Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những suy ngẫm của ông trước những cơ hội để khai thác tiềm năng của bộ giống lúa Việt Nam.
Thưa Bộ trưởng: Thái Lan có quỹ Hoàng gia cho phát triển lúa gạo, Trung Quốc thì có quỹ Thủ tướng. Bộ trưởng có thể chia sẻ một số cảm nghĩ về vai trò của cơ chế chính sách?
Tục ngữ có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nói về 4 yếu tố quan trọng để có mùa vụ bội thu. Nhưng khi tôi đi thăm các địa phương, người nông dân đã đảo ngược lại thứ tự quan trọng. Các bác bảo, “bây giờ là Nhất giống”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của bộ giống trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Không riêng gì ngành hàng lúa gạo; giống luôn là thứ đầu tiên chúng ta gieo xuống đồng ruộng, ao hồ, chuồng trại.
Giống nói chung và giống trồng trọt nói riêng, trong đó có giống lúa, là yếu tố quan trọng đối với hàng chục triệu hộ nông dân. Ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đang có một hình ảnh mới mẻ trên trường quốc tế. Những năm qua, thông qua chương trình giống quốc gia, chúng ta tự hào có nhiều giống lúa vươn tầm thế giới. Việt Nam đã trở thành cường quốc vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu lúa gạo. Thành quả ngày hôm nay có sự góp sức rất lớn của các nhà khoa học nghiên cứu về giống.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không dừng lại ở đó. Có những cái ngày hôm nay chưa có, nhưng ngày mai đã có. Có những cái hôm qua thất bại, hôm nay lại thành công. Đó là quá trình liên tục, bền bỉ của các nhà khoa học nghiên cứu về giống.
Điều này cho thấy, lĩnh vực khoa học lúa gạo còn dư địa rất lớn. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) đã chứng minh được điều này khi lai tạo ra một dòng lúa mới, cho ra hạt gạo phù hợp với người có đường huyết cao.
Câu chuyện về giống là mở đầu cho vấn đề, làm thế nào để sản xuất nhiều hơn cho những bữa cơm ấm, hạt gạo thơm, ăn ngon. Tới nay, nhu cầu thế giới là ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng. Ngành khoa học nông nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu ra các dòng lúa chức năng, phục vụ cho những người có bệnh liên quan đến vi chất.
Việc này cho thấy, ngày càng cần những giống lúa không chỉ chất lượng cao, mà còn phải thích ứng với xu thế tiêu dùng mới.
Ngày xưa, chúng ta hay nói an ninh lương thực. Khái niệm này được mở rộng ra an ninh lương thực, thực phẩm. Tới nay, chúng ta cần đảm bảo “an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng”. Trong đó, yếu tố cân bằng dinh dưỡng có thể được giải quyết, phần nào ngay từ khâu lai tạo giống. Điều này sẽ cho ra đời sản phẩm gạo phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, cung cấp vi chất cần thiết tới những bữa cơm hàng ngày.
Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong sản xuất, xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo lương thực trong nước, vừa cung cấp cho thế giới. Có ý kiến cho rằng, trong nhiều nguyên nhân thành công, một phần lớn là nhờ Việt Nam có bộ giống chất lượng. Bộ trưởng nhận định thế nào về vai trò của giới khoa học trong bảo tồn, phục tráng giống?
Quay lại lịch sử, Việt Nam có thành tựu về lúa gạo như ngày hôm nay, phải kể hành trình lai tạo những giống lúa mới của nhà bác học Lương Định Của. Ông đã truyền cảm hứng, đào tạo cho nhiều thế hệ nhà khoa học sau này. Chuyên gia lúa gạo, mỗi người có thế mạnh, có tâm huyết, có hướng nghiên cứu của mình.
Có nhiều người dành cả đời làm việc ở các viện, trường của Nhà nước. Nhiều người lại chọn hướng đi riêng, nghiên cứu độc lập, ví dụ như ông Hồ Quang Cua – cha đẻ giống ST25. Lại có những giống lúa do doanh nghiệp đầu tư sản xuất, như các loại giống của ThaiBinh Seed, Lộc Trời, Vinarice.
Nhờ môi trường khoa học lúa gạo đa dạng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Quay trở lại chuyện các nhà khoa học IRRI nghiên cứu ra giống lúa cho người bị tiểu đường. Loại gạo này phù hợp cho bếp ăn trong bệnh viện, phục vụ cho những người gặp vấn đề về vi chất. Giờ đây, gạo không đơn thuần chỉ là thực phẩm để ăn cho no, mà còn là thực phẩm chức năng.
Không gian nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước ta còn rất rộng. Chúng ta có thể tưởng tượng về một tương lai, khi việc ăn uống lành mạnh giúp con người chống chọi bệnh tật. Khoa học vốn dĩ vẫn luôn để phục vụ con người. Khi nhu cầu con người theo xu thế, khoa học cũng cần thay đổi.
Đầu tiên, chúng ta hãy nghĩ xem, con người cần gì. Hạt gạo có thể giải quyết phần nào các vấn đề dinh dưỡng.
Các nhà khoa học đã cho chúng ta thấy không gì là không thể. Trong một thế giới phẳng như hiện tại, một thế giới mà người ta gọi là ‘thiên hà đen’, mọi điều đều có thể xảy ra. Quan trọng là chúng ta nhìn ra vấn đề, hay nói cách khác là khoa học vị nhân sinh – vì con người.
Quay lại ý của Bộ trưởng, điều mà Bộ trưởng nhắc nhiều trong cuộc phỏng vấn hôm nay cũng như các cuộc họp khác, đó là vấn đề cân bằng dinh dưỡng. Đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy, thế giới có đủ lương thực, song đến năm 2030 ước tính có 600 triệu người thiếu hụt dinh dưỡng. Vậy làm thế nào để những sáng chế trong phòng thí nghiệm có thể đưa ra thực tiễn, đến tay người tiêu dùng và thương mại hóa?
Nội hàm về cân bằng dinh dưỡng, có nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ duy nhất thực phẩm. Hạt gạo cũng không phải là duy nhất, mà còn có những loại ngũ cốc khác. Bữa ăn hằng ngày của chúng ta còn thịt, còn cá, còn chất mỡ, protein...
Chúng ta tạm giới hạn ở hạt gạo. Thế giới này có 8 tỷ người, mỗi người có năng lực khác nhau, hành vi khác nhau, khả năng tiếp cận khác nhau. Như vậy, xu thế để tạo ra hạt gạo tham gia vào cân bằng dinh dưỡng, đòi hỏi các nhà khoa học tạo ra các hạt gạo phục vụ cho những nhóm đối tượng khác nhau. Các nhóm khách hàng tiêu dùng khác nhau về năng lực, khả năng, hay năng lực chi tiêu. Phân khúc thị trường là một hướng mới mà tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nghiên cứu.
Ngay thị trường Việt Nam ta đã có đến 100 triệu người. Đó là một dư địa, một không gian rất lớn cho các nhà khoa học, nhà nông học nghiên cứu.
Tôi đi đến nhiều địa phương, thấy rằng không chỉ có các nhà khoa học, mà cả những “lão nông tri điền”, hoặc những nhà nông có tâm huyết, họ cũng đã đưa ra một số giống mới. Tất nhiên, các giống này mới chỉ ở quy mô nhỏ. Nếu có sự kết hợp với các nhà khoa học, các viện, trường, thì chương trình giống để đáp ứng cân bằng dinh dưỡng sẽ có sự đột phá.
Việt Nam có nhiều người làm nông, mà nhiều như thế thì xác suất chọn ra người tâm huyết càng nhiều. Những người có trình độ không chỉ ở trong phạm vi các viện, trường mà còn chính là những người nông dân.
Từ góc nhìn của nhà quản lý, Bộ trưởng có thể cho biết, làm thế nào để có thể nuôi dưỡng được tâm huyết này cho các nhà khoa học, nhà nông học?
Tất nhiên, có nhiều góc độ, nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Từ các viện, trường công lập, rồi đến khối tư nhân, các nhà khoa học.
Nghiên cứu giống đòi hỏi thời gian, thậm chí có xác suất thất bại chứ không phải luôn luôn thành công. Cần có bệ đỡ của Nhà nước, có thể thông qua những Quỹ từ ngân sách Nhà nước, kết hợp với Quỹ thiện nguyện. Đây là nguồn vốn để có thể dành ra khoản kinh phí đó cho các nhà khoa học, hỗ trợ công việc nghiên cứu của họ.
Như vậy, chúng ta phải hội đủ được nguồn lực từ Nhà nước, nguồn lực từ xã hội, thậm chí nguồn lực từ doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp có thể ‘đặt hàng’ giống lúa dựa trên đánh giá thị trường, đầu tư rồi nhận giống lúa theo yêu cầu. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu dựa trên giống mới.
