Những tiếc nuối về một dấu son lịch sử

Tìm kiếm những tư liệu về Nông trường Điện Biên tôi không khỏi dậy lên cảm giác tiếc nuối về một thời vàng son sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng giờ đây mọi thứ trở nên vô tăm tích, những vết son trong quá khứ chỉ là những mảnh kí ức đơn lẻ, trôi dạt trong những nhân chứng đều đã ở tuổi xưa nay hiếm còn sót lại. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ ra đi mang theo câu chuyện của một thời rất đáng để lưu lại, gắn liền với kí ức về mảnh đất lịch sử này.

 

 

Đặt nền móng cho một Điện Biên mới

Trước dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi tìm về Sư đoàn 316, Quân khu 2. Đây là đơn vị sau Chiến dịch Điện Biên Phủ được điều trở lại Điện Biên vào năm 1958 với nhiệm vụ xây dựng nông trường. Các thế hệ cán bộ sau này của Sư đoàn cũng không biết nhiều về thời thành lập Nông trường Quân đội, sau đó đổi tên thành Nông trường Điện Biên, tuy trong lịch sử của đơn vị có ghi lại điều này.

Năm 1958, khoảng 2000 người lính của Sư đoàn đã trở lại Điện Biên theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ trong quyết tâm chung của cả nước xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Kiện, Chính ủy Sư 316 để giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trở lại chiến trường cũ Điện Biên tham gia xây dựng Tây Bắc thành một vùng hậu phương vững chắc.

Ngày 10/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Huy Mân đã về thăm Sư đoàn. Đồng chí Chu Huy Mân lúc này là Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính, một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu; hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là cơ bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn…”.

Bác cũng trao cho đơn vị 100 chiếc Huy hiệu Bác Hồ để làm giải thưởng bước đầu trong đơn vị. Toàn sư đoàn chuyển hướng sang thực hiện nhiệm vụ mới trên chiến trường xưa. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Điện Biên; Trung đoàn 174 từng có nhiều vinh quang và tổn thất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức lại thành Công trường 42; Trung đoàn 98 cùng một số đơn vị khác tổ chức lại thành công trường làm đường. Lực lượng còn lại của Sư đoàn được tổ chức biên chế lại thành Lữ đoàn, trực thuộc Quân khu Tây Bắc. Mùa thu hoạch đầu tiên tại Điện Biên, toàn Lữ đoàn thu được 200 tấn thóc. Cũng chính Lữ đoàn đã thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên, trong đó có Nghĩa trang Đồi A1.

 

 

Để ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn khuyến khích họ đưa gia đình, vợ con cùng lên Tây Bắc, coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương tiếp nhận hơn 900 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ lên với Điện Biên. Năm 1960, sau khi mọi thứ đã ổn định và đi vào sản xuất, đúng ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam, một lễ hạ sao đã được thực hiện để những người lính 316 trở thành những cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên. Lịch sử cũng sang trang mới từ đó.

Nông trường Điện Biên ngày ấy đã như một biểu tượng của sự hồi sinh, của việc kiến thiết, xây dựng một cuộc sống mới trên vùng đất chiến tranh dày đặc bom mìn. Nông trường đã đi đầu trong các phong trào thi đua, là một điểm sáng về nông nghiệp trên toàn miền Bắc. Không giống như các nông trường khác, Nông trường Điện Biên, ngoài những thành tích về sản xuất còn có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, đánh thức cả vùng Tây Bắc xa xôi, là điểm sáng về xây dựng cuộc sống mới sau hòa bình trên miền Bắc. Sau này nhìn lại thì chính những cán bộ, công nhân nông trường lớp đầu tiên là những người nắm giữ những kí ức Điện Biên, cả về những trận chiến giải phóng mảnh đất này, cả về việc cải tạo, hồi sinh nó, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hôm nay.

Mất tên, mất cả một thời oanh liệt

Thế nhưng, 70 năm với bao vật đổi sao dời, cùng với sự vận động của xã hội, sự thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, tính hiệu quả từ mô hình nông trường không cao đã dẫn đến việc giải thể hàng loạt nông trường trên cả nước. Và Nông trường Điện Biên cũng không là ngoại lệ.

Tìm kiếm kết quả về Nông trường Điện Biên trên google hầu như không có một kết quả về nội dung hay hình ảnh nào về hoạt động của nông trường trước đây, trong thời kì nó làm nên một phần lịch sử của Điện Biên sau giải phóng.

