Những con số ấn tượng trong kỷ lục xuất khẩu thủy sản nửa đầu 2022

Liên tục tăng trưởng mạnh và đều đạt trên 1 tỷ USD/tháng trong những tháng qua, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay được ghi nhận bằng những con số vô cùng ấn tượng.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm tăng trưởng rất ấn tượng. Các doanh nghiệp thủy sản đã xuất khẩu sang khoảng 160 thị trường, kim ngạch xấp xỉ 6 tỷ USD.

Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2022 ước đạt 1,1 tỷ USD. Đây là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu thủy sản vượt qua mốc 1 tỷ USD/tháng, điều chưa từng có trong lịch sử. Qua đó, đưa xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ 2021.

Với việc xuất khẩu trong tháng 6 tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD giúp quý 2 vừa qua trở thành quý đầu tiên trong lịch sử ngành thủy sản mà giá trị xuất khẩu mỗi tháng đều đạt trên 1 tỷ USD.

5,8 tỷ USD cũng là mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt được trong thời gian nửa đầu năm của mỗi năm. Bởi trước đây, xuất khẩu thủy sản cùng kỳ đạt được giá trị cao nhất là nửa đầu năm 2021 cũng chỉ trên 4,1 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay đã vượt xa mức kỷ lục cũ gần 2 tỷ USD.

Kỷ lục xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay nhờ vào sự tăng trưởng ấn tượng của tất cả các sản phẩm chủ lực là: tôm; cá tra; cá ngừ; cá các loại khác; mực, bạch tuộc; cua, ghẹ, giáp xác khác và nhuyễn thể có vỏ.

Tôm đạt trên 50% mục tiêu

Là mặt hàng quan trọng nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm đã tăng trưởng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm nay khi đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 33,1%. Xuất khẩu tôm chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm

Năm nay, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Như vậy, với giá trị đạt được trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã đạt được hơn nửa mục tiêu đề ra và đầy tự tin sẽ đưa ngành tôm lần đầu vượt qua mốc 4 tỷ USD về trị giá xuất khẩu trong một năm.

Tôm thẻ chân trắng vẫn là sản phẩm số 1 trong cơ cấu tôm xuất khẩu. Nhưng 6 tháng đầu năm nay, chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các loại tôm khác. Chẳng hạn, xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục và đạt gần 130 triệu USD, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sú tăng 20%, đạt hơn 300 triệu USD.

Cá tra gần bằng cả năm 2021

Là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm (tăng 83,2%) và đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Như vậy, xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay đã đạt gần bằng cả năm ngoái (1,62 tỷ USD).

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho rằng, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine là cơ hội cho cá tra trong năm 2022. Tình trạng thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, đã khiến cho nhiều nhà hàng đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn. Nhờ đó, cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này. Bằng chứng là xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ, sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần, sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ tăng 45-90%…

Nếu tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu như trong những tháng qua (trung bình mỗi tháng đạt hơn 200 triệu USD), đến hết tháng 7, xuất khẩu cá tra hoàn toàn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái và tự tin quay trở lại mốc 2 tỷ USD khi kết thúc năm, thậm chí có thể đạt kỷ lục mới là 2,6 tỷ USD.

Cá ngừ đã vượt nửa tỷ đô la Mỹ

Cá ngừ là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau cá tra khi đạt 553 triệu USD, tăng 55,7% trong 6 tháng đầu năm. Giá trị cá ngừ xuất khẩu trong nửa đầu năm cũng đã gần bằng cả năm ngoái (759 triệu USD).

Trong tháng 6, xuất khẩu cá ngừ đạt 91 triệu USD. Nếu tiếp tục duy trì được giá trị xuất khẩu như đó, đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu cá ngừ hoàn toàn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu trong cả năm ngoái.

Sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu cá ngừ vẫn là loin (phần thịt thăn dọc sống lưng) cá ngừ, cà ngừ cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%.

Hơn một nửa cá ngừ Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nhu cầu tăng mạnh.

Hải sản khác gây ấn tượng mạnh

Không tăng trưởng mạnh như một số mặt hàng chủ lực, nhưng xuất khẩu cá các loại khác (trừ cá tra và cá ngừ) vẫn đang có sự khả quan trong 6 tháng đầu năm khi đạt 948 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng hải sản chủ lực khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ cũng có sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, xuất khẩu mực, bạch tuộc đã đạt 344 triệu USD, tăng 29%; xuất khẩu Cua ghẹ và giáp xác khác đạt 110 triệu USD, tăng 54,5%; nhuyễn thể có vỏ đạt 74 triệu USD, tăng 21,8%.

[video] Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính phần lớn đều thiết lập các kỷ lục mới trong nửa đầu 2022. 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở đa số thị trường chủ lực, cũng là nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp cho ngành thủy sản đạt nhiều con số ấn tượng về xuất khẩu trong nửa đầu năm nay.

Mỹ tiếp tục duy trì vị trí số 1

Nửa đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng tới 65% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Theo Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), nhờ tăng trưởng mạnh, thủy sản Việt Nam đã tăng thị phần ở Mỹ cả về lượng và giá trị. Về lượng, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Mỹ với 105,66 nghìn tấn, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 8,1% trong 4 tháng đầu năm 2021, lên 9,4% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Về giá trị, 4 tháng đầu năm, thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đạt 723 triệu USD, tăng 64,4%. Thị phần thủy sản Việt Nam tính theo giá trị đã tăng từ 5,7% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 7% trong 4 tháng đầu năm nay.

Không chỉ là thị trường số 1 về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, Mỹ còn đứng đầu ở một số mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra.

Ở mặt hàng tôm, với kim ngạch 390 triệu USD và tăng 32% trong 5 tháng đầu năm, Mỹ chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam (riêng tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 25%). So với cùng kỳ năm trước, tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu sang Mỹ đều tăng trưởng mạnh lần lượt 33% và 29%.

Việt Nam hiện là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 4 cho Mỹ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin từ phía Mỹ cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 301,8 nghìn tấn, trị giá 3,126 tỷ USD.

Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam là 22,5 nghìn tấn, đạt 254,6 triệu USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 42,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu tôm của Mỹ tăng từ 7% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 7,5% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Một điều đáng chú ý là giá nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ (bình quân 11,46 USD/kg trong 4 tháng đầu năm cao hơn so với 3 nguồn cung hàng đầu khác là Ấn Độ, Ecuador và Indonesia (dưới 10 USD/kg).

Sở dĩ giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao do Mỹ  nhập khẩu chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ cỡ to và trung bình, đồng thời tôm nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng chế biến cao hơn so với tôm của những thị trường cung cấp khác.

Ở mặt hàng cá ngừ, Mỹ đang chiếm thị phần áp đảo trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 251 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Trong đó, loin cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ đạt 186 triệu USD, tăng 184%.

Là thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong nửa đầu năm nay tăng trưởng rất mạnh. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 310 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 25,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Theo bà Lê Hằng, những yếu tố chính giúp cho xuát khẩu cá tra sang Mỹ nửa đầu năm nay tăng trưởng đột phá, là: sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh …

EU tăng trưởng 45%

Xuất khẩu thủy sản sang EU có sự khởi sắc mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Thông tin từ VASEP cho thấy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang khu vực thị trường này đạt 562 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn tượng nhất trong xuất khẩu thủy sản sang EU nửa đầu năm nay là sự hồi phục mạnh mẽ của mặt hàng cá tra. Sau nhiều năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang EU trong 5 tháng đầu năm đã phục hồi và tăng trưởng rất mạnh tới 89%, đạt gần 89 triệu USD. Cá tra chiếm 16% giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU trong 5 tháng đầu năm, tăng mạnh so vớ mức 10% trong năm 2021. Điều này cho thấy rõ thêm sự hồi phục của cá tra Việt Nam tại thị trường quan trọng này.

Trong khi cá tra hồi phục mạnh mẽ, tôm cũng tăng trưởng mạnh tại thị trường EU. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang EU đạt 303 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Trong đó, tôm sú tăng trưởng rất mạnh (75%) và đạt trên 50 triệu USD. Tôm chân trắng cũng có mức tăng trưởng cao khi đạt 236 triệu USD, tăng 46%.

Theo VASEP, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, là có sự tác động không nhỏ từ Hiệp định EVFTA (nhiều dòng thuế về 0) giúp cho thủy sản Việt Nam có sự cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn cung khác. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như nhu cầu thủy sản hồi phục ở EU sau Covid; giá thủy sản tăng cao do lạm phát, cước vận chuyển cao …

Trung Quốc tăng trưởng bất chấp “Zero Covid”

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Trung Quốc gặp khó khăn lớn do chính sách “Zero Covid” của nước này, nhưng thủy sản thì vẫn tăng trưởng rất ngoạn mục.

Tính đến hết tháng 5, xuất khầu thủy sản sang Trung Quốc đạt 771 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ 2021.

Sản phẩm có sự tăng trưởng đột phá nhất khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là tôm hùm. VASEP cho biết, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt trên 108 triệu USD, tăng gấp gần 29 lần so với cùng kỳ năm trước, và  gần bằng kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng sang thị trường này (119 triệu USD), dù tôm chân trắng cũng tăng rất mạnh (tăng 61%).

Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Cá tra cũng là sản phẩm thủy sản số 1 xuất khẩu sang thị trường này. Trong 5 tháng đầu năm, giá trị cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 371 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ 2021.

Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến cho nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi nhiều cảng nhập khẩu phải tạm đóng cửa một thời gian, cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra Covid trên hàng đông lạnh …

Tuy nhiên, cũng do chính sách này mà nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động, khiến cho thị trường Trung Quốc bị thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa cũng như chế biến xuất khẩu. Chính vì vậy, Trung Quốc đang phải gia tăng nhập khẩu thủy sản từ nhiều thị trường. trong đó có Việt Nam.

Thanh Sơn
Trọng Toàn
Lê Hoàng Vũ - CTV