Tư duy về mặt khoa học công nghệ, về những sản phẩm mới, cần chúng ta mở rộng không gian, không chỉ bó hẹp ở ngân sách Nhà nước.
Thêm nữa, tôi muốn kêu gọi các nhà khoa học chúng ta hãy vị nhân sinh. Hãy coi sản phẩm gạo là tâm huyết của chúng ta, là cách chúng ta giảm bớt gánh nặng đời sống của những người không may bị mất cân bằng dinh dưỡng, cần thực phẩm chức năng.
Chúng ta cần kết hợp giữa nguồn lực và cái tâm của nhà khoa học. Tôi lấy ví dụ về bác Hồ Quang Cua. Ban đầu bác ấy không nghĩ ST24, ST25 sẽ được thế giới công nhận. Hành trình nghiên cứu của bác bắt nguồn từ mong muốn phát triển quê hương Sóc Trăng, làm thế nào để bà con có thể trồng lúa ở những vùng hạn mặn, nước lợ. Tôi nghĩ nhiều nhà khoa học cũng đang đi theo hướng của bác Cua.
Ai trong cuộc sống cũng gặp khó khăn. Sự thấu cảm trong khoa học đã là một động lực thúc đẩy các nhà nghiên cứu về giống. Đó là tâm thế, là sự dấn thân của nhà khoa học.
Tất nhiên không chỉ là tâm thế, là sự dấn thân suông, nó còn cần cả nguồn lực. Trên thực tế, các nhà khoa học của chúng ta thường bị giới hạn bởi sự phụ thuộc vào thị trường.
Theo tôi, khoa học cần hiểu thị trường, xác định rõ nhu cầu khách hàng. Khi người nghiên cứu có ý tưởng cụ thể, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy các đặc điểm của giống rõ ràng hơn, từ đó đầu tư vào giống phục vụ vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm khác biệt, tiếp cận những khách hàng tiềm năng. Tôi tin rằng, định hướng này sẽ có sự đồng hành của doanh nghiệp. Đối với khoa học nông nghiệp, khối tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất nguồn lực từ Nhà nước.
Đôi khi, sản phẩm nghiên cứu không đến được thị trường vì chưa nhận được tín hiệu. Nhận được tín hiệu thì sẽ nhận được nguồn lực của thị trường. Như vậy, nghiên cứu sớm, cụ thể sẽ giúp giống lúa “đón đầu” thị trường. Thậm chí, trong quá trình thí nghiệm, khảo nghiệm, nhà khoa học đã tạo ra thương hiệu cho một loại giống mới.
Xin hỏi Bộ trưởng về những tín hiệu rất tích cực từ thị trường lúa gạo, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Vậy Bộ NN-PTNT sẽ có những chính sách đột phá nào để đưa ngành hàng lúa gạo vào hệ sinh thái này, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp?
Nhân dịp Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, chúng ta sẽ chính thức ra mắt Hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Khi có thông tin hiệp hội này, cũng có một số ý kiến trái chiều rằng, đã có Hiệp hội lương thực, sao còn đưa ra hiệp hội tương tự.
Bộ NN-PTNT nhận thấy, đã đến lúc chúng ta không chỉ nhìn ngành hàng lúa gạo ở giai đoạn thương mại, mà phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Khi quy trình sản xuất tốt thì sẽ làm thương mại tốt và ngược lại, hai thứ tương hỗ cho nhau.
Mà để sản xuất tốt thì phải bắt đầu từ nghiên cứu giống, nghiên cứu nước, quy trình canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học về nông nghiệp tri thức. Thí dụ như sử dụng các cảm biến trên đồng ruộng, drone phun thuốc, các kỹ thuật cơ giới hóa,...
Như vậy thì dư địa để đưa khoa học công nghệ vào ngành hàng lúa gạo còn rất nhiều, để chúng ta tạo ra giá trị cao hơn. Nhất là khi chúng ta đang định hướng chuyển từ sản xuất lúa gạo truyền thống sang ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, gắn với nền kinh tế tuần hoàn.
Như vậy, Bộ NN-PTNT sẽ vừa kết nối, vừa nâng cao, vừa trải dài chuỗi giá trị cây lúa và hạt gạo, sản phẩm chế biến từ gạo. Chúng ta sẽ hướng tới tư duy tích hợp đa tầng giá trị trên đồng ruộng.
