Ông làm xây dựng rồi đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều người cũng từng “rẽ ngang” như ông, nhưng vẫn xin hỏi vì sao ông quyết định đầu tư chăn nuôi đại gia súc?
Nhà tôi ở ngoại thành Hà Nội. Hạt lúa, bắp ngô nuôi tôi từ nhỏ. Những năm tháng tuổi thơ, tôi gắn bó với con trâu, con bò. Chúng tôi vốn làm nghề xây dựng. Song anh em trong nhóm sáng lập ai cũng đam mê làm nông nghiệp, nói vui là “trùng huyết” và nhận thấy dư địa trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn.
Chúng tôi từng làm rau sạch, rồi nuôi cả lợn rừng nhưng trong quá trình nghiên cứu thấy trâu bò hay thịt đỏ chiếm cơ cấu trong rổ thực phẩm rất thấp (khoảng 7,5 - 8%). Trong khi đó, thịt lợn đang chiếm tới 70%, còn lại là gia súc, gia cầm khác. Do vậy, chúng tôi quyết định nghiên cứu rồi đầu tư.
Từ nghiên cứu, quyết định đầu tư đến thực tiễn hẳn nhiên không dễ dàng gì khi mà đầu tư vào nông nghiệp vốn bị cho rằng sẽ hứng chịu rủi ro cao, thưa ông?
Đúng thế. Quá trình làm gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do chúng ta chưa có cơ chế mở cho ngành này. Thêm nữa, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều. Mà chăn nuôi đại gia súc phải có sự tham gia của rất nhiều thành phần, đặc biệt hiện nay chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng cho việc xây dựng vùng nguyên liệu để chăn nuôi nên phải tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Khi làm, tôi mày mò xem tại sao người ta làm chưa thành công? Tôi cũng xem một số mô hình chăn nuôi bò sữa xem họ thành công ở mức nào? Rồi cần phải làm những gì? Cuối cùng tôi lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn đưa vào chăn nuôi.
Ngoài ra, chúng tôi nhận diện được một vấn đề hết sức quan trọng. Đây là nghề truyền thống, mà nghề truyền thống thì tất cả nông dân đều biết con trâu, con bò và họ có thể làm được ngay, vào cuộc nhanh chóng.
Vấn đề cần xác định là còn thiếu cái gì trong mô hình nông trại ấy. Chính vì vậy chúng tôi mới tư duy hình thành một trang trại vùng lõi làm rường cột để ngoài việc tổ chức chăn nuôi trong khu vực của mình còn làm dịch vụ khác nữa.
Ở các nông trại, nông dân không thể làm được các việc như ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất vi sinh. Hay câu chuyện chăn nuôi - thú y, họ chỉ có chăn nuôi, bảo vệ và phát triển đại gia súc của mình bằng kinh nghiệm truyền thống, còn kiến thức hiện đại hoặc công nghệ mới thì nhiều người chưa được tiếp xúc. Chính vì vậy chúng tôi mới hình thành mô hình liên kết. Đấy là câu chuyện của cả một quá trình.
Công ty T&T 159 bắt đầu thành lập từ năm 2012 và đến nay chúng tôi có chuỗi Công ty 159, mỗi trang trại là một công ty. Ở Hòa Bình có 3 trang trại thì thành lập 3 công ty, ở Nghệ An có một công ty nữa. Chúng tôi thành lập công ty chuyên đi thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp.
Các công ty đều hạch toán độc lập và làm theo mô hình liên kết chứ không vận hành theo mô hình mẹ - con. Tức là nhóm đầu tư của chúng tôi đầu tư vào tất cả các công ty đó, pháp nhân độc lập, có thể mua bán, hỗ trợ với nhau để tiền tệ hóa. Có thể trang trại này lãi nhiều, trang trại kia lãi ít là chuyện bình thường.
Kể cả việc trả lương, chúng tôi không trả lương hàng tháng hay hàng quý, mà cuối năm khi quyết toán rồi chúng tôi mới trả lương. Ví dụ trang trại này ông nuôi 35.000 đồng/kg thịt bò thì ông được bao nhiêu ngàn cho 1kg, đó là tiền nhân công, tổng kết năm sẽ bù trừ lại tiền ông đã ứng ra hàng tháng, nên anh em phấn khởi vì lợi nhuận rất cao.
Nhiều người từng tham vọng làm giàu từ nghề chăn nuôi bò, thậm chí có đại gia rót nhiều tỷ đồng để chăn nuôi bò ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhưng giấc mộng của họ không sáng sủa. Ông có sợ thất bại?
Như tôi đã nói, làm nông nghiệp rủi ro tương đối cao. Đầu tư cần phải có thời gian và câu chuyện thất bại - thành công ranh giới hết sức mong manh. Sợ thất bại thì không nhưng phải hết sức thận trọng.
Trước đây một số doanh nghiệp rất lớn họ cũng đầu tư chăn nuôi nhưng nói thực là vẫn tư duy theo tuyến tính, theo giá trị mục tiêu. Họ xác định giá trị mục tiêu cốt lõi của họ là nuôi bò để lấy thịt, thế thì một kg thịt bò sẽ cõng lên vai tất cả mọi việc. Và để làm được một kg thịt bò người ta phải làm tất cả hoạt động của nó thì con bò phải cõng lên lưng nó hết.
Nhưng chúng tôi ứng dụng quy luật tuần hoàn vào sản xuất, đưa kinh tế tuần hoàn vào thì giá trị thịt bò không còn là giá trị cốt lõi nữa, mà tất cả các hoạt động xung quanh giá trị mục tiêu ấy sẽ tạo ra các giá trị mới.
Ví dụ, việc sản xuất nguyên liệu thức ăn, chúng tôi cũng ứng dụng quy luật kinh tế tuần hoàn. Nghĩa là rác thải của chu kỳ sản xuất trước sẽ là đầu vào của chu kỳ tiếp theo.
Người dân rất giỏi trồng cây ngô nhưng họ chỉ cần lấy bắp, họ trồng lúa chỉ cần lấy hạt, còn những cái khác có thể họ nghĩ tới nhưng không biết xử lý nó như thế nào nên trở thành rác thải. Nhưng khi nó vào tay chúng tôi thì lại trở thành hàng hóa. Mình giúp cho họ để nâng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp.
Chúng tôi lấy công nghệ sinh học làm nền tảng, là hoạt động xương sống cho mọi hoạt động xung quanh, từ sản xuất thức ăn, ngâm, ủ chua, phối trộn TMR đều có vi sinh hết, thậm chí đến lúc xử lý chất thải cuối cùng thì vẫn xử lý bằng công nghệ sinh học, đưa 67 chủng vi sinh hữu ích để xử lý. Nó tạo nên sự khác biệt so với ngành chăn nuôi trước đây.
Tuần hoàn nhưng phải hiệu quả, chứ tuần hoàn bằng mọi giá như tư duy tuyến tính, thậm chí là xả thải, tăng chất kích thích vào con bò thì nó kém về chất lượng và còn có dư lượng không tốt cho sức khỏe và rất tốn kém để tạo ra 1 kg thịt bò.
Ông nói một câu mà nhiều người thoáng nghe qua tưởng như ngạo nghễ, đó là “phân bò còn quý hơn cả thịt bò”. Giải thích điều này thế nào để mọi người dễ hiểu hơn, thưa ông?
Ở trang trại tôi vẫn nói với anh em là không có thứ gì bỏ đi hết. Tất cả những gì gọi là phế thải khi đưa vào và đưa ra trang trại đều trở thành hàng hóa.
Mà một trong những hàng hóa chủ lực là phân bón hữu cơ vi sinh. Tôi có trang trại ở huyện Lạc Sơn to gấp đôi trang trại ở Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nó như khu công nghiệp ấy.
Riêng trang trại ở Yên Mông vì gần thành phố nên chúng tôi còn làm một resort ôm trang trại. Qua đó gửi thông điệp, trong một trang trại lớn như vậy nhưng vẫn có hệ sinh thái tuyệt vời xung quanh.
Đối với các trang trại chăn nuôi bò hiện nay, họ sử dụng nguyên liệu phân bò thô để đi bón cây, chứ họ chưa tạo thành giá trị hàng hóa như kỳ vọng.
Phân bò của chúng tôi đang chiếm tỷ trọng tương đối cao trong lợi nhuận. Ví dụ trang trại nuôi 4-5 ngàn con bò, năm vừa rồi cho doanh số 65 tỷ đồng mà gần như là lợi nhuận, với khối lượng 25.000 tấn.
Mấy năm gần đây nhận thức của người nông dân bắt đầu có thay đổi, trong trồng trọt họ thay thế phân vô cơ bằng phân hữu cơ. Vì sử dụng phân vô cơ khiến cho đất bị chai cằn, ví dụ như ở vùng cam Cao Phong, nếu muốn cải tạo phải mất 10 năm. Chính vì vậy người nông dân hiện nay, cùng với sự khuyến khích của Chính phủ và ngành Nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ rất lớn, nhất là cây ăn quả.
Ví như năm ngoái, riêng một tập đoàn trồng mắc ca ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã mua của chúng tôi 10.000 tấn để bón lót. Hiện nay tất cả các nhà máy của T&T 159 chưa đạt sản lượng 100.000 tấn nhưng tôi có tham vọng sản xuất 1 triệu tấn phân bón. Và chúng tôi đang phối hợp với một số tỉnh nhằm xử lý chất thải chăn nuôi để có nguồn đầu vào rất lớn.
Chúng tôi tích hợp công nghệ sinh học để xử lý từng giọt nước tiểu. Các bạn còn nhớ, thời bao cấp làm gì có phân đạm đâu, nhà nào cũng có một chum đựng nước tiểu ở sau nhà. Hoặc nhà nào có chum hay chậu thì có một thúng tro, hòa loãng ra để tưới rau, một tuần sau rau ở vườn tốt um lên.
Đó là hệ sinh thái khép kín của quy luật tương sinh tương khắc. Thực chất là quy luật tự nhiên vốn dĩ đã hình thành trong hệ sinh thái, “thằng nọ làm thức ăn và nuôi thằng kia”.
Sau khi hệ sinh thái tuần hoàn của tự nhiên bị hoạt động của con người tác động vào thì nó mới biến đổi, biến dạng. Từ đó sinh ra nhiều vấn đề đang phải giải quyết như phát thải. Về nguyên tắc, mọi sự ô nhiễm đều do đậm đặc mà ra, những cái gì đậm đặc sẽ trở thành ô nhiễm.
Với nhiều người, khái niệm kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ. Xin hỏi thực, ông học ở đâu?
Mình phải hiểu quy luật tuần hoàn vốn dĩ từ tự nhiên, từ xa xưa ông cha ta đã làm, còn bây giờ mình đặt tên cho nó như vậy thôi. Thuật ngữ đó không phải chúng tôi nghĩ ra nhưng mình nghe ở đâu đó và khái niệm nông nghiệp tuần hoàn người ta nói nhiều thời gian gần đây là do chúng tôi.
Nhưng thực ra thì câu chuyện tuần hoàn vốn dĩ là ở xã hội, mà mô hình vườn - ao - chuồng là mô hình tuần hoàn sơ khởi. Còn kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì nói thật là từ ngày chúng tôi làm người ta mới nhắc nhiều đến, còn trước đây người ta hay gọi là chuỗi giá trị.
Nói chuỗi giá trị thì tôi cho rằng nó chưa đủ, chưa bao hàm hết. Vì chuỗi giá trị có thể dài, có thể ngắn. Nhưng kinh tế tuần hoàn thì buộc phải phục vụ và phụ thuộc lẫn nhau.
Tư duy tuyến tính thì người ta làm chuỗi giá trị, tức là dùng khoa học công nghệ và giải pháp kỹ thuật để phục vụ mục tiêu cuối cùng là năng suất. Nhưng ở kinh tế tuần hoàn này hay hơn chuỗi giá trị ở chỗ là nó giảm thải. Không có gì phát thải cả. Trong nông nghiệp, tôi là người phát ngôn “không có thứ gì bỏ đi” nên tôi cho rằng phải dùng kinh tế tuần hoàn thì bao hàm hơn.
Chúng tôi thấy có nhiều đoàn đến tham quan mô hình của các ông. Họ đến và đã áp dụng được gì chưa? Ông sẵn sàng chia sẻ với họ chứ?
Đúng là đã có rất nhiều đoàn đến tham quan. Cách đây không lâu, có một người gọi cho tôi hỏi han về mô hình. Ông ấy gọi nhiều lần cho tôi nhưng không nói làm gì. Đùng một hôm, ông ấy lọ mọ lên tận Hòa Bình gõ cửa.
Tôi có quan điểm, ông nào làm nông nghiệp thì tôi giúp thôi. Hai anh em nói chuyện rất lâu và đi xuống thăm trang trại. Đang tham quan thì một cộng sự của tôi mới thốt lên: Ô, anh Hồ Quang Bửu. Lúc đó, tôi mới biết người đàn ông lọ mọ đến chỗ tôi là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.
Té ra, ông Bửu ngỏ ý mời công ty chúng tôi vào để chuyển giao công nghệ sinh học cho một số doanh nghiệp, bàn để xử lý phế thải cho vùng chăn nuôi.
Đấy, đại loại có những chuyện như vậy. Tôi thành lập một công ty khoa học để tập trung cho việc chuyển giao. Mong muốn của tôi là lan tỏa cách làm hay để cho ngành Nông nghiệp phát triển. Mà nói cho cùng thì có cá nhân đến đâu, có ích kỷ đến đâu cũng không thể ăn được hết. Cho nên cái mục tiêu chính là góp phần làm cho ngành Nông nghiệp phát triển trên một nền tảng của kinh tế tuần hoàn.
Mỗi ông chủ doanh nghiệp đều có triết lý kinh doanh riêng. Triết lý và đích đến của ông là gì khi đầu tư vào nông nghiệp?
Triết lý của tôi là chia sẻ giá trị cuộc sống. Tôi mong muốn nền nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển trên nền tảng của công nghệ sinh học và trên nền tảng của nền kinh tế tuần hoàn.
Và tôi muốn rằng những gì mà tôi đang có, tôi muốn mọi người cùng thụ hưởng bằng cách nào đó, có một tác dụng nào đó với họ, kể cả người trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, lưu thông, phân phối... họ đều được chia sẻ giá trị nào đó mà họ tham gia vào.
Còn xa hơn, tôi muốn giúp đỡ tất cả các vùng nông nghiệp hiện nay đang rất bức xúc ở vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi. Tôi muốn ở tỉnh nào cũng có nhà máy chế biến phân bón để không phải nhập phân bón nữa. Tự nó nuôi nó. Tránh ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ ngành nông nghiệp bằng cách đưa công nghệ sinh học vào để tạo giá trị gia tăng.
Hiện nhiều người cũng mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Là người có những thành công nhất định, nếu có lời hữu ích với họ, ông nhắn nhủ gì?
Đầu tư vào nông nghiệp tuy chứa đựng rủi ro nhưng lại rất tiềm năng. Quan trọng là chúng ta phải lượng sức mình, không nhất thiết phải tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị mà mình có sức đến đâu mình làm đến đó.
Câu chuyện đứng trên vai người khổng lồ vẫn nguyên giá trị. Ví dụ, tôi chỉ làm được cái này thôi thì chỉ làm trọng tâm cái đó. Còn các bạn có khát vọng cao hơn, dám dấn thân để đầu tư theo mô hình khép kín thì nên lượng sức mình để đầu tư theo quy mô phù hợp.
Ví dụ, ai có sức nuôi 100 con bò thì chỉ nuôi 100 con, hoặc liên kết với các nông hộ để làm. Tuyệt đối không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư cho nông nghiệp vì rất rủi ro.
Xin hỏi ông câu cuối. Một câu hỏi có thể hơi tò mò. Khi mới nghe về Công ty T&T 159, chúng tôi nhầm tưởng nó liên quan tới Tập đoàn T&T của Bầu Hiển. Nếu không phật lòng, ông có thể chia sẻ vì sao ông lại đặt tên công ty là T&T 159 và nó có ý nghĩa gì?
(Cười). Tôi cũng từng nghe nói về điều này. Có một điều trùng hợp là các thành viên sáng lập T&T 159 đều có tên bắt đầu từ vần T: Thắng, Toản, Tùng, Tuấn, Toàn, Tuyển... Hội đồng sáng lập, thậm chí là cổ đông đa số là vần T. Nên mới đặt là T&T.
Nhưng nếu đặt thế thôi thì giống công ty của Bầu Hiển, bị kiện thì chết. Do vậy, chúng tôi thêm số cho nó là T&T 159. Đây là dãy số phong thủy, bắt đầu từ nhỏ nhất cho đến lớn nhất. Và ở giữa là số 5 tức là mình vẫn có bước đi, nên mình lấy làm thương hiệu.