Đơn vị kế thừa danh xưng Nông trường Điện Biên năm xưa tại Điện Biên hiện nay là Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên. Công ty này vốn là đơn vị được hình thành từ việc sáp nhập 3 đơn vị Nông trường quốc doanh Điện Biên, Nông trường Mường Ảng và Xí nghiệp cà phê Điện Biên với tên gọi Công ty TNHH Nhà nước MTV cây công nghiệp Điện Biên.

Tháng 6 năm 2008, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và chuyển đổi cổ phần thành Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên. Việc làm ăn khó khăn, số diện tích đất của Nông trường khi xưa được công ty giao cho công nhân và một phần cho thuê lại cho các hộ nông dân sản xuất.

Nông trường Điện Biên một thời vang bóng, vết son đỏ trên bản đồ và kí ức về vùng Tây Bắc đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại một cái tên xa mờ. Nhưng trong kí ức của những cán bộ, công nhân nông trường thuở xưa, mọi thứ vẫn vẹn nguyên.

Tầm nhìn xa của Đại tướng Tổng tư lệnh

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai chấp bút có nói về việc, hai ngày sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Đại tướng từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi tập trung các cứ điểm ở khu trung tâm Mường Thanh.

Khi đó, đứng trên Đồi A1 quan sát toàn bộ hình thái tập đoàn cứ điểm của địch và trận địa, chiến hào của ta, nhìn những vết thương chiến tranh nham nhở khắp vùng thung lũng Mường Thanh Đại tướng đã suy nghĩ về việc tái thiết Điện Biên từ rất sớm: “Tôi chợt nghĩ tới một nhiệm vụ của bộ đội, là phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi tiếp tục đi đánh giặc trên những chiến trường khác”.

Đó quả là những dự liệu của một thiên tài không chỉ về quân sự, người luôn có tầm nhìn xa. Bốn năm sau, chính Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316 về tái thiết Điện Biên, gọi màu xanh về cho đất.

Nông trường Điện Biên đã ra đời trên chính mảnh đất này cũng bởi những người lính đã chiến đấu giải phóng Điện Biên. Và công cuộc thu dọn chiến trường, chữa lành những vết thương chiến tranh, trả lại môi sinh cho Điện Biên đã được tiến hành từ những năm tháng đó cũng như kéo dài mãi đến sau này.

Năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cùng Đoàn Đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh lên dự lễ kỷ niệm 5 năm giải phóng Điện Biên Phủ. Đại tướng mang theo bài thơ của Bác Hồ viết tặng Sư đoàn 316 trước đây khi về giao nhiệm vụ cho Sư đoàn, đồng thời, tại Điện Biên, Đại tướng đã căn dặn cán bộ chiến sĩ 316: “Các đồng chí hãy đem trồng lên mảnh đất anh hùng này những giống hoa đẹp nhất của đất nước. Tuy trước mắt các đồng chí còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng gian khổ nào bằng giải phóng Điện Biên Phủ trước đây. Mảnh đất này đã thấm máu bao đồng đội, đồng bào ta, các đồng chí hãy trân trọng nó, biến nó thành một nơi phồn vinh của Tổ quốc”.

Và những người lính đã không chỉ trồng lúa, trồng mía, trồng lạc, chăn nuôi trồng trọt xây dựng mảnh đất Điện Biên, họ còn gieo xuống nơi đây những khát vọng của thời thanh xuân sôi nổi muốn cống hiến cho đất nước.

 

 

Trong sự nỗ lực tìm kiếm các nhân chứng lịch sử từng gắn bó, xây dựng Nông trường Điện Biên thời kì đầu hiện vẫn sinh sống tại Điện Biên, tôi đã kết nối được với một số nhân vật, tất cả các cụ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.

 

 

Người xưa còn đó…

Khu vực trung tâm của Nông trường Điện Biên năm xưa thuộc huyện Điện Biên ngày nay. Tại đây vẫn còn rất nhiều những gia đình cán bộ, công nhân nông trường và thế hệ con cháu họ sinh sống. Ngày trước nông trường chia thành các đội sản xuất, phiên từ Đại đội của đơn vị Quân đội sang nên các đội vẫn gọi là các C. Từ C3, C4, C7, C9… là tên của các đội sản xuất giờ chuyển thành tên gọi của các thôn.

