Người nâng tầm vị thế nghề nuôi ong lấy mật

 

 

Hơn chục năm nay, cán bộ lãnh đạo, các ngành chuyên môn và người dân Hà Tĩnh hầu như đã quen mặt với người đàn ông “tuổi trẻ tài cao” Nguyễn Văn Cường (41 tuổi), trú tại thôn Đồng Tiến, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn.

Hầu như chương trình tổng kết, hội thảo, hội chợ nào gương mặt anh, hợp tác xã của anh cũng được vinh danh giải thưởng, bằng khen.

Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga, người nâng tầm nghề nuôi ong lấy mật tại Hương Sơn, hà Tĩnh.

22 năm trước anh Cường tốt nghiệp cấp 3 rồi theo học tại Đại học Vinh, chuyên ngành quản lý văn hóa.

Lĩnh vực anh học hoàn toàn chẳng liên quan đến nông nghiệp, nhưng sau khi kết duyên với chị Nguyễn Thị Thanh Nga, người cùng huyện, hai vợ chồng đánh liều đầu tư vào chăn nuôi. Nhưng nuôi con gì thì chưa định hình được.

 

 

Đến năm 2006, một Tổ chức Phi Chính phủ đến từ Canada triển khai chương trình tập huấn nghề nuôi ong lấy mật cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã Sơn Diệm cũ. Anh Cường dù không thuộc đối tượng nhưng vẫn xin tham gia bằng được khoá tập huấn này.

Kết thúc khoá tập huấn, anh được hỗ trợ 2 đàn ong và cơ duyên khởi nghiệp nghề nuôi ong lấy mật của anh bắt đầu từ đó.

“Thực ra, từ thời học sinh tôi đã rất thích tìm hiểu về loài vật này. Đến khi làm việc với các chuyên gia, nắm vững kỹ thuật nuôi, chăm sóc, sản xuất giống, lấy mật… ước mơ làm giàu từ nghề nuôi giống ong nội càng được nuôi dưỡng trong tôi”, anh Cường tâm sự.

Năm 2014 khi đã có trong tay vốn kiến thức, anh Cường thành lập Tổ hợp tác nuôi ong Tình Diệm, xã Sơn Diệm, tập hợp 7 hộ dân có cùng đam mê, cùng khát vọng xây dựng nghề nuôi ong lấy mật phát triển bền vững.

Kể từ đó, qua thời gian, tổ hợp tác nhân số lượng đàn ong tăng lên theo từng năm.

Bước ngoặt nâng tầm vị thế nghề nuôi ong lấy mật xã Quang Diệm nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung chính là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tổ hợp tác nuôi ong Tình Diệm thành lập HTX mật ong Cường Nga, đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm hệ thống máy hạ thủy phần tách chiết rót, nhằm khép kín quy trình từ nuôi trồng đến chế biến, tạo ra sản phẩm mật ong đẹp về màu sắc, thơm ngon đến từng giọt mật cuối cùng.

 

 

 

 

Nắm bắt lợi thế Hương Sơn có diện tích đồi núi rộng lớn với bạt ngàn các loại hoa cỏ tự nhiên cho phấn hoa chất lượng, tạo tiền đề cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển, HTX mật ong Cường Nga gia tăng số lượng thành viên lên 18 người.

Đồng thời, liên kết nuôi ong với 132 hộ dân tại các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh nhằm đảm bảo nguồn cung đầu vào ổn định, chất lượng cho HTX xúc tiến thương mại.

“Hình thức liên kết của chúng tôi là HTX cung ứng thiết bị ngành ong, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật. Hiện nay, bình quân một thành viên HTX và hộ liên kết nuôi từ 50 - 200 đàn ong. Mỗi năm sản xuất, cung ứng khoảng 2.000 đàn ong giống, trên dưới 20 tấn mật ra thị trường. Riêng năm 2024 ước sản xuất, cung ứng 2.500 đàn ong giống và 22 tấn mật”, anh Cường thông tin.

 

 

Theo anh, sau nhiều năm bôn ba, đúc rút kinh nghiệm, bây giờ anh đã thuộc lòng các kỹ thuật liên quan đến nghề nuôi ong nội. Từ vốn kiến thức này, năm 2020 đến nay, anh cùng các cộng sự phối hợp chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi ong lấy mật hiện đại cho hàng trăm hộ dân các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Thạch Hà…

Anh Nguyễn Văn Cường cho rằng, rất nhiều người nuôi do thiếu kinh nghiệm, mua đàn ong thùng vuông về nuôi nhưng để ong chúa chết, ong bị bệnh, không chịu được rét phải bỏ đi. Một lỗi khác hay mắc phải nữa là để đàn ong tự chia đàn, dễ gây mất ong chúa.

“Thông qua cầm tay chỉ việc chúng tôi hướng dẫn chi tiết cho người dân cách quản lý đàn ong theo mùa vụ. Ví như, cách chống nóng vào mùa hè, chống rét vào mùa đông; kỹ thuật cho ăn mùa mưa; kỹ thuật khai thác mật, thời điểm khai thác, hướng dẫn cách phát hiện bệnh trên ong, cách chia đàn, thay chúa, tạo chúa…”, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga nhấn mạnh.

Đối với kỹ thuật xử lý mật, lâu nay người dân mặc định mật ong rừng là tốt nhất nhưng không lý giải được nó tốt ở đâu và không tốt ở đâu.

Thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, mật ong sau khi xử lý qua hệ thống máy hạ thủy phần không chỉ bảo quản được lâu, tách được các tạp chất có hại, mà còn đồng nhất chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.

“Khi lấy mật ong rừng người dân không biết được mật chín hay chưa chín, nếu lấy phải mật chưa chín dễ gây lên men, chua bồi, còn lấy mật già quá sẽ bị sẫm màu, giảm chất lượng.

Hơn nữa, nguồn hoa ong lấy cũng không biết, tỷ lệ phấn hoa lẫn mật trong quá trình khai thác cao, chất lượng mật không đồng đều, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, dễ gây nguy cơ cháy rừng trong quá trình khai thác”, anh Nguyễn Văn Cường phân tích về những nhược điểm của mật ong rừng.

Còn ong nuôi tại các hộ dân, mật sau khai thác nếu không được xử lý sẽ đổi màu, bồi chua sau một thời gian ngắn. Để hỗ trợ người nuôi ong trong và ngoài huyện Hương Sơn khắc phục tình trạng này, thời gian qua, HTX Mật ong Cường Nga hỗ trợ xử lý mật cho người dân với giá dịch vụ từ 3.000 - 5.000đ/kg (chủ yếu tiền điện), với sản lượng bình quân đạt gần 300 tấn/năm.

Theo đó, mật ong sau khi thu hoạch được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy phần để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gia đình ông Lê Khánh Ngọc, thôn Yên Long, xã Quang Diệm dù có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật từ những năm 2000. Tuy nhiên, giai đoạn trước gia đình nuôi theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Giống ong ruồi bắt từ rừng già sau khi được “thuần hoá” ông đem nuôi trong ống đỏ (ống gỗ tròn), sau đó treo ở các gốc cây, góc nhà, một năm “xoi” (khai thác) mật một lần.

Việc xoi mật này phá vỡ toàn bộ bánh tổ nên sự phát triển đàn ong rất chậm. Bình quân mỗi năm một tổ ong chỉ cho thu hoạch 2 - 3 chai mật, thậm chí có những tổ không thu được chai mật nào. 

Năm 2019, chứng kiến sự lớn mạnh của HTX mật ong Cường Nga, ông Ngọc làm đơn xin gia nhập làm thành viên HTX. Lúc bấy giờ 10 đàn ong của gia đình mỗi năm thu được trên dưới 20 chai mật (tương đương 16 lít). Toàn bộ mật thu hoạch đều bán thô, không được xử lý nên giá bán thấp và kén khách mua.

Tham gia vào HTX, ông Ngọc được anh Cường chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật về nghề nuôi ong, cách khai thác, bảo quản mật. Kể từ đó thu nhập từ nghề nuôi ong của gia đình chuyển từ nguồn phụ sang nguồn thu chính.

“Sau khi được tập huấn, chỉ cần quan sát tôi có thể phát hiện đàn ong lúc nào khoẻ, lúc nào yếu, lúc nào phải lau cầu, lúc nào cần khai thác mật. Khi khai thác quay bằng thùng inox nên không phá vỡ bánh tổ, tạo điều kiện cho ong phát triển, thời gian ong đưa mật vào bánh tổ cũng nhanh hơn, do đó năng suất một đàn ong 3 - 4 cầu, bình quân thu gần 15 chai mật, gấp hơn chục lần so với trước đây”, ông Lê Khánh Ngọc phấn khởi chia sẻ.

Theo ông, với 50 đàn ong đang nuôi, mỗi năm gia đình sản xuất ra 50 đàn ong giống và khoảng 400 lít mật. Toàn bộ ong giống được HTX mật ong Cường Nga tìm kiếm thị trường, cung cấp cho người nuôi ong trong và ngoài tỉnh. Riêng mật, HTX thu mua xong đem về xử lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi cung ứng ra thị trường.

 

 

Khi đã sở hữu trong tay nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, HTX mật ong Cường Nga đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và sản phẩm “Mật ong Cường Nga” đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2019.

Thừa thắng xông lên, HTX tích cực xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Quả ngọt thu về là doanh thu, lợi nhuận tăng lên theo từng năm. Riêng năm 2023, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng; ước năm 2024 đạt khoảng 4 – 4,5 tỷ đồng.

Về lâu dài, tham vọng của Giám đốc trẻ Nguyễn Văn Cường là gia tăng đàn ong trên địa bàn toàn tỉnh lên gấp hai gấp ba lần hiện nay nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đảm bảo đầu vào ổn định cho HTX. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn cho người nuôi, mở rộng thị trường đầu ra theo hướng đôi bên cùng có lợi.

Ngoài ra, HTX sẽ mở rộng liên kết với các cơ sở có cùng “tần số”, hướng tới xuất khẩu mật ong. Hiện, HTX mật ong Cường Nga đã xúc tiến được một số đối tác xuất khẩu mật sang các nước châu Á.

Đánh giá về sự đóng góp của anh Cường và HTX mật ong Cường Nga trong việc thúc đẩy phát triển nghề nuôi ong lấy mật nói riêng, lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương nói chung, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nhấn mạnh: “Anh Nguyễn Văn Cường là người tư duy tốt, dám nghĩ, dám làm và cực kỳ đam mê, tâm huyết với loài ong.

Thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, cung ứng vật tư ngành ong, HTX này đã hỗ trợ nhiều địa phương như xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh… nâng quy mô tổng đàn ong tăng lên gấp 3 – 4 lần so với trước, giúp người dân làm giàu trên chính khu vườn hộ, vườn đồi của gia đình”.

Theo ông, cốt lõi đáng tuyên dương ở HTX này chính là việc xây dựng được một quy trình nuôi ong khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, tư duy nhạy bén trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cũng đưa mật ong Cường Nga vươn xa đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

 

“Cốt lõi đáng tuyên dương ở HTX này chính là việc xây dựng được một quy trình nuôi ong khép kín từ đầu vào đến đầu ra”.

Được biết, thời điểm này đang bước vào chính vụ thu hoạch mật ong năm 2024. Để tránh gây tổn thương cho đàn ong, từ 5h sáng hằng ngày các thành viên và hộ dân liên kết với HTX bắt đầu khai thác mật.

Năm nay, mật ong được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi. Hiện, giá mật chưa qua xử lý người dân bán 250.000đ/lít; mật OCOP 3 sao có giá 400.000đ/lít.

Phải khẳng định một lần nữa, sau 2 thập kỷ trầy trật với con ong, đến bây giờ HTX mật ong Cường Nga được đánh giá là một trong những HTX đứng đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh về kỹ thuật nuôi ong, chế biến, tiêu thụ mật. Do đó, nói rằng Giám đốc Nguyễn Văn Cường là người góp phần nâng tầm vị thế nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn Hà Tĩnh ắt hẳn không ngoa.

Thanh Nga
Trương Khánh Thiện
Thanh Nga