Nhìn lại toàn cảnh sự tàn phá kinh hoàng của siêu bão Yagi

Yagi - siêu bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm trở lại đây - gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng toàn vùng Bắc bộ, đặc biệt các tỉnh ven biển và Miền núi trung du phía Bắc. Thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra là chưa từng có. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào Biển Đông, bão Yagi đã tăng liền 4 cấp - lên cấp cuồng phong (siêu bão).

Ngày 3/9, sau khi vào Biển Đông, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Đến ngày 5/9/2024, bão tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Bão số 3 duy trì cấp siêu bão hơn 24 giờ trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào tối 6/9/2024.

Đêm 6/9, bão số 3 đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17.

Từ chiều 7/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Vào hồi 4h00 sáng ngày 8/9, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ TN-MT), Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; Là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào Vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13.

Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Về gió mạnh: Tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Các tỉnh Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 .

Về mưa lớn: Từ 7h00 ngày 7/9/2024 đến 7h00 ngày 12/9/2024 ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250-450mm, có nơi trên 550mm. Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9. Ví dụ: tại trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ (tại thành phố Yên Bái, đêm 9/9/2024).

Do mưa lớn, từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3-4m.

Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h00 ngày 10/9/2024), trên mức BĐ3 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi, thực tế, lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620m3/s vào lúc 9h00 ngày 10/9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.

Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế, từ 17h00 ngày 10/9/2024, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h00 ngày 11/9. Theo lý thuyết, mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61,0m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập.

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê, có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... Đặc biệt là tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm. Ở Lào Cai, trong tháng 8, có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi. Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).

Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tại báo cáo, hậu quả do bão, lũ gây ra chưa từng có.

Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 6h00 ngày 15/9/2024:

Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã vào chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra và phân công tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; kịp thời động viên, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Các Bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cơ bản đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Đã triển khai:

- Hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người và phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, nhà yếu đến nơi an toàn; sơ tán, di dời 74.526 hộ/130.246 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.

- Lực lượng quân đội đã huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện ứng phó với bão; 107.911 lượt người và 2.142 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; lực lượng công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

- Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với ngập úng, lũ lụt, đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu; tổ chức ứng trực vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

- Các cơ quan truyền thông bám sát diễn biến, tăng thời lượng, tần suất đưa tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân; tần suất phát tin báo bão với thời lượng 1 giờ/lần).

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tổ chức tổng số 65,1 triệu lượt tin nhắn SMS và 115,3 triệu lượt tin nhắn Zalo cung cấp thông tin diễn biến cơn bão số 3, các nội dung cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các khuyến cáo kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngay sau bão, ngày 8/9, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 3 và chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão tại Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai; phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ đến tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ trực tiếp thăm hỏi, động viên và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói; hỗ trợ 13 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) và 1,2 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs hỗ trợ người dân vùng lũ.  

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 14/9/2024, đã kêu gọi được tổng số tiền là 1.001 tỷ đồng ủng hộ lũ lụt; các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt.

Khôi phục trở lại thông tin liên lạc tại 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình); đang tiếp tục khôi phục xử lý 1.042 trạm/6.285 trạm BTS bị hư hỏng tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

Khôi phục mạng lưới cấp điện trở lại tại các tỉnh tâm bão: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và các tỉnh miền núi vừa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ.

Công tác dọn vệ sinh môi trường, khôi phục nhà cửa, cơ sở vật chất phục vụ học tập, khám chữa bệnh đang được các địa phương và các lực lượng tích cực triển khai ngay sau bão, lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào vũng lũ lụt, thiên tai tại các điểm sạt lở nghiêm trọng như Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Nậm Tông (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Kiên Trung
Tiến Thành
Anh Sa