Bà là kiến trúc sư Nguyễn Nga, một Việt kiều sống giữa Paris hoa lệ đã 50 năm nhưng luôn đau đáu hướng về Hà Nội, về quê cha đất tổ.
Buổi chiều mùa đông, nắng vàng rực rỡ, tôi gặp bà trong một quán cà phê ở Hà Nội. Với nét mặt rạng rỡ, bà thông báo với tôi rằng Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên đã đi được 90% chặng đường. Một chặng đường đầy khổ ải, gian truân, thậm chí bà đã phải bán ba tài sản có giá trị nhất của mình, chia tay người chồng để cứu cây cầu huyền thoại.
Bà kể: “Câu chuyện bắt đầu từ năm 1989, năm tôi trở về thăm Hà Nội, sau 35 năm sống và học ngành kiến trúc quy hoạch đô thị ở Paris, Pháp. Khi tôi đi xe đạp qua cầu Long Biên, có một đoàn tàu hỏa chạy qua, cả cây cầu bỗng rung lên như một con rồng đang thức dậy. Điều đó đã khiến bao cảm xúc dâng trào trong tôi về một cây cầu già nua mang trên mình kí ức và thương tích của một thời đạn bom, một thời hòa bình. Cây cầu là chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc suốt thế kỉ XX.
Cầu Long Biên có chiều dài bằng đúng đại lộ Champs Elysee, ra đời sau tháp Eiffel của Pháp hơn 10 năm (năm 1889) và là cây cầu lớn nhất nhì thế giới lúc bấy giờ. Cầu Long Biên đã đưa Hà Nội qua một bước ngoặt mới vì đã thay đổi giao thông từ đường sông sang đường bộ. Và có đường bộ mới có đô thị. Có thể nói, cầu Long Biên đã góp phần tạo nên diện mạo đô thị của Hà Nội như ngày hôm nay.
Năm 2007, sau khi làm một số dự án lấy tài trợ từ nghị định thư Pháp Việt (ODA) tôi đầu tư vào văn hóa và mở Ngôi nhà Nghệ thuật (Maison des Arts) ở 31A Văn Miếu, Hà Nội. Một vị lãnh đạo ở cơ quan phát triển kinh tế Pháp (AFD) có đến gặp tôi và thông báo: “Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của hai Tổng thống Pháp là François Mitterand và Jacques Chirac, Pháp có đề nghị hỗ trợ Việt Nam 60 triệu euro (ODA) để cải tạo cầu Long Biên nhưng đã gần 6 năm phía Việt Nam chưa trả lời”.
Ông hỏi tôi đánh giá xem có còn hy vọng hay không cho việc cải tạo cầu Long Biên. Nếu không, số tiền đó sẽ được chuyển vào việc khác. Thời ấy, khi Hội An vừa được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, tôi đã bỏ ra 5 năm để thực hiện dự án bảo vệ môi trường cho phố cổ Hội An mà chỉ nhận từ quỹ ODA (Pháp) hơn 10 triệu euro.
Nay Pháp thiết tha đề xuất gói 60 triệu euro nên tôi xung phong vào cuộc để số tiền ấy không bị cắt đi. Nhận lời vào cuộc, tôi mới biết năm 2006 đã có quyết định tháo dỡ cầu Long Biên. Lúc đó Chính phủ ta cũng như nhiều người dân nhìn cầu Long Biên tang thương do chiến tranh tàn phá, chỉ muốn tháo ra, làm cây cầu mới cho hoành tráng. Không ai nhìn ra giá trị cốt lõi của cây cầu.
Tôi trăn trở suy nghĩ làm thế nào giữ lại cầu Long Biên khi đã có quyết định tháo dỡ? Tôi cứ đi đi lại lại trên cầu và một ý tưởng vụt lóe sáng, kêu gọi cả thế giới vào cuộc bằng cách tổ chức festival 100 năm ký ức cầu Long Biên, về Hà Nội - một thời đạn bom, một thời hòa bình. Tôi đã chia sẻ ý tưởng với các nhà báo tại Ngôi nhà Nghệ thuật. Báo An ninh Thủ đô đăng bài tựa đề "Con rồng đang thức dậy", rất nhiều báo khác cũng đăng tải thông tin. Sức mạnh truyền thông của báo chí đã giúp tôi rất nhiều.
Và ý tưởng đó đã được sự ủng hộ của UBND TP Hà Nội. Tôi dự định phải có 1 triệu đô la Mỹ mới tổ chức được Festival thì một công ty chuyên vận động tài trợ gặp hứa sẽ làm được. Tuy được nhiều người ủng hộ nhưng có một nhóm phá đám, dọa nạt khiến cho công ty đó hoảng quá, buông luôn. Lúc đó, còn 3 tháng nữa thì đến Festival, không có tiền làm sao để tổ chức đây?
Tôi bắt đầu hoang mang bởi không có tiền, không có chồng ở bên để giúp đỡ, không muốn nhưng chắc là sẽ phải bỏ thôi. Vừa có suy nghĩ như thế thì cửa phòng bỗng bật mở, nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành và vợ là Kim Thái bước vào, nói rằng chúng tôi vừa xem hầu đồng về và có một thông điệp cho cô. Thế là họ đưa tôi một tờ giấy A4 gấp lại làm bốn. Khi họ về, tôi mới mở tờ giấy đó ra, bên trong có mấy dòng chữ viết tay gửi cho Nguyễn Nga, nói đây là sứ mệnh của cô, bắt buộc phải làm và khi ở lại làm sẽ có rất nhiều người giúp đỡ, sẽ làm được và không được bỏ cuộc. Ký tên một nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Phải hiểu thế nào đây bởi tôi là dân học trường đầm của tây, vốn không tin vào những điều tâm linh nhưng nó lại đến vào ngay lúc mình định bỏ cuộc thì cũng thấy như có niềm an ủi gì đó. Mấy ngày sau tôi lại tìm nhà điêu khắc Lê Công Thành vì nghi ông viết mấy dòng chữ đó, mang theo hồ sơ Fesstival cầu Long Biên. Khi ông xem xong hồ sơ bảo thẳng rằng không thể nào cô làm được việc lớn này đâu. Tôi mới đưa cái giấy hầu đồng cho ông bảo rằng tại sao mấy hôm trước lại đưa cho tôi. Ông mở ra, càng đọc càng thấy tái mặt rồi đi vào phòng, đóng sầm cửa không nói năng gì. Lúc đó tôi mới nghĩ là không phải do ông viết. Tôi ra về và quyết tâm ở lại Việt Nam để làm.
Thế rồi có người đến bảo phải dẫn tôi đi gặp một người. Tôi đi theo, người cần gặp là thầy Thích Huyền Diệu vừa từ Nepal về. Tôi đưa dự án của mình cho thầy đọc, ông mới bảo hay quá, làm thành công sẽ cho Hà Nội một mỏ kim cương để khai thác du lịch. Rồi ông gọi nhiều Phật tử ở trong Nam ra mua hương hoa tới cầu Long Biên làm một lễ để vừa đi bộ vừa rải hoa cầu nguyện cho dự án được thành hình.
Tới tận sát Festival tôi vẫn chưa thực sự tin là tổ chức được cho đến tận ngày 10 tháng 10 năm 2009 lên cầu Long Biên thấy tưng bừng hoa lá khai hội. Để tổ chức Festival, tôi kêu gọi giới văn nghệ sĩ ủng hộ 100 bức tranh về cầu Long Biên, 1.000 bức ảnh và hơn 20 loại hình nghệ thuật khác nhau. Festival “Kí ức cầu Long Biên” đã diễn ra trong 2 ngày với hàng chục ngàn người tham dự”.
Chọn ở lại để cứu cây cầu Long Biên bà đành gác lại hạnh phúc riêng của mình, chia tay người chồng Pháp Daniel Roussel - đạo diễn bộ phim “Cuộc chiến giữa hổ và voi” nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ, để tạo hạnh phúc cho hàng triệu người yêu quý cây cầu huyền thoại này.
Bà kể tiếp, có ba việc khiến mình ấn tượng về buổi Festival đó. Thứ nhất, khi lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ quốc tế, có tới 69 quốc gia đang bang giao với Việt Nam mang cờ nước họ tới cắm trên cầu Long Biên và dòng chữ hòa bình trong mọi thứ tiếng.
Thứ hai, trong lễ khai mạc, các đại sứ hòa cùng các lãnh đạo và người dân đi bộ vì hòa bình hết chiều dài cây cầu huyền thoại. Thứ ba, các hãng truyền thông lớn của thế giới như BBC, CNN, NHK, FRANCE TELEVISION… đến quay phim, chụp ảnh, đưa tin.
Qua hai kì tổ chức Festival năm 2009, 2010 nhân kỉ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng của Hà Nội, của một dân tộc bất khuất, độc lập và yêu chuộng hòa bình: “Năm 2008 tôi đã phác thảo Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên gửi cho tổ chức tài chính AFD của Pháp. Họ đánh giá rất cao dự án. Tuy nhiên, nó cần được Chính phủ Việt Nam chính thức trình lên Chính phủ Pháp để được duyệt gói tài trợ và thực hiện.
Khó khăn đầu tiên đến từ phía Việt Nam. Vì cầu Long Biên thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải lại nằm trên địa bàn Hà Nội do đó không có sự nhất quán trong quyết định về tương lai của nó. Khó khăn thứ hai là năm 2014, nhân kỉ niệm 40 năm hợp tác Pháp - Việt, cơ hội cuối cùng để thưc hiện ODA cho Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên, tôi đã chuẩn bị thực hiện Festival cầu Long Biên lần thứ ba mang tên “Festival văn hóa các dân tộc vì hòa bình”.
Kế hoạch nhận được sự ủng hộ từ Văn phòng Chính phủ đến 70 Đại sứ quán các nước có mặt ở Hà Nội. Tuy nhiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Hà Nội khi đó không đồng tình vì đã đưa ra với Bộ Giao thông Vận tải ba giải pháp nhằm tháo dỡ, di dời và xây mới cầu Long Biên để phục vụ giao thông. Ba giải pháp trên khi đăng báo đã dùng hình ảnh của Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên làm tôi rất lo lắng. Ngay trong đêm, tôi hướng dẫn thư ký soạn thảo thông cáo báo chí, tới 4 giờ sáng hoàn thành, gửi luôn cho rất nhiều báo, đài, truyền hình.
Thông cáo nêu rõ: “… Ngày mai mọi người có thể không còn thấy cầu Long Biên nữa, ba phương án bảo tồn này thực chất không phải là bảo tồn mà là tháo dỡ, di dời…”. Tôi được mời đến trường quay VTV1 trực tiếp giải thích rõ về Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên với cả nước. Ba ngày sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp Chính phủ, thông báo để nguyên hiện trạng cầu Long Biên vì sẽ nhận được sự giúp đỡ, tài trợ của Pháp. Đó là lần thứ hai tôi cứu được cầu Long Biên”.
“Cách đây 3 năm, từ Paris, Pháp tôi nhận được lời mời về Hà Nội trình bày Dự án trước đại diện các sở, ban, ngành, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì. Ông rất hào hứng và giao cho quận Hoàn Kiếm triển khai 131 vòm cầu cạn (là 1 trong 6 hạng mục của dự án).
Ông cho biết Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo nên không nhận được nguồn tài trợ từ ODA nữa, cần đi theo hướng xã hội hóa theo hình thức đầu tư công tư PPP. Và giao Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội làm đầu mối cùng tôi nghiên cứu để triển khai dự án. Tôi đi theo hướng đó. Sau ba kì họp với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tôi đã gửi hơn chục bộ hồ sơ dự án tới các sở, ban, ngành liên quan lấy kiến và tới nay không có phản đối.
