Qua hơn 8 năm thực hiện đề án, khu nông nghiệp công nghệ cao ở thị trấn Măng Đen bước đầu đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp biết đến huyện Kon Plông nhiều hơn, tìm hiểu cơ hội đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ cũng trở nên phong phú hơn.
Khu nông nghiệp công nghệ cao ở thị trấn Măng Đen hiện có khoảng có 170ha, trong đó diện tích nhà màng là 4,2ha. Bên cạnh việc tạo ra giá trị từ chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, huyện Kon Plông cũng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với du lịch.
Khu nông nghiệp công nghệ cao ở thị trấn Măng Đen đang có rất nhiều vườn rau, củ, trái cây được trồng với kỹ thuật tiên tiến, theo quy trình hữu cơ, hoàn toàn sử dụng phân phón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Ấn tượng nhất thuộc về vườn rau hữu cơ với thương hiệu Happy Vegi do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Hương Đất làm chủ đầu tư.
Khởi nghiệp từ năm 2012 với vườn rau nhỏ 5.000m2, sau nhiều năm nghiên cứu, đầu tư thử nghiệm và chuẩn hoá quy trình trồng rau theo phương pháp canh tác hữu cơ, hiện nay hệ thống vườn rau Happy Vegi có tổng diện tích gần 3ha. Riêng tại thị trấn Măng Đen, vườn rau rộng trên diện tích 1,8ha với gần 20 loại rau, củ các loại.
Triết lý trồng rau của Happy Vegi là sự cân bằng sinh thái. Vì thế việc sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn rất khắt khe của chứng nhận hữu cơ, Happy Vegi không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Để giúp người tiêu dùng hiểu nhanh nhất về rau hữu cơ, Happy Vegi đã đưa ra nguyên tắc “6 không” gồm: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không thuốc kích thích làm tăng trưởng; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng giống biến đổi gen; không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp.
Thông điệp “6 không” sau đó được in trên bao bì với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất. Để người tiêu dùng trực tiếp nhìn thấy quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, vườn rau Happy Vegi đã xây dựng phần mềm về nhật ký sản xuất.
Anh Trần Kim Điền, quản lý vườn rau Happy Vegi cho biết, vườn rau đạt chuẩn hữu cơ nên sẽ phải “nói không” với các loại hóa chất độc hại, điều này đồng nghĩa với việc rau sẽ bị các loại sâu bệnh hại, côn trùng, nhất là bệnh đốm lá… tấn công. Để xử lý vấn đề này, vườn rau Happy Vegi sử dụng chế phẩm nấm 3 màu để tiêu diệt sâu, côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, vườn rau cũng sử dụng chế phẩm thủy kim sinh được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra còn tự chế biến các chế phẩm sinh học từ thảo mộc kết hợp với tỏi, sữa chua, men rượu… để diệt trừ các loại sâu bệnh hại.
“Vườn rau chăm sóc đạt chuẩn hữu cơ nên mẫu mã không đẹp bằng các sản phẩm khác. Tuy nhiên điều này giúp bảo vệ sức khỏe cho khách hàng, môi trường không bị ô nhiễm và đặc biệt giá bán cao hơn”, anh Điền nói và cho biết nhờ đạt chuẩn hữu cơ, vườn rau Happy Vegi đã được các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đến đặt vấn đề hợp tác. Hiện tại, thương hiệu rau Happy Vegi đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại TP.HCM như I-Mart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau củ các loại với giá dao động khoảng 80 ngàn đồng/kg.
Công ty TNHH Niinuma Tomofarm hiện có 2 nhà màng diện tích khoảng 4.000m2 tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với các cây chủ lực như dâu tây, cà chua bi Nhật Bản, dưa lưới… Đây là một trong những điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Tại đây, du khách không những được chiêm ngưỡng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà còn được trực tiếp thưởng thức nông sản ngay tại vườn.
Chị Trần Thị Hiền, quản lý Tomofarm Măng Đen cho biết, dù quy trình sản xuất của Tomofarm chưa đạt chuẩn hữu cơ nhưng khách hàng luôn yên tâm vì vườn cây được trồng theo quy trình đảm bảo sản phẩm an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Theo chị Hiền, vườn cây của Tomofarm thường bị các loại sinh vậy gây hại như bướm, bệnh virus, phấn trắng, bọ trĩ… tấn công. Để loại bỏ sâu, bướm, Tomofarm chọn phương phám thủ công bằng cách bắt tay, đồng thời kiểm soát tốt môi trường để không bị lây lan. Nếu vườn cây bị bệnh virus tấn công, Tomofarm sẽ buộc phải tiêu hủy và thực hiện việc sát khuẩn toàn bộ vườn. Tomofarm kiểm soát tốt nhất bệnh phấn trắng và ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học từ mật mía, gừng, tỏi… để phòng bệnh, tránh lây lan.
“Mong muốn Tomofarm làm ra sản phẩm an toàn nhất, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Để khách hàng yêu tâm, đến khi thu hái, những người thân quen trong gia đình mình sẽ nếm thử đầu tiên”, chị Hiền chia sẻ và cho biết, sản phẩm cà chua bi, dâu tây của Tomofarm hiện đang được cung cấp chính cho thị trường Hà Nội - nơi có rất nhiều khách hàng là người Nhật Bản và Hàn Quốc tin dùng. Thời gian tới, Tomofarm sẽ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, nơi người dân rất ưa chuộc dòng sản phẩm cà chua bi để ăn sống như thưởng thức trái cây.
Tương tự, Farm Hương Nguyên Garden hiện có 2 nhà màng với tổng diện tích khoảng 3.000m2 gồm các cây trồng như dưa hấu, dưa leo, cà chua, dưa lê, ớt ruby… Quy trình trồng, chăm sóc vườn cây được Hương Nguyên Garden thực hiện theo hướng hữu cơ.
Chị Phan Thị Mai Hương, chủ Farm Hương Nguyên Garden cho biết, để chăm sóc vườn cây, gia đình chủ yếu sử dụng phân bò ủ trong đất, kết hợp với mùn mía, trấu hun khô. Trong quá trình tưới, vườn cây được bổ sung thêm đạm cá cùng với chuối ủ lên men. Nếu cây trồng bị sâu bệnh, đặc biệt là bọ trĩ thì cũng sẽ sử dụng các loại bẫy và chế phẩm sinh học để tiêu diệt.
“Khi bị sâu bệnh tấn công, gia đình thường sử dụng các loại bẫy dính và dùng đèn để thu hút côn trùng. Bên cạnh đó, gia đình sử dụng các chế phẩm sinh học như tinh dầu nem, tinh dầu tràm và các chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học dùng trong nông nghiệp hữu cơ. Khi sử dụng xong vẫn có thể hái ăn bình thường mà không phải lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu vườn cây bị bệnh héo xanh hoặc xì mủ thì gia đình sẽ bỏ luôn vì không có thuốc đặc trị”, chị Hương chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, trước đây gia đình làm nông nghiệp ngoài trời nhưng hiệu quả không cao, vườn cây hay bị sâu bệnh tấn công. Khi đó buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm cũng không an toàn cho người tiêu dùng. Sau đó, gia đình chị Hương đã tìm hiểu về quy trình làm nông nghiệp công nghệ cao để từ đó quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng và trồng theo hướng hữu cơ.
Là du khách thường xuyên đến Măng Đen, anh Nguyễn Văn Nguyên đến từ Đà Nẵng cho biết, ngoài những danh lam, thắng cảnh, Măng Đen còn nổi tiếng với khu nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn. Mỗi lẫn anh Nguyên và những người bạn lên Măng Đen lại đến tham quan các trang trại và trực tiếp thưởng thức các sản phẩm ngay tại chỗ mà không lo các hóa chất độc hại.
“Mong rằng thời gian tới, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và trải nghiệm cảm giác được làm nông dân thu hái”, anh Nguyên chia sẻ.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông, qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, đã tạo sự thay đổi về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất người dân.
Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao hiện đã làm chủ các công nghệ, ứng dụng đa dạng các quy trình sản xuất hiện đại từ trồng rau trên giá thể, trong nhà màng, tưới tự động đến công nghệ điều khiển, giám sát và quản lý cây trồng từ xa…
Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen hiện không thua kém các nước trong khu vực, một số công nghệ bắt kịp các nước phát triển đã được các doanh nghiệp, người dân lựa chọn và ứng dụng vào sản xuất. Tại đây, nhiều sản phẩm mới được tạo ra cho năng suất, chất lượng an toàn, được thị trường tiêu thụ chấp nhận và đánh giá cao.
Từ đó, khu nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quan trọng hơn hết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã dần đi vào cuộc sống, đóng góp ngày càng tăng vào tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành động lực phát triển trên địa bàn huyện Kon Plông, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon Tum về nông nghiệp.
Ông Phạm Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, xu hướng chung của các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đều theo hướng hữu cơ nên khu nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen cũng phải hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn. Quan trọng hơn, ở khu nông nghiệp công nghệ cao phải phát triển được những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của vùng đất Măng Đen để hướng đến phục vụ du lịch.
Theo ông Thanh, hiện nay việc sử dụng các chế phẩm sinh học không còn khó khăn như trước đây, người dân không phải tự chế biến ra các chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO). Thay vào đó, trên thị trường cũng đã từng bước sản xuất ra ra các chế phẩm sinh học rất tiện ích và cũng rất hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh.
“Hiện nay, khu nông nghiệp công nghệ cao gần như không sử dụng các thuốc bảo vê thực vật hóa học, thay vào đó sử dụng các chế phẩm sinh học, giá thành rất rẻ mà hiệu quả mang lại cũng rất tốt”, ông Thanh mói và cho biết, khu nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện quản lý nên quy trình sản xuất phải theo sự khuyến cáo của đơn vị.
Cũng theo ông Thanh, do khu nông nghiệp công nghệ cao đang gắn với phát triển du lịch nên người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất chẳng dại gì dùng thuốc hóa học. Bởi chắng mai du khách ăn phải rồi bị ngộ độc thì đồng nghĩa tự đánh mất đi thương hiệu của mình. Thời gian tới, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ nghiên cứu ứng dụng, hợp tác chuyển giao các công nghệ mới, tập trung sản xuất các loại cây, con giống, bảo tồn nguồn gen dược liệu, cây bản địa theo định hướng đã nêu trong Nghị quyết đại hội các cấp.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kon Plông cho biết, các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với các loại hình du lịch, kết hợp với nghiên cứu, trải nghiệm mang lại hiệu quả rất cao, có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới.
Mục tiêu của huyện trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rau, hoa, quả xứ lạnh theo quy hoạch. Từ đó, hình thành các vung chuyên canh tập trung, nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Măng Đen. Đặc biệt, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tối ưu hóa nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng sản phẩm an toàn, trồng theo hướng hữu cơ.
“Để đạt được điều này, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, bao tiên sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường”, ông Bình thông tin.