Nhận diện thương hiệu 'Mekong Delta' qua bảng Quy hoạch vùng ĐBSCL

     

Vùng ĐBSCL - Trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, với sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Vùng ĐBSCL chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Theo thống kê, vùng đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng là khu vực chịu nhiều khó khăn, thách thức từ nguồn nhân lực còn hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu. Đặc biệt, vùng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Và trận hạn mặn được xem là lịch sử vào năm 2016 là chỉ dấu quan trọng cho thấy vùng châu thổ này đang đứng trước rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong quá trình mở rộng thị trường, nông sản ĐBSCL đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, kể cả các mặt hàng trước đây đã vào được các thị trường lớn khác như cá tra.

Vấn đề liên kết sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Hiện nay toàn vùng mới chỉ có trên 2.460 hợp tác xã nông nghiệp, đa số quy mô nhỏ, chưa thể trở thành động lực để thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.

Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV quá nhiều cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của vùng.

Quá nhiều khó khăn, thách thức mà vùng ĐBSCL đang đối mặt, khó khăn từ chính các yếu tố tự nhiên cho đến những vấn đề nội tại. Thế nhưng bà con nông dân, ngành nông nghiệp các địa phương và các các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương sẵn sàng đối diện, vượt qua để vực dậy tiềm năng, đưa vùng đồng bằng phát triển trong tương lai gần với nhiều kết quả khả quan.

Nông nghiệp liên tục tăng trưởng nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP nông nghiệp toàn vùng đạt 1,6%, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước.

ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu 5 – 6 triệu tấn gạo với kim ngạch từ 2 – 3 tỷ USD. Sản lượng thủy sản của vùng năm 2021 là 4,79 triệu tấn, chiếm 55,7% sản lượng cả nước. 806 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản trong vùng, trong đó sản phẩm chính là cá tra và tôm sú. Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn được biết đến là vùng cây ăn trái với diện tích lớn thứ 2 sau cây lúa, chiếm gần 40% diện tích cả nước trong năm 2021.

Ngày 17/11/2017, Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các địa phương 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất đã được hình thành, thậm chí những vùng nguyên liệu rộng lớn sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị cũng đã ra đời, tạo nên hứng khởi mới cho đồng bằng.

Từ đây, nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL cũng lần lượt ra đời như: Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

Mới đây nhất, việc công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lần đầu tiên trong cả nước, bảng quy hoạch vùng ĐBSCL được lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng. “Tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” đã định hình chiến lược phát triển của vùng trong tương lai gần.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, ĐBSCL là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng. Quy hoạch nhất quán quan điểm phát triển vùng ĐBSCL bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và lấy hệ sinh thái tự nhiên, "con người" làm trung tâm.

Việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.

 

Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định phát triển vùng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh. Đồng thời, tư duy về an ninh lương thực cũng được thay đổi từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa, chuyển sang thủy sản - trái cây - lúa gạo để phù hợp với thị trường.

Từ đây, Bộ NN-PTNT đưa ra nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nhất quán quan điểm “thuận thiên”, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp toàn vùng trên 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động NLTS trên 5%/năm và tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết trên 30%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái được phân chia rõ rệt:

Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, bao gồm các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần của tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An. Các khu vực này là vùng sinh thái nước ngọt, trọng điểm của sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng. Do đó, cần đảm bảo nước ngọt an toàn, phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng, hiện đại và bền vững.

Đối với vùng sinh thái mặn – lợ ở ven biển sẽ chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn – lợ.

Vùng chuyển tiếp ngọt – lợ sẽ được tập trung phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện nguồn nước theo mùa.

Việc phân chia cụ thể các vùng sinh thái sẽ giúp các địa phương trong vùng có những kế hoạch, định hướng sản xuất đa dạng, khai thác hết tiềm năng, giá trị mà từng vùng mang lại.

TP Cần Thơ là một trong những khu vực phát triển động lực, là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố với các địa phương trong vùng, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chất lượng cao.

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đưa ra 3 trụ cột bám sát hoạt động của thành phố thời gian tới. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt với các Bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, với lợi thế nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, thành phố sẽ sớm triển khai Quy hoạch TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới.

