Nông nghiệp 2021: Kỳ tích!

Nhờ nắm chắc tình hình, phát hiện điểm nghẽn, nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lập kỳ tích trong năm 2021.

Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước và đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội...

Năm 2021, toàn ngành NN-PTNT tổ chức quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, đề ra các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển ngành.

Vì vậy, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.

Về xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, Bộ NN-PTNT chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường với các nước như Peru, Úc...; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm (như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc…) để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19, đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt… Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.  Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỷ USD; tôm trên 3,85 tỷ USD; rau quả trên 3,52 tỷ USD; hạt điều 3,66 tỷ USD; gạo trên 3,27 tỷ USD; cao su trên 3,31 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD.

Đối với thị trường trong nước, ngành Nông nghiệp bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường. Bộ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản tại các địa phương.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả 2 Tổ công tác đặc biệt chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 khu vực phía Nam và phía Bắc. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai “Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản - san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch Covid-19”; phối hợp tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart (vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn); đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Công tác phát triển rừng tiếp tục được Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ giống được kiểm soát đạt 85 - 90%.

Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 278 nghìn ha, tăng 2,7% so với năm 2020 và 120 triệu cây phân tán. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 486 nghìn ha, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 150 nghìn ha.

Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận năm 2020 đạt 90%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 32 triệu m3 (trong đó từ rừng trồng tập trung 18,1 triệu m3, tăng 5,4 so với năm 2020).

Các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC) đạt 45 nghìn ha (lũy kế đến nay 314 nghìn ha).

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, giá gỗ nguyên liệu giảm khiến người dân khai thác cầm chừng, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh. Ngành đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực lâm nghiệp; phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản bàn giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Năm 2021, tổng sản lượng lúa đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39,7 nghìn ha nhưng năng suất tăng 1,84 tạ/ha so với năm 2020.

Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77% để nâng cao giá trị “thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn năm 2020 lên trên 503 USD/tấn năm 2021..

Diện tích rau, đậu các loại trên 1,12 triệu ha, trong đó rau 983 nghìn ha, tăng 7,6 nghìn ha. Sản lượng rau, đậu các loại 18,6 triệu tấn, tăng 325,5 nghìn tấn.

Diện tích cây ăn quả là 1,18 triệu ha, tăng 44,8 nghìn ha. Sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số cây ăn quả sản lượng tăng, như: xoài 940 nghìn tấn, tăng 5,1%; bưởi 992 nghìn tấn, tăng 6,4%; vải 374 nghìn tấn, tăng 18,5%; sầu riêng 664 nghìn tấn, tăng 12,9%;

Đối với cây công nghiệp lâu năm, hầu hết sản lượng đều tăng. Diện tích trồng cà phê 694 nghìn ha, giảm 1,6 nghìn ha; sản lượng cà phê nhân 1,83 triệu tấn, tăng 61 nghìn tấn ( tăng 3,46%) so với năm 2020.

Cao su có diện tích 925 nghìn ha, giảm 7,4 nghìn ha; sản lượng mủ khô trên 1,26 triệu tấn, tăng khoảng 31 nghìn tấn (tăng 2,5%). Diện tích hồ tiêu 130 nghìn ha, giảm 1,8 nghìn ha; sản lượng khoảng 282 nghìn tấn, tăng gần 11,9 nghìn tấn (tăng 4,4%). Diện tích điều 305 nghìn ha, tăng 2,6 nghìn ha; sản lượng điều thô đạt 367,2 nghìn tấn, tăng 18,7 nghìn tấn (tăng 5,4%).

Ngành Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hình thành và đang phổ biến, nhân rộng.

Bộ NN-PTNT và các địa phương chỉ đạo gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm và đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong nước, đồng thời, theo dõi sát và thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ làm việc với hơn 50 lượt tỉnh/thành phố nắm sát thực trạng, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phối hợp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi giảm trong thời gian tương đối dài, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, nhiều cơ sở chăn nuôi dừng tái đàn, Bộ đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp đánh giá thực trạng chăn nuôi, hệ thống phân phối, tiêu thụ thịt lợn để có giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường; xây dựng phương án để tổ chức chỉ đạo sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp; đồng thời tích cực chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển: Đàn lợn ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%). Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỷ quả (tăng 5,1%); sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt gần 21,5 triệu tấn, tăng 5,9% so với năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng, nhiều tỉnh, thành phía Nam buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cùng với đó là giá nguyên liệu, vật tư đầu vào nuôi trồng thuỷ sản tăng cao… Tuy nhiên, ngành Thuỷ sản vẫn vượt qua khó khăn và giữ đà tăng trưởng.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng gần 1,1%.

Về khai thác: Đẩy mạnh khai thác xa bờ, cơ cấu lại hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, ổn định sản xuất; hiện đại hóa đội tàu cá, tàu hậu cần nghề cá và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến. Thực hiện các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa; kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá; tăng cường tuần tra, kiểm soát khai thác trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng giáp ranh có nhiều tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ NN-PTNT và các địa phương đã chỉ đạo triển khai công tác quản lý người và phương tiện hoạt động thủy sản, bảo đảm an toàn cho tàu cá trên biển, trong cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão giảm thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU.

Đồng thời, đã xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo Luật Thủy sản, đã có 25/28 tỉnh, thành phố xác định và công bố 84.463 giấy phép. Công tác điều tra nguồn lợi vùng ven được triển khai cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm.

Về nuôi trồng: Chủ động sản xuất giống chất lượng các đối tượng nuôi chủ lực, cơ cấu lại hệ thống sản xuất giống, gắn với vùng nuôi; đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng giống; tiến tới phát triển nuôi biển. Tăng cường quản lý chất lượng giống thông qua kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. 

Năm 2021, toàn ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đề án: Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030; Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Nhờ đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để tích hợp đa giá trị và giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng.

Bộ NN-PTNT cũng tổ chức thành công “Diễn đàn thúc đẩy chế biến nông sản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”; tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng.

Cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp; trình Chính phủ Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Phối hợp xây dựng thí điểm 06 mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm” (lúa vùng ĐBSCL, cà phê vùng Tây Nguyên).

Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp (năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động ). Qua đó, tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Năm 2021 cũng là năm Bộ NN-PTNT đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, công ty nông, lâm nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc Bộ; triển khai thực hiện Đề án thành lập 2 Công ty TNHH MTV: Khai thác thủy lợi Cửa Đạt; Khai thác thủy lợi Tả Trạch trên cơ sở sắp xếp lại 2 Ban quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 3 và 5 để thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, khai thác 2 công trình quan trọng thủy lợi, liên quan đến an ninh quốc gia.

Bộ NN-PTNT cũng chủ trì, phối hợp kiểm tra, đôn đốc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên cơ sở phương án được phê duyệt, đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới 166/256 công ty (đạt 64,8%); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Năm 2021, cả nước thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 19.100 hợp tác xã và có 78 liên hiệp hợp tác xã, trong đó trên 65% xếp loại khá, tốt và có 1.980 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 4.180 hợp tác xã  liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; cả nước có 30.027 tổ hợp tác và 19.667 trang trại.

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông…

Mặc dù nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021 được bố trí chậm, nhưng các địa phương đã chủ động cân đối ngân sách và huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai các nội dung của Chương trình.

Đến hết năm 2021, cả nước có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM (tăng 5,8% so với năm 2020), bình quân đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với năm 2020); có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 40 đơn vị so với năm 2020) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2021 có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình OCOP đạt nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến hết năm 2021, cả nước công nhận 5.496 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (gấp 1,7 lần so với năm 2020).

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021 phương châm thích ứng linh hoạt, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Qua đó, ngành NN-PTNT vượt qua thách thức, khó khăn, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ; nỗ lực vươn lên và đạt kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch.

Năm 2021 là năm cơ bản kết thúc thực hiện các dự án trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Bộ NN-PTNT tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân và xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng; khắc phục mọi khó khăn, xử lý tốt các vướng mắc để hoàn thành đúng hạn.

Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, trực tiếp về xây dựng cơ bản hoặc về một số dự án cụ thể nhằm thúc đẩy giải ngân. Bên cạnh đó, nhận diện rõ những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 để có giải pháp cụ thể đối với từng dự án; thực hiện nguyên tắc “mỗi công trình là một vùng xanh” để có giải pháp phù hợp, như việc ứng phó với đứt gãy nguồn nhân lực, nguồn cung vật tư, vật liệu… Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân chung nguồn vốn trong nước của Bộ thuộc nhóm giải ngân cao của cả nước.

Tổng kế hoạch vốn năm 2021, Bộ NN-PTNT được giao 9.846 tỷ đồng (vốn trong nước gồm vốn trái phiếu Chính phủ 7.001 tỷ đồng; vốn ODA 2.845 tỷ đồng); năm 2021 giải ngân đạt 86,7% (vốn trong nước 95,6%, vốn ODA 64,8%). Đến hết năm 2021 đã hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

 

 

Năm 2021, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế đã được thực hiện trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhằm tăng cường hợp tác song phương, đa phương và khu vực; tích cực xử lý các rào cản thương mại, tiếp tục đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản và thu hút nguồn vốn FDI, ODA vào nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thiện nội dung, thủ tục ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương nhân các chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như: Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển công nghệ khử mặn nước từ gió với công ty Smart Universal Logistics NV với Bỉ. Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị COP26, Bộ NN-PTNT đã trao đổi Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) về Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026 và Biểu trưng hỗ trợ của Tập đoàn HIPRA (Tây Ban Nha) cho Việt Nam 50 triệu liều vacxin phòng bệnh gia cầm.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu, tích cực triển khai các cam kết tháo gỡ thẻ vàng và chống IUU. Nhờ đó, Hoa Kỳ đã kết thúc đàm phán cấp kỹ thuật, tiến hành thủ tục ký Thỏa thuận về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, tạm thời khép lại điều tra gỗ nhập khẩu 301).

Chuẩn bị các điều kiện cho thiết lập đường dây nóng xử lý ùn tắc nông sản tại cửa khẩu với Trung Quốc; hoàn thiện các hồ sơ có liên quan đối với xuất khẩu cám gạo, sắn của Việt Nam sang Trung Quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc; phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện, bổ sung Nghị định thư xuất khẩu thạch đen; chuẩn bị nội dung cho Lãnh đạo Bộ thúc đẩy mở cửa thị trường sầu riêng và khoai lang sang Trung Quốc.

Đối với Nhật Bản, chúng ta đã mở cửa thị trường quýt Unshyu của Nhật Bản và chuẩn bị mở cửa nhãn của Việt Nam; tổ chức Đoàn đánh giá nhập khẩu thịt gà qua chế biến nhiệt của Công ty CP Việt Nam… Song song với đó, chúng ta đã kết nối tiêu thụ nông sản với Nga; tháo gỡ rào cản thương mại nông sản với Brazil; đàm phán với Arập - Xê út tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đánh bắt và tháo gỡ rào cản đối với hàng thủy sản nuôi trồng của Việt Nam xuất khẩu sang Arập - Xê út; xuất khẩu cà phê và thủy sản sang Anh…

Để đạt được những kết quả trên, trong điều kiện ngành nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ NN-PTNT rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân.

Nắm chắc tình hình, phát hiện điểm nghẽn, nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện ngay các giải pháp, chính sách tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông nguồn lực, thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh .

Từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương; lựa chọn những khâu trọng yếu, những giải pháp đột phá (đề xuất sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật gây cản trở kinh doanh, thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành) để chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên; khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (tranh thủ các FTAs và tranh thủ quan hệ đang tốt đẹp giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hoa Kỳ, EC), áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng, truy suất nguồn gôc...

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử. Công tác phòng chống thiên tai, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt;

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội.

Thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân, quán triệt tinh thần “Phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Minh Phúc
Trọng Toàn
Tùng Đinh - Minh Hậu - Hoàng Vũ - TL