì còn báo in”. Anh bạn tôi là Tổng Biên tập một tờ báo, kể: “Có một thời gian tự nhiên báo in của tỉnh bán được rất nhiều. Cho người tìm hiểu thì được biết. Đối tượng mua báo in nhiều nhất là tiểu thương ở một chợ, họ mua báo về để làm giấy gói hàng”.
Theo tôi, đã là nhà báo chuyên nghiệp thì đời sống không bao giờ thiếu cập nhật thông tin. Sức đọc của tôi không được nhiều như trước. Đi đặc thù công việc, trước đây tôi đọc/xem ít nhất 10 tờ báo, chương trình tivi mỗi ngày. Nay đã về hưu tôi có đọc ít hơn. Tôi đọc lại thông tin của nhiều nhà báo thạo tin và thường xuyên cập nhật thông tin trên Facebook trước. Khi cần thiết đọc kỹ về bài viết mà mình quan tâm trên báo đài sau. Buổi tối tôi thường xem tivi. Còn đài phát thanh thì hầu như tôi chỉ nghe khi đi trên xe hơi và khi có phát các chương trình… về tôi. (xin các đồng nghiệp báo nói đừng giận).
Cù Mai Công: Báo chí có nhiệm vụ ghi nhận, phản ánh thời cuộc nên luôn thay đổi theo thời cuộc. Báo cách đây 20 năm khác báo bây giờ và càng khác với báo chí cách đây 50 năm, 100 năm. Nhưng với người Sài Gòn, xưa giờ thông tin ở một đô thị lớn nhất nước và luôn thay đổi, biến động, chắc chắn thông tin là điều mỗi người quan tâm ngay từ sáng sớm. “Tô (hủ tíu) - ly (cà phê) - điếu (thuốc) - tờ (báo)” là một thành ngữ nói về một thói quen, nếp sinh hoạt mỗi ngày của người Sài Gòn.
Tuy nhiên, thực tế hôm nay, có lẽ như đa số những người đọc bình thường và anh em bạn bè, nhất là người dân đô thị phương Nam, thói quen tiếp nhận thông tin không chỉ là tờ báo lúc sáng sớm, mà đã là mỗi giây phút, cả ngày lẫn đêm.
Vì vậy, tính cạnh tranh thông tin của báo giấy, truyền hình, truyền thanh đã ngày một “lép vế” so với báo điện tử, và càng chậm chạp hơn quá nhiều so với Facebook. Đó là chưa nói với Facebook, báo điện tử, tính tương tác với người đọc gần như chớp mắt. Ở đó, người đọc không chỉ đọc mà còn có thể lên tiếng nói ngay lập tức chứ không chỉ thụ động đọc, nếu có ý kiến thì hên xui được đăng hôm sau, hôm sau nữa - khuôn khổ báo giấy, thời lượng phát thanh phát hình không cho phép đăng thoải mái đến… vô tận như báo mạng, như mạng xã hội.
Lê Thiếu Nhơn: Hai ông đánh giá chất lượng báo chí Việt Nam hiện nay như thế nào, khi phải cạnh tranh với mạng xã hội? Đáng lo hay đáng mừng, vì sao?
Huỳnh Dũng Nhân: Theo tôi chắc là vừa đáng lo vừa đáng mừng. Lo vì báo chí có nguy cơ bị rớt lại phía sau về tốc độ đưa tin. Còn mừng vì có thêm kênh thông tin để tương tác, bổ sung và cạnh tranh, nhìn lại chất lượng công việc của mình. Hiện nay dù mừng hay lo thì báo chí Việt Nam vẫn phải sống chung với mạng xã hội, như người dân Đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ vậy. Biết phối hợp, vận dụng, chọn lựa, điều phối, phát huy thế mạnh mỗi bên, hạn chế mặt chưa được thì sẽ “biến nguy thành cơ”.
Cù Mai Công: Hầu hết báo in hiện nay có thêm trang báo điện tử với tốc độ lên tin bài không kém mạng xã hội. Với tôi, đây là cuộc cạnh tranh thông tin cần thiết và đáng mừng. Vấn đề là chất lượng và độ khả tín, trung thực của thông tin trên các báo mạng ra sao - dù có thể chậm nửa nhịp, một nhịp so với các trang mạng xã hội. Xin nói rõ là nửa nhịp, một nhịp thôi chứ vài nhịp, cả chục nhịp thì cạnh tranh thời gian gì nữa, ai đọc nữa. Ngay chuyện các sư Minh Tuệ, Minh Đạo, Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức… vừa qua, không phải báo nào cũng phản ánh nhanh chóng và đầy đủ - yêu cầu quan trọng nhất của báo chí.
Với tôi, vấn đề quan trọng nhất với một người cầm bút không phải viết ai, viết gì mà viết như thế nào, đúng hay không đúng - từ tư liệu riêng và góc nhìn chủ quan của mỗi tác giả. Còn nửa nhịp, một nhịp đó là cần thiết để tĩnh, để lắng, để bình tĩnh trước thông tin, trước trend (trào lưu). Với kinh nghiệm làm tòa soạn Báo Tuổi trẻ điện tử gần 14 năm, tôi nghĩ đây là thế mạnh, rất mạnh của báo điện tử so với các trang mạng xã hội vốn nhiều thông tin mang tính cảm hứng, tùy tiện; không nguồn, không chứng cứ và ít chịu trách nhiệm.
Lê Thiếu Nhơn:Nhiều thể loại đặc trưng như phóng sự, ghi chép, điều tra… dần dần vắng mặt trên báo chí. Điều này có gì hơi đau xót nhỉ?
Cù Mai Công: Phóng sự, ghi chép, điều tra… luôn mang tính chủ động, độc lập, riêng biệt, có sức thu hút mạnh mẽ trong biển thông tin chung, dù là báo giấy, phát thanh truyền hình hay báo mạng. Vì đó là những thể loại đi sâu, đi riêng của mỗi tờ báo, mỗi tác giả; thấy cái người khác không thấy, nhận ra những luồng chảy riêng, bất ngờ mà người khác chưa khai thác.
Nếu thiếu vắng những thể loại này, với tôi, báo chí thiếu thu hút, nhạt và không có cái riêng. Thậm chí không cần nhiều tờ báo, vì chỉ cần đọc một, hai tờ là đủ rồi. Như nhau hết thì có gì để đọc, chỉ mất thì giờ vốn hiện nay ai cũng có vẻ rất thiếu, rất vội.
Huỳnh Dũng Nhân: Sau công cuộc đổi mới 1986, đất nước có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, cần có thể loại điều tra làm làm sáng tỏ minh bạch nhiều vấn đề, tinh thần đổi mới nói thẳng nói thật đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thể loại báo chí điều tra. Khí chất người làm báo lúc đó còn rất năng động, trong sáng và trung thực, dù nghèo nhưng giữ được bản chất “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” ít bị cám dỗ và bị mua chuộc bớt các thế lực và đồng tiền.
Còn hiện nay nhìn từ các góc độ trên, tình hình đã khác, trừ bạn đọc vẫn háo hức và ủng hộ cổ vũ báo chí điều tra, nhưng vấn đề “thiên thời địa lợi nhân hòa” trong lĩnh vực báo chí cũng có hơi khác trước. Nói riêng về đội ngũ cầm bút, đâu dễ viết điều tra khi “lực bất tòng tâm”, phải chạy theo doanh thu, theo chỉ tiêu của tòa soạn, phải chọn một cách làm báo an toàn và đỡ bị kiện cáo mệt người. Rồi đủ thứ liên quan đến tài chính, nhuận bút, thời gian, các thể loại tác động, muôn hình vạn dạng áp lực… Đó là chưa kể đến điều quan trọng nhất là cái tâm, khí chất, bản lĩnh, trình độ, kỹ năng của phóng viên. Không có nhiều phóng viên ngay từ đầu đã có các yếu tố nghề nghiệp này. Nên số báo, số bài, số người viết điều tra ngày một ít đi là điều dễ hiểu. Dấn thân để làm gì khi họ có thể bị ảnh hưởng đến đủ thứ công việc, quan hệ và gia đình? Nên họ đành chọn các thể loại báo chí phù hợp với mình hơn.
Lê Thiếu Nhơn: Có một thực tế đáng buồn nữa, nếu đọc báo kỹ lưỡng, sẽ nhận thấy rất nhiều bài báo na ná nhau, vì đều xuất phát từ thông cáo báo chí của tổ chức nào đó. Thực trạng này, làm sao để khắc phục?
Huỳnh Dũng Nhân: Chính tôi khi tổ chức các sự kiện của tôi, tôi cũng không muốn viết thông cáo báo chí. Tôi biết có nhiều phóng viên đi muộn về sớm, chỉ lăm lăm lấy thông cáo báo chí và… phong bì, không ở lại khai thác thông tin gì hết (xin lỗi anh chị em nào không như thế) rồi về, dựa vào thông cáo báo chí mà viết. Có người còn không thèm viết lại, mà bê nguyên cái thông cáo báo chí vào bài nghiễm nhiên coi như sản phẩm của mình.
Vì thế những bài báo ấy “na ná giống nhau” là thực tế đáng buồn, vì nó được sinh ra từ một lò và sự lười biếng nào đó. Viết tin sử dụng thông cáo báo chí thì còn hiểu được. Chứ viết bài mà bê thông cáo báo chí vào kín cả bài viết thì không nên. Một ngày phóng viên chạy ba bốn sô sự kiện họp hành thì thời gian đâu mà viết lách nữa.
Cù Mai Công: Không chỉ là việc na ná nhau mà còn là thiếu bản sắc, thiếu tư duy độc lập riêng trước một sự kiện, một vấn đề. Với tôi, đó là những bài truyền thông, không phải bài báo. Một bài truyền thông thì ai cũng biết rồi, thông tin được định hướng bởi nơi chủ động cung cấp thông tin. Họ sẽ không cung cấp cho nhà báo những thông tin bất lợi cho họ; tính xác thực - khả tín không cao. Báo chí ai cũng biết, không được một chiều, “tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng”. Thông tin toàn một đường, không lật ngược lật xuôi, không phản biện, người đọc bình thường thoáng đọc cũng biết. Biết nên bảo họ tin cũng khó.
Từng làm báo điện tử nhiều năm, tôi biết những “tin bài” kiểu này, lượng người đọc thường rất thấp. Các tờ báo điện tử lẫn báo giấy hiện nay cũng biết hết và họ sẽ dần dà tự chủ động khắc phục bằng cơ chế đối xử với lượng truy cập, với tin bài copy - past.
Vấn đề còn lại, xin nói thật: có những tác giả không cần nhuận bút tin bài đó mà… Thôi, tôi không nói, người làm báo nào cũng biết, cơ quan quản lý các nhà báo nào cũng biết. Và cái này thuộc về lương tâm, đạo đức nhà báo.
Lê Thiếu Nhơn: So với cách đây 20-30 năm, phương pháp tác nghiệp của phóng viên hôm nay rất khác. Thậm chí, báo chí đa phương tiện đang tạo ra một dạng phóng viên "tay năm tay mười" vừa viết bài, vừa chụp ảnh, vừa ghi âm, vừa quay phim, vừa dựng phim… Sự đa năng ấy, nhìn bằng kinh nghiệm của hai ông, có gì bất cập không?
Huỳnh Dũng Nhân: Hồi tôi học báo chí cách đây 40 năm, cả lớp lên phòng ảnh ký tên mượn máy ảnh, thay nhau đi chụp. Hồi tôi công tác ở tờ báo nọ, phóng viên mượn máy, nhận phim, chỉ tiêu chụp 6 tấm phải có một tấm được đăng báo. Đi công tác về phải nộp cả máy ảnh lẫn phim… Bây giờ nhà báo trăm phần trăm có điện thoại thông minh, laptop xịn, xe máy ngon, thậm chí nửa số phóng viên tòa soạn có xe hơi riêng… Làm báo đa phương tiện là cần có những trang bị đó. Một cái điện thoại xịn bây giờ cũng có thể làm một tờ báo rồi.
Phải cảm ơn cuộc sống đã khá hơn thời “thắt lưng buộc bụng” làm báo xưa kia. Cảm ơn những bước tiến nhảy vọt của thế giới công nghệ thông tin. Nhưng làm báo bây giờ “tay năm tay mười” về phương tiện, nhưng có lẽ phóng viên cần làm việc nhiều hơn bằng đôi mắt quan sát, con tim chia sẻ và khối óc tỉnh táo, trung thực nữa. Nhưng đa năng thì cũng nên có thế mạnh chính. Cha ông ta từng nói “trăm hay không bằng tay quen” mà.
Cù Mai Công: Việc phân nhiều vai, không chuyên tâm vô một công việc, với tôi, sẽ khó có một nội dung nổi bật. Nó ngược lại với tính chuyên nghiệp của mọi ngành nghề, không chỉ báo chí. Chỉ có thể chấp nhận làm công việc nhiều vai này trong trường hợp cấp thiết, bất khả kháng vì không phải lúc nào cũng có hai, ba phóng viên cùng có mặt. Chẳng hạn như dự họp báo định kỳ, bình thường thì có gì phải đi hai, ba, bốn… người.
Khi còn làm Báo Tuổi Trẻ, tôi phản ứng rất mạnh hiện tượng một buổi họp báo rất bình thường, không có vấn đề quan trọng mà đi bốn, năm phóng viên. Tôi nói thẳng: “Ban X. đó dư phóng viên quá! Chuyện một cái tin vài trăm chữ mà ký ba, bốn tác giả là không bình thường, là dựa dẫm nhau, là kém duyên”.
Lê Thiếu Nhơn: Trước đây, đọc những bài báo của thế hệ hai ông, độc giả lập tức nhớ ngay. Không chỉ nhớ tác giả, còn nhớ cả chi tiết hay cách diễn đạt. Điều gì để tạo ra kết quả đó? Tài năng thiên phú hay sự dấn thân, sự cống hiến?
Huỳnh Dũng Nhân: Đặt câu hỏi đúng là đã trả lời một nửa. Hồi xưa chúng tôi đọc các nhà báo nhà văn đàn anh, đọc nhau là học nhau cách tác nghiệp, tinh thần làm việc, cái hay trong thể hiện. Ai cũng có điều hay để đọc, để nhớ.
Chúng ta đã bị câu “chủ nghĩa tập thể” tác động quá nhiều vào công việc, kể cả viết lách. Nó làm ảnh hưởng đến phong cách cá nhân. Các tác phẩm xưng Tôi thường dễ đọc hơn các tác phẩm xưng Chúng ta. Vì thế bạn đọc thường nhớ những tác phẩm có sự tham dự của phong cách, có dấn thân, có chiều sâu và sự cống hiến. Còn cái gọi là “tài năng thiên phú” trong nghề cầm bút không phải dễ kiếm, bất kể thời kỳ nào …
Cù Mai Công: Một góc cạnh bản chất nhà báo, như văn nghệ sĩ: phải có cái riêng, gồm cả văn phong. Muốn có cái riêng thì đi riêng. Để có góc nhìn riêng, tư liệu riêng, nhận định riêng, không lệ thuộc ai. Không chỉ báo chí, mọi ngành nghề kinh doanh, kể cả thời trang này nọ, sự khác biệt luôn là một trong nhưng yếu tố quan trọng tạo nên thành công, tạo nên tên tuổi. Khi làm tòa soạn Tuổi Trẻ, tôi luôn nói anh em: ra đường, sống với cuộc đời và cuộc sống. Vô vàn tư liệu, chi tiết riêng sống động ngoài đó mà chỉ ra đó ta mới thấy, từ góc nhìn cá nhân của ta.
Giờ tôi xin tiết lộ, dù viết trên dưới 200 phóng sự, phóng sự điều tra, ghi nhận về Sài Gòn đêm với đua xe, ma túy, mại dâm, sàn nhảy quán bar, được in trong sáu tập sách “Sài Gòn by night” (1997-2002) nhưng tôi chưa một ngày là phóng viên nội chính, tức chưa bao giờ tôi được cơ quan chức năng (như tòa án, công an…) cung cấp tư liệu. Gần như 100% là tư liệu tôi sống và nắm bắt ở đó.
Tôi cầm 500.000 đồng của cơ quan đạp xe đạp từ quận 1 đến quận 8 mua heroin làm chứng cứ. Tôi theo đoàn đua mấy ngàn xe trong đêm Sài Gòn hồi cuối thập niên 1990 chứ không theo xe cảnh sát giao thông. Có lần tôi bị bắt vô trụ sở Đội Bồ câu trắng (Đội Tuần tra giao thông) gần hồ Con Rùa. Trung tá đội trưởng Trương Văn Thuyết ra thấy tôi ngồi thu lu trong nhóm quái xế bị bắt, trợn mắt: “Sao lại ngồi đây?”. Tôi bảo: “Dạ, em theo đua xe”. Anh Thuyết bảo: “Sao không trình thẻ nhà báo?”. Tôi thưa: “Trình thẻ nhà báo, dân đua biết, họ quất em liền”.
Đêm 11 rạng 12/8/2001, nổ ra vụ bắn nhau ở vũ trường Metropolis giữa nhóm A Lý và nhóm Hồ Việt Sử, một người chết, chỉ có tôi là phóng viên có mặt ở đó. Mấy tháng sau, sau điều tra, Công an mới họp báo công bố chủ mưu và thủ phạm. Nhưng ngay sau đó, Tuổi Trẻ đã lên bài: “Bóng tối tội ác và kẻ chủ mưu A Lý”. Tôi không chủ quan mà đã theo mâu thuẫn hai bên này cả tháng, nhiều đêm…
Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình thiên phú hay dấn thân. Tôi nghĩ mình muốn rõ sự thật từ chính góc nhìn thực tế của mình, không qua chức năng - thường theo góc nhìn của họ. Tôi không muốn phản ánh qua phản ánh, thiếu cái riêng rất cần thiết, rất quan trọng trong nghề báo. May mắn là hàng chục năm làm mảng “ngoài luồng”, chưa một lần tôi phải đính chính, cải chính, xin lỗi…
Lê Thiếu Nhơn:Tác phẩm báo chí của hai ông sau khi đăng báo, còn được in thành sách và tái bản nhiều lần. Với sự nghiêm túc, hai ông nghĩ gì về những bài báo đáng đọc hơn một lần?
Huỳnh Dũng Nhân: Sách là cánh tay nối dài của những bài báo được chọn lọc. Sách làm tăng tuổi thọ của những bài báo từng gây tiếng vang. Bài báo sống ngắn ngủi, đơn lẻ. Nhưng sách làm nó tồn tại lâu hơn, có hệ thống hơn. Giúp bạn đọc nhìn thấu đáo, có những so sánh và có sự thẩm định dễ hơn. Khi cần nghiên cứu, cần tìm lại tư liệu về giai đoạn nào đó, bạn đọc có thể hình dung ra lịch sử giai đoạn đó.Vừa qua, tôi có in “Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút” gồm các tác phẩm chọn lọc tiêu biểu nhất của tôi. Tôi không thống kê tổng hợp tất cả mà chọn ra những tác phẩm tôi tâm đắc nhất trong các loại hình phóng sự, truyện ngắn, thơ, tản văn, thơ phổ nhạc, tranh vẽ chân dung, ảnh nghệ thuật… Bạn đọc gần đây ít có điều kiện đọc sách báo , chỉ với quyển tuyển tập này, có thể hình dung ra quá trình làm việc của tôi trong 70 năm cuộc đời và 50 năm cầm bút.
Cù Mai Công: Ngay sau đổi mới vài năm, trước sự thay đổi dữ dội của xã hội, trong phạm vi là phóng viên ban Thanh Niên của báo Tuổi Trẻ, tôi đã có ý định: cố gắng hình dung và ghi nhận sinh hoạt vui chơi của giới trẻ Sài Gòn, từ ăn mặc, thời trang đến sàn nhảy quán bar… những năm cuối thế kỷ 20 và mấy năm đầu thế kỷ 21. Ngay lúc ấy, tôi đã nghĩ và chia sẻ với nhiều đồng nghiệp: “Hy vọng 50, 100 năm nữa, người ta muốn biết giới trẻ Sài Gòn thời kỳ vui chơi, ăn chơi trong đêm ra sao”.
Hàng trăm bài viết chuyên đề về tuổi mới lớn, tuổi học trò trên báo Mực Tím từ 1988 - 1993 của tôi là vậy mà tôi đã tập hợp trong tập “Tuổi mực tím Sài Gòn”, ngay lần đầu in 7.000 bản. Về Tuổi Trẻ, tôi tiếp tục mảng nội dung này, sáu năm 1997 - 2002, mỗi cuối năm in một tập; mỗi tập in từ 10.000 - 17.000 bản và chỉ in một lần, bán trên sạp báo chứ không lên quầy sách. Chỉ một, hai tuần là hết. Thuộc nhóm sách best seeler suốt sáu năm liền ở TP.HCM. Nhưng tôi dứt khoát không tái bản. Lý do, sách tôi dạng thời sự.
Những bài viết đầu tiên của tôi về Sài Gòn đêm (1993, 1994…) đã trên dưới 30 năm. Nhìn lại thấy sinh hoạt đêm của giới trẻ Sài Gòn lúc ấy ngô nghê. Nhưng là hình ảnh ngô nghê mà tôi cố gắng ghi nhận chân thực nhất trong khả năng của mình. Có lẽ vì vậy, gần đây có khá nhiều đề nghị tôi tái bản bộ sách này. Trên dưới 30 năm, cũng có thể coi là một Sài Gòn đêm xưa nhỉ?
Lê Thiếu Nhơn: Theo hai ông, cảm xúc có quan trọng với người viết báo không? Hay chúng ta chỉ cần đưa tin và phản ánh như một người ngoài cuộc?
Huỳnh Dũng Nhân: Xin cảm ơn một câu hỏi hay! Trước đây, trong quá trình giảng dạy, tôi cũng thường suy nghĩ và hơi băn khoăn khi dùng từ “sáng tạo”. Mà sáng tạo và cảm xúc thường chỉ có trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Còn báo chí, nhưng chúng ta đã biết, là liên quan đến “sự thật khách quan” mà đã khách quan thì ta phải đưa tin viết bài trung thực, không để cảm xúc cá nhân chi phối, không để sự “sáng tạo” làm thay đổi bản chất của sự thật, của vấn đề.
Theo tôi, với kinh nghiệm gần 50 năm cầm bút và 40 năm chuyên viết phóng sự, tôi cho rằng, riêng với thể loại phóng sự, cần có cảm xúc trong cách nhìn nhận đề tài, nhân vật, sự việc, và có sáng tạo trong bút pháp, nhưng có chừng mực nhất định để không để biến một bài báo thành một bài văn.
Cù Mai Công: Có một câu nói thuộc dạng chân lý của nghề báo: “Trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Ai cũng biết không cảm xúc khó theo nghề báo, hay nghiệp báo thì đúng hơn. Tới giờ tôi vẫn thấy nghề báo vất vả, kham khổ nhiều gấp bội vinh quang và tôi luôn căng thẳng, “run sợ”, chưa bao giờ thấy dễ dàng khi bắt đầu một bài báo.
Vấn đề là ở đây: cố kềm nén cảm xúc để nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn toàn cảnh để bài viết của mình không để cảm xúc của mình chi phối, sẽ khó khách quan. Người ta có thể thích đọc những bài cảm xúc nhưng tin hay không lại là chuyện khác.
Lê Thiếu Nhơn: Muốn báo chí giữ chân bạn đọc, và nhà báo khác biệt những đối tượng xưng danh “người sáng tạo nội dung số”, thì bây giờ chúng ta phải cần những tiêu chí gì?
