15 năm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, triết lý trong sản xuất của chị Viên là phải làm sao để từng bó rau biết nói, cây rau có thể tự kể về nó.
Là một thạc sĩ hóa học nhưng chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên lại bén duyên với nông nghiệp khi đang theo đuổi đề tài nghiên cứu “Khống chế sâu bệnh trên rau ăn lá bằng phương pháp vi sinh” cùng một chương trình nghiên cứu sau cao học vào năm 2010.
Chẳng ai ngờ, một giảng viên Trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM thuở ấy lại dám chuyển hướng sang làm nông. “Nhiều người khuyên can, họ nói có điên mới làm nông nghiệp, ngồi phòng máy lạnh có phải sướng hơn không. Nhưng mình lỡ thích rồi thì điếc không sợ súng”, chị Viên cười khi nhắc lại thời điểm bắt đầu.
Quyết là làm, ban đầu chị thử nghiệm trồng rau cùng một người bạn tại Long An nhưng thất bại bởi môi trường xung quanh không đảm bảo cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Năm 2012, chị xây dựng khu vườn với diện tích 5.000m2 tại Tân Sơn, quận Tân Bình (TP.HCM) để hiện thực hóa những nghiên cứu của mình. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hương Đất (Công ty Hương Đất) bắt đầu được thành lập với phương châm đem hương từ đất lan tỏa đến tất cả mọi người và thương hiệu rau hữu cơ Happy Vegi ra đời.
“Lúc mới dấn thân vào mình không nghĩ vất vả như thế. Để có được vườn rau xanh mát với những sản phẩm hữu cơ, nông dân phải đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả trí tuệ mới có thể tồn tại được”, chị Viên bộc bạch.
Với kinh nghiệm về nông nghiệp bằng 0 thì việc dấn thân vào làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ là cả một hành trình đầy gian nan, khó khăn nối tiếp.
Nhìn khu vườn 5.000m2 ban đầu chỉ toàn đất sét cứng, chai sạn ai cũng cảm thấy ái ngại cho chị, “đất thế này làm sao mà trồng rau”. Nhưng với những kiến thức của người nghiên cứu hóa học, chị quyết vận dụng để cải thiện đất đai, cải thiện môi trường phù hợp để làm nông nghiệp hữu cơ.
Chị phải mất 3 năm để nghiên cứu các chủng vi sinh có tác dụng thanh lọc nước, cải tạo đất, điều hòa độ pH đất, phòng trừ sâu bệnh... Chị kết hợp giữa vi sinh và hóa học để bổ trợ cho nhau; đưa vi sinh, phân bón hữu cơ có độ mùn để quyện vào đất sét, đất dần được cải thiện và tốt hơn rất nhiều.
Khi đất bắt đầu tốt lên, việc trồng rau bằng phương pháp hữu cơ tiếp tục gặp những khó khăn trở ngại khác như sâu, bọ nhảy, ốc sên… “quậy tưng bừng”. Thay vì dùng hóa chất để xử lý sâu bệnh, chị sử dụng các chủng vi sinh vật có ích để tạo ra thế cân bằng với các vi sinh vật có hại, để chúng cộng sinh với nhau, cùng nhau sống cân bằng trong hệ sinh thái. Đó là một trong những nguyên tắc tự nhiên để làm nông nghiệp hữu cơ, lắng nghe tự nhiên, hiểu tự nhiên.
“Khi đã cân bằng giữa sinh vật có hại và sinh vật có ích thì không sợ gì hết. Thay vì mình ăn 10 cây rau thì hãy ăn 8 cây thôi, còn 2 cây để lại cho sâu hại ăn thì sẽ rất ổn. Còn nếu diệt sâu bằng hóa chất thì dẫn đến tình trạng mất cân bằng, kháng thuốc và khi sâu đã kháng thuốc rồi thì lần sau xuất hiện sẽ mạnh mẽ hơn và lại tiếp tục phải dùng một hàm lượng hóa chất cao hơn”, chị Viên chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị Viên cũng sử dụng các dung dịch chế bằng những thảo mộc có tính cay để làm sâu yếu dần, không sinh sôi nảy nở. Điều này đòi hỏi người làm nông phải rất kiên trì.
Trong 3 - 5 năm đầu, Công ty Hương Đất của chị Viên xác định tập trung vào hoàn thiện quy trình trồng rau hữu cơ mang thương hiệu Happy Vegi “6 không”: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ; không trồng trên đất và nước ô nhiễm hóa chất nông nghiệp; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng giống biến đổi gen; không sử dụng chất bảo quản.
Trong quá trình canh tác rau hữu cơ, Công ty không cho phép sử dụng các hóa chất để diệt cỏ nên việc xử lý cỏ dại được thực hiện bằng cách ủ phân hữu cơ ở nhiệt độ cao để diệt hạt cỏ dại, nhổ cỏ bằng tay hoặc các biện pháp cạnh tranh sinh học…
Bên cạnh đó, chọn mùa vụ và thời điểm trồng rau thuận lợi cho cây phát triển. Sử dụng lưới chắn côn trùng hay trồng các loại cây xua đuổi côn trùng như cây họ cúc, sả, rau ngót Nhật… hoặc dùng các chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng. Tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sẻ, chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa…
Đặc biệt, quy trình này yêu cầu tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất kích thích ra rễ, ra bông, đậu trái để làm tăng năng suất mà chỉ tăng sự màu mỡ, thiết lập hệ vi sinh vật khỏe mạnh cho đất; thực hiện tốt phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại và sử dụng giống khỏe, trồng theo mùa vụ.
Mặt khác, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh, phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên, phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cây sau khi đã thu hoạch trái, mùn cưa, vỏ quả cà phê, bã mía, phân gia súc…
Nông nghiệp hữu cơ theo nguyên tắc tôn trọng tự nhiên nên không sử dụng các giống biến đổi gen do con người tạo ra. Các giống được sử dụng thường là các giống thuần chủng địa phương có sức đề kháng tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương đó. Nước, đất trồng rau phải đảm bảo các tiêu chí về kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật… theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Một trong những yếu tố giúp chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên – CEO Công ty Hương Đất tự tin bám trụ với nông nghiệp hữu cơ là có một đội ngũ cộng sự tâm huyết và chung tình yêu với nông nghiệp. Trong đó phải kể đến cộng sự luôn đồng hành cùng chị trong mọi hành trình là bác sĩ dinh dưỡng - chuyên gia xây dựng thương hiệu Trần Ngọc Diệp. Ngoài ra còn có các bạn kỹ sư tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM giữ các vị trí quan trọng trong hệ sinh thái của Công ty Hương Đất.
Năm 2015, các sản phẩm từ rau ăn lá mang thương hiệu Happy Vegi từng bước tiếp cận với khách hàng tại các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.HCM. Bài toán đặt ra lúc đó đối với một người chuyên nghiên cứu khoa học là làm sao bán được hàng, bởi đây là dòng sản phẩm ngách, kén người mua, giá thành rau hữu cơ cao hơn rau trồng theo phương pháp truyền thống 2 - 3 lần.
Mỗi ngày, chị và các cộng sự phải cầm từng bó rau để tư vấn cho từng người tiêu dùng hiểu được rau hữu cơ Happy Vegi được trồng như thế nào, phương pháp trồng hữu cơ là như thế nào. Lâu dần, lượng khách tin tưởng mỗi lúc một đông. Thế nhưng, để phát triển, để có vị trí trên thị trường, có thể vào được các chuỗi phân phối lớn thì bài toán đặt ra là làm sao để cây rau có thể “tự kể về nó” để khách tin tưởng lựa chọn sản phẩm của mình.
“Tâm nguyện của chúng tôi là sản phẩm phải vừa tốt cho sức khỏe con người, vừa tốt cho môi trường. Vì vậy, việc chuẩn hóa toàn bộ quy trình trồng rau hữu cơ, số hóa quản lý sản xuất có thể giúp tất cả mọi người cùng làm, cùng giám sát để “người mua rau hạnh phúc – người trồng rau hạnh phúc – môi trường hạnh phúc”. Và cũng để chứng minh rằng, tất cả nhà nông đều có thể trồng được rau hữu cơ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ để mọi người cùng làm”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên nói.
Khởi điểm của việc số hóa quản lý sản xuất là minh bạch trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng. Hàng ngày, công nhân sẽ phải thực hiện các thao tác đánh dấu từng công việc vào các form giấy, cuối ngày admin sẽ thu và nhập dữ liệu tổng hợp để có thể truy xuất nguồn gốc rau.
Năm 2016, từng bó rau Happy Vegi đều được dán tem QR-Code để khách hàng có thể truy xuất được thông tin từng cây rau được trồng ở đâu, trồng từ ngày nào, ươm ngày nào, giống loại nào…
“Khi khách hàng quét mã QR-Code sẽ được tặng rau nên nhiều người hào hứng quét mã và bắt đầu tìm hiểu thông tin về cây rau, về Happy Vegi. Cứ 10 người được tặng rau thì 8 người quay lại mua. Đó là cách để chúng tôi thuyết phục khách hàng tin tưởng và cũng là lúc bó rau bắt đầu biết nói”, chị Quỳnh Viên nói và cho biết, với những quy trình kiểm soát khắt khe ngay từ đầu, đã giúp rau Happy Vegi lấy được chứng nhận Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-1:2017) một cách dễ dàng.
Không dừng lại ở đó, chị Viên và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu để đưa ra truy trình chuẩn hóa trồng 30 loại rau hữu cơ theo phương pháp “6 không” và đăng ký bản quyền tác giả. Chính điều này đã giúp Công ty Hương Đất tự tin mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ tại Kon Tum, Đắk Song (Đắk Nông); Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu để cung cấp cho thị trường TP.HCM.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ thế, các hệ thống siêu thị tại TP.HCM liên hệ nhập rau hữu cơ Happy Vegi để tiêu thụ trong hệ thống của họ. Bài toán đặt ra lúc này buộc Hương Đất phải vượt qua là làm sao để có thể cung cấp đủ 20 loại rau ăn lá cho các cửa hàng thuộc các hệ thống siêu thị lớn mà rau vẫn tươi, trong khi khoảng cách từ Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum) về TP.HCM khoảng 700km và phải mất 14 tiếng đồng hồ di chuyển.
Người ta bảo “sáng rau chiều rác”, vì vậy Hương Đất đặt ra tiêu chí rau phải được sơ chế tại vườn và được chuyển thẳng tới kệ siêu thị trong vòng 24 giờ sau khi cắt. Mỗi vườn đều có quy trình đóng gói và quy trình 5S: Seiri (sàng lọc) – Seiton (sắp xếp) – Seiso (sạch sẽ) – Seiketsu (săn sóc) – Shitsuke (sẵn sàng) để quản trị.
“Mỗi ngày rau sẽ được vận chuyển từ vườn về tới 50 - 70 cửa hàng của các siêu thị trên địa bàn TP.HCM và rau phải được đảm bảo để người tiêu dùng mua về có thể giữ được trong tủ lạnh trong vòng 7 ngày. Đây là bài toán tưởng chừng như không thể làm được khi các vườn sản xuất nằm cách xa TP.HCM. Vì vậy không còn cách nào khác là phải số hóa thôi!”, chị Viên nói.
Ban đầu, chị chi 3 triệu đồng/tháng để dùng phần mềm nhật ký sản xuất của 1 đơn vị nhưng không hiệu quả. Sau đó, chị tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng phần mềm quản trị các vườn nhưng khi vận hành vào thực tế của từng vườn lại không phù hợp. May mắn đến năm 2018, Hương Đất nhận được khoản tài trợ trên 1 tỷ đồng từ Tổ chức GREAT của Chính phủ Úc để hoàn thiện phần mềm quản lý trang trại, nhờ đó mỗi người, mỗi khâu đều tự minh bạch được các hoạt động của mình trong toàn bộ chuỗi.
“Lúc đó đầu tôi muốn nổ tung. Vì để có được quy trình cho 20 - 30 loại rau khác nhau trên phần mềm thì trước tiên mình phải lập bản Excel với những biến số cụ thể, mỗi loại rau là 1 quy trình, trong đó cần lập ra cụ thể biến số từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch; mỗi công việc cụ thể trong vòng 45 ngày để người quản lý có thể theo đó phân công công việc cho từng người.
Như vậy có tất cả 16.750 cái biến số, nếu không số hóa thì làm sao làm được. Công nghệ 4.0 sẽ giúp mình có thể lập kế hoạch sản xuất trong tương lai một cách dễ dàng hơn nhiều”, chị Viên cười.
Sau 4 lần “đập đi làm lại”, cuối cùng Hương Đất cũng hoàn thiện được phần mềm quản trị vườn rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ với quy trình cho hơn 30 loại rau củ quả.
Việc áp dụng phần mềm trong quản trị vườn rau giúp mọi công đoạn đều được chi tiết và có sẵn trên app (ứng dụng) để mỗi vườn có thể áp dụng một cách nhịp nhàng như lập, phân công công việc, quản lý chất lượng hoàn thành công việc, quản lý sâu bệnh, lập kế hoạch đảm bảo sản xuất theo đơn hàng trong tương lai, đánh giá hiệu quả năng suất từng loại cây trồng từng vụ, dự báo thu hoạch về sản lượng và thời điểm thu đến những khâu sau thu hoạch như quản lý đơn hàng và chất lượng đóng gói, quản lý chi phí, doanh thu, công nợ…
Khi áp dụng phần mềm này, làm việc gì đều phải cập nhật việc đó, người sản xuất không thể nói dối. Người quản lý vườn sẽ phân công công việc cụ thể cho nông dân cũng như đưa ra kế hoạch “cây rau này sẽ về siêu thị nào” và họ sẽ dựa vào đó để làm, làm xong cập nhật công việc lên hệ thống để báo cáo.
“Chỉ cần một chiếc điện thoại, phần mềm sẽ giúp mình quản trị được các vườn đang làm việc hiệu quả như thế nào, có làm đúng quy trình hay không dù ở bất cứ đâu, nhờ đó giúp đưa ra quyết định nhanh, chính xác, giải phóng người quản lý và người chủ, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc chi tiết giúp tăng giá bán ra thị trường.
Kể cả rau củ quả trồng trên luống mình đều biết được nó sẽ nằm trên kệ ở siêu thị nào trong tương lai”, CEO Công ty TNHH Thương mại Hương Đất nói và cho biết, đó là cách để người sản xuất làm nông có trách nhiệm, minh bạch theo đúng cam kết với đối tác và người tiêu dùng.
Trên mỗi bó rau của Happy Vegi hiện nay, khi quét một mã QR-code thì toàn bộ các thông tin của bó rau đó được hiện lên đầy đủ, từ việc được trồng ở đâu, trồng ngày nào, bón phân ngày nào, phun thuốc gì, phun ngày nào hoặc phun vi sinh loại gì, thu hoạch ngày nào, thu hoạch được bao nhiêu kilogam, ai là người gieo, ai là người thu hoạch… tất cả đều chi tiết.
“Ví dụ với 1 vườn rau hữu cơ hơn 10.000m2 nhà màng và 5.000m2 ngoài trời, 10 công nhân, 120 đầu công việc hàng ngày người quản lý chỉ cần 1 giờ để tổng hợp báo cáo, lập kế hoạch, phân công công việc. Công nhân biết rõ công việc của họ là gì để chủ động sắp xếp hoàn thành và dành 10 phút mỗi ngày làm báo cáo.
Số hóa giúp các vườn hoạt động một cách ổn định, giúp mình sống được với nông nghiệp hữu cơ một cách dễ dàng hơn. Đó là cái khác biệt giữa phần mềm của Happy Vegi với các phần mềm hiện nay phục vụ trong nông nghiệp”, chị Quỳnh Viên cho biết.
Sau 15 năm bền bỉ xây dựng quy trình trồng rau hữu cơ, đến nay, Hương Đất đã có vị thế trong thị trường rau hữu cơ. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị, đối tác và nông dân các tỉnh thành biết đến, học hỏi và mong muốn được chuyển giao quy trình để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.
Hiện ngoài các vườn do chính Hương Đất đầu tư, còn có các vườn liên kết trồng theo quy trình và được bao tiêu đầu ra. Hiện có nhiều trang trại đã sử dụng gói dịch vụ số hóa vận hành vườn rau với ứng dụng quản trị số trong nông nghiệp của Hương Đất và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, tăng năng suất, mang lại thu nhập ổn định.
“Hành trình đến với nông nghiệp hữu cơ của tôi dù khó khăn nhưng không hề đơn độc bởi gặp được nhiều người tốt, nhiều sự may mắn. Đối với phần mềm quản trị, nếu ai muốn áp dụng chúng tôi đều có thể chia sẻ và chuyển giao để dùng chung, bởi đây cũng là điều chúng tôi đã được nhận tài trợ trước đó. Tất cả các vườn hiện áp dụng theo quy trình này đều có thể đạt năng suất 1kg rau/1m2/tháng.
Bước vào nông nghiệp, mình nghĩ mình không phải là người buôn bán, không phải là nông dân, không phải sản xuất, mình chỉ có thể giúp cho nông dân làm tốt hơn, để môi trường tốt hơn”, chị Viên chia sẻ.
Khi chuỗi các vườn đã đi vào ổn định về sản lượng và chất lượng, rau hữu cơ Happy Vegi phủ sóng khắp các hệ thống siêu thị hiện đại trên địa bàn TP.HCM thì Hương Đất tiếp tục có những đối tác lớn, có tâm, có tầm để cùng nhau đưa nông sản hữu cơ nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung nâng tầm giá trị, vươn ra quốc tế. Trong đó, tập trung ở khâu chế biến nông sản thành dòng sản phẩm cao cấp, mở ra những cơ hội mới cho những nông dân muốn làm nông sản sạch cùng với Hương Đất.
Tháng 3/2020, Hợp tác xã (HTX) Thảo dược Việt Nam (Agalic) được thành lập tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với 5 thành viên chủ chốt có những thế mạnh riêng, nhưng chung một tầm nhìn là đem đến những sản phẩm dược liệu quý, nông sản chế biến lên men thành các sản phẩm đồ ăn, đồ uống chất lượng cao, giúp phòng ngừa bệnh, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe.
Nguồn nguyên liệu HTX sử dụng là vỏ trái cây, củ quả hữu cơ, một số loại thảo dược như gừng, nghệ, sâm… và được kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào một cách chặt chẽ bởi Hương Đất.
“Hiện các sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và được người tiêu dùng châu Âu đánh giá khá tốt. Bình quân 1- 2 tháng HTX xuất khẩu 1 container các sản phẩm lên men từ tỏi đen, gừng đen, nghệ đen, bưởi, cam… đi châu Âu”, bác sĩ dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp, Giám đốc HTX Thảo dược Việt Nam nói và cho biết thêm, để xuất khẩu đi châu Âu, vùng nguyên liệu, sản phẩm, nhà xưởng đều phải đạt các tiêu chí, quy chuẩn mà phía họ đưa ra.
Ngoài ra, HTX còn sản xuất theo đơn đặt hàng cho một số đối tác Việt Nam để giúp tiêu thụ nông sản, dược liệu cho bà con nông dân.
Ẩn sâu bên trong mỗi sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Hương Đất là tốt cho sức khỏe khách hàng, tốt cho môi trường và đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng núi cao hẻo lánh.
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các “ông lớn”, mở ra những hợp đồng lớn nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, đặc biệt là nông sản hữu cơ với các dòng sản phẩm cao cấp, chinh phục khách hàng trong và ngoài nước”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên, CEO Hương Đất cho hay.
Khi được hỏi “Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang muốn dấn thân vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ?” Chị Viên cười và nói: “Làm nông nghiệp hữu cơ bây giờ là thách thức rất lớn, nó không phải là việc làm như ông bà mình ngày xưa, mà vấn đề là chúng ta phải có học hành và phải đưa được khoa học công nghệ vào nông nghiệp mới có thể làm được một cách bền vững.
Đừng nhìn bức tranh nông nghiệp hữu cơ là một màu hồng, nó không hồng mà rất thực tế. Các bạn phải biết “đứng trên vài người khổng lồ”, phải học hỏi từ những người đi trước, từ những cái họ đã làm thành công để không phải “đóng học phí” quá lớn khi làm nông nghiệp.
Có những người thực sự sẵn sàng chia sẻ với các bạn những thứ mà họ đã trải qua để chúng ta không bị trả giá nữa, phải nhìn nó thực tế, tô vẽ một bức tranh thì dễ nhưng khi làm mới thực sự khó.
Ý chí và nghị lực là thứ không thể thiếu khi dấn thân vào nông nghiệp hữu cơ vì những khó khăn sẽ ập đến bất kỳ lúc nào. Nếu các bạn không có đủ ý chí và nghị lực thì không thể nào vượt qua được những khó khăn đó.
Và đặc biệt, phải giải được bài toán về tài chính thì hãy đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Không phải cứ có một miếng đất bé bé, rồi về tự trồng trọt là xong.
Phải tính được ban đầu phải bỏ ra bao nhiêu tiền, trong quãng thời gian để cho đất đai phục hồi đến khi tất cả quy trình chạy được phải bỏ ra bao nhiêu tiền… Đôi khi chúng ta hay hiểu nhầm là không cho hóa chất, không cho phân bón hóa học vào thì nó là hữu cơ, để nó trên đất, trên giá thể như thế này gọi là hữu cơ, nhưng thực sự không phải như vậy.
Môi trường, đất đai đầu tiên không tốt, nhưng chúng ta có thể cải tạo để đất đai phì nhiều hơn và môi trường sinh thái tốt hơn. Khi đó, tất cả những sản phẩm trồng trên mảnh đất phì nhiêu đó, trong môi trường sinh thái đó sẽ là những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Cứ mỗi một loại rau, một cây cỏ được trồng như vậy sẽ là một vị thuốc khi chúng ta đưa vào cơ thể.
Nông nghiệp hữu cơ là một nền nông nghiệp có sứ mệnh riêng của nó với đất đai, môi trường và con người.
“Chúng tôi cam kết về một nền nông nghiệp không hóa chất, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây dưới tán rừng với mong muốn bảo vệ thiên nhiên trong lành, đem lại cuộc sống tốt hơn cho tất cả chúng ta”.