Nuôi cá trên ruộng lúa - mô hình độc đáo mùa nước nổi

 

 

Theo quy luật tự nhiên, mỗi năm khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 4 tháng đồng ruộng ngâm mình trong mùa nước nổi. Thường mùa nước nổi sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, kéo dài cho đến tháng 11 dương lịch, nước lũ từ thượng nguồn tràn về, mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, tạo ra hệ sinh thái ngập nước để tôm, cá sinh sôi phát triển. Đây là thời điểm để những người nông dân tăng thu nhập nhờ mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào lũ, trong đó có nghề nuôi cá trên ruộng lúa.

Một ngày đầu tháng 10, khi lũ mùa nước nổi ở ĐBSCL được dự báo là đã đạt đỉnh, tôi theo chân anh Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đi thăm mô hình nuôi cá trên ruộng lúa. Con đường từ ngã ba Vĩnh Tường mới làm rộng thênh thang nhưng hẹp dần khi tiến về xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ. Mùa này, nước đã mấp mé bờ kênh và theo đường cống chảy cuồn cuộn vào ruộng.

Tới Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú Thành (ở ấp 3, xã Thuận Hòa) chúng tôi dừng lại. Anh Nguyễn Phú Quẹo, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã niềm nở ra đón tiếp. Từ khi thành lập (năm 2020) cho đến nay, 181 thành viên của HTX Tân Phú Thành chỉ sản xuất 2 vụ lúa chính/năm, còn vụ thu đông (vụ 3) thì để nước tràn đồng nuôi cá ruộng hoặc bắt cá tự nhiên. Giám đốc Quẹo cho biết, HTX có tổng diện tích 402 ha, nghề nuôi cá ruộng mùa nước nổi đã được xã viên thực hiện nhiều năm qua nhưng là làm đơn lẻ. Đây là năm đầu tiên làm theo mô hình hợp tác cùng đầu tư nuôi, cùng chia sẻ lợi nhuận.

Theo đó, HTX được ngành nông nghiệp hỗ trợ mô hình nuôi cá trên ruộng lúa với tổng diện tích gần 40 ha, chia 3 khu. Ngoài hỗ trợ 50% chi phí mua cá giống, còn được cán bộ kỹ thuật tư vấn, tập huấn về kỹ thuật nuôi cá, phòng trừ dịch bệnh. Đối tượng nuôi là giống cá trê vàng, kích cỡ con giống khi mua khoảng 95-105 con/kg mua từ trại giống bên Đồng Tháp, giá giao về tới nơi là 130.000 đồng/kg.

Giám đốc Nguyễn Phú Quẹo bảo, hợp tác nuôi cá chung sẽ có nhiều cái lợi, giảm chi phí đầu tư. Nếu nuôi đơn lẻ nông dân phải tự mua lưới để vây toàn bộ khu ruộng của mình, rất tốn kém. Còn nuôi chung thì cùng góp đất, vây lưới diện tích mỗi khu từ 10 ha trở lên, chia ra sẽ giảm đi rất nhiều. Mọi chi phí từ lưới vây, con giống, thức ăn viên, thuốc thú y thủy sản, công chăm sóc sẽ được đầu tư chung, đến khi thu hoạch thì trừ ra, lợi nhuận sẽ chia đều theo tỷ lệ diện tích đất ruộng góp vào khu nuôi. Hợp tác nuôi chung thì công chăm sóc, bảo vệ cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Để giảm hao hụt con giống, cá khi mua về sẽ được nuôi vèo trong ruộng diện tích nhỏ khoảng 5.000 m2. Sau khi cắt lúa thì ruộng ương vèo sẽ được tát cạn nước ở các đường mương, bắt hết cá tạp, ốc, cua… xử lý vôi bột quanh bờ. Trung bình mỗi ha sẽ thả 100 kg cá giống. Cá giống sẽ nuôi trong ruộng ương vèo khoảng 2 tháng, cho ăn dặm thêm thức ăn viên, khi đạt trọng lượng khoảng 8-10 con/kg thì thả ra khu ruộng rộng đã được quây lưới sẵn để nuôi tiếp.

Lúc này, cá sẽ sống hoàn toàn với môi trường tự nhiên trên ruộng lúa (lúa chét tái sinh) trong mùa nước nổi. Trong khoảng thời gian 2 - 2,5 tháng đó, cá tự kiếm thức ăn là các loại côn trùng, cá, tép nhỏ và ăn cả bông lúa, gốc rạ… Khi nước lũ rút cũng là thời điểm nông dân thu hoạch cá bán, chuẩn bị đất để gieo sạ lại vụ lúa đông xuân.

Do cá được nuôi trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt rất thơm, ngon ngọt không thua kém gì cá đánh bắt ngoài tự nhiên, giá bán cao hơn hẳn so với cá nuôi trong ao hoặc nuôi trong vèo lưới.

Vị Giám đốc trẻ Nguyễn Phú Quẹo còn tiết lộ, các xã viên đã họp bàn và đi đến thống nhất sẽ đầu tư múc đê bao để mở rộng diện tích nuôi cá ruộng trên địa bàn hợp tác xã, với mỗi ô vài chục ha, giảm chi phí mua lưới vây giữ cá. Ngoài ra, không chỉ nuôi cá trong mùa nước nổi, mà sau vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 tới, sẽ nuôi tiếp vụ cá trên ruộng lúa Hè Thu 2024. "Chúng tôