Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhiều lần nói rằng, làm nông nghiệp hữu cơ suy cho cùng vẫn là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế, làm những câu chuyện tử tế.
Tại một hội nghị bàn triển khai kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về việc thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể: Đã từng có một ông chuyên gia phát biểu trước một diễn đàn rằng nếu ghét ai hãy kêu người đó đi làm nông nghiệp hữu cơ.
“Nói điều đó để thấy sự rủi ro và khả năng thất bại trong nông nghiệp hữu cơ rất lớn, nhiều cơ chế ràng buộc. Nhưng chúng ta sẽ làm được. Phải xây dựng được một hệ sinh thái hữu cơ, trong đó bao gồm người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông đều nằm trong hệ sinh thái đó, gắn kết, mang tính chất cộng sinh với nhau. Hệ sinh thái đó phải rộng hơn chuỗi giá trị, như thế sẽ thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, suốt một quá trình dài chúng ta chạy theo sản lượng, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, trở thành vòng luẩn quẩn khiến đất đai chai lì, thiếu dinh dưỡng, ngày càng kiệt quệ, hệ sinh thái của đất bị biến dạng… Cho nên cần phải xác định, lấy cái gì của đất thì phải trả lại cái đó, để gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Người Nhật có một triết lý rất hay là hãy nghĩ cho người khác. Mình phải nghĩ cho người khác rồi người ta mới nghĩ lại cho mình. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm. Trách nhiệm với thương hiệu nông sản của chúng ta, trách nhiệm với sức khỏe của gần 100 triệu dân chúng ta, trách nhiệm với chính những người nông dân sử dụng phân vô cơ đang hủy hoại sức khỏe của họ…
Chúng ta đang bị giằng xé giữa cái trước mắt và cái lâu dài. Nông dân cũng vậy, thương nhân cũng vậy.
“Mới đây, tôi đã viết nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó có 3 điều cần tháo gỡ, thay đổi là tư duy mùa vụ của người nông dân, tư duy thương vụ của doanh nghiệp và tư duy nhiệm kỳ của chính quyền. Người nông dân mình biết tác hại của phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng mình phải tìm cho họ sự thay thế. Muốn cấm vô cơ thì phải có đủ hữu cơ và Nhà nước, doanh nghiệp phải bắt tay cùng làm điều đó. Chúng ta đã thực hiện được một phần và bây giờ là giai đoạn không thể chờ đợi thêm nữa. Sức khỏe người nông dân, sức khỏe người tiêu dùng không thể chờ đợi chúng ta loay hoay mà chúng ta phải hành động”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
"Phải có một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi tư duy nhận thức người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) phân tích, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 có rất nhiều nội dung lớn có tính chất định hướng và tổ chức thực hiện.
Bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến.
Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua và ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.
Thống kê của các cơ quan chuyên môn, đến hết năm 2020, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ 53,35 ngàn ha vào năm 2016 lên khoảng 237.693 ha vào năm 2019. Đã có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ với số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là khoảng 17.168 người.
Ngoài ra cũng đã có 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ, trong đó 60 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, sau khi đề án được phê duyệt, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hai hội nghị lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai kế hoạch hành hành động phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện.
Về nội dung trọng tâm, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp xác định, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ NN-PTNT giao các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ rõ ràng trong từng nhóm ngành hàng.
Cụ thể, đối với trồng trọt, mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực vào năm 2025 và khoảng trên 2% vào năm 2030.
Chăn nuôi đạt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước vào năm 2025 và khoảng 2-3% vào năm 2030.
Thủy sản tập trung nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 -1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 và 1,5-3% vào năm 2030…
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, mục tiêu đặt ra là sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90-95% vào năm 2025 và 95-98% vào năm 2030, đối với hình thức thâm canh, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75-80% vào năm 2025 và 80-85% vào năm 2030…
Bộ NN-PTNT cũng giao Cục BVTV tăng tỉ lệ phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 20% vào năm 2025.
Đạt mục tiêu diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2025 và 2,5-3,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2030...
Để thực hiện những nhiệm vụ này, giải pháp mà Bộ NN-PTNT đưa ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ bằng việc quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ.
Song song với đó là quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bằng việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định.
Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cùng với đó là giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền...
“Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT đã thể hiện rõ, thứ nhất, coi nông nghiệp hữu cơ là nhánh có tiềm năng phát triển, tập trung vào chất lượng và không làm theo phong trào.
Thứ hai là xây dựng các mô hình điểm, đặc biệt là các mô hình liên quan đến trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thủy sản hữu cơ, dược liệu hữu cơ… được xem là thế mạnh của chúng ta.
Thứ ba là ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển. Thứ tư là tổ chức chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức phân phối lưu thông thị trường và nâng cao nhận thức của người dân.
Cả người sản xuất, người tiêu dùng và hài hòa hóa các tiêu chuẩn để vừa nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.
Nhất quán trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đề án, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng đã nhiều lần khẳng định, một trong những trọng tâm thực hiện là lựa chọn xây dựng các mô hình trọng điểm để từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy chuẩn cụ thể, chuyển giao nhân rộng đến các hợp tác xã, trang trại và người nông dân.
“Trước hết cần phải thực hiện được các nội dung trọng tâm nhất là triển khai xây dựng mô hình thí điểm để tìm quy trình chuẩn, tập huấn và đào tạo cán bộ để thực hiện, nâng cao năng lực các tổ chức cấp chứng nhận, chứng chỉ nông nghiệp hữu cơ. Để Việt Nam có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định, bền vững và trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện đề án. Đó là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và người dân tham gia triển khai hoạt động, phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động cụ thể”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Trong quá trình triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về nông nghiệp hữu cơ, các cơ quan quản lý, nhà khoa học đều xác định vai trò hạt nhân quan trọng để thực hiện đề án là doanh nghiệp và người nông dân. Đặc biệt trong đó là vai trò liên kết, dẫn dắt để thay đổi từng bước nhận thức về nông nghiệp hữu cơ.
Một trong những cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hệ thống khuyến nông.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Nhu cầu nông nghiệp hữu cơ trên thế giới ngày càng lớn, nhận thức được điều này, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ để thông qua đó tuyên truyền, chuyển giao, lan tỏa mạnh mẽ phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Kết quả chuyển giao các mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt như mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số địa phương như: Sơn La 70ha, Vĩnh Phúc 70ha, Thừa Thiên Huế 160ha...
Mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ. Mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thâm canh chè an toàn và liên kết chuỗi chế biến, tiêu thụ nguyên liệu. Mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên.
“Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Tăng cường xây dựng các mô hình, đào tạo và hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền, tăng cường hợp tác PPP nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học... Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, chúng tôi xác định vai trò hạt nhân vẫn là doanh nghiệp và người nông dân”, ông Lê Quốc Thanh nói.
Là doanh nghiệp tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ với hành trình hơn 20 năm, đến thời điểm hiện hại có thể khẳng định Tập đoàn Quế Lâm đã có những đóng góp rất lớn vào thành tựu của ngành nông nghiệp. Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, Tập đoàn Quế Lâm cam kết là hạt nhân dốc sức đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Chính phủ, Bộ NN-PTNT đề ra.
Sau gần ba mươi năm miệt mài với nông nghiệp hữu cơ, với ngọn lửa từ người đứng đầu, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam, đến nay Quế Lâm đã xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Hệ sinh thái đó bao gồm 14 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh thành và đặc biệt là tổ hợp 4F ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam.
Điều quan trọng là với sự bền bỉ, kiên định trên hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đối với lĩnh vực này. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam, cuộc hành trình của Quế Lâm là hành trình xây dựng lòng tin với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và người nông dân.
“Chúng tôi luôn tâm niệm làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo được đầu vào và đầu ra, đảm bảo được lợi ích kinh tế, môi trường, sức khỏe cho bà con nông dân. Đặc biệt đối với khu vực miền núi, đa phần là những vùng đất cách mạng lại càng phải quyết tâm để xây dựng lòng tin, để nhau cùng phát triển. Chúng tôi xem đó là trách nhiệm, đồng thời là sự tri ân đối với họ. Cùng một lúc chúng tôi phải làm ba việc.
Một là tuyên truyền để người nông dân thay đổi nhận thức, đây là vấn đề hết sức khó khăn do thói quen canh tác của bà con nông dân thích làm những cái nhanh nhất, dễ nhất.
Hai là chúng tôi phải tính toán giúp người nông dân bài toán kinh tế, đầu vào, đầu ra, lợi nhuận của họ được bao nhiêu. Phải có lời giải hiệu quả cho bài toán đưa cho người nông dân thì họ mới theo, phải dạy cho họ làm kinh tế.
Thứ ba là dạy cho người nông dân về khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất. Chúng tôi sống nhờ người nông dân nên trước hết người nông dân phải có hiệu quả”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.
Một trong hàng vạn hộ dân thay đổi và thanh công khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm làm nông nghiệp hữu cơ là ông Nguyễn Quốc Trịnh ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Ông Trịnh chia sẻ: Kể từ khi hợp tác với Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ, từ 400 trụ thanh long tím hồng vào năm 2018, đến nay mô hình đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3 ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá luôn cao hơn thị trường từ 7-15%, mỗi vụ thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Mừng ở chỗ, những người nông dân như ông Trịnh ngày càng nhiều. Họ đến với Quế Lâm để thay đổi tư duy làm nông nghiệp không đơn thuần là sinh kế nữa mà còn cả trách nhiệm với cộng đồng.
Sau khi khảo sát các mô hình mà Quế Lâm đã triển khai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Trước mắt, trên cơ sở các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai thành công, Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc sẽ phối hợp để tiếp tục xây dựng thêm các mô hình với Tập đoàn Quế Lâm và mở rộng các mô hình với một số doanh nghiệp khác nhằm hướng tới xây dựng quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia.