Người luôn đi thẳng vào 'tâm bão'

Tôi gặp anh Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn lần đầu tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam vào cuối tháng 9/2019. Lúc đó, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, giá lợn xuống tận đáy, khiến nhiều người tán gia bại sản. Thế mà, ông “vua” trang trại gà lạnh Đông Nam bộ lại tuyên bố sẽ hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) khởi công tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trị giá 1.500 tỷ đồng tại Đăk Lăk.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam từng nói: “Nếu đi vào đúng tâm bão thì chúng tôi sẽ an toàn, còn nếu đi vào rìa bão thì cơn bão đó sẽ hất văng hoặc nhấn chìm chúng tôi”.

Có người bảo anh Hùng liều quá. Để chờ xem Hùng Nhơn Group làm được gì. Đến ngày hôm nay, Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk tại huyện Cư M'Gar rộng 200ha đã đón 2.500 con lợn cụ kỵ giống gốc nhập khẩu từ Hà Lan để nhân giống và phát triển.

Trên đà thành công từ mô hình ở Đăk Lăk, liên doanh hợp tác liên kết chuỗi giữa Hùng Nhơn, De Heus tiếp tục công bố thêm 2 dự án “bom tấn” hàng nghìn tỷ đồng tại Gia Lai và Kon Tum để trở thành “ông vua” heo giống Tây Nguyên.

Các thương vụ mua lại hệ thống trang trại sản xuất gà giống của Công ty Cổ phần Bel Gà (Vương quốc Bỉ) tại Lâm Đồng trị giá hàng chục triệu USD thời gian qua cũng nổi đình nổi đám.

Hơn 2 năm kể từ lần gặp đầu chớp nhoáng, anh Vũ Mạnh Hùng đã dành cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam nhiều thời gian hơn, để “dốc hết ruột gan” về hành trình đầu tư vào nông nghiệp. Những kỷ niệm về hành trình như “chết đi sống lại”, “gạt đất dưới mồ để chui lên” khiến chúng tôi cảm phục.

Anh từng nói khi đầu tư vào doanh nghiệp, nếu đi vào “tâm bão” thì sẽ an toàn, còn nếu đi ra “rìa bão” thì sẽ bị nhấn chìm. Hôm nay, nghiệm lại câu nói ấy của mình, anh còn cảm thấy nó đúng không?

Câu nói đó xuất phát từ trải nghiệm hơn 20 năm đầu tư chăn nuôi của tôi. Muốn thành công thì phải có ba điểm cốt lõi: công nghệ, tư duy và đích đến. Chúng tôi đã xây dựng chiến lược đầu tư giai đoạn 2020 - 2030, có lộ trình và mục tiêu từng năm, phân thành 2 giai đoạn. Đó là kim chỉ nam để phát triển hệ thống bộ máy tổ chức và đề ra giải pháp triển khai thực hiện.

Trong chăn nuôi, vấn đề an toàn dịch bệnh quyết định thành bại của trang trại. Bởi vậy, “tâm bão” hay “rìa bão” là thuật ngữ ám chỉ việc sử dụng công nghệ chăn nuôi. Nếu người nông dân sử dụng công nghệ lạc hậu, họ sẽ phải đối mặt với vô vàn nguy cơ và rủi ro từ dịch bệnh, chất lượng và giá cả và thị trường.

Công nghệ chúng tôi lựa chọn là toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị của châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nên sử dụng rất ít nhân lực. Bất cứ nhà đầu tư chăn nuôi chuyên nghiệp nào cũng hiểu rõ, hầu như tất cả dịch bệnh trong trang trại là do con người mang tới.

Thứ ba, người đứng đầu phải có tư duy, có ý tưởng và năng lực quản trị để kết nối và dẫn dắt toàn bộ hệ thống đi đến đích cuối cùng theo lộ trình đã vạch ra.

Chắc hẳn “ba điểm cốt lõi” mà anh vừa nói, xuất phát từ những thất bại trong quá khứ?

Đúng vậy. Có những thời điểm tôi cảm thấy không tìm ra lối thoát. Như năm 2003, lúc đó dịch cúm gia cầm bùng phát, toàn bộ tài sản của mình bị đưa đi để đốt, tiêu huỷ. Cảm giác như họ đào một cái hố để đưa mình vào đó rồi lấp đất chôn. Nhưng khi định thần trở lại, tôi nhìn ra vấn đề. Tôi ngước lên trên trời và thấy một ánh sáng vì sao nhỏ nhoi, cần phải có sức sống để mình vươn lên, vượt qua số phận.

Trong cuộc sống không ai nói tốt được tất cả. Nó có những thăng trầm, có những khó khăn. Có những đêm cách đây khoảng 5 - 10 năm, tôi không thể nào ngủ trọn giấc. Lúc cảm thấy khó khăn bủa vây, tôi thường tỉnh dậy lúc 2h sáng. Mình ngồi dậy, nhìn vào gia đình, thế là lại có động lực để sống.

Làm nông nghiệp chỉ lơ là một đêm là ngày hôm sau sẽ mất trắng. Vậy anh có nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ đánh mất tất cả những gì đang có?

20 năm làm nông nghiệp, chúng tôi đã trải qua tất cả những gì được gọi là rủi ro, cho nên trước khi đầu tư dự án, điều đầu tiên Hùng Nhơn Group làm là đặt ra tất cả các rủi ro, sau đó đặt lên bàn để mổ xẻ từng rủi ro.

Thực sự, có những vấn đề mà chúng ta không thể nào né kịp, ví dụ như dịch bệnh Covid- 19,... nhưng nếu mình có sự chuẩn bị trước, thì tôi nghĩ sẽ vượt qua được. Thứ nữa, mình là người đứng đầu, mình phải trụ vững, không khuất phục trước rào cản để đi đến đích. Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hùng Nhơn và De Heus đều có định hướng riêng để cùng phát triển.

Điển hình như việc De Heus mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan. Còn Hùng Nhơn mua lại tất cả hệ thống trang trại của Bel Gà. Vấn đề nằm ở thời cơ và cơ hội. Khi cơ hội mở ra, chúng ta phải tập trung tận dụng cơ hội đó.

Vậy theo anh, làm thế nào để có thể nhìn ra cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, và làm thế nào để tận dụng được cơ hội?

Theo tôi, muốn tận dụng cơ hội thì người thủ lĩnh của doanh nghiệp phải quyết đoán, quyết nhanh, gọn, lẹ. Có những dự án 1.000 - 2.000 tỷ, tôi và anh Gabor Fluit (Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á) bàn bạc và đưa ra quyết định trong khoảng thời gian rất ngắn.

Chăn nuôi là lĩnh vực cực kỳ mạo hiểm để đầu tư. Nhưng khi làm bất kỳ cái gì cũng vậy, dám mạo hiểm thì mới thành công được. Tôi thích hành động ở những thời điểm mạo hiểm vì khi đó tất cả mọi người ngồi yên.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ thành công càng cao hơn, mặc dù khó khăn hơn. Lúc đó, đối thủ cạnh tranh của mình sẽ rất ít. Còn đầu tư thời điểm bình thường, đối tác của mình có hàng trăm sự lựa chọn, cơ hội thành công sẽ giảm đi.

Quyết đoán là phẩm chất quan trọng của một nhà đầu tư, nhưng nếu quyết nhanh quá thì có thể quyết sai. Đã bao giờ anh quyết sai chưa?

Sự quyết đoán phải dựa trên nền tảng Hùng Nhơn Group và De Heus, dựa trên cung cầu thực tế, phân tích tất cả các yếu tố. Mình làm có căn cứ chứ không phải làm bậy.

Và cần phải hiểu rằng, nếu lãnh đạo không vạch ra một cái đích, thì nhân viên sẽ không bao giờ phấn đấu được. Thực tế, hầu như những mục tiêu phấn đấu của Hùng Nhơn không bao giờ bị chệch, kể cả dịch bệnh thì kết quả kinh doanh vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Anh nhiều lần chia sẻ: “Khi đặt chân đến một địa phương nào đó để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, Hùng Nhơn Group không nhìn đất mà nhìn con người trước tiên”. Vì sao yếu tố con người lại quan trọng đến vậy?

Chia sẻ với bạn một điều thú vị, ngày 8/5/2019, chúng tôi tới Đăk Lăk và để làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Trong buổi họp đó có 11 vị Chủ tịch huyện, thị xã của Đăk Lăk. Trong đó tất cả các huyện chỉ cử một đồng chí trưởng phòng Nông nghiệp hoặc chuyên viên ngành nông nghiệp đi dự.

Nhưng riêng huyện Cư M'Gar thì cả Bí thư, Chủ tịch huyện xuất hiện cùng trưởng phòng NN-PTNT. Thế là chúng tôi chọn ngay huyện Cư M'Gar. Đến ngày hôm nay, dự án 1.500 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và có thể khẳng định dự án đã thành công.

Quan điểm của tôi khi đến tỉnh là nhìn con người trước tiên, vì con người thì không thể nào cải tạo, thay đổi được, nhưng mà đất, sỏi đá thì chúng ta cải tạo được hết.

Thứ hai, đối với các dự án, Hùng Nhơn đóng vai trò chủ đạo trong việc đặt nền tảng từ đầu tới cuối. Ví dụ, khi đến Kon Tum vừa rồi, chúng tôi khẳng định dự án Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN quy mô khoảng 200ha, bao gồm một số khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Châu Âu và khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ trị giá 1.450 tỷ đồng chỉ mất 1-2 năm là hoàn thành.

Ngược lại, phía chính quyền phải rất rõ ràng về cơ chế, nếu không thì chúng tôi đi làm chỗ khác. Bởi vậy, tỉnh Kon Tum rất thích cách làm của Hùng Nhơn và De Heus. Họ sẵn sàng minh bạch cơ chế với chúng tôi. Vậy là hai bên không còn gì do dự mà bắt tay ngay vào công việc.

Đầu tư vào nông nghiệp thì thu hồi vốn rất lâu, trong 2 năm qua, tổ hợp ở Đăăk Lắk đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Hùng Nhơn và De Heus lại tiếp tục mua lại trang trại của Bel Gà và khởi động hàng loạt dự án nghìn tỷ ở Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh. Vậy anh làm thế nào để huy động được nguồn tài chính dồi dào như vậy?

Nếu nói về vấn đề huy động tài chính của Hùng Nhơn Group, nhiều người có thể không hình dung ra. Nhưng nói một cách đơn giản, cái mà chúng tôi tập trung vào trước tiên là vấn đề đầu ra. Khi có đầu ra sản phẩm thì sẽ có nhà tài trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Việc của chúng tôi là cân, đong, đo đếm về quy mô dự án và các giải pháp sản xuất để phù hợp với đầu ra.

Ví dụ, khi Hùng Nhơn Group ký kết hợp được hợp đồng dài hạn (10 - 20 năm) cung cấp sản phẩm cho đối tác uy tín, thì tất cả toàn bộ hệ thống tài chính, ngân hàng sẽ có định hướng để xem xét, nhảy vào. Cái đặc biệt của chúng tôi là: thị trường quyết định tất cả.

Tại các sự kiện, người ta ấn tượng với hình ảnh một “doanh nhân chân đất” song hành cùng một Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực Châu Á - ông Gabor Fluit, có chiều cao 2,12m. Vậy cái bắt tay này đem lại cho Hùng Nhơn Group điều gì và tại sao lại là De Heus chứ không phải một tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh khác?

Tới thời điểm này tôi đặt tất cả sự tin tưởng và hy vọng cho Tập đoàn De Heus - đối tác đến từ Châu Âu với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Họ chơi rất fair play, và họ mang lại sự tự tin cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là điều rất tốt cho chúng tôi.

Tiềm lực của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé, do đó cần đứng trên vai người khổng lồ, dựa vào họ để đi. Quan trọng nhất là cách làm và cách thiết lập toàn bộ hệ thống.

Đặc biệt, khi chọn bạn, tôi cần những người hiểu mình. Trong sự phối hợp giữa Hùng Nhơn và De Heus, tôi, anh Garbor Fluit và Johan van den Ban (Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam) chỉ cần có ý tưởng, ngồi nói chuyện với nhau là quyết liền. Chúng tôi tâm đầu ý hợp từ cách nói chuyện đến cách làm việc.

Cái quan trọng nữa, De Heus giúp cho Việt Nam cái gì và giúp cho Hùng Nhơn cái gì. Họ có hợp tác Win-Win với mình không, hay là họ ngồi trên mình ngồi dưới.

Từ “thung lũng thực phẩm an toàn” ở Đồng Nai và Bình Phước, Hùng Nhơn và De Heus tiếp tục “kéo quân” lên Tây Nguyên để xây dựng một “cao nguyên thực phẩm an toàn”, vậy anh kỳ vọng gì về hành trình này?

Đã có rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao các doanh nghiệp khác tập trung vào Đông Nam bộ, thì chúng tôi lại kéo lên Tây Nguyên để đầu tư dự án chăn nuôi. Câu trả lời của tôi là, nếu mình lên trước, quy hoạch được vùng an toàn dịch bệnh thì trong 10 - 20 năm sau sẽ có lợi thế rất lớn.

Còn nếu các doanh nghiệp khác đầu tư chăn nuôi ở Tây Nguyên thời điểm hiện tại thì chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên. Chúng tôi có bài toán của riêng mình dựa trên tầm nhìn 10 - 20 năm.

Với các dự án đang và sẽ được đầu tư tại Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, và khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, mục tiêu cho dự án heo giống đến năm 2030 của liên doanh Hùng Nhơn và De Heus là: Công suất khoảng 10.000 con heo cụ kỵ, 8.000 con heo ông bà, tương đương công suất đàn heo nái khoảng 200.000 con, khoảng 6 triệu con heo thịt mỗi năm. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD, tương đương 46.500 tỷ đồng mỗi năm.

Tất cả trang trại của chúng tôi nằm ở vùng an toàn dịch bệnh. Trước mắt, chúng tôi tập trung cung ứng cho thị trường trong nước với hơn 90 triệu người dân, và định hướng sẽ xuất khẩu sản phẩm sang Hà Lan hoặc một số nước như Indonesia, Myanmar, Campuchia, nhưng phía De Heus là muốn tập trung xuất khẩu sang Hà Lan.

Tham vọng của anh và De Heus là rất lớn, nhưng để hiện thực hoá được không hề đơn giản?

Đây là hành trình rất khó khăn, bởi trong quá trình triển khai, có những vấn đề không được như ý mình. Nhưng tới thời điểm này, chúng tôi đang vượt kế hoạch đề ra. Vì kế hoạch của hai Tập đoàn đến năm 2025 đạt quy mô 5.000 con lợn cụ kỵ, thì trong năm 2021, quy mô đã đạt 2.500 con. Nếu hai tổ hợp sản xuất heo giống tại Gia Lai và Kon Tum hoàn thành, thì sẽ nâng tổng đàn lợn cụ kỵ lên 7.500 con.

Chúng tôi tiến nhanh đến đích, vì khi De Heus tiếp nhận các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan thì sản lượng thức ăn sẽ tăng và số lượng đầu con giống sẽ cần tăng tương ứng, buộc chúng tôi phải mở nhanh để đáp ứng được lượng thiếu hụt lợn giống chất lượng cho bà con nông dân.

Như anh từng nói: “Triết lý kinh doanh của Hùng Nhơn là không cạnh tranh với nông dân”, vậy khi các tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN ở 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên hoàn thành, các anh sẽ hỗ trợ và phối hợp với người nông dân như thế nào?

Chúng tôi sẽ cung cấp con giống chất lượng tốt nhất cho nông dân và hỗ trợ toàn bộ đầu ra sản phẩm. Đồng thời, các đối tác của chúng tôi cũng sẽ cung cấp về thuốc thú y, dây chuyền giết mổ để vận hành hệ thống các mắt xích chuỗi.

Bên cạnh đó, tất cả Tây Nguyên có 3 khu Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN, do đó, chắc chắn ở đây sẽ có một trung tâm đào tạo cho nông dân về kỹ thuật chọn giống, về kỹ năng thực hành chăn nuôi. Chúng tôi đang phối hợp với De Heus để làm.

Ngoài lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi cũng sẽ quy hoạch lại vùng nguyên liệu và xây dựng hệ thống liên kết chuỗi cho bà con nông dân, hợp tác xã để sản xuất và thu mua toàn bộ bắp, mỳ (sắn) làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy thức ăn gia súc của De Heus sau này.

20 năm xây dựng và định hình “đế chế” trang trại nuôi gà lạnh và định hình “siêu dự án” sản xuất heo giống ở Tây Nguyên, ở góc độ cá nhân, chắc hẳn anh không thiếu tiền. Vậy, hạnh phúc của anh khi đầu tư vào nông nghiệp là gì?

Nói thực, ai làm việc cũng nhằm mục đích kiếm tiền, nhưng không nên để đồng tiền sai khiến mình, phải rất thận trọng. Mỗi ngày, tôi chỉ ăn một chén cơm, 2 ổ bánh mỳ và 2 lít nước.

Thế nên, tôi không đeo đuổi các dự án để kiếm tiền bằng mọi giá. Tôi muốn làm điều gì đó tốt cho xã hội, nhất là khi vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Nếu kiếm tiền nhanh, tôi có thể đầu tư bất động sản, chứng khoán, nhưng nó không mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cho nhiều người.

Ở Hùng Nhơn Group cũng vậy, chúng tôi quản lý 1.200 nhân viên bằng cái tâm, sử dụng đắc nhân tâm để thu phục họ sống và làm việc cho mình. Họ làm việc cho Tập đoàn như làm việc của chính họ và được hưởng quyền lợi xứng đáng. Họ làm để khẳng định thương hiệu cá nhân của chính mình.

Theo anh, ngành chăn nuôi của Việt Nam có lợi thế gì và đang yếu ở chỗ nào trong cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế? Cần làm gì để định vị lại ngành chăn nuôi?

Chắc chắn trong vài năm nữa, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt ngay trên sân nhà và sân chơi quốc tế. Khi chúng ta mở cửa nền kinh tế, chúng ta phải cạnh tranh từ góc cạnh pháp lý đến chất lượng, giá cả và hàng rào kỹ thuật.

Cuộc cạnh tranh này vô cùng khốc liệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sân chơi của ngành chăn nuôi đã vắng bóng rất nhiều người rồi.

Khi các sản phẩm thịt đông lạnh giá thấp từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, những hộ chăn nuôi nhỏ sẽ giảm đi nhưng các trang trại quy mô vừa và lớn sẽ tăng lên.

Đặc biệt, các sản phẩm thịt đông lạnh trong nước sẽ khó cạnh tranh, nhưng thói quen của người Việt vẫn ưa thích thịt nóng, thịt tươi mát.

Cái khó của chúng ta là chưa thiết lập được hệ thống dữ liệu ngành chăn nuôi, để phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển bền vững, cân đối cung cầu.

Vậy, phải làm sao để có thể minh bạch dữ liệu và định vị lại ngành chăn nuôi trong nước?

Tôi đang tham mưu cho Bộ NN-PTNT về cơ chế chính sách với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. Bất cập của ngành là chưa có công cụ thống kê tổng đàn lợn chính xác, nên chúng tôi đang phối hợp với Tập đoàn De Heus để cùng định hình, xây dựng hệ thống, từ đó cơ quan chuyên trách có thể đưa ra định hướng và cơ chế chính sách phù hợp.

Như ở Hà Lan, có doanh nghiệp chỉ được phép nuôi tối đa 10.000 con lợn trong năm đó. Nếu muốn tăng đàn, họ phải mua hạn ngạch chăn nuôi từ doanh nghiệp, trang trại khác. Còn ở Việt Nam, ai muốn nuôi thì nuôi nên không thể quản lý được tổng đàn.

Bây giờ, chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ NN-PTNT để phối hợp xử lý vấn đề đó. Vì nếu quản lý được tổng đầu con giống thì sẽ quản lý được tổng thể.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cần đăng ký với Bộ NN-PTNT, với Cục Chăn nuôi, còn nếu hạn ngạch hết rồi thì không được nuôi nữa, để tránh vấn đề dư thừa về cung cầu.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Minh Phúc
Trọng Toàn
M. Hướng - HN