Ông Nguyễn Mạnh Hùng xuất thân trong một gia đình nghèo tại tiểu khu 5, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Năm 1977, khi vừa học xong bậc THPT, chàng thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ và được điều động tham gia chiến đấu ở hai chiến trường ác liệt nhất thời là chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Ông Hùng nhiều lần “vào sinh ra tử” khi làm nhiệm vụ, nhưng bản thân may mắn hơn rất nhiều anh em, đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Cuộc chiến ấy đã cướp đi một phần thân thể của anh bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Mạnh Hùng. Nay, trở về với thời bình, vết thương cũ vẫn thường xuyên hành hạ ông sau mỗi lần trái gió trở trời.
Rời quân ngũ năm 1987 với cơ thể không lành lặn, thương binh 81% bắt nhịp cuộc sống chậm hơn so với nhiều người. Trong vòng 10 năm kể từ khi rời quân ngũ, ông Hùng chỉ nặng vỏn vẹn 37kg. Mỗi năm phải phải đối diện gần 20 cơn co giật sọ não, có lần tưởng không qua khỏi. Do sức khỏe yếu, gia cảnh thiếu thốn đủ bề, vợ chồng chỉ biết động viên nhau rau cháo qua ngày.
Thời gian học tập và công tác trong quân ngũ, ông Hùng tự mày mò, học hỏi được nghề nhiếp ảnh, nên quyết định khởi nghiệp bằng vốn kiến thức tự có. Ban đầu, ông nghiên cứu và sáng chế hệ thống rửa ảnh thủ công bằng ánh sáng trời, làm ảnh màu thủ công. Thời điểm khoa học ngành ảnh trong nước chưa phát triển, ông Hùng tìm tòi và cải tiến máy ảnh với tính năng có thể phóng to được tất cả các loại ảnh.
Sống ổn định nhờ nguồn thu nghề ảnh, ông Hùng mở lớp dạy nghề ảnh cho con thương binh, liệt sĩ, con bệnh binh nhiễm chất độc màu da cam. Nhiều người sau này đã trở thành những thợ ảnh chuyên nghiệp, tay nghề giỏi và tạo lập được kinh tế ổn định.
Ông Hùng không nhớ con số chính xác số học viên đã được ông đào tạo, trưởng thành từ nghề ảnh, nhưng áng chừng cũng khoảng vài trăm người. Những em học xong không có khả năng mở hiệu, ông Hùng nhận vào làm việc tại cơ sở của mình. Những học viên không có khả năng học nghề ảnh cũng được ông sắp xếp công việc phù hợp. Nghề ảnh của ông Hùng thời đó nổi tiếng khắp vùng, mang lại thu nhập tốt cho gia đình.
Tuy nhiên do khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, những sáng chế, cải tiến máy móc của ông Hùng không theo kịp xu hướng thời đại. Ông Hùng phải đóng cửa cơ sở sản xuất sau nhiều năm tận tâm với nghề.
Gặp trắc trở khi lần đầu bước chân vào thương trường không khiến thương binh Nguyễn Mạnh Hùng nản chí. Trái lại, cựu chiến binh Hùng xem đó là bài học kinh nghiệm, cơ hội khẳng định ý chí, nghị lực của người thương binh “tàn nhưng không phế”.
Với mong muốn tiếp tục tạo việc làm cho thật nhiều con em đồng đội có thu nhập, cải thiện cuộc sống, năm 2007, ông Nguyễn Mạnh Hùng quyết định thành lập Hợp tác xã thương binh và người tàn tật Nguyễn Hùng và chuyển hướng sang nghiên cứu, chọn tạo giống, sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ban đầu, ông Hùng nhận chuyển nhượng đất của 18 hộ dân sống quanh kênh mương tiêu nước và bãi rác của huyện, cải tạo thành khu trang trại sinh thái tổng hợp, vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống và nuôi thả cá giống. Chính nghề nuôi thả cá giống đã trở thành thế mạnh, thương hiệu của Hợp tác xã Nguyễn Hùng sau này.
Năm 2007, Hợp tác xã Nguyễn Hùng đưa giống cá lóc vào nuôi thử nghiệm trên diện tích 600m2 ao nuôi. Chỉ sau 5 tháng đã thu về được hơn 1,5 tấn cá thương phẩm, trị giá gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để có được thành công bước đầu là điều không dễ dàng đối với thương binh này.
“Trước khi nuôi cá giống thành công, gia đình tôi cũng bị thiệt hại không ít bởi trong quá trình vận chuyển cá giống từ miền Nam ra phải lưu kho tới 12 - 13 tiếng liền. Sau khi nhận hàng, cá giống hao hụt rất nhiều do thiếu oxy và không thích ứng được với sự thay đổi nhiệt của môi trường.
Thay vì việc vận chuyển cá giống vừa tốn chi phí, vừa không đảm bảo an toàn, tôi đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật cho trứng cá nở muộn, qua đó, kéo thời gian vận chuyển được thêm 7 - 10 tiếng. Cách làm này giúp tôi có thể vận chuyển cá giống đi vùng sâu vùng xa, thậm chí sang tận Lào mà không lo cá bị yếu hoặc chết”, ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, năm 2011 - 2012, ông Hùng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện chương trình nghiên cứu và đưa được hai loại cá bố mẹ F1 (cá lóc và cá rô đồng đầu vuông) về Thanh Hóa cho sinh sản nhân tạo thành công tại trang trại. Thành công từ chương trình giúp ông Hùng tiết giảm được khá nhiều chi phí sản xuất. Trung bình hằng năm, cơ sở của ông Hùng sản xuất được trên 200 triệu con cá giống các loại cho nông dân trong và ngoài tỉnh, đóng góp một phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế nông hộ.
Thành công với mô hình cho sinh sản nhân tạo cá giống tại trang trại, thế nhưng khi áp dụng rộng rãi, ông Hùng gặp khá nhiều khó khăn do tư tưởng có phần “bảo thủ” của một số hộ dân.
Ông Hùng kể: Có hộ gia đình phải cắm cả nhà cửa để đầu tư ao nuôi và thả cá giống nhưng việc chọn mua con giống không đảm bảo, không rõ nguồn gốc nên khi nuôi bị hao hụt đàn. Thất bại nhiều lần trong nuôi trồng thủy sản khiến kinh tế chủ hộ rơi vào kiệt quệ. Ban đầu, họ không tin mình có thể làm được cá giống nên nhất quyết từ chối đề nghị, thậm chí còn dè bỉu: “Học ông Hùng làm cá giống có ngày phá sản”.
Để chứng minh cho hiệu quả từ việc cho sinh sản nhân tạo cá giống, ông Hùng cam kết với chủ hộ nếu không thành công sẽ đền tiền, nhưng yêu cầu chủ hộ phải thực hiện đúng quy trình sinh sản nhân tạo cá giống. Sau khi hai bên đồng ý các điều kiện đưa ra, ông Hùng đề nghị chủ hộ đào mới ao thả cá, xử lý môi trường xung quanh để đảm bảo quá trình ươm giống diễn ra thuận lợi.
Lứa cá giống đầu tiên áp dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo có độ đồng đều cao, khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn không đáng kể và giảm tối đa chi phí mua cá giống và vật tư đầu vào cho bà con. Sau thời gian nuôi thả, cuối vụ chủ đầm thu hoạch gần 40 tấn cá thương, vượt ngoài kỳ vọng của gia đình.
Với tiêu chí “cầm tay chỉ việc, cam kết thành công chia sẻ chia sẻ lợi nhuận”, các hộ chăn nuôi ngày càng tin tưởng với kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá giống. Từ thành công này, ông Hùng đã chuyển giao miễn phí kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá giống cho nông dân thông qua các lớp tập huấn và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài sản xuất cá giống, thương binh Nguyễn Mạnh Hùng cũng là người tiên phong đưa ruôi lính đen về Thanh Hóa để nuôi và đem lại thu nhập cao cho gia đình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Ông Hùng cho biết, sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông có khá nhiều sáng chế được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Số ít những sáng chế khiến ông tâm đắc nhất chính là chiếc máy cấy mini và máy tinh lọc mật ong. Có thời điểm, ông Hùng sẵn sàng vứt bỏ cả chiếc máy đang trong giai đoạn hoàn thành chỉ vì chưa thấy ưng ý.
Nói về động lực để sáng chế ra máy cấy mini, ông Hùng bộc bạch: “Sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, tôi phát hiện ra nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư đối với người nông dân thông qua lối canh tác truyền thống. Cụ thể, khi gieo sạ, nông dân phải phải rút nước cạn, làm phát sinh cỏ dại, nên bà con phải sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà hạt gạo thành phẩm khi thu hoạch ít nhiều bị ảnh hưởng chất lượng.
Nếu áp dụng phương pháp cấy máy, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Theo đó, bà con có thời gian chuẩn bị đất chu đáo hơn, kiểm soát được cỏ dại và đỡ tốn công và chi phí phun phòng cỏ dại và ốc bươu vàng; cây lúa ít bị sâu bệnh, đổ ngã; cây mạ bén rễ, phục hồi nhanh hơn”, ông Hùng nói.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, năm 2016, ông Hùng cùng nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt nam đã sản xuất thành công máy cấy kéo tay mini 4 hàng. Sau thời gian thử nghiệm và áp dụng trên thực tế, máy cấy của ông Hùng được nông dân đánh giá là giảm được chi phí lao động thủ công, góp phần đảm bảo kịp thời vụ, đảm bảo chất lượng cấy đồng đều, thẳng hàng, tăng năng suất. Từ thành công này, năm 2021, ông Hùng tiếp tục cho ra đời máy cấy lúa 4 hàng mini có gắn động cơ điện.
“Nếu sáng chế máy cấy 2 hàng thì công suất làm việc thấp, nhưng nếu tăng lên 5 - 6 hàng thì nông dân sẽ mệt hơn. Bởi vậy, với chiếc máy cấy 4 hàng chạy bằng động cơ điện, nông dân có thể làm việc bằng 8 người. Trung bình nông dân mất khoảng 45 phút để cấy xong 1 sào ruộng”.
Hiện nay, máy cấy mini 4 hàng của ông Hùng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời là phương tiện cơ giới không thể thiếu của nhiều bà con nông dân. Ngoài ra có đến 6 nước gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria đặt hàng sáng chế của ông Hùng.
Từ việc sáng chế cho máy cấy, ông tiếp tục hướng dẫn bà con cách làm mạ trên sân, ruộng lót ni lông để giảm chi phí mua và thuê công vận chuyển mạ khay.
Bên cạnh đó, ông Hùng phối hợp với chính quyền các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật cấy máy, làm mạ khay cho nông dân để giảm chi phí canh tác, tăng hiệu quả, năng suất trên đơn vị diện tích.
Sau chuyện sáng chế máy cấy, ông Hùng bắt tay vào việc nghiên cứu máy tinh luyện mật ong với lý do giúp bà con bảo quản tốt và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hùng kể: “Trong một lần tham gia hội chợ ở tỉnh, tôi phát hiện thấy sản phẩm mật ong của nông dân để lâu trong thời tiết nắng thì bị xì, nổ. Người ta khắc phục nhược điểm này bằng cách bỏ chai mật ong vào nước lạnh để giảm nhiệt, thế nhưng chai mật ong nóng khi gặp lạnh lại tiếp tục phát nổ.
Tôi nghĩ, nếu thứ “tinh hoa của trời đất” mà cứ để xì nổ thì khó trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng. Ngay thời điểm đó, tôi đề xuất với lãnh đạo hội làm vườn Thanh Hóa, nghiên cứu và sản xuất máy tinh lọc mật ong”.
Thời điểm này, một đơn vị ngoài Hà Nội cũng hỗ trợ bà con nông dân huyện Cẩm Thủy một máy tinh lọc mật ong, với mong muốn giúp nông dân bảo quản tốt hàng hóa sau thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thoạt nhìn chiếc máy này có vẻ hiện đại thế nhưng khi quan sát kỹ, sản phẩm này bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn.
“Việc vận hành chiếc máy này khá phức tạp, đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức khá sâu, trong khi đó, không phải ai cũng thông thái như nhau. Bên cạnh đó, máy chỉ vận hành khi sử dụng nguồn điện 3 pha gây bất tiện cho sử dụng. Hệ thống bơm mật ong để tinh lọc chưa hiệu quả, nhiều khi gặp trục trặc. Sau khi xử lý, mật ong được đổ chậu, xô rồi mới đóng chai, không đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Hùng nói.
Từ ý tưởng cho đến khi chế tạo thành công máy tinh lọc mật ong, ông Hùng mất gần 3 năm liên tục “đập đi làm lại”, cải tiến công nghệ, tối ưu hóa hiệu năng trong quá trình sử dụng…
Giới thiệu với tôi về sản phẩm, ông Hùng chia sẻ: “Mật ong sau khi thu hoạch được đưa vào máy với tỷ lệ lượng phù hợp. Máy có nhiệm vụ gia nhiệt gián tiếp trong điều kiện cho phép. Tại đây, mật được tiếp xúc với các hệ thống phá kết tinh, diệt toàn bộ vi khuẩn sống ký sinh trong mật và tách toàn bộ cặn bã tinh, thô nhờ áp dụng công nghệ Nano khuếch tán oxy. Máy còn tách được lượng nước tự nhiên trong mật (gọi là tách thủy phần) sau đó đưa sang hệ thống làm mát và đóng chai, theo quy trình khép kín”.
Sau 4 lần thay đổi lớn về thiết kế và công nghệ, tháng 1/2022, phiên bản cuối cùng mang tên “Máy tinh lọc mật ong - NH:10/70” được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sáng chế và công nhận bản quyền. Sản phẩm này hiện đã bán ra thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Tiếng lành đồn xa, thời gian gần đây, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã liên hệ và đặt hàng ông Hùng sản xuất máy tinh luyện mật ong để hỗ trợ cho tổ hợp tác nuôi ong ở vùng sâu vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi.
Để cho nông dân có cơ hội tiếp cận sản phẩm, ông Hùng tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thêm một phiên bản rút gọn, phù hợp phù hợp túi tiền và quy mô chăn nuôi nhỏ của nông hộ. Quyết định của ông Hùng đã tạo điều kiện cho nông dân giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế (giá sản phẩm qua máy lọc mật ong tăng từ 25 - 30% so với sản phẩm thô); thành phẩm mật ong đảm bảo chất lượng, nông dân yên tâm đầu ra và không bị tư thương lái ép giá.
Cùng với thành công của máy lọc tinh mật ong, hiện nay ông cũng đã xây dựng riêng cho mình một sản phẩm OCOP 3 sao mang tên “Mật ong rừng Am Các” và cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng.
Với những cống hiến cho cộng đồng suốt nhiều năm trời, thương binh Nguyễn Mạnh Hùng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng 26 Bằng khen các cấp. Gần đây nhất, năm 2019, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.