Đặc biệt là tăng cường liên kết các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh khác trong cả nước. Ông Trường khẳng định, với quyết tâm thực hiện hiệu quả 3 trụ cột này, như kiềng 3 chân tạo đà, bứt phá trong phát triển TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xác định nhiệm vụ xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL” tại TP Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể phát triển của vùng. Đây là mô hình mới, nhận được nhiều sự quan tâm, trong tháng 5 vừa qua, Bộ NN-PTNT cùng với UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo xin ý kiến 13 tỉnh, thành về Dự thảo Đề án.

“Nhìn chung, đa số ý kiến quan tâm đến yêu cầu xác định cụ thể, chi tiết, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, với vị thế kết nối mang tính liên vùng, có sức tác động sâu rộng đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp. Việc hoàn thiện đề án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, mang tính thị trường cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Ngoài ra, thời gian tới, việc phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối các đô thị cũng sẽ được ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện. Các trung tâm này sẽ thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng chia sẻ về câu chuyện, một doanh nhân nước ngoài đã nói với ông “Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – Đồng bằng sông Cửu Long”. Vì vậy, liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Mà hơn hết đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “Nhà nước – thị trường – xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng. Mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi ấy, Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động.

Với việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.

Nói về đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt, mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước.

Bộ trưởng dẫn chứng, cách thức một nhà khoa học phát minh thiết bị cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo, đo đạc nồng độ mặn ngọt trên dòng Cổ Chiên, Trà Vinh, vốn thay đổi khác nhau theo từng giờ trong ngày, để tính toán thời điểm bơm nước tưới tiêu tốt nhất. Hay cách thức các nhà nông học, người nông dân tâm huyết kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, mà thành công nhất là các loại giống dòng ST và nhiều giống bản địa đang được phục tráng khác... đều hướng đến nguyên tắc “thuận thiên có kiểm soát”.

Từ quan điểm đó và nguyên tắc "đầu tư không hối tiếc" trong đầu tư hệ thống thủy lợi, trong giai đoạn 2021 – 2025 tổng nguồn vốn đầu tư công dành cho hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL được Bộ NN-PTNT dành khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó tập trung nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh, trạm bơm cấp nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Xây dựng hệ thống công trình cống kiểm soát mặn – ngọt ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu, Nam Mang Thít và sông Vàm Cỏ Tây. Đồng thời hoàn hiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre để tỉnh này có thể chủ động kiểm soát mặn – ngọt, tăng khả năng tưới tự chảy, giảm ô nhiễm.

 

Với vùng ven biển ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng được Bộ quan tâm, đầu tư hệ thống công trình điều tiết bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ đồng bộ với hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Đặc biệt nhất, giai đoạn tới, 90 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn 8 tỉnh ven biển ở khu vực ĐBSCL và hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới.

Ngoài ra, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ NN-PTNT đã đề xuất 21 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển cho khu vực ĐBSCL.

Theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL ngày 21/6 vừa qua, hạ tầng giao thông và logistics sẽ được tập trung tháo gỡ điểm nghẽn. “Các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần 'qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất'; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới. Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Đại diện cho ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng tôi đã đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động tại khu vực này”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm, Chính phủ và Quốc hội đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn. Đến thời điểm này, đã có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông Vận tải, NN-PTNT, Y tế... để triển khai các công trình dự án tại vùng ĐBSCL đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Với hai nguồn hỗ trợ trên, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng đạt con số khoảng 460 nghìn tỷ đồng. Với số vốn được bố trí này, sẽ tập trung hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn...

Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng được xem như một quy hoạch cho ngành nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược. Một lần nữa quan điểm của lãnh đạo ngành nông nghiệp lại được nhắc lại, quy hoạch vùng ĐBSCL không phải là “phép cộng công thức” đơn thuần. Quy hoạch có tính “mở”, linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng.

Với những suy nghĩ đầy tâm tư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn có những trăn trở “Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?”. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch.

Và hơn hết, mỗi địa phương trong vùng ĐBSCL cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Kim Anh - Hữu Đức
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Hoàng Vũ - Hữu Đức
Văn Vũ - Hoàng Vũ