Cù Mai Công: Dù thay đổi thế nào, từ báo chí kiểu cổ điển đến báo chí thời đại số, thì sức hấp dẫn, thu hút bạn đọc lớn nhất của báo chí vẫn một tiêu chí: khách quan và trung thực. Khi làm Báo Tuổi Trẻ, tôi hay nói với anh em: “Xã hội nào, chế độ nào cũng có những bí mật cần có thời gian giải mật. Nhưng nếu có những chuyện chưa viết được thì không viết, khoan viết, chứ đừng viết sai sự thật, viết một nửa sự thật”. Báo chí sẽ chết trong lòng bạn đọc nếu thiếu vắng sự thật.
“Đừng viết sai sự thật, viết một nửa sự thật. Báo chí sẽ chết trong lòng bạn đọc nếu thiếu vắng sự thật”,
Huỳnh Dũng Nhân: Muốn giữ chân được bạn đọc thì báo chí phải đem đến thứ mà bạn đọc cần. Đó là thông tin nhanh nhạy, trung thực và chính xác. Đừng để công nghệ số can thiệp và tác động vào công việc của mình quá nhiều. Nhà báo khác người “sáng tạo công nghệ số” ở chỗ không câu view. Hãy giúp bạn đọc đặt tờ báo của mình ở đầu giường, chứ không phải cất trên đầu tủ.
Lê Thiếu Nhơn: Thử đặt một giả thiết, nếu trở lại tuổi thanh xuân và được tác nghiệp trong điều kiện báo chí thập niên thứ hai của thế kỷ 21, thì hai ông sẽ chọn lựa con đường ra sao?
Cù Mai Công: Năm 2002, sau hai năm rưỡi làm tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Cười, từ vị trí chuẩn bị thay anh Lê Văn Nghĩa phụ trách Báo Tuổi Trẻ Cười, tôi xin về phóng viên, đoạt liên tiếp nhiều giải báo chí. Chị Thủy Cúc nổi tiếng với loạt “ký sự pháp đình” lúc đó nói yêu: “Cơ quan này chỉ em ngu như vậy”. Về phóng viên vài năm, cơ quan lại yêu cầu, điều tôi về tòa soạn lại. Anh Nguyễn Đức Thông (nhà văn Nguyễn Đông Thức) buột miệng nói với tôi: “Tuổi Trẻ lại mất một cây bút giỏi”.
Vậy nên, làm tòa soạn nhưng tôi vẫn cứ tranh thủ ra đường để viết hàng trăm bài, in trong hai tập “Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương” và ba tập “Dân Ông Tạ đó”. May mắn là năm tập này hơn ba năm nay tái bản mấy lẩn, in tổng cộng 32.000 bản.
Ngay viết Facebook, anh em mình đọc chắc cũng thấy: toàn những tư liệu, chi tiết, hình ảnh ngoài đường mà tôi chụp và viết cẩn thận, nghiêm túc như như viết báo. Vì tôi coi đó là những bài báo. Thực tế thời đại hôm nay cho thấy tin bài có nhiều kênh để phát hành mà mạng xã hội là một trong những kênh ấy. Và bên cạnh những thông tin kiểu ngoa ngôn truyền ngôn không hay, tiêu cực, bịa chuyện…, không thể phủ nhận có những thông tin trên mạng hiệu quả rõ ràng, góp phần tích cực cho xã hội và cuộc sống. Đó không phải là báo chí thì là gì?!
Huỳnh Dũng Nhân: Trong tâm tưởng, tôi luôn nhớ về tuổi thanh xuân, nhớ về thời kỳ non nớt bắt đầu làm báo. Thời nào cũng có điều tuyệt vời của nó. Nhưng nếu bây giờ tôi lại được làm báo? Người ta bảo “Nếu chữ Nếu thành sự thật thì người ta đã có thể bỏ Paris vào một chiếc lọ”. Nhưng cũng xin trả lời, nếu bây giờ lại được cầm bút, tôi vẫn viết được, nhưng chắc thua một số đông đồng nghiệp, trong cả lĩnh vực làm báo và viết báo.