Ông Trần Văn Đáp vốn là chiến sĩ Điện Biên đánh sân bay Hồng Cúm trước đây, đến năm 1958, khi cùng đơn vị về xây dựng nông trường ông lại được phân công về đúng khu Hồng Cúm. Ông còn nhớ khi đó là ngổn ngang bom mìn do địch cài xung quanh cứ điểm để đối phó quân ta tấn công. Cùng với đó là hệ thống dây thép gai chằng chịt. Cả khu vực rộng lớn chỉ có vài nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Thái. Đơn vị ông đã phải rà phá bom mìn, dọn dẹp sạch để lấy đất sản xuất. Khu vực này sau đó là Đội sản xuất số 6 nằm ở Tây Hồng Cúm, là nơi năm 1959 nhà văn Nguyễn Khải đã về thực tế viết truyện ngắn “Mùa lạc”, tác phẩm nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa sau này.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Lê Đăng Điệng, nguyên cán bộ Nông trường Điện Biên trước đây theo sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên. Ông Điệng trước đây là Trưởng phòng Tổ chức - Kế hoạch của Nông trường Điện Biên. Thật không may khi ông Điệng mới mất năm 2022. Con trai út của ông Lê Đăng Điệng là anh Lê Ngọc Hoàn cho biết, bố anh sinh năm 1933 nhưng trong hồ sơ là 1935, quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Ông nhập ngũ vào Sư đoàn 316 rồi lên chiến đấu ở Điện Biên. Năm 1958 ông cùng đơn vị về lại Điện Biên lập nông trường. Sau đó ông Điệng bén duyên với bà Hoàng Thị Mơ, quê ở Giao Thủy, Nam Định, là thanh niên xung phong lên Điện Biên làm công nhân nông trường. Sau này bà Mơ làm công tác công đoàn còn ông Điệng được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức - Kế hoạch. Như nhiều cặp đôi khác, họ cưới nhau và sinh sống tại Điện Biên, chọn nơi đây là quê hương thứ hai.

Sau này ông Điệng chuyển ra làm Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Điện Biên, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông nghỉ hưu năm 1991. Bà Hoàng Thị Mơ, vợ ông Điệng sinh năm 1949, hiện vẫn còn khỏe mạnh. Con cái trưởng thành, ông bà sống riêng trong căn nhà tại Khu tái định cư số 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.

Sau khi ông mất bà ở một mình tại đây. Ông bà có 3 người con, đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Con gái đầu của ông bà là chị Lê Thị Hà, sinh năm 1972, là giáo viên nghỉ hưu tại TP. Điện Biên Phủ. Con gái thứ hai là chị Lê Thị Tuyết Hường, sinh năm 1974, hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Anh Lê Ngọc Hoàn là con út, sinh năm 1984, hiện là Chủ tịch xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Ở các xã của huyện Điện Biên hiện nay đều còn các cụ từng là người của nông trường, là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh Hoàn cho biết, tại xã Pom Lót do anh làm Chủ tịch hiện có 48 cụ là đối tượng người có công, thanh niên xung phong, đối tượng được hưởng hỗ trợ của nhà nước.

Vẫn còn đây những xóm nông trường

Tôi lại tìm đến xã Thanh Xương, khu vực thôn Chăn Nuôi 2, nơi hiện nay vẫn còn nguyên khu gia đình của cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên năm xưa. Những hộ gia đình này được nông trường cấp đất về đây ở từ năm 1976.

Có những gia đình nhiều thế hệ ở gắn bó với nông trường, như gia đình ông Lại Văn Năm, chiến sĩ 316 thế hệ đầu, đến đời con ông, anh Lại Văn Quỳnh vẫn tiếp tục làm việc tại nông trường, đến đời cháu, anh Lại Văn Huỳnh, cũng đóng bảo hiểm tại Công ty của bố, tức là Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên hiện nay.

 

 

Ông Năm sinh năm 1932 tại Cẩm Khê, Phú Thọ, vốn là chiến sĩ của Tiểu đoàn Công binh 34, Sư 316. Ông vẫn nhớ những ngày mới quay về xây dựng Điện Biên, mảnh đất sau đó đã gắn bó với ông suốt phần đời còn lại. Chiến dịch Điện Biên Phủ ngốn không biết bao nhiêu bom đạn trước đó, lòng chảo Điện Biên bị cày xới đến từng ngọn cỏ, bom đạn vẫn ẩn trong đất đai dày đặc, xen kẽ với đó là hàng loạt dây thép gai giăng mắc. Ngày nào cũng có tiếng bom đạn nổ, không chết người thì cũng chết trâu bò của dân.

Các đơn vị bộ đội được lệnh rà phá, tiêu hủy bom mìn để trả lại cho Điện Biên sự bình yên. Đơn vị ông đóng ngay dưới chân đồi A1, vỡ đất trồng bí đỏ, trồng các loại nông sản. Cuộc sống sinh hoạt lặp đi lặp lại bài ca cá khô, rau tàu bay ăn với ngô bung. Sau đó đại đội ông lại nhận nhiệm vụ gỡ mìn ở sân bay Hồng Cúm. Trung đội ông rất đông, lên đến 60 người, đa phần là chiến sĩ Điện Biên trước đây, và ông là một trong số đó.

Đến cuối năm 1958, khi bom mìn đã được dò gỡ tạm ổn thì trên có chủ trương thành lập Nông trường Điện Biên, cùng với rất nhiều nông trường trên cả nước có nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Đơn vị lại chuyển sang giai đoạn đánh gốc bốc trà, san lấp tạo mặt bằng để trồng trọt. Một lễ hạ sao chuyển đổi từ bộ đội sang công nhân nông trường đã được tiến hành. Những anh bộ đội cầm súng giờ đây chuyển sang cầm cuốc, là nòng cốt trong chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Lại Văn Năm quen và cưới bà Lưu Thị Tấm, là người cùng quê theo chú lên làm công nhân nông trường. Làm việc tại Nông trường Điện Biên, ban đầu ông bà được phân nửa gian trong khu tập thể ở khu vực nông trường cà phê, sau đó ông bà và một số hộ gia đình bộ đội - công nhân khác được phân về đây ở, gọi là Khu Chăn nuôi 2.

Đến năm 1982 ông Năm mới nghỉ hưu trên cương vị đội trưởng đội sản xuất. Khu nhà ở công - nông năm xưa nay vẫn còn đó, đều tăm tắp, đường sá sạch sẽ gọn gàng. Tên gọi cũng vẫn là khu Chăn Nuôi 2 như thuở nào. Có mặt tại đây chúng tôi cảm giác như sờ nắn được những gì thuộc về lịch sử. Đặc biệt là khi được tận tay chạm vào những kỷ vật ngày cưới của ông bà, những kỷ vật đơn sơ nhưng sau 62 năm vẫn được giữ gìn cẩn trọng.

Ông Năm lấy cho chúng tôi xem vỏ quả đạn pháo nặng hàng chục cân vốn trước đây ông bà dùng để gò lưỡi cuốc, lưỡi xẻng cho sắc để đi làm.

70 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ nó vẫn nằm đó trong góc nhà của một chiến sĩ Điện Biên. Bên cạnh những xe tăng, xe bọc thép, súng pháo hiện vật lớn tại các di tích lịch sử ở Điện Biên vẫn có những hiện vật nhỏ bé và bình dị như vậy để nhắc nhớ về một quá khứ oai hùng cùng những tháng ngày tươi đẹp trên Nông trường Điện Biên của hàng nghìn người lính, thanh niên xung phong, công nhân về xây dựng Điện Biên.

Cách nhà ông bà Lại Văn Năm - Lưu Thị Tấm vài hộ là gia đình ông Nguyễn Văn Khả. Ông Khả sinh năm 1930 tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Dù đã 94 tuổi, tai nghe đã lãng nhưng mắt ông còn tinh, ông vẫn có thể đọc báo bình thường. Khi quay về Điện Biên xây dựng nông trường, ông được giao về Đội 13 ở đầu sân bay Hồng Cúm, vẫn là địa bàn khi xưa đơn vị chiến đấu.

Ông Khả cưới vợ ở quê năm 1950, trước khi nhập ngũ. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hiệp, sinh năm 1932. Ngày ấy việc đi lại còn khó khăn, từ Điện Biên Phủ ra đến Tuần Giáo đã mất ba ngày, còn nếu về Hà Nội thì có khi mất cả tháng trời. Năm 1958, ông Khả đưa vợ lên Điện Biên đoàn tụ, xây dựng cuộc sống mới. Ông bà có tất cả 6 người con, tất cả đều được sinh ra tại Điện Biên. Con cả của ông bà là anh Nguyễn Thế Khương, sinh năm 1959, sau này đã nối nghiệp bố mẹ làm việc tại Nông trường Điện Biên.

Tại Điện Biên hiện nay những con em cán bộ nông trường vẫn kết nối với nhau, lập thành nhóm trên zalo, facebook, họ vẫn đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thi thoảng gặp mặt nhắc lại kỷ niệm xưa, cùng nhớ về cái nôi tuổi thơ của họ. Những con em nông trường luôn tự hào trước công lao, sự cống hiến của các bậc cha chú tiền bối cho Điện Biên, quyết tâm phấn đấu xây dựng Điện Biên hôm nay giàu đẹp.

 

 

Trước những mảng kí ức thật đẹp còn tươi màu đất của những ngày khai thiên lập địa, thật khó để kết nối giữa Nông trường Điện Biên của hôm qua với Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên hôm nay cả trong ý nghĩ và thực tế. Người chở chúng tôi về TP. Điện Biên Phủ chính là cháu nội của ông Lại Văn Năm- anh Lại Văn Huỳnh, người hiện vẫn đóng bảo hiểm xã hội ở Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên nhưng công việc chính của anh là lái xe taxi chở khách.

Công ty làm ăn bết bát, ruộng cho thuê mấy năm trước dân cũng kêu ca, khóc lóc kiến nghị khi phải đóng phí quá cao, họ đổ công đổ sức canh tác mà sau khi nộp cho công ty thì chả còn gì, nên mọi thứ thực chất chỉ còn duy trì bộ máy, việc sản xuất chẳng như xưa.

Cánh đồng Mường Thanh trước đây đồng bào dân tộc chỉ cấy một vụ, từ khi có Nông trường Điện Biên, có công trình thủy lợi Nậm Rốm - Pá Khoang với hệ thống kênh dẫn nước tưới đã cấy được hai vụ. Cánh đồng rộng nhất Tây Bắc ngập tràn sắc xanh của những thửa ruộng đang vào đòng. Ẩn dưới những gốc lúa là những câu chuyện của lịch sử, những tiếc nuối về một thời không trở lại.

 

 

Tiếp tục tìm kiếm những người chủ chốt của Nông trường Điện Biên năm xưa thời mới khai mở, tôi được một người chị là Trần Thị Phú ở Hà Nội cho biết, em gái ruột của ông nội chị có chồng là Bí thư Đảng ủy Nông trường thời kì đầu.

Ông là Tạ Thanh Dương, bí danh là Tạ Triết nên mọi người thường goi là ông Dương Triết, chồng của bà Trần Thị Tuất. Ông Tạ Thanh Dương thì đã mất nhưng bà Trần Thị Tuất hiện vẫn sống tại Đình Tru, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Rất may mắn là bà và ông đều lên xây dựng nông trường, có 8 năm gắn bó với nông trường nên bà Tuất vẫn nhớ những câu chuyện của thời kì nông trường mới thành lập.

Cụ bà 100 tuổi và nỗi hoài nhớ

Ông Tạ Thanh Dương và bà Trần Thị Tuất đều vốn là quân 316 đóng tại Thanh Hoá. Đơn vị ông đóng ở Hậu Lộc, còn bà ở Tiểu đoàn Quân y 11 đóng ở Nga Sơn. Năm 1958, Đảng, Nhà nước kêu gọi đi xây dựng quê hương mới tại Điện Biên, vậy là Sư đoàn 316 lại lên với mảnh đất này. Ông Dương thời điểm ấy là Chính ủy của Trung đoàn nên khi chuyển sang làm nông trường ông giữ vị trí Bí thư Đảng ủy.

Bà Trần Thị Tuất và ông Tạ Thanh Dương đều sinh năm 1924. Năm nay vừa tròn 100 tuổi, bà Tuất vẫn khỏe mạnh và có trí nhớ tương đối tốt. Bà kể, thời gian đầu lên Điện Biên ông bà ở nhờ trong nhà dân ở bản Nà Tấu, Mường Phăng, nơi trước đây ta đặt Sở chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày đầu gian khổ, bọ chó ruồi vàng đốt, các nốt trên da sưng to bằng đồng xu, vừa đau vừa ngứa ngáy rất khó chịu. Ăn thì có gì ăn nấy, lúc thì gạo nếp anh nuôi dậy nấu sớm, đến khi tập thể dục xong về ăn nếp đổ mồ hôi nát bét, nửa cơm nửa cháo.

Sau này khi đơn vị đã triển khai trồng lúa nước cho thu hoạch thì mới có gạo ăn, còn trước đó chỉ bí đỏ, ngô bung và rau dưa tạm bợ. Một kỷ niệm với bà Trần Thị Tuất trong thời gian ở Nà Tấu là bà đã gặp nhà văn Nguyễn Khải đến tìm ông Tạ Thanh Dương. Khi đó ông Dương đi vắng, bà đang địu cháu nội của người chủ nhà, ở với đồng bào dân tộc nhiều nên tiếng của bà nói nghe cũng lơ lớ không khác người dân tộc là mấy. Bà hóm hỉnh kể rằng lúc đó ông Nguyễn Khải tưởng bà là người Thái, bà cũng không thanh minh, ông hỏi bà tại sao lại lấy ông Dương, bà bảo, tôi đi dân công gặp cán bộ, cán bộ thương tôi thì tôi lấy thôi.

Thời gian ấy nhà văn Nguyễn Khải lên Điện Biên thực tế, ông cùng một số nhà văn, nhà thơ khác đã tìm hiểu công việc của nông trường, đến các đội sản xuất tìm hiểu cuộc sống của công nhân, sau này ông có truyện ngắn “Mùa lạc” với bối cảnh Nông trường Điện Biên còn mãi đến bây giờ.

Bà Tuất cho biết, khi mới lên Điện Biên, anh em bộ đội phải vào rừng lấy gỗ về dựng nhà, dựng lán ở tập thể. Mãi sau ông bà không ở nhờ nhà dân nữa thì vẫn phải ở tạm trong nhà kho đựng phân bón của nông trường, dù ông là lãnh đạo. Sau nữa ông bà mới được ở nửa gian nhà tập thể. Khu của cán bộ còn có ông Trần Xuân Cảnh, là Phó giám đốc Nông trường, quê Bắc Ninh, còn Giám đốc Nông trường là người Huế.

 

 

Sau đó đồng chí giám đốc được cử đi học thì ông Tạ Thanh Dương chồng bà cáng náng mọi việc. Nông trường tính phân công bà Tuất làm ở căng tin của Nông trường nhưng bà nghĩ, vợ con tướng tá, cán bộ thì làm ở chỗ sướng, còn vợ con chiến sĩ thì dãi dầu lao động thế khó coi.

Bà Tuất bồi hồi: “Làm căng tin mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu ai mà không muốn, nhưng tôi bảo ông ấy, ông làm lãnh đạo, tôi vào đấy làm trong khi anh chị em công nhân vất vả thì ông nói được ai, vì thế tôi đã một mực xin xuống đội sản xuất, làm việc như các anh chị em công nhân khác, ông ấy cũng phải đồng ý chiều tôi. Đội sản xuất của tôi ở phía Tây Hồng Cúm, trồng mía, trồng ngô, trồng lạc. Ban ngày đi làm, tối về thì sinh hoạt, đọc báo một tuần ba buổi. Cùng với đó là học tập chính trị, thông báo nghị quyết của Đảng, tình hình chiến trường miền Nam…”

Điện Biên sáu tháng nắng, sáu tháng mưa, ở mãi bà Tuất cũng quen với thời tiết xứ này. Ngoài giờ làm bà còn ra đồng bắt cua về cải thiện bữa ăn. Cua ở cánh đồng Mường Thanh rất to và ngon. Bà lao động hăng say nên năm nào cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua. Có điều bằng khen, giấy khen bị mối xông hết, bà giữ được mỗi tờ quyết định phong tặng.

Ông Tạ Thanh Dương tuy cao lớn, da đỏ au, râu ria dữ tợn nhưng thực ra rất yếu, bệnh tật liên miên. Ở Điện Biên được 8 năm, ông bị đủ thứ bệnh, vừa cao huyết áp, vừa suy tim, Nông trường cho về xuôi điều trị. Bệnh viện nói bệnh của ông không thể tiếp tục lên miền núi nên giữ lại luôn. Thế là bà đành thu xếp về quê với chồng.