Cách đây hai năm, Dự án được Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài trình bày trước nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Văn phòng Chính phủ đã ra công văn cho phép kiến trúc sư Nguyễn Nga mang Dự án đi triển lãm ở Venice Biennale (Ý) để quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua biểu tượng cầu Long Biên. Đồng ý cho xã hội hóa dự án, đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng để tiếp nhận đầu tư.
Cách đây một năm, nghiên cứu tiền khả thi Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên đã được hoàn thiện với Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải thuộc Bộ GTVT. Dự án cũng đã được trình bày với đại sứ Pháp mới được bổ nhiệm tại Việt Nam.
Trong dịp gặp chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa nhậm chức, ông đã trình bày Pháp vẫn rất quan tâm, giúp Việt Nam khôi phục cầu Long Biên như nguyên bản ban đầu. Trong chuyến đi thăm Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức đặt vấn đề Việt Nam mong Pháp giúp bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên.
Năm nay, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập đến công trình cầu Long Biên - một biểu tượng của quan hệ Việt-Pháp. Chủ tịch Quốc hội cho biết Hà Nội rất mong muốn cải tạo cây cầu này trở thành cầu đi bộ, một không gian văn hóa; đề nghị phía Pháp nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ thực hiện ý tưởng này.
Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, phía Pháp đã có chủ trương hợp tác với Việt Nam để tôn tạo di sản này từ rất lâu và bây giờ cần phải cụ thể hóa để thực hiện. Đó cũng chính là nội dung Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên của tôi. Vậy là dự án túc tắc đi chậm nhưng giờ đây nó đã đi được 90% rồi.
Từ 2007 đến giờ là 15 năm tôi theo đuổi Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên. Đã đến lúc để cây cầu trở thành một bảo tàng kí ức thế kỉ XX. Đã đến lúc chúng ta cần phải tìm cho cây cầu Long Biên những giá trị mới lớn hơn nhiều giá trị hiện có. Với giá trị vốn có là một cây cầu nổi tiếng thế giới, nó chứa đựng đầy ắp những kí ức hào hùng của dân tộc. Chúng tôi nghiên cứu chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế xã hội cao hơn.
Cầu Long Biên của Hà Nội, tháp Eiffel của Paris và tượng Nữ thần Tự do của New York cùng là tác phẩm của người Pháp những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Trong khi các công trình kia đang là những điểm nhấn nổi tiếng về du lịch văn hóa thì cầu Long Biên lại ngày càng xuống cấp, tàn tạ, bị lãng quên.
Cầu Long Biên nếu được phát triển thành một hệ thống bảo tàng kí ức, bảo tàng nghệ thuật đương đại nằm trên dòng sông sẽ là một bảo tàng đặc biệt, có một không hai trên thế giới. Nó còn có dải cầu dẫn 816 m/131 nhịp vòm xuyên qua phố cổ và chợ Đồng Xuân, khi được giải phóng khỏi chức năng giao thông đường sắt, chúng tôi sẽ thiết kế thành một công viên trên cao cho thành phố như kinh nghiệm của công trình Viaduc Des Arts ở Paris hay công viên Hight Line ở New York.
Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 310 ha đã được Chính phủ quyết định là khu sinh thái, lá phổi xanh của thành phố tương tự như công viên trung tâm Central Park ở New York, khi kết hợp với cầu Long Biên tạo thành một không gian mở đan xen với các không gian đô thị hiện hữu của phố cổ sẽ làm nên một cảnh quan tuyệt đẹp của Thủ đô.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng tuyến xe điện bánh hơi với tiếng leng keeng gợi nhớ hình ảnh các tuyến xe điện năm xưa, kết nối các tuyến du lịch phố cổ, hoàng thành Thăng Long, lăng Bác. Tuyến ca nô du lịch trên sông Hồng sẽ khơi thông nhánh sông chết, cải tạo môi trường xanh, sạch, cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương.
Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, cải tạo lối lên xuống cầu và nhà đón tiếp khách, gia cố cải tạo cầu Long Biên khi vẫn còn giao thông đường sắt. Mở rộng hệ thống vỉa hè và mặt cầu đường bộ hai bên các nhịp dầm Pháp cũ. Xây dựng khu vọng lâu hai bên cầu, khu vực bãi giữa để lấy chỗ làm việc cho Ban quản lý dự án và làm nơi dừng chân cho du khách. Xây dựng hệ thống xe điện kết nối các địa danh lịch sử trên các tuyến phố cũ, phố cổ và trung tâm thành phố với cầu Long Biên.
Giai đoạn hai bảo tồn, khôi phục và cải tạo cầu Long Biên khi đã dỡ bỏ giao thông đường sắt sang cầu mới bao gồm: Khôi phục lại toàn bộ các nhịp cầu đã mất theo hình dạng ban đầu và nâng cao lên 3,2 m. Chuyển đổi chức năng các nhịp này thành hệ thống bảo tàng kí ức, bảo tàng nghệ thuật đương đại, gallery, nhà hàng, quán café. Hệ thống bảo tàng sử dụng các công nghệ năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện dòng chảy sông Hồng, sử dụng các vật liệu tiên tiến như kính chịu lực thông minh, áp dụng hệ thống điều khiển và quản lí tòa nhà thông minh, công nghệ thực tế ảo trong trưng bày cho khách tham quan bảo tàng.
Cầu Long Biên được bảo tồn và cải tạo cho chức năng văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và du lịch sẽ được đầu tư, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để trở thành biểu tượng của Hà Nội, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Bảo tồn và cải tạo các nhịp nguyên thủy phía nam thành bảo tàng đường sắt, kết hợp với trưng bày hiện vật, tổ chức dịch vụ. Cải tạo 480m cầu dẫn lên cầu chính thành đường trên cao. Cải tạo ga Long Biên nam và đường dẫn xuống cầu thành các điểm đón tiếp khách du lịch. Cải tạo và mở rộng các nhịp nguyên thủy phía bắc thành vườn treo. Xây dựng bãi xe ngầm phía nam và phía bắc.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, trong đó ngoài nguồn vốn tự có của nhà đầu tư còn có vốn vay ưu đãi của Chính phủ Pháp. Dự án sau khi hoàn thành dự kiến sẽ thu hút khoảng 12 đến 15 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và sẽ đem lại nguồn thu hàng chục triệu đô la Mỹ.
Dự án còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động, thúc đẩy việc quy hoạch, chuyển đổi bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của thành phố và khai thác tuyến du lịch trên sông Hồng bằng cách cải tạo, khơi thông nhánh sông chết. Hà Nội sẽ thật sự đặt chân vào thế kỉ XXI ngay khi cây cầu Long Biên tìm lại được ánh hào quang của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Thủ đô Hà Nội sẽ cất cánh và khẳng định tầm quan trọng của mình đối với thế giới”…
Kiến trúc sư Nguyễn Nga đã theo đuổi dự án cầu Long Biên từ 2007 đến nay với nhiều thăng trầm. Giai đoạn đầu bà còn làm một số việc với các công ty Pháp, còn có sự ủng hộ nhưng sau mấy năm thấy chưa vào cuộc được thì họ rút. Lúc đó một là phải buông, hai là tiếp tục, bà quyết định bán đi ba tài sản có giá trị nhất của mình. Thứ nhất là khoản tiền tiết kiệm gần 100.000 euro tương đương hơn 2 tỉ đồng. Thứ hai là một căn nhà giá 520.000 euro tương đương hơn 13 tỉ đồng. Thứ ba là bức tranh sơn mài kỷ niệm giá 390.000 euro tương đương hơn 10 tỉ đồng.