Nông nghiệp: Thách thức & thời cơ

TS Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến, cho rằng thách thức sẽ trở thành cơ hội nếu chúng ta biết phải làm gì.

 

 

Là người gắn bó với nông nghiệp mấy chục năm nay, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, ông đánh giá thế nào về nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật so với cách đây 10-20 năm. Đó là sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng, cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, và xuất khẩu.

Chúng ta đang xây dựng, quy hoạch những vùng nông nghiệp đặc thù vùng miền. Tức là mỗi địa phương có thế mạnh về sản phẩm nào thì xây dựng, đầu tư cho sản phẩm đó.

Có thể gọi đó là “khu vực hóa” trong nông nghiệp. Nghĩa là, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, chỉ địa phương đó mới phát triển và phát huy thế mạnh của sản phẩm đó được, còn mang sang địa phương khác nuôi trồng, chất lượng kém đi.

Ví dụ như gạo Nàng thơm Chợ Đào, chỉ trồng ở vùng Cần Đước, Long An mới có mùi thơm đặc trưng riêng.

Thành tựu thứ 2 của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, đó là nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng. Trước đây rất ít doanh nghiệp sản xuất vật liệu, vật tư sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao nhưng hiện nay rất nhiều.

Ví dụ ngày xưa, tìm một đơn vị xây dựng nhà màng hoặc làm hệ thống tưới nhỏ giọt rất khó. Còn bây giờ địa phương nào cũng có. Điều đó chứng tỏ có cầu mới có cung.

Từ tiến bộ khoa học, cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, cá tra, tôm, gỗ…

Riêng sản phẩm từ gỗ có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện chúng ta đã có một số nông thuỷ sản ưu thế trên thị trường thế giới, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm như lúa gạo, hạt điều, cà phê, cá tra...

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng nhiều mặt hàng nông sản của ta vẫn xuất khẩu rất tốt.

 

Tuy nhiên, nhìn vào thực tại thì ngành nông nghiệp của ta còn kém  so với nhiều nước láng giềng trong khu vực. Một bằng chứng rất rõ là mặc dù Việt Nam có thế mạnh về nhiều loại nông sản, hoa quả, nhưng tại thị trường trong nước, nhiều loại trái cây, nông sản của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc… được bày bán, thậm chí nhiều loại chiếm ưu thế. Chưa kể nông sản từ Nhật Bản, Úc, Mỹ, hay các nước châu Âu. Điều đó cho thấy, ở một góc độ nào đó cho thấy, nhiều loại nông sản của chúng ta lép vé ngay trên sân nhà.

Vừa rồi, chúng ta có sản phẩm gạo ST25 được bình chọn ngon nhất thế giới. Nhưng đừng vội tự mãn vì danh hiệu này được bình chọn hàng năm, đã có 13 - 14 nhóm gạo ở Đông Nam Á, của Campuchia, Thái Lan đã từng đạt danh hiệu này rồi.

Cho nên, chúng ta cần thay đổi nhiều thứ, nhất là thay đổi tư duy về giống, về quy trình chăm sóc. Về mặt di truyền, giống thì Việt Nam đang thua một số quốc gia láng giềng. Thái Lan lâu nay vẫn là đối thủ mạnh về giống, chất lượng giống họ hơn hẳn ta, tôi nghĩ chúng ta đi sau họ 10 - 20 năm, đó là điều chúng ta cần phấn đấu.

Theo tôi, nền nông nghiệp Việt Nam đang khởi sắc nhưng chưa bền vững bởi chúng ta nghiên cứu ứng dụng thì tốt nhưng nghiên cứu cơ bản thì chưa. Người Việt chúng ta có một ưu điểm nhanh nhạy, các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp của các nước phát triển, chúng ta mua về và ứng dụng rất nhanh. Nhưng lại thiếu một yếu tố quan trọng, đó là nghiên cứu cơ bản.

Việc chúng ta ứng dụng ngay một tiến bộ công nghệ nào đó, thực chất là sao chép. Dĩ nhiên, sản phẩm không phải do mình nghiên cứu thì khi ứng dụng, hiệu quả không thể nào bằng tác giả của nó sử dụng.

Chúng ta nhiều khi không lý giải được tại sao một mô hình rất phù hợp ở vùng này, nhưng mang nguyên mẫu đi vùng khác thì lại không phù hợp. Cho nên, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.

 

 

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà, đó là nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước. Theo ông, vai trò của “4 nhà này như thế nào?

Chủ trương liên kết “bốn nhà” đã được Nhà nước ta đề ra từ cách đây 40 năm. Nhưng tại sao các nước phát triển họ không nói về cái gọi là liên kết 4 nhà này mà vẫn phát triển? Bởi vì vai trò của 4 nhà này đều được làm rất hiệu quả, giống như một guồng máy hoạt động trơn tru. Nên họ không cần nhắc lại. Còn với ta, sự liên kết này chưa hiệu quả.

Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Trong khi người nông dân làm ra rất nhiều sản phẩm nhưng lại không có hoặc rất kém về chức năng bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Tất cả các công đoạn này, đều phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Thậm chí, ngay cả vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, cũng phải nhờ đến doanh nghiệp. Có thể nói, liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là mối liên kết xuyên suốt, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ.

Về vai trò của Nhà nước, tôi nghĩ, đó là tạo hành lang pháp lý thật tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất. Một trong những vấn đề pháp lý là bảo hiểm nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần vốn lớn, có tầm nhìn dài hạn, nếu không có gì bảo đảm, họ sẽ rất ngần ngại. Nhất là liên quan đến chính sách đất đai, quy hoạch chưa ổn định.

Ví dụ như Nghị định số 98 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một trong những chính sách tốt, làm động lực cho sự phát triển nền nông nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, chúng ta đang có những hạn chế không nhỏ, đó là từ văn bản đến thực hiện là một khoảng cách khá xa. Ví dụ một nghị định được ban hành nhưng có khi cả hơn 1 năm sau mới có thông tư hướng dẫn thi hành, nhiều khi đánh mất thời cơ.

Hai nữa là nhiều văn bản, thông tư của bộ này, viện kia chồng chéo, mâu thuẫn, cái này “đá” cái kia, thủ tục rườm rà, làm khó người thực hiện.

Doanh nghiệp cần được nhà nước hỗ trợ về giảm chi phí và hạ giá thành qua việc phát triển hạ tầng cơ sở và logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được đất đai, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ sản xuất hiện đại như thuế nhập khẩu nhà kính, cập nhật các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất - kinh doanh nông sản (máy chiếu xạ, máy xử lý hơi nước) trong danh sách máy móc được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.

Còn nhà khoa học, họ có vai trò là hỗ trợ cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất được thông suốt trong suốt quá trình liên kết cho ra một sản phẩm. Đó là nghiên cứu, đưa ra các ứng dụng khoa học, cây, con giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến. Các ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch là rất quan trọng.

Theo thống kê, tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của ta rất lớn, từ 10-25%, lãng phí rất nhiều, thậm chí thiệt hại vì không đảm bảo chất lượng sau quá trình vận chuyển dài ngày như đi châu Âu chẳng hạn.

Nguyên nhân là do quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu.

 

 

Hiện nay, để đầu tư một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần một số vốn rất lớn, người nông dân thì rất ít người đủ trình độ kiến thức, khả năng tài chính. Chỉ có doanh nghiệp mới đủ năng lực làm. Chưa kể là rủi ro không ít…

Theo lý thuyết về lợi thế của kinh tế quy mô thì quy mô càng lớn, sản lượng càng nhiều thì lợi tức mới nhiều. Chính vì thế, để đầu tư một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, không thể chỉ có một mảnh đất vài trăm mét vuông.

Nhưng theo tôi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ bỏ nhiều tiền vào đầu tư máy móc thiết bị mà còn phải nhìn thấy những hạn chế, những điểm yếu của mình để thay đổi, khắc phục.

Và một điều quan trọng nữa là phải thay đổi tư duy quản lý. Bởi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác hay công nghệ cao, đều cần có một tư duy quản lý khác hoàn toàn nông nghiệp đơn giản.

Bây giờ người ta chăm sóc một mô hình nông nghiệp rộng vài héc-ta bằng máy móc hiện đại, điều khiển bằng phần mềm, điện thoại thông minh. Thu hoạch, bảo quản cũng bằng công nghệ, nếu không thay đổi tư duy quản lý thì sao làm được?

Hiện nay, để đầu tư 1ha nông nghiệp công nghệ cao, cần số vốn từ 6-12 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn với đại đa số nông dân. Chưa kể đầu tư rồi chưa chắc đã thành công, vì còn phụ thuộc thiên tai, dịch bệnh, rồi thị trường…

Nhưng với người nông dân nên “liệu cơm gắp mắm” chứ không nhất thiết cứ phải làm công nghệ cao mới phát triển được. Như tôi nói ở trên, cần thay đổi tư duy, thay đổi cách làm.

Thay vì phát triển theo số lượng thì hãy đầu tư vào chất lượng, ví dụ như làm ra những trái bưởi có tạo hình để bán tết chẳng hạn. Đó chỉ là ngắn hạn, nhưng lợi nhuận rất cao.

Ví dụ như làm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nông nghiệp kết hợp với năng lực sáng tạo… mà nhiều nông hộ đã làm. Ví dụ như vùng chăn nuôi bò sữa Việt Nam có thể kết hợp chế biến phô mai hay các loại bánh sữa tiệt trùng... để bán tại chỗ, biến nó thành điểm du lịch.

Làm được như vậy không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tăng lợi nhuận. Hoặc là những vùng nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại cây ăn trái… đều có thể tận dụng kết hợp tham quan du lịch, tăng thu nhập không ít.

Với một mô hình nhỏ, nhưng có tư duy tốt, nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh nhạy, biết tổ chức sản xuất, sản xuất đa sản phẩm, người nông dân vẫn có thể phát triển tốt. Ví dụ tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm số lượng nhỏ cho hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Chỉ cần đảm bảo cácyếu tố như chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã và đảm bảo tiến độ giao hàng.

 

 

Mặc dù đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy, nông sản của Việt Nam đã có một vị trí tương đối trên thị thường quốc tế. Nhưng trong thực tế, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, phương pháp canh tác lạc hậu, dẫn đến sản phẩm khó đạt chất lượng, số lượng. Theo ông, cần có giải pháp gì để sản phẩm nông nghiệp của ta có thể cạnh tranh “sòng phẳng” ở sân chơi quốc tế?

Xuất khẩu nông sản Việt Nam dự báo có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Song, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Việt Nam có những thị trường truyền thống như Trung Quốc, tỷ trọng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, cũng chính vì nông sản Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường này nên người nông dân Việt Nam thường rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, đặc biệt có những vụ nông sản rơi vào thảm cảnh lịch sử như vụ thanh long tháng 9/2015, giá sụt thảm hại, thanh long đổ bỏ đầy đường.

Các thị trường cao cấp như EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, là những thị trường chủ lực của Việt Nam trong tiến trình đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu bền vững và giá trị gia tăng cao.

Sự hấp dẫn của các thị trường này đồng nghĩa với sự cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đó là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, những rào cản kỹ thuật về dư lượng hóa chất, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do các thị trường này đặt ra là những khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Một số nông sản như chè, rau quả tươi đã có tỷ lệ hàng bị trả lại cao do vượt ngưỡng tồn dư thuốc BVTV. 

Tại các thị trường mới nổi tại Châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc), Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai sau Brazil. Việt Nam có lợi thế về địa lý và đã ký hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Nhưng đây cũng là các thị trường yêu cầu cao với các mặt hàng thực phẩm, nông sản tươi.

Quy định nhập khẩu của các thị trường “khó tính” này tương đối giống nhau. Trong đó, Nhật Bản là nước kiểm soát rất chặt chẽ khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với nông sản tươi. Nên việc đưa nông sản tươi vào thị trường này không dễ.

Năm 2009, trước khi Nhật Bản cho phép nhập trái thanh long (ruột trắng) của Việt Nam, 2 nước phải mất 4 - 5 năm đàm phán, chuẩn bị. Tương tự, lô xoài Cát Chu vào Nhật Bản mới đây cũng mất gần 4 năm đàm phán.

Điều đáng mừng, cả xoài và thanh long Việt Nam khi vào các hệ thống siêu thị lớn tại Nhật như Aeon, Simachu... đã được người tiêu dùng Nhật đón nhận.

Người nông dân Việt Nam có đặc điểm rất cần cù, chịu khó, thông minh và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng nhiều yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu...), phụ thuộc vào thời tiết (mưa, nắng...).

Đặc biệt, trong việc thực hiện đúng loại thuốc BVTV, đúng liều lượng và đúng thời gian cách ly là một điều hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa quản lý được việc sử dụng thuốc BVTV của người dân nên sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên còn tồn tại nhiều hạn chế như ít vốn đầu tư cho khoa học kỹ thuật, máy móc, áp dụng sản xuất công nghệ cao; nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng thiếu kiên nhẫn để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng “khó tính”.

Phần lớn doanh nghiệp còn thu mua nông sản kiểu gom nhặt lẻ tẻ, chưa có vùng nguyên liệu, nên khó đảm bảo sản lượng, chất lượng đồng đều.

Doanh nghiệp không có đất sản xuất, thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp mà phải đi ký hợp đồng thuê đất 5 năm -10 năm với rất nhiều hộ dân, nên phải đối mặt với rủi ro bị phá vỡ hợp đồng từ phía người dân hoặc khi hết thời hạn thuê đất, không ký tiếp được, lại phải xin cấp lại mã số vùng trồng khác gây tốn chi phí và thời gian.

Theo tôi, có mấy giải pháp để sản phẩm nông nghiệp nâng tầm, nhằm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đó là, xác định quy mô sản xuất từng ngành hàng, sản xuất quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đối với sản xuất lúa gạo, trái cây. Còn nhóm rau củ có thể không cần quy mô lớn.

Một ví dụ, với diện tích chỉ 800m2, một thương nhân Hàn Quốc trồng rau tía tô, canh tác theo mô hình tầng, với 14 nhân công, mỗi lứa thu hoạch được 15 tấn, xuất khẩu sang Nhật Bản thu 35 triệu USD.

Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến và chế biến sâu; từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ, quy trình sản xuất, tư duy quản lý. Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường sở tại.

Tăng cường năng lực kiểm tra kiểm nghiệm để phát hiện sớm những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng các chế tài phù hợp với pháp luật để ngăn chặn những doanh nghiệp này tham gia vào hoạt động xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ vi phạm cao.

 

 

Theo ông, những khó khăn lớn nhất ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là gì?

Tôi thích gọi thách thức hơn là khó khăn. Bởi vì chúng ta có thể biến thách thức thành thời cơ.

Theo tôi, có 3 thách thức lớn. Đầu tiên là tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta đang phải đối mặt với hậu quả ngày càng lớn từ biến đổi, đó là hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… ngoài việc phải áp dụng nhiều biến pháp để hạn chế diễn biến ngày càng xấu của biến đổi khí hậu, thì chúng ta cần có tâm lý sống chung với nó.

Nói về hạn hán, tại sao đất nước Israel, bao đời nay họ sống trên vùng sa mạc, luôn thiếu nước, nhưng họ vẫn trở thành một nước có nền nông nghiệp cực kỳ hiện đại? Hay tình trạng xâm nhập mặn, có nhiều loại cây, con có thể nuôi trồng và sống được trên vùng ngập mặn, ví dụ như nuôi tôm nước lợ…

Thách thức thứ hai là tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do với các khu vực và quốc gia, các hiệp định thương mại đó đòi hỏi nước ta phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật… làm sao phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

 

Một khi những bước tiến của Việt Nam đều hướng tới sự công nhận của quốc tế thì điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề về môi trường, tính bền vững trong khi đây thường là yêu cầu của các nhà nhập khẩu và cũng được đề cập trong các Hiệp định thương mại tự do FTA.

Thách thức thứ ba là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, công nghệ sinh học thông qua những công nghệ mới khuếch tán nhanh hơn, rộng rãi hơn so với những lần cách mạng công nghiệp trước.

Nhiều đột phá công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo (AI), rô-bốt, mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of things - IoT), công nghệ nano, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử. Cuộc cách mạng này tiến triển với một tốc độ theo cấp số lũy thừa và phạm vi của nó rộng lớn hơn nhiều.

Các làn sóng đột phá trong các lĩnh vực khác nhau xảy ra đồng thời, từ giải mã trình tự gen cho tới công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến tính toán lượng tử. Chúng ta cần có sự hòa nhập nhanh hơn vào cuộc cách mạng này, nếu không muốn bị “tụt hậu” ngày càng xa so với thế giới.

Phúc Lập
Trọng Toàn
Phúc Lập - Minh Hậu
Quang Dũng