 

 

Đó là năm 1966. Cưới nhau từ thời còn ở quê, sau đó lại cùng lên Điện Biên ở với nhau 8 năm nhưng bà vẫn chưa có con. Mãi khi về lại quê, năm 1969 bà mới sinh được cô con gái, đó cũng là người con duy nhất của ông bà. Bà bảo, ông bà dù đã cưới nhau nhưng cứ như hai cái tai của chiếc cối xay, xoay tròn, chẳng bao giờ gặp được nhau, đến khi gần nhau thì do bệnh tình của ông, bác sĩ khuyên việc chăn gối phải kiêng khem, hạn chế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, thế nên bà rất giữ gìn cho chồng, sau ngày cưới hơn hai mươi năm ông bà mới sinh được mụn con.

Về quê một thời gian, chán nản ông bà lại lên Việt Bắc, do ông có quen ông Bắc Dũng khi đó là Khu ủy Thái Nguyên mời lên làm việc. Một lần nữa ông bà lại khăn gói lên Việt Bắc, nhưng khi khám sức khỏe đầu vào, bác sĩ bệnh viện ở Thái Nguyên vẫn nói bệnh của ông không ở được miền núi và kết luận sức khỏe của ông không đủ điều kiện để làm việc, lần này ông bà mới chịu về quê hẳn.

Con gái của ông bà là Tạ Thị Kim Dung, khi mới sinh sức khỏe cũng yếu, rất khó nuôi. Bà bảo, đứa con duy nhất ông bà cố mãi mới được nhưng lại giống bố, bị “khớp đớp tim”, mười người thì chín người bảo không nuôi được nhưng bà vẫn cố gắng hết mức, ơn giời cuối cùng chị đã khôn lớn trưởng thành. Hiện chị Dung ở TP. Hồ Chí Minh, hai cháu ngoại của bà đều đang đi học ở Mỹ.

Bà Tuất dù tuổi cao, con cháu muốn thuê giúp việc nhưng bà từ chối, một mình ở trong căn nhà gỗ của gia tộc nhà chồng, vẫn tự mình phục vụ mọi sinh hoạt, nấu nướng. Tôi hỏi bà Tuất có giữ được kỉ vật gì của Điện Biên không, bà chép miệng tiếc rẻ kể, khi bà về xuôi, ông Kham trưởng bản có tặng bà một tấm da hổ, lẽ ra bà phải đem đi thuộc thì lại mang phơi, dính trời mưa nên bộ da hỏng mất. Việc đó làm bà tiếc mãi đến tận bây giờ.

Cùng với đó là một vài chiếc nanh hổ, một cái trâm cài tóc bằng ngà, một tấm chăn bằng dù thu được của địch, chiếc áo trấn thủ của chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Những đồ vật mang về quê cứ rơi rụng dần, mỗi lần chuyển nhà lại bỏ đi một vài thứ, bây giờ bà chỉ còn giữ tấm chăn bằng dù màu xanh lá mạ, kỷ vật Điện Biên, hàng ngày bà vẫn đắp nó.

Bà bảo, nếu ông Dương không bị bệnh thì chúng tôi vẫn sẽ ở Điện Biên. Sau khi về quê, chồng đau ốm liên miên bà phải làm hộ lí chăm sóc ông nên chẳng đi đâu được. Ngoài bệnh cũ, ông còn bị thoát vị, phải phẫu thuật hai lần. Cho nên đến những năm cuối đời ông bà vẫn không có điều kiện trở lại Điện Biên lần nào.

Về những anh em cùng ở Nông trường Điện Biên, sau này cũng có những người về xuôi. Một lần tình cờ, người cháu của ông bà ở Hà Nội là Hoài Châu, nhà ở khu tập thể Kim Liên, thường đi tập thể dục ở Công viên Thống Nhất có gặp một người cùng tập nói rằng ông là chiến sĩ Điện Biên. Người cháu bà kể mình cũng có ông chú trước là bộ đội, sau về làm ở Nông trường Điện Biên, hai người trò chuyện qua lại, thì ra đó chính là ông Trần Xuân Cảnh, cấp phó của ông Dương khi xưa. Đó là năm 1995.

Anh Hoài Châu cho ông Trần Xuân Cảnh biết là ông Tạ Thanh Dương vừa mới mất được hơn một tháng. Thế là ông Cảnh hỏi thăm rồi tập hợp mấy anh em ở Hà Nội vốn cùng ở Nông trường Điện Biên trước đây lên Đình Tru, Lập Thạch, Vĩnh Phúc thắp hương cho người thủ trưởng cũ.

