Nông nghiệp, một năm nhìn lại

Một năm, 4 mùa, 12 tháng, 365 ngày, vòng quay thường niên của đất trời đang tiến dần đến đích. Cột mốc đầu của kế hoạch 5 năm dần khép lại. Lớp trầm tích thành tích của ngành nông nghiệp nước nhà tiếp tục được bồi đắp dày thêm. Những số liệu, kết quả thống kê được tổng hợp theo từng nhóm nội ngành, phân ngành đã cất lên tiếng nói, minh chứng cho vai trò “trụ đỡ” của ngành nông nghiệp khi nền kinh tế nước nhà rơi vào vòng xoáy của biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ.

Còn hơn một cơn địa chấn, dịch bệnh Covid-19 phủ bóng ảm đạm khắp hành tinh. Nó tác động một cách sâu rộng, thậm chí có phần nghiệt ngã, từ kinh tế cho đến xã hội, từ nước phát triển cho đến nước đang phát triển, từ nước lớn cho đến nước nhỏ, từ quốc gia văn minh cho đến những xứ sở còn tụt lại phía sau.

Nó tác động từ cấp độ địa phương, cho đến cấp độ cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu. Nó tác động đến mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và cả xã hội. Trong bối cảnh chưa có tiền lệ và đầy thách thức như vậy, mới thấy trân quý từng con số thống kê tăng trưởng, từng mục tiêu đạt được của nông nghiệp nước nhà trên hành trình chuyển đổi tư duy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đằng sau mỗi con số tăng trưởng là hội tụ công sức của cả bộ máy điều hành, từ khâu chỉ đạo sản xuất, quản lý chất lượng, cho đến công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Đằng sau mỗi mục tiêu đạt được là những cách tiếp cận những tư duy mới, như: kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, nối kết không gian phát triển, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bao trùm,…

Đằng sau những thành tích xuất khẩu là sự điều hành linh hoạt của bộ máy quản lý chuyên ngành, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Đằng sau những công trình thuỷ lợi giúp điều tiết, cân bằng hệ thống tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống, khắc phục thiên tai, là trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, đội ngũ quản lý công trình.

Đằng sau những con số giảm nhẹ thiệt hại về người và của sau mỗi cơn bão lũ là sự vào cuộc của đội ngũ phòng chống thiên tai, những người thường xuyên mất ăn mất ngủ khi trăn trở, đau đáu trước  những mất mát của người dân.

Sức mạnh xã hội được khơi thông, đồng hành với bộ máy nhà nước. Nhiều doanh nghiệp hướng đến những cách tiếp cận mới, những giá trị mới như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số… Nhiều doanh nghiệp vừa vùng vẫy trong bao gian khó, vừa sẵn sàng tâm thế “vượt bão”. Nhiều hiệp hội ngành hàng giữ vai trò tập hợp, kết nối, tạo nên sức mạnh dựa trên quy mô, dũng cảm xâm nhập vào những thị trường khó tính nhất.

Nhiều mô hình sản xuất “thuận thiên” của những người nông dân theo hướng đa canh, luân canh, xen canh, không quá đặt nặng mục tiêu sản lượng, nhưng lại đạt được giá trị gia tăng cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích.

Đội ngũ nông dân khắp các vùng miền, từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, biển đảo chung tay tạo dựng hình ảnh nông dân: chuyên nghiệp, thông minh, sẵn lòng thích ứng với sự thay đổi. Nhiều chuyên gia tâm huyết, nhiều nhóm sáng kiến cộng đồng âm thầm đóng góp cho ngành nông nghiệp, cho nông dân theo cách riêng của mình.

Ký ức về những ngày giãn cách xã hội ở nhiều đô thị lớn, trung tâm công nghiệp, đầu tàu kinh tế của cả nước vẫn còn đó. Hàng chục triệu người phải chấp nhận quy định giãn cách xã hội: “ai ở đâu, ở yên đó”. Hệ thống phân phối, lưu thông gần như bị tắc nghẽn, nhưng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn đến được từng hộ gia đình. “Luồng xanh” mở ra, nhưng vẫn bị gián đoạn, vì những quy định khác nhau giữa các địa phương, thì những túi hàng “combo nông sản” góp phần gỡ khó cho người sản xuất, được người dân yêu mến.

Hai tổ công tác đặc biệt vận hành tích cực, nhanh chóng, qua những chuyến công tác đi về như con thoi giữa các địa phương để xử lý những tình huống ách tắc, trong điều kiện những mệnh lệnh chỉ đạo chưa được thông suốt từ Trung ương đến địa phương vì dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

“Diễn đàn kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản” vừa mang tính sáng kiến, giải pháp xử lý tình huống trong ngắn hạn, vừa mang tính gợi ý cho tư duy xác định thị trường là tín hiệu, là chỉ dấu để định vị và kích hoạt sản xuất.

Thành tựu được đánh giá là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử” sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng thôn mới sẽ là bài học kế thừa và định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Nhiều sáng kiến chú trọng việc khơi gợi sức mạnh, sự năng động của cộng đồng dân cư nông thôn. Mô hình Hội quán, Nông hội, Ngôi nhà trí tuệ… dần lan toả những giá trị mới, kích hoạt vai trò chủ thể của nông dân theo tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản.

Kinh tế tập thể với nhiều cách làm sáng tạo, giúp các mô hình kinh tế hộ gia đình năng động, hiệu quả hơn. Với thông điệp “hội tụ giá trị, chia sẻ văn hoá”, chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” đã kích hoạt kinh tế nông thôn gắn với du lịch cộng đồng, tích hợp đa giá trị từ tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc, đổi mới sáng tạo.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết trong vận hành nền kinh tế và hoạt động đời sống xã hội khắp nơi trên thế giới. Ngành nông nghiệp cũng không là ngoại lệ. Nhưng tất cả “trăm dâu” không nên đổ lỗi lên “con tằm” mang tên Covid-19 này. Chẳng qua là nó làm trầm trọng hơn, tổn thương nhiều hơn, diễn biến nhanh hơn mà thôi.

Một nền nông nghiệp “mù mờ” thông tin dữ liệu đầu cung lẫn đầu cầu, kể cả ở các cơ quan quản lý chuyên ngành. Mù mờ về quy mô sản lượng, thời điểm thu hoạch. Mù mờ về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản. Mù mờ về chuẩn mực của thị trường, về xu thế tiêu dùng đang thay đổi nhanh trong một xã hội chuyển động không ngừng. Tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu những ngày cuối năm phần nào đánh động về cách vận hành chuỗi ngành hàng vẫn còn mang nặng tính tự phát.

Một nền nông nghiệp minh bạch theo cam kết quốc tế, đang trên hành trình tạo dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, không thể chấp nhận tình trạng mù mờ. Muốn làm tốt vai trò lãnh đạo, quản lý thì phải dựa trên dữ liệu, thông tin, nếu không có thông tin thì khó lòng lãnh đạo, quản lý. Thông tin “mù mờ” khiến lãnh đạo, quản lý cũng dễ rơi vào tình trạng “mù mờ”, lệch hướng.

Một nền nông nghiệp vẫn còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém an toàn. Hậu quả là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đang gặm nhấm niềm tin của người tiêu dùng, làm cho nông sản phải chịu thêm tần suất kiểm tra nghiêm ngặt của nhà nhập khẩu.

Tăng trưởng nông nghiệp vừa thiếu chú trọng việc giảm thiểu chi phí đầu vào, vừa chưa tính hết những chi phí ẩn: sức khoẻ cộng đồng, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học,... Tư duy còn thiên về sản lượng, sự lúng túng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, sự dễ dãi phần nào của người tiêu dùng,… khiến nông sản khó cạnh tranh bền vững.

Nền nông nghiệp mà khoa học công nghệ chỉ dừng lại ở phạm vi đề tài, chậm được thị trường hoá, chậm lan toả những giá trị ra xã hội, đến tận ruộng vườn, thì khó tạo ra giá trị gia tăng cao. Sự chậm vào cuộc của các nhà khoa học nông nghiệp khiến những điểm trừ về chất lượng nông sản và sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch từ phân loại, sơ chế, bảo quản, chế biến chưa được cải thiện.

Nền nông nghiệp hiện đại cần phủ tri thức lên khắp ruộng đồng, tạo ra quy trình sản xuất với chi phí ít hơn, nhưng thu lại nhiều hơn, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Nền nông nghiệp chưa tạo ra được nhiều giống mới, kết hợp phục tráng giống bản địa với ưu thế vượt trội, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thì vẫn còn loay hoay với năng suất, sản lượng.

“Kỳ thực trên trái đất này làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường”. Đó là câu châm ngôn khuyên con người bớt đi e dè khi bắt đầu đặt chân vào một hành trình mới. Đứng trước những điều mới mẻ, thường xuất hiện ngổn ngang câu hỏi: Tại sao phải cần đến những điều mới? Điều mới đó khác gì những điều cũ? Những điều mới đó có phải đánh đổi gì không, để tạo ra giá trị mới? Có người cho rằng: “Thông thường, chúng ta cân nhắc quá nhiều cái giá phải trả khi thay đổi, mà ít tính đến cái giá phải trả nếu không thay đổi”. Vậy, mục tiêu phía trước của nông nghiệp đất nước là tiếp tục kiên trì hành trình thay đổi, nếu không thay đổi sẽ trở thành đánh đổi.

Mấy mươi năm trước, từ cách làm khoán tự phát, sau đó được đúc kết thành những nghị quyết đổi mới trong nông nghiệp, gọi tắt khoán 100 và khoán 10. Nhờ vào tư duy dám nghĩ, dám làm từ cấp cơ sở thời ấy, nông nghiệp đã cung cấp đủ cái ăn cho người dân ngay cả trong thiên tai, dịch bệnh.

Hơn mười năm trước, nhờ chiến lược chuyển mạnh từ sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa sang đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Kỳ tích “xoá đói giảm nghèo”, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đối với một đất nước có dân số đứng thứ 15 trên thế giới, là kết quả của sự nỗ lực đổi mới qua từng chặng đường phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Mỗi giai đoạn khác nhau, bối cảnh sẽ khác nhau, cách tiếp cận vấn đề cũng phải khác nhau. Chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, để hướng đến mục tiêu sắp tới. Trước tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, “kinh tế xanh” không còn là xu hướng, mà là cam kết trên bình diện toàn cầu sẽ tác động đến cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang làm thay đổi tận gốc rễ cơ chế hoạt động của nền kinh tế và sự vận động xã hội. Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chậm chân, lỡ chuyến tàu đang liên tục tăng tốc, nếu không thay đổi, chậm thay đổi theo hướng thâm dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Người Việt Nam mình có câu cửa miệng “năm hết, Tết đến”. Theo truyền thống, khi “năm hết”, mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị phải kiểm đếm lại xem mình còn “nợ nần” gì không, để khi “Tết đến”, thì lòng nhẹ nhàng, thanh thản, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một vòng quay năm mới bắt đầu. Đúc rút lại, một năm “được” thì cũng nhiều, mà “nợ” cũng còn không ít?

Nào, hãy khởi đầu năm mới với niềm cảm xúc mới, nguồn năng lượng mới!

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Tùng Đinh - TL