'Nhà báo đừng viết bài báo bằng ngôn ngữ nghị quyết'

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa có cuộc trò chuyện với lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ông tâm sự về chuyện viết báo (với bút danh Xích Lô) và gợi mở nhiều vấn đề báo chí. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin ghi lại một số ý kiến của ông.

Hồi nhỏ tôi ở cùng mẹ trong chiến khu. Khi chiến khu bị giặc đánh phá, mẹ thấy tôi nhỏ quá nên gửi về ở nhà dì tại Long Xuyên. Nhà dì tôi cũng là một cơ sở cách mạng.

Ngày ấy, trong nội thành người ta hay chuyển tài liệu cho nhau bằng cách viết chữ bằng loại mực “tàng hình” lên giấy trắng, rồi kẹp vào tờ báo để trao cho nhau. Khi nhận tài liệu, người ta chỉ cần quét một loại hóa chất lên tờ giấy trắng thì chữ hiện ra. Tôi có điều kiện đọc báo nhiều nên tình yêu với báo chí ngấm vào người lúc nào không hay.

Thấy tôi gửi bài cộng tác thường xuyên với bút danh Xích Lô, có nhà báo ở Tạp chí Kinh tế Sài Gòn hỏi: “Sao anh nhìn đâu cũng thấy đề tài vậy?”. Tôi nói: “Thật ra mỗi bài báo đều bắt đầu từ những câu hỏi trong cuộc sống”. Trên đời này, không có cái gì hoàn hảo. Mỗi người trong chúng ta phải góp sức để lấp dần những khiếm khuyết đó. Chính vì thế, chúng ta có động lực để suy nghĩ và sáng tạo, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đỡ buồn tẻ hơn.

Mỗi buổi sáng, khi đi từ nhà đến cơ quan hoặc đi xuống đồng, lội ruộng với bà con, chúng ta hãy luôn quan sát xung quanh và đặt ra những câu hỏi: Tại sao có nông dân giàu và có nông dân nghèo? Tại sao chuỗi giá trị nông sản Việt hay bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn sử dụng thực phẩm sạch nhưng nông sản chưa thực sự an toàn?...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói một câu rất hay: “Mỗi câu hỏi khởi đầu cho sự khám phá, cho hành trình tìm kiếm tri thức”.

Nhân loại mình từ thuở hồng hoang tiến lên được vũ trụ là bởi thường xuyên đặt câu hỏi để kích thích sự suy nghĩ và tìm tòi, sáng tạo. Nhà báo cũng vậy, phải biết đặt các câu hỏi từ trong cuộc sống, từ đồng ruộng. Nhiều khi, câu hỏi còn quan trọng hơn là câu trả lời.

Trước đây, chúng ta coi báo chí là một công cụ tuyên truyền một chiều (từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài). Nhưng sau này, báo chí được coi là kênh truyền dẫn thông tin hai chiều; kênh truyền dẫn thông tin từ cuộc sống để dẫn dắt sự điều chỉnh của các nhà lãnh đạo. Nếu kênh truyền dẫn đó bị tắc sẽ là bi kịch của nhà lãnh đạo, bởi họ không còn nghe được tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống.

Gần đây, sứ mạng của báo chí tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền, không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin mà trở thành là “truyền thông tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế”.

Ngòi bút của nhà báo, tâm huyết và trí tuệ của nhà báo có thể kích hoạt cả một xã hội, một giai tầng và thay đổi cả một mô thức để hình thành những hệ giá trị cao hơn.

Đối với ngành nông nghiệp, báo chí có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản bằng cách truyền bá những tư duy mới, mô hình mới, cách làm mới. Trước đây, chúng ta coi giá bán (giá trị hữu hình) là giá trị của một sản phẩm. Còn ngày nay, giá trị của sản phẩm được tích hợp cả giá trị hữu hình và giá trị vô hình.

Chúng ta không chỉ bán trái nho, trái quýt một cách thuần túy mà bán cả văn hóa của người sản xuất, văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương ở trong sản phẩm và bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng.

Như vậy, nhà báo không phải là người làm kỹ thuật, người đưa tin mà là người mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tìm tòi, phải tư duy, phải đi và đọc rất nhiều.

Dịch giả Nguyễn Hiến Lê nói rằng: Nếu mà thầy giáo chỉ kiếm sách sư phạm đọc, kỹ sư kiếm sách kỹ thuật đọc, nhà chính trị tìm sách chính trị đọc, thì giống như con ngựa thồ bị che hai bên mắt để chúng đi đúng đường, không ngó nghiêng hai bên, không mở tầm không gian.

Khi nhà báo mở rộng không gian tri thức, nội dung trong bài viết sẽ phong phú hơn, nhìn vấn đề đa chiều hơn, sâu sắc hơn. Nhờ đó chúng ta đưa được nhiều thông điệp gần gũi đến người đọc.

Nhà báo cũng cần phải hiểu được cảm xúc của độc giả, hiểu được bạn đọc đang nghĩ gì và họ sẽ đón nhận, chuyển hóa như thế nào trong hoạt động của họ.

Đó mới là sứ mạng của nhà báo chứ không phải chúng ta chỉ xuống nhìn ngắm, tường thuật lại và đưa tin. Trong phần cuối của mỗi bài báo, chúng ta phải gợi vấn đề gì, phải kích hoạt làm sao để bạn đọc cùng suy nghĩ, từ đó làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Hồi làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trò chuyện với anh em làm báo, tôi nói rằng: “Tôi đang muốn viết một nghị quyết bằng ngôn ngữ báo chí, thì nhà báo làm ơn đừng viết bài báo bằng ngôn ngữ nghị quyết”.

Bởi muốn nghị quyết đi vào cuộc sống thì trước tiên anh phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Để người dân dễ cảm, dễ hiểu, chúng ta phải mềm hóa thông tin, làm cho bài viết có hồn, có tính chân thực, sinh động, như vậy mới chinh phục được độc giả.

Nhà báo thuận lợi hơn cán bộ Nhà nước ở chỗ được đi nhiều, ngõ ngách nào cũng tới. Họ đứng trên bờ ruộng, bờ ao để đặt câu hỏi và tìm những từ khóa để lý giải cuộc sống bằng ngôn ngữ báo chí, định hướng cuộc sống bằng ngôn ngữ báo chí…

Bên cạnh đó, muốn viết được bài báo hay thì trước tiên nhà báo phải có cảm xúc. Con người nhiều khi ngộ lắm! Nếu chúng ta thả hồn theo cảm xúc để viết thì chắc chắn bài báo sẽ có hồn, có vía, có tính sinh động. Nếu không có cảm xúc thì bài viết sẽ “cứng đơ”.

Tôi vẫn nhớ hoài câu nói của GS Phan Văn Trường: “Thường thường anh em mình hay nói với nhau từ “trách nhiệm”. Nhưng trách nhiệm thường gắn với chuyện ai đó giao cho mình một việc và mình làm tốt việc được giao là hoàn thành trách nhiệm. Chừng nào không ai giao việc, không ai kiểm tra, giám sát nhưng chúng ta vẫn tâm huyết để làm thì đó chính là bổn phận. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thái độ chúng ta ứng xử với công việc, với cuộc sống quyết định 80% thành công (20% còn lại là năng lực chuyên môn).

Khi nhà báo thấy cảm thông với người nông dân chân lấm tay bùn, thấu hiểu những vất vả, rủi ro của từng mùa vụ và trân trọng những giọt mồ hôi, nước mắt rơi trên gương mặt người nông dân, chắc chắn cảm xúc của câu chuyện sẽ được đẩy lên cao trào. Anh ta sẽ đặt mình vào tâm thế của người nông dân, nói lên nỗi lòng của nông dân.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết mở đầu truyện ngắn“Những bài học nông thôn” bằng những lời rất mộc mạc và ám ảnh: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”. Chỉ đọc đến đây thôi đã thấy có cảm xúc dâng trào rồi.

Trong cuộc sống, khó có cái gì đúng tuyệt đối và sai tuyệt đối, thậm chí có câu “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”. Mỗi người có một góc nhìn, giống như số 6 và số 9, khi đứng ở vị trí khác nhau sẽ thấy kết quả khác nhau. Cho nên, chúng ta đừng cực đoan hóa cái đúng, cái sai. Ở đời, phán xét người khác thì dễ, hướng dẫn họ sửa sai mới khó.

Bởi vậy, khi viết về vấn đề tiêu cực, nhà báo đừng chỉ đưa tin, phán xét và bình luận. Muốn hướng đến sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội, tác giả cần đưa ra thông điệp để định hướng và dẫn dắt. Từ đó góp phần xây dựng nền báo chí giải pháp, báo chí xây dựng chứ không phải báo chí bình phẩm.

Một câu hỏi chúng ta cũng hay nhắc tới, đó là trong cuộc cách mạng 4.0, robot có thể thay thế nhà báo viết bài hay không? Coi chừng có đó. Một người viết báo không có cảm xúc, thì anh ta chính là robot rồi. Ai bảo viết gì thì anh ta viết cái đó, viết để lấy nhuận bút và nhuận bút lập trình người đó viết.

Cuộc cách mạng 4.0 thì máy móc thay thế con người hay chính con người trở thành máy móc? Chúng ta đừng làm việc như bị ai đó lập trình. Thái độ làm việc hình thành từ ý thức, cảm xúc và lòng trắc ẩn. Nếu không có cảm xúc thì mỗi chúng ta tự biến mình thành robot.

Minh Phúc (ghi)
Trọng Toàn
Tùng Đinh - TL