Nghĩ từ quả đạn pháo 105 ly

Tôi cũng đã định tìm thêm những người từng có một thời tuổi trẻ làm việc tại Nông trường Điện Biên nữa để hỏi chuyện, nhưng rồi nhìn lại những người đã gặp, tôi chợt nhận ra, kí ức của họ có những điểm tương đồng. Họ đã có chung một thời tuổi trẻ, cùng gắn bó trong một nhiệm vụ xây dựng nông trường. Họ đã cùng nhau lưu giữ một kí ức tập thể.

Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận, nhưng phần kí ức về nông trường của họ khá đồng nhất, gia đình của họ cũng theo những mô hình giống nhau. Tất cả họ đều có một vùng lung linh khi nhắc lại những ngày gian khó mà tự hào phơi phới, tận hiến hết mình trên mảnh đất lịch sử ghi dấu chiến thắng lẫy lừng. Bởi thế, nếu có gặp thêm nữa thì câu chuyện cũng không khác biệt nhiều.

Ở Điện Biên, tôi chia tay những cựu công nhân Nông trường Điện Biên ở thôn Chăn Nuôi 2, người chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm năm xưa, cũng là cựu công nhân nông trường ngỏ ý tặng chúng tôi chiếc vỏ đạn pháo 105 ly ông bà từng dùng gò cuốc xẻng khiến tôi không nỡ từ chối. Vợ chồng người con trai út của ông Nguyễn Văn Khả thì gào guột mời chúng tôi ăn ngô luộc.

 

 

Những bắp ngô có hạt hai màu trắng - tím đan xen gia đình vẫn trồng như đã từng trồng trên đất Nông trường Điện Biên năm xưa. Ở tuổi 94 ông Khả vẫn dò dẫm ra tận cổng nơi có hàng rào ngũ sắc trước hiên nhà bịn rịn tiễn khách. Một thời nông trường với những gian khó và yêu thương đã lùi xa, chỉ còn trong ánh mắt của các cựu chiến sĩ - công nhân như ông Năm, ông Khả, bà Tấm, bà Mơ… những người đã chọn Điện Biên làm quê hương.

Với những người đã rời xa như ông Dương, bà Tuất, ông Cảnh, những kí ức nông trường vẫn còn đó, vời vợi trong niềm nhớ. Tôi đã ra về với quả đạn pháo được chị Liễu, con gái của ông Năm bà Tấm bọc trong chiếc bao tải vốn là bao bì đựng phân bón.

Trên quãng đường từ huyện Điện Biên về TP. Điện Biên Phủ, ôm quả đạn pháo 105 ly, loại đạn mà những chiến sĩ pháo binh của Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 đã bắn vào Cứ điểm Him Lam chiều 13 tháng 3 năm 1954, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngồi trên taxi do cháu của một người lính Điện Biên cầm lái, tôi chợt nghĩ, nếu như có một bảo tàng hay chí ít là một căn nhà truyền thống, thì vỏ quả đạn pháo này hẳn sẽ nằm ở đó, nơi nó có thể nói lên tiếng nói của mình tốt nhất, là minh chứng cho một thời từ chiến trường thành nông trường, từ tay súng sang tay cày tay cuốc.

Rất nhiều những thế hệ người Việt Nam ra đi từ đồng ruộng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, rồi khi hết giặc lại trở về với mảnh ruộng khu vườn, từ cầm cuốc sang cầm súng rồi lại về cầm cuốc. Với những ý nghĩ miên man ấy, quả đạn đã nặng như càng nặng hơn trong tay tôi. Những di sản bé mọn dường như đang phiêu dạt, ẩn mình vào một thời đã qua, lịch sử cứ trôi đi theo cách của nó, vô tình, không cách gì cưỡng lại.

Những kí ức đẹp đẽ đó đáng để lưu giữ, nếu không có một bảo tàng thì ít nhất cũng là một nhà lưu niệm, một nhà truyền thống hay một khu trưng bày để các thế hệ sau của Điện Biên và cả những du khách đến mảnh đất lịch sử này biết được nó đã hồi sinh sau cuộc chiến oanh liệt nhưng cũng nhiều đau thương mất mát ấy như thế.

Nguyễn Xuân Thủy
Trương Khánh Thiện
Thành Duy - Xuân Thủy - TL