Chương trình Festival lúa gạo lần này sẽ kết hợp tất cả những yếu tố trên. Trước kia, chúng ta có những chương trình riêng biệt về giống, nước. Bây giờ chúng ta sẽ gắn kết tất cả thành chuỗi, để xem mắt xích nào còn trống, hay bị chồng chéo, từ đó hạn chế lãng phí nguồn lực.
Điều này phục vụ cho chúng ta nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu cho chuỗi ngành hàng lúa gạo. Người ta vẫn nói, ngày nay khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cách tạo ra sản phẩm.
Cách tạo ra sản phẩm phải đồng bộ từ đồng ruộng tới sản xuất, chế biến, để tạo ra thương hiệu cho hạt gạo. Thương hiệu đó không chỉ cho riêng hạt gạo, mà còn cho cả hệ sinh thái các mặt hàng nông sản. Chúng ra phải làm tốt từng công đoạn của ngành hàng thì mới làm ra thương hiệu chung, tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng.
Tất cả những điều đó sẽ khiến người trồng lúa tự hào. Họ sẽ thấy rằng, nông dân không chỉ là người trồng và bán lúa, mà đang tham gia vào chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị, và tham gia vào việc định vị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuối cùng, Bộ trưởng có thông điệp nào gửi tới những nhà khoa học về lúa gạo?
Có lẽ việc giống lúa mới của IRRI được trao tận tay Tổng thống Philippines không chỉ là một gói quà thông thường. Tôi nghĩ đó là biểu tượng cho sự sáng tạo bền bỉ của các nhà khoa học, nhà nông học, chứng minh rằng nếu nghĩ khác đi, sẽ có bước đi đột phá.
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng rất đau đáu vấn đề này. Trung Quốc họ đã tạo ra giống siêu lúa lai, có khả năng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Tôi mong muốn rằng các nhà khoa học sẽ bắt đầu đặt ra câu hỏi từ cuộc sống thường ngày. Trước tiên là sức khỏe giống nòi, dinh dưỡng của giống nòi, của 100 triệu người dân Việt Nam. Làm sao để trong bữa ăn hằng ngày, hạt cơm có giá trị nhiều hơn. Hạt cơm không chỉ là thực phẩm nữa, mà còn là chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe người dân.
Tôi nghĩ các nhà khoa học hãy được truyền cảm hứng từ đời sống, cảm xúc này sẽ dẫn dắt tới ý tưởng. Khi có ý tưởng rồi thì sẽ có dư địa nghiên cứu.
Còn những câu chuyện vốn ở đâu, nguồn lực ở đâu, cơ chế chính sách như thế nào, thì khi chúng ta làm, chúng ta sẽ bắt đầu hành trình tìm câu trả lời. Có thể câu trả lời sẽ từ nguồn lực Nhà nước, từ doanh nghiệp, từ nguồn lực xã hội, từ tổ chức hợp tác quốc tế.
Câu chuyện về an ninh lương thực được cả thế giới quan tâm. Nếu chúng ta có những đề tài, sản phẩm, ý tưởng tốt, tôi tin rằng chúng ta sẽ thu hút được tài trợ quốc tế, bởi đó là câu chuyện mà 8 tỷ người trên hành tinh xanh này đều phải đối chọi khủng hoảng dinh dưỡng. Tôi nghĩ chúng ta đừng bao giờ tự giới hạn mình trong nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, bởi điều đó sẽ tự giới hạn không gian nghiên cứu của chúng ta.
Chúng ta hãy nghiên cứu những sản phẩm tối ưu, tối đa hóa giá trị. Bộ NN-PTNT sẵn sàng đồng hành cùng các viện, trường, tổ chức nghiên cứu, thậm chí cùng từng nhóm nhà khoa học, để cùng nhau cân đối lại tất cả nguồn lực.
Tôi tin rằng không có gì là không thể, nếu nghiên cứu khoa học xuất phát từ cái tâm của người làm nghề. Tôi hiểu và chia sẻ với những đề tài mà nhà khoa học Việt Nam ấp ủ. Trước kia chúng ta còn lúng túng về quy trình công nhận giống lúa mới. Bây giờ, với niềm cảm hứng từ bạn bè, cộng đồng khoa học quốc tế, chính là dịp để chúng ta đẩy mạnh chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!