Người ‘mở cửa’ chiếc đồn Tây trên Cao nguyên đá

Hai năm nữa, chiếc đồn Tây do thực dân Pháp xây dựng sừng sững ở trung tâm xã Khâu Vai sẽ tròn 100 tuổi. Lương Văn Hùng – một thanh niên người Nùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình yên ngựa, từ nhỏ đã chứng kiến chiếc đồn Tây kiên cố ấy, đang thực hiện một ý tưởng đầy táo bạo!

 

 

Vào năm 2026, chiếc đồn Tây do thực dân Pháp xây dựng ở Khâu Vai sẽ tròn 100 tuổi. Điều này được khẳng định bởi trên bức tường chính diện, người Pháp cho khắc chữ số “1926” – năm hoàn thành công trình. Ở mảnh đất có phiên chợ lãng mạn bậc nhất vùng non cao hiểm trở này - chợ tình Khau Vai, nó là một lô cốt đá vững chãi nhất trong vô số những lô cốt mà thực dân Pháp xây dựng dọc biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc gần 100 năm trước, với mục đích chính trị và quân sự: vừa là tháp canh, vừa là căn cứ chỉ huy. Nó bề thế trên đỉnh núi. Từ đây có thể kiểm soát nhất cử nhất động mọi diễn biến xảy ra: Bên kia dòng Nho Quế là đất Cao Bằng, phía dưới con đường độc đạo dẫn ra huyện lỵ Mèo Vạc, với các xã Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Khâu Vai, Lũng Chinh, Lũng Pù… hầu hết là các dân tộc thiểu số H’mông, Dao, Nùng toàn tòng.

Mèo Vạc là huyện miền núi hiểm trở bậc nhất của Hà Giang. Những con đường độc đạo dẫn tới các bản làng, xuyên đá tai mèo mà đi. Mấy năm gần đây, nhờ chính sách đầu tư cho vùng núi khó khăn, đường giao thông được cải tạo, xây dựng đã làm đổi thay bộ mặt bản làng, vậy mà nó vẫn đầy xa ngái. Huống hồ cách nay 100 năm trước, Khâu Vai khi ấy còn hoang vu, hẻo lánh…, thực dân bắt người bản địa làm phu dịch, cõng đá, gùi đá, sắt thép… để xây dựng nên chiếc đồn canh này. Phải thừa nhận, đó là một kỳ tích!

Lương Văn Hùng lấy chìa khóa mở cánh cửa gỗ để tôi vào được bên trong chiếc đồn Tây. Tôi không khỏi bất ngờ: Nó khá rộng rãi, thoáng mát, cao ráo, dẫu đã trải qua khoảng thời gian gần tròn 1 thế kỷ. Công trình hai tầng kiên cố và vững chãi, có nhiều ô cửa sổ trổ ra bốn hướng, và xung quanh tường có khoảng hơn chục lỗ châu mai vừa đủ để một họng pháo nhét vào, hoặc là nơi đặt những họng súng máy từ bên trong để kiểm soát tình hình bên ngoài.

Đứng trên tầng 2 đồn Tây, qua các lỗ đá được trổ trên tường có thể nhìn rõ mồn một những người đang di chuyển ở đầu dốc. Con dốc là cửa ngõ vào trung tâm xã Khâu Vai, tưởng như ngẩng đầu lên là có thể với tới, nhưng đi đường bộ, khoảng cách tới vài km. Thế mới thấy, về quy hoạch, chọn vị trí để xây dựng, đó là một thế mạnh không thể chối cãi của những chuyên gia, kiến trúc sư người Pháp!

Gần đây, công trình già nua, cũ kỹ - chứng tích của cuộc chiến tranh xâm lược này mới được cải tạo: một chiếc cầu thang gỗ bắc lên tầng 2 – giống như một chiếc gác xép. Bên trên, những khoảng trống lấy ánh sáng được lắp những ô cửa hình ô-van, sơn xanh – màu sắc rất đồng điệu với màu đá đã cũ kỹ, rêu mốc theo thời gian. Mái chiếc đồn Tây được lợp ngói vảy. Một hạt cây do chim tha mồi mang tới, đã luồn rễ vào những kẽ tường. Một chú chim nấp dưới phần trống giữa khe của mái đồn, thản nhiên trú mưa. Hình ảnh rất đỗi thanh bình.

Lương Văn Hùng đang ấp ủ ý tưởng: Sẽ biến chiếc đồn Tây này thành một điểm du lịch. Du khách, đặc biệt là những khách du lịch nước ngoài, có thể tới đây để check-in, dừng chân uống café để trải nghiệm một không gian mà trước đó, nó đầy sự khốc liệt, và là chứng tích của một cuộc chiến xâm lược của thời kỳ thực dân ngày trước!

Ý tưởng của Hùng khiến tôi bất ngờ, bởi nó thực sự sáng tạo. Mươi năm trước, dưới Thủ đô cũng từng có một điểm café được dựng trên những chiếc lô cốt xây dựng bằng bê-tông, cốt sắt kiên cố trên đường Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ). Đó là một sự sáng tạo khi biến những hình khối vô tri, lạnh lẽo trở nên có hơi thở. Nhưng tôi không ngờ, ở tột cùng cực Bắc lại có người chung ý tưởng thú vị ấy!

Nhưng, bất ngờ hơn nữa, dự định này chỉ là một trong rất nhiều ý tưởng mà Lương Văn Hùng đang ấp ủ, nhiều ý tưởng đã triển khai, đang thực hiện và mang lại hiệu quả thực sự.

Thứ mà anh theo đuổi, đó là làm kinh tế trên chính mảnh đất nghèo khó, đầy những bất trắc do thiên tai, khó khăn của địa hình mang lại. Nỗ lực của anh, đó là vận động để nhiều người cùng tham gia, cùng làm kinh tế, tự mình xóa nghèo mà không để là gánh nặng của xã hội!

 

Lương Văn Hùng (bìa phải) trò chuyện cùng du khách trên sông Nho Quế.

Lương Văn Hùng (bìa phải) trò chuyện cùng du khách trên sông Nho Quế.

11 tuổi, Lương Văn Hùng rời bản Khâu Vai xuống huyện đi học… lớp 1. Con đường khi ấy còn chưa thành hình, chỉ là đường mòn, xuyên qua những triền núi, luồn lách trên những khoảng trống của đá tai mèo. Dậy từ tờ mờ sớm, phải đốt đuốc soi đường. Đặt mình trong môi trường khó khăn ở thời điểm ấy mới thấy được, những người như Hùng, rất hiếm.

Cùng đi “mót chữ” với Hùng, có chị Ninh Thị Vị (hiện đang là phó chủ tịch UBND xã Khâu Vai), Lý Hồng Páo (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã). Đây là ba đứa trẻ đầu tiên của bản Khâu Vai đi học. Sau ba đứa trẻ này, đến thế hệ của chị Hoàng Thị Đao, Lương Thị Mòn – em gái Hùng, (cán bộ mặt trận tổ quốc của xã), và các em của Hùng... đều đi học.

Hết lớp 9, Vị và Páo được ủy ban lên xin về làm cán bộ vì địa phương không có người bản địa biết chữ. Hùng tiếp tục ở lại đi học, hết cấp 3, học tiếp đại học, rồi mới về xã làm cán bộ văn hóa.

Nhìn xung quanh bản làng chỉ có cây ngô độc canh, từ mùa này qua mùa khác, đời này sang đời khác…, Hùng nhận ra rằng, phải thay đổi. Muốn hết đói, phải trồng đa canh. Hùng vận động bà con trồng thêm cây ăn quả, cây khoai lang, phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển nghề thủy sản…

Về “đặc sản” phiên chợ tình quê mình một năm họp một lần, du khách khắp nơi nô nức tìm về; di tích Miếu Ông – Miếu Bà gắn với câu chuyện tình diễm lệ của chàng Ba - nàng Út trong truyền thuyết; những phong cảnh hùng vĩ làm đắm say du khách… Những thứ ấy đều có thể giữ chân du khách ở lại. Ý tưởng lấy huyền thoại để làm du lịch ra đời.

Nhưng, phong tục của người Nùng Khâu Vai, đó là không cho người lạ ngủ qua đêm tại ngôi nhà có bàn thờ tổ tiên. Thậm chí, con dâu con rể khi về nhà bố mẹ cũng không được phép ngủ cùng nhau, phải ngủ riêng… Bà mế (mẹ của Lương Văn Hùng) không đồng ý. Lúc này, Hùng đã là cán bộ xã, vợ là giáo viên, nhà có mấy nương ngô, ủn ỉn làm đủ ăn, không lo đói. Đưa người lạ về bản làm đảo lộn cuộc sống vốn đang yên ổn, họ đi khắp làng ngó nghiêng, chụp ảnh…, người già không thích.

Hùng chính là người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng du lịch của địa phương.

Hùng chính là người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng du lịch của địa phương.

Hùng không đồng tình với ý của mẹ nhưng anh không dám cãi lời. Đứa con hiếu thảo hiểu, mế cả đời quanh quẩn bên căn nhà, góc bếp, cặm cụi với mảnh nương, cây ngô mà nuôi được đàn con 9 đứa trưởng thành, đó là thành quả lớn lao cả đời của mế. Nhưng anh cũng không thể vì mế mà từ bỏ ước mơ.

Không làm homestay trong nhà có bàn thờ tổ tiên thì sẽ làm những ngôi nhà mới chỉ để đón khách. Hùng đặt vấn đề thuê căn nhà sàn trước kia là trụ sở uỷ ban xã, nay đã dời sang vị trí mới nên bỏ không để cải tạo, làm homestay du lịch.

Thời điểm ấy, Hà Giang đang triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản làng gắn với nông nghiệp, nông thôn làm hướng phát triển kinh tế, xóa nghèo. Năm 2012, tại Khu du lịch sinh thái Panhou (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì), Hội nghị triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng Nông thôn mới. 10 tiêu chí được đưa ra làm cơ sở để lựa chọn, xây dựng những bản làng kiểu mẫu phát triển thành làng văn hóa du lịch, gọi là “Tuyên bố Panhou”.

Những làng văn hóa du lịch lần lượt ra đời, như Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Thanh Sơn (Vị Xuyên), Nà Ràng (Xín Mần), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), Tát Ngà (Mèo Vạc)… là những mô hình đầu tiên bản làng làm du lịch ở Hà Giang.

Sự tối ưu của mô hình này đó là khai thác được những lợi thế tại chỗ của địa phương và phát huy tối đa những bản sắc văn hóa bản địa. Các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi được hình thành cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách. Văn hóa bản địa trở thành thứ thu hút, giữ chân du khách, biến thành nguồn thu kinh tế khi nâng tầm lên thành các sản phẩm du lịch. Một chuỗi cung ứng, liên kết bền vững được hình thành.

Ý tưởng của Hùng được chính quyền xã ủng hộ, bởi nó phù hợp với bối cảnh chung, và nó thực sự là bước đi thực chất. Homestay của Hùng là mô hình đầu tiên ở Khâu Vai đón khách. Sau Hùng, dọc con đường của thôn Trung Tâm, 14 ngôi nhà khác gắn biển làm du lịch.

Bây giờ, một năm, Khâu Vai đón trên 1 vạn du khách, đông nhất là dịp diễn ra lễ hội chợ tình. Mỗi tuần, cũng có 1, 2 đoàn du khách đến tham quan. Phát triển du lịch nông thôn được chính quyền xã đưa hẳn vào nghị quyết. Thế là, đường hướng phát triển kinh tế xoá nghèo của Khâu Vai đã thành hình, làm nông nghiệp gắn với du lịch, nông thôn.

 

 

Câu chuyện của người con ưu tú nhất ở Khâu Vai vẫn chưa dừng lại!

Từ trung tâm xã, xuôi con dốc chừng 2km là thôn Ha Dế. Con đường vào thôn chục năm nay khang trang, rộng rãi bởi dự án Thủy điện Nho Quế 3 xây dựng tại đây, người ta phải mở đường công vụ phục vụ thi công nhà máy. Sau khi nhà máy hoàn thành, chủ đầu tư trả lại cho địa phương, nó trở thành đường dân sinh. Đoạn cuối đường, tiếp giáp với sông Nho Quế là bãi tập kết vật liệu, trạm trộn bê-tông cũng phục vụ công trình. Năm 2012, dự án đi vào hoạt động, thủy điện tích nước tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn, mực nước ổn định, bãi tập kết vật liệu xưa trở thành bến thuyền...

Lại đi trước. Hùng làm bè nuôi cá trên sông Nho Quế. Nhưng, anh bị người ta dọa sẽ thả thuốc diệt cỏ cho cá chết hết.

Nói là làm. Hùng nuôi cá lồng là thật, nhưng người ta đánh thuốc cỏ cho cá chết, cũng thật: một ngày, ra ngoài bè cho cá ăn, cá chết nổi trắng bè, toàn những con đang tuổi lớn, to cỡ hai bàn tay. Vỏ chai thuốc diệt cỏ nổi lềnh phềnh cạnh đó. Xót, và uất ức. Nhưng anh nhủ: “Cứ để họ thả đi, chết lứa này thì nuôi lứa khác, họ thả chán, sẽ không thả nữa”.

Nghĩ như vậy, nhưng Hùng vẫn âm thầm điều tra, và tìm được đúng thằng người làm cái việc ác ấy. Nó được thuê 500 ngàn đồng để thả lọ thuốc làm cá chết.

Số cá chết gây thiệt hại cả trăm triệu đồng. Bắt đền thì không được, vì nhà nó nghèo, lấy đâu ra. Báo công an, nó đi tù thì cũng khổ vợ con nó. Hùng không chọn 2 cách ấy. Anh đến gặp thằng người làm việc ác, bảo: Nếu còn tiếp tục, thì lúc đó sẽ báo công an. Thằng người ấy chừa. Những kẻ hiềm khích, định làm việc xấu, việc ác với Hùng cũng không dám nghĩ xấu nữa.

Mô hình nuôi cá lồng trên thượng nguồn Nho Quế dần vào khuôn khổ. Hùng phổ biến cho nhiều người cùng nuôi. Những bè cá lồng đứng chân trong lòng hồ. Trong báo cáo hàng năm của xã Khâu Vai có thêm mục: Diện tích nuôi trồng thủy sản…

Cách đó không xa, các xã Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Niêm Sơn, Niêm Tòng… cũng của Mèo Vạc, là những rốn khô hạn, năm nào cũng thiếu nước. Việc Khâu Vai nuôi thủy sản trên núi, đấy là kỳ tích!

Quãng năm 2020, Hùng vận động thêm nhiều người trong bản cùng đứng lên thành lập Hợp tác xã chuyên hoạt động du lịch – thủy sản, lấy tên: Hợp tác xã dịch vụ du lịch – thuỷ sản Châu Kiệt. Châu Kiệt là tên ghép từ tên hai đứa con của Hùng. HTX có 10 lồng nuôi cá lăng, bống, trắm, chép... Ngoài ra, có vài ba hộ khác tuy không vào HTX nhưng cũng vẫn nuôi thả, và Hùng nhận bao tiêu đầu ra, vì những người nuôi đều chưa biết kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Giữa màu xanh ngắt của dòng Nho Quế mạn thượng nguồn, những chiếc bè cá lồng quay lưới, có phao nổi trên mặt nước; những chiếc thuyền chậm rãi thả lưới đánh bắt cá tôm tự nhiên, bốn xung quanh núi cao bao bọc, che chắn khiến cả lòng hồ trở thành một vũng kín. Cuộc sống thanh bình, yên ả, và ánh lên sắc màu no ấm.

Hiện tại, HTX dịch vụ du lịch – thủy sản Châu Kiệt có 12 xã viên do Lương Thị Mòn (em gái Hùng) làm Chủ nhiệm, Nông Văn Sình, Và Mí Di, Thò Mí Pó, Thò Mí Tông, Hứa Văn Sơn... đều là người H’mông, người Dao, người Nùng trong bản làm xã viên, mỗi người đóng góp 350 triệu đồng đầu tư đội thuyền 6 chiếc làm du lịch chở khách trải nghiệm, khám phá thượng nguồn dòng Nho Quế. Năm 2022, HTX bỏ số tiền gần 400 triệu đồng đầu tư con đường bê-tông dài gần 200 mét dẫn xuống bến thuyền. Ở vùng cao, đó là một tài sản vô cùng lớn!

Chúng tôi đã được trải nghiệm tour du lịch khám phá sông Nho Quế do HTX du lịch Châu Kiệt vận hành: hành trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, thuyền rời bến từ lòng hồ tích nước thủy điện đi sâu vào bên trong thượng nguồn, càng đi càng sâu hun hút. Hai bên bờ, vách núi dựng đứng, phẳng lì tựa như một nhát rìu khổng lồ chém ngang, ngọt lịm. Nếu so sánh với hẻm Tu Sản nổi tiếng trên đỉnh Mã Pì Lèng, khúc sông Nho Quế ở xã Khâu Vai có thể nói hùng vĩ gấp bội phần.

Thuyền từ từ rẽ sóng nước thượng nguồn trôi đi. Lương Văn Hùng trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp: Anh giới thiệu những hẻm núi chi chít những khối nhũ đá hình thù kỳ quái, tua tủa trổ như măng mọc ngược, những hang động chưa đặt tên nhưng với người ưa tưởng tượng có thể hình dung ra bao hình thù sinh động; chiếc hang dơi có từ hàng trăm năm là nơi trú ngụ của đàn dơi khổng lồ, mà chiều dài của hang kéo dài hàng chục km, xuyên qua biết bao điệp trùng núi…

Nước sông xanh ngắt, màu xanh đặc thù của vùng núi đá vôi. Dưới lòng sông sâu là bao thác ghềnh, cùng với bao nhiêu hang động chạy ngầm mà chưa có trong bất kỳ báo cáo nào của ngành địa chất.

Câu chuyện Hùng chia sẻ với chúng tôi trên hành trình đi thuyền khám phá sông Nho Quế, tôi nhận thấy ở anh ngoài những khát vọng, hoài bão, đó còn là trách nhiệm với cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên rất cao và đầy tự giác – một điều mà không mấy người có ý thức thực sự.

Anh bảo: Một chiếc cây bám mình trên vách đá, nhìn xa tưởng nhỏ bé và vô giá trị, nhưng, để có được đó là quãng thời gian tính bằng cả đời người. Và hơn hết, nó là sự cân bằng của tự nhiên, là một tổng thể hài hòa làm nên sự bền vững. Anh yêu cầu các xã viên trong HTX, ngoài việc chạy thuyền chở khách du lịch còn phải bảo vệ môi trường, phải chia nhau đi vớt rác trên sông, để dòng Nho Quế lúc nào cũng xanh sạch…

Tình yêu thiên nhiên của Hùng là có thật, khi anh cứ tiếc nuối mãi hai cây cổ thụ trăm năm – cây muỗm và cây nhãn vẫn phủ bóng sum suê bên chiếc đồn Tây. Vậy mà, nó vừa bị quật đổ trong trận dông lốc cuối tháng 4 vừa qua, để lại một khoảng trống trải vô cùng.

Tôi bất giác bắt gặp hình ảnh chú chim nhỏ bé đang trú mưa ở khoảng trống dưới mái chiếc đồn Tây. Công trình ấy, nó là chứng tích của chiến tranh và phục vụ mục đích của thực dân Pháp ngày trước. Nếu nhìn nó bằng con mắt hằn học, nó sẽ là hiện thân của một khối căm hờn. Nhưng, nếu nhìn nó là một thực thể, sẽ nhận thấy được những giá trị sử dụng của nó.

“Có nhiều khách du lịch đến Khâu Vai đã nghỉ lại ở chiếc đồn Tây này, họ nói cảm giác rất thú vị. Cũng giống như ở bản Lô Lô Chải, bà con biến những chuồng nuôi trâu, bò… thành các bungalow cho khách lưu trú, rất sáng tạo mà lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường. Mình hy vọng chiếc đồn Tây hiện diện trên quê hương mình, cũng là một yếu tố thu hút du khách tìm đến, và giữ chân họ ở lại lâu hơn với bản làng” – Lương Văn Hùng nói về dự định mà anh ấp ủ.

Ở Mèo Vạc, những đỉnh núi điệp trùng như xếp tầng, chơi trò trốn tìm, giấu con sông Nho Quế vào bên trong, thi thoảng mới để lộ một khúc xanh rì như canh hến. Có một người Nùng ở Khâu Vai không muốn giấu con sông ấy đi, mong muốn nó sẽ là cái tên được người ta nhắc đến, rồi tìm đến…

Kiên Trung
Trương Khánh Thiện
Kiên Trung - Kim Long
Đào Thanh