Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhân loại sẽ kết thúc khi những cuốn sách kết thúc

Thưa Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Ông vừa có một chuyến đi dài tới nước Mỹ, gặp những người bạn văn chương Mỹ – những người đã miệt mài, bền bỉ mang hình ảnh Việt Nam sang Mỹ suốt 40 năm qua bằng các tác phẩm văn chương, văn học… Ông nhận thấy, việc đọc ở các nước hiện đại như Mỹ, châu Âu với việc đọc ở Việt Nam có gì khác biệt?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi sang các đất nước tiên tiến, hiện đại ở châu Âu, Mỹ…, góc độ là một nhà văn tôi không đặt vấn để so sánh sự khác biệt về kinh tế, chính trị hay vấn đề môi trường… Điều tôi quan tâm, đó là văn hóa đọc. Tri thức phổ cập chung đối với những người dân bình thường, những lao động bình thường. Tôi và nhiều người nhận thấy, trên các không gian công cộng, trên xe buýt, trên tàu điện…, người nước ngoài họ luôn dành thời gian trong lúc chờ đợi để đọc một cuốn sách.

Mới đây, Giáo hoàng Francis đã có một thư gửi tất cả các linh mục, tất cả hệ thống giáo hội trên toàn thế giới nói về việc cần thiết của việc đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Đấy không chỉ là những giáo lý của tôn giáo đó, việc đọc sách sẽ giúp cho tâm hồn hoàn thiện đức tin, tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp.

Nhìn lại nước ta có hình ảnh khác biệt: người Việt trong lúc chờ xe, trong những nơi công cộng… họ cũng cầm một thứ, nhưng đó là điện thoại thông minh với các nền tảng mạng xã hội mà ai cũng biết, có những thông tin trên mạng xã hội chỉ là giải trí, vô bổ, giết thời gian. Nó giúp chúng ta nhận biết thông tin, nhưng tính chất thông tin của nó hoàn toàn khác nhau.

Báo chí giúp chúng ta thông tin những gì đang xảy ra. Còn thông tin từ những cuốn sách giúp chúng ta biết những gì đang diễn ra trong cuộc đời mình, đó là sự khác biệt. Cho nên tôi nghĩ, một trong những điều vô cùng quan trọng mà lâu nay Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương về việc thúc đẩy văn hóa đọc; chúng ta đã có “Ngày sách” hằng năm; chúng ta đang có những tác động để có ngày đọc sách, đấy là một chiến lược lớn.

Cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa dày gần 900 đặt ra rất nhiều vấn đề. Trong bài viết tôi đã đánh giá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được 2 điều vô cùng quan trọng cho một quốc gia, đó là cuộc chống tham nhũng và cuộc chấn hưng văn hóa. Chống tham nhũng ở đây không phải là một cuộc chiến cụ thể, đó là sự tôn vinh sự nghiêm minh của luật pháp và sự văn minh của một quốc gia. Còn đọc sách là tạo dựng nhân cách sống cho một dân tộc. Cho nên việc đọc sách có ý nghĩa như vậy.

Ngoài sách văn học còn có các loại sách về kỹ thuật, lịch sử, địa lý, hướng nghiệp, sách về cách sống, phương pháp sống… Mạng xã hội có thể rất phát triển nhưng nhân loại không thể thiếu sách, cuốn sách sẽ còn mãi bởi khi mở một cuốn sách ra đọc, đó là một nghi lễ văn hóa, là một thái độ ứng xử đối với đời sống.

Điều khác biệt lớn nhất mà chúng ta cần phải khỏa lấp, đó là các quốc gia phương Tây nơi họ “đẻ” ra công nghệ, khởi phát các cuộc cách mạng công nghệ…, sách vẫn là thứ được coi trọng trong mỗi gia đình họ.

Ở nước ta, việc ham đọc, ham học có từ rất lâu, trở thành một nét văn hóa của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực trạng hiện tại lại là một câu chuyện khác, thưa Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn hóa đọc hiện tại đã xuống cấp, đó là lỗi của chúng ta. Trong những năm gần đây, chiến lược của Đảng, Nhà nước về việc khôi phục văn hóa đọc đã được thúc đẩy rất lớn.

Ai làm mất đi cái ham đọc sách của người Việt? Ai làm mất đi cái yêu sách của người Việt? Chính chúng ta! Sau chiến tranh, chúng ta đã mất mát quá nhiều, đã đau thương quá nhiều… nên chúng ta tập trung phát triển kinh tế. Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XIII đã đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, nghĩa là chúng ta đã bắt đầu thức tỉnh, xem lại những vấn đề văn hóa của chúng ta.

Mạng xã hội một thời gian xôn xao về thông tin 350 ngàn tỷ đầu tư để chấn hưng văn hóa. Theo tôi, con số đó không phải là nhiều bởi nếu chúng ta hiểu thật tận cùng, để chấn hưng, phục hưng những vẻ đẹp văn hóa mà chúng ta đã có thì 350 ngàn tỷ, hay 10 năm, 50 năm không phải là nhiều.

Tôi đã viết một bài báo nhỏ về 10 giây và 100 năm. Chúng ta không hiếm gặp trên đường hình ảnh một chiếc xe hơi sang trọng, người ngồi trong xe hạ kính và vứt ra bên ngoài một túi rác. Cái đó ai cũng nhìn thấy. Nhưng có người đi qua tự giác cúi xuống nhặt vào đúng chỗ, chúng ta phải mất 100 năm mới có được thói quen đó. Nghĩa là để phục hưng một vẻ đẹp văn hóa hay một thái độ văn hóa, chúng ta phải mất một thế kỷ, thậm chí nhiều hơn.

Chúng ta đã tự mình làm đứt gãy khoảng đó, nghĩa vụ của chúng ta, đầu tiên là hệ thống chính quyền, sau đó là tất cả mỗi cá nhân lo lắng cho việc này phải cùng nhau xúm lại để phục dựng lại vẻ đẹp đã mất này, đó là đọc sách và ham đọc sách.

Thưa ông, với đề án 350 ngàn tỷ để chấn hưng văn hóa, theo ông việc gì sẽ phải cần làm đầu tiên?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ vẫn phải là xây dựng lại thái độ của con người đối với tri thức. Cách đây khoảng 20 năm tôi có nói chuyện với một phụ huynh. Vị này nói rằng, các nhà văn hãy viết cho các con của họ một cuốn cẩm nang rằng trên đời này có bao nhiêu cạm bẫy để khi những đứa trẻ đó bước ra cuộc sống biết được và tránh nó. Tôi nói rằng, các nhà văn nếu viết cuốn cẩm nang về 1.000 cái bẫy cần phải tránh nhưng khi chúng bước ra ngoài đời, chúng sẽ vấp phải cạm bẫy thứ 1.001; chúng sẽ sập bẫy, sẽ sa ngã vì chúng không được hướng dẫn.

Nhưng nếu chúng ta giáo dục để chúng xác lập được đâu là cái đẹp, đâu là cái xấu, đâu là nhân văn, đâu là phi nhân văn… thì chúng sẽ xác định được con đường đi của nó và sẽ vượt qua được tất cả các cạm bẫy.

Tôi cho rằng, sách và đọc sách sẽ mang lại cho chúng điều đó. Sách không chỉ một vẻ đẹp văn chương, một bài thơ… Sách ở đây là trí tuệ nhân loại, là khoa học, lịch sử, là gia đình, tình yêu, sự chung thủy, chia sẻ, yêu thương… Nó bao hàm tất cả những gì tốt đẹp nhất của loài người và được đúc kết thành sách.

Có 2 lý do mà người ta hay đưa ra để ngụy biện cho thói quen không đọc sách của mình: thứ nhất, đó là sự thiếu thốn về kinh tế, áp lực cuộc sống và họ phải ưu tiên giành thời gian để mưu sinh, kiếm tiền, từ đó hy sinh những thứ xa xỉ thuộc về đời sống tinh thần như nghệ thuật, văn chương, đọc sách… Thứ hai, người ta mặc định sách chỉ dành cho những giới trí thức, có học, còn những người nông dân, những người lao động thì không cần đọc sách?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đấy là một sự ngụy biện. Các bạn cần biết rằng, trong mươi năm gần đây có rất nhiều dòng họ ở các làng quê, rất nhiều làng xóm, thôn xã… họ đã xây dựng các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ… Quê tôi (làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa – PV) là một vùng quê thuần nông, thế nhưng từ rất lâu trong đình làng đã có một tủ sách. Nhiều dòng họ đã lập ra thư viện sách và họ kêu gọi con cháu cùng đọc sách.

Tôi đã làm một thí nghiệm nhỏ trong gia đình mình: nếu như tất cả những người lớn mỗi người cầm một chiếc điện thoại, thì cháu tôi sẽ ngay lập tức kiếm bằng được cho mình một chiếc điện thoại. Nhưng, nếu những người lớn cầm một cuốn sách, đứa trẻ đó sẽ đi tìm một cuốn sách hay một cái gì đó tương tự.

Nếu nói đời sống kinh tế khó khăn mà bỏ qua chuyện đọc sách để di dưỡng tinh thần thì đó là ngụy biện. Khi khó khăn, con người vẫn cần đến sự chia sẻ, yêu thương, hiếu thuận, họ vẫn muốn tìm kiếm những vẻ đẹp ngoài vật chất. Đấy là văn hóa. Tại sao không thể đọc sách trong hoàn cảnh đó?

Người làng Chùa quê tôi có một câu viết lên bức tường của đình làng, câu này thậm chí được viết hàng trăm năm về trước rồi: Không có ăn không thể bước đi/Không có chữ không nhìn thấy đường. Ăn ở đây là kinh tế; chữ ở đây chính là văn hóa. Chúng ta được học, được đọc, được sống, được trải nghiệm…, và ngay cả những người nông dân ở một ngôi làng thuần nông, từ xa xưa người ta đã ý thức được điều ấy.

Trên cổng làng tôi có 4 chữ, thời bom đạn Pháp làm cho sập đổ. Sau này, các cụ cao niên tập hợp những người con làm ăn xa quê công đức để dựng lại cổng làng. Các cụ nói: không phải dựng lại chiếc cổng làng bằng gạch đá bê tông, mà muốn dựng lại bốn chữ trên chiếc cổng làng ấy. Chữ rằng: “Vọng tự nhập xuất”.

Các cụ giải thích: Nhìn chữ để biết việc ra vào. Tôi dịch ra theo cách của tôi: chữ là văn hóa, phải thấu hiểu văn hóa mới biết cách ứng xử, phát triển gia đình, cộng đồng, xã hội. “Chữ” hay là văn hóa nó quan trọng như vậy. Rất nhiều các làng quê truyền thống đã tạo ra được cái vẻ đẹp đó, và rất nhiều những người sau này trở thành những lãnh tụ về chính trị, những nhà cách mạng, văn hóa lớn… họ sinh ra từ làng quê, và ai cũng nhắc lại những vẻ đẹp văn hóa của làng quê đã truyền cho họ. Đó là nhờ đọc sách.

Cho nên việc lấy lý do về đời sống kinh tế khó khăn, chiến tranh, dịch bệnh… để từ bỏ thói quen đọc sách, đó là sự ngụy biện.

Nhiều người có suy nghĩ như thế này: khi đã học xong một bậc học và được cấp một mảnh bằng từ đó có công ăn việc làm đủ để mưu sinh…, họ dừng lại việc học và đọc, cho rằng như vậy đã là đủ. Bên cạnh đó lại có những người tự học, họ không qua trường lớp nhưng qua đọc sách, họ lĩnh hội được kiến thức, tri thức nhân loại từ đó phát minh, sáng chế ra được những sản phẩm có ích cho xã hội, cộng đồng. Có nhiều người nông dân đã cho ra đời rất nhiều phát minh, sáng chế để ứng dụng vào đời sống thực tiễn.

Điều đó chứng tỏ, trí thức nhân loại được kết tụ lại trong các cuốn sách và đọc sách là con đường ngắn nhất để tiệm tiến tới tri thức nhân loại?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời. Đọc sách là tất cả những kinh nghiệm tốt nhất, hiện thực quý báu nhất và những trải nghiệm nhiều nhất của tác giả ký gửi vào trong cuốn sách đó. Sách chính là con đường ngắn nhất để chúng ta tiếp cận một sự thật, tiếp cận một đời sống, tiếp cận một chân lý… Tôi đã từng nói, nhân loại có thể không kết thúc bằng động đất, sóng thần, bằng bom hạt nhân… nhưng nhân loại sẽ kết thúc khi những cuốn sách kết thúc.

Trong thời đại kinh tế số, xã hội số…, công nghệ đang lan nhanh và làm chủ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Người nông dân – nếu không thích ứng sẽ tiếp tục tụt hậu, lạc hậu khi xã hội vận động, thay đổi từng ngày. Rất nhiều nông dân trở thành doanh nhân; rất nhiều nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Họ không có thời gian đến trường lớp nhưng chọn con đường “đi tắt đón đầu” bằng việc tự học: đọc sách, học từ sách. Người nông dân có cần đọc sách hay không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sách là một tài sản không phân chia đối tượng hưởng thụ. Không phải chỉ mỗi trí thức mới được đọc sách. Người nông dân cũng cần phải đọc sách.

Chúng ta đã nghe nhiều tấm gương “hai lúa” có những phát minh, sáng chế ứng dụng vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, tạo ra nhiều hiệu quả, giá trị… Nếu không đọc sách họ không thể biết được những nguyên lý về khoa học để mà sáng tạo. Càng trong bóng tối, càng trong khó khăn người ta càng cần phải nhận được ánh sáng. Ánh sáng đó được soi rọi từ những cuốn sách. Những người nông dân không phải ai cũng được tới trường lớp, được đào tạo kỹ lưỡng. Rất nhiều người tự chăn nuôi, trồng trọt, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi quy hoạch trên khu vườn của họ bằng cách đọc sách.

Trong tủ sách làng tôi có rất nhiều cuốn sách viết về lĩnh vực nông nghiệp ngoài những sách khơi gợi tình yêu con người, khơi gợi ước mơ… Học xong một bằng cấp thôi chưa đủ. Mỗi một cuốn sách cho người ta một kiến thức mới, một kinh nghiệm, cách nhìn mới.

Ở nước ta, khu vực miền núi, nông thôn là những khu vực yếm thế hơn cả về tất cả các lĩnh vực, kinh tế, hạ tầng, cơ sở vật chất... Người dân không có nhiều cơ hội để tiếp cận với trường học, sách vở, tri thức… Mới đây, chúng ta có một khái niệm mới để “định danh”, đó là “nghèo đa chiều” trong đó bao gồm cả sự hạn chế của cộng đồng, người dân khu vực này khó tiếp cận được với học hành, văn hóa, tri thức nhân loại, thậm chí cả các vấn đề về khoa học công nghệ…

Nhiều cá nhân, tổ chức thời gian qua hướng tới khu vực này với nhiều hoạt động, trong đó có việc xây dựng các tủ sách cho đồng bào miền núi. Theo ông, cần có sự định hướng như thế nào đối với các đối tượng tiếp nhận để những kiến thức từ sách vở được họ sử dụng hiệu quả, thiết thực?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội Nhà văn từ nhiệm kỳ X của chúng tôi có một dự án, đó là Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Đến năm 2024, chúng tôi đã mang được 7 vạn đầu sách cho trẻ em khu vực này và chúng tôi vẫn đang tiếp tục sứ mệnh.

Nhưng chúng tôi không giao sách cho thư viện, không giao sách cho nhà trường vì cách điều hành, quản lý sách của các tổ chức này thực sự vẫn còn nhiều vấn đề. Thay vào đó, chúng tôi trao sách tận tay các cháu, từ vùng núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL…

Khi nhận một cuốn sách, đứa trẻ rất hạnh phúc và trân trọng nó, bởi lần đầu tiên chúng được sở hữu một tài sản của riêng mình. Chúng mang sách về nhà, có thể để trên giường, bậc cửa, lưng trâu hay trong chái bếp, chúng có thể đọc bất cứ lúc nào chúng thích hay rảnh rỗi. Chúng có thể đọc 1 trang, sau đó sẽ là hai trang, ba trang và các trang tiếp theo. Không chỉ đứa trẻ mà ông bà, bố mẹ, anh chị, hàng xóm… của cháu cũng có thể đọc.

Chúng tôi bắt đầu gieo trồng “hạt giống đọc sách” bằng cách thức đó. Cho nên tôi nghĩ rằng, việc đọc sách phải cộng hưởng từ tất cả: gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội…, và tất cả cùng đồng bộ việc đó. Chúng ta phải đặt việc đọc sách như một trách nhiệm chứ không phải chỉ là một ngày kỷ niệm về việc đọc sách; biến nó trở thành hơi thở trong đời sống thường nhật trong mỗi gia đình, làng bản, cộng đồng..., và phải là thói quen hàng ngày. Còn nếu đọc sách chỉ là một chính sách, một hoạt động mang tính phong trào để báo cáo thì nó chỉ là một cuộc trình diễn, sau đó chúng ta lại cho nó vào viện bảo tàng cho có.

Thay đổi thói quen, nhận thức là một quá trình rất dài. Đọc sách là một trong những phương thức tác động lên việc điều chỉnh thói quen đó. Tuy nhiên, nó cần sự bền bỉ, kiên trì, giống như muốn đọc hết một cuốn sách phải lật mở từ những trang đầu tiên, và để thấm thấu những thông điệp, tri thức trong cuốn sách đó cần có thời gian và sự giác ngộ. Người đọc sách cần có những đức tính gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đây là một chặng đường dài, cũng như tôi vừa lấy ví dụ, hành động hạ cửa kính xe vứt bịch rác ra đường mất 10s, nhưng để có hành động nhặt bịch rác đó cho vào đúng chỗ, nó cần 100 năm. Chúng ta không thể sốt ruột trong cuộc chấn hưng văn hóa hay chấn hưng văn hóa đọc nói riêng mà chúng ta phải có rất nhiều phương pháp, và phải bền bỉ. Chúng ta phải tạo sách như một đời sống, một thói quen, sự hứng thú, sự cần thiết, ích lợi của sách… để gắn kết vào. Đó là một trải nghiệm dài.

Có rất nhiều người ham mê đọc sách và luôn mong muốn lan tỏa, truyền cảm hứng đọc sách cho những người xung quanh. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng là hai minh chứng của câu chuyện lan tỏa cảm hứng này. Hai vị Bộ trưởng thường chia sẻ những câu chuyện về sách, tặng sách cho những người xung quanh. Ông có cảm xúc gì về hình ảnh này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đối với những nhà chính khách, những doanh nhân lớn, đọc sách vô cùng quan trọng. Tôi cũng đã được nghe về hai Bộ trưởng này là những người ham đọc sách, và đọc sách một cách kỹ lưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là người luôn luôn nói về sách, sự cần thiết của sách. Bộ trường Lê Minh Hoan, một số nhà văn ở ĐBSCL đánh giá rất cao và nói với tôi rằng, ông ấy luôn ủng hộ việc làm ra những cuốn sách và việc đọc sách. Cho nên, những đề xuất của các nhà văn ở ĐBSCL trong việc đi thực tế, tiếp cận để sáng tạo tác phẩm, xuất bản, truyền bá sách… được Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất ủng hộ.

Tôi nghĩ chắc chắn, sách đã mang tới cho các ngài Bộ trưởng đó cảm hứng của công việc, sự sáng tạo trong công việc, sự thấu hiểu sự cần thiết của văn hóa thông qua sách như thế nào.

Tôi cũng gặp nhiều chủ doanh nghiệp rất giỏi, họ chia sẻ rằng, khi làm việc với đối tác, có những vấn đề căng thẳng hoặc bị ách tắc, không tìm được phương án xử lý. Họ sẽ dừng lại, uống một li café và đọc một vài trang sách, và nó đã giúp họ rất nhiều. Tự nhiên một ý tưởng ở đâu đó dẫn dắt đến. Cuốn sách đó có thể không gợi ý cho họ, nhưng sách tạo ra một cảm hứng gợi mở cho họ một cách gián tiếp, khách quan, làm cho chủ thể đó tự tìm được một giải pháp để giải thoát, xử lý được khủng hoảng của mình.

Xin cảm ơn Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!

Kiên Trung - Quỳnh Chi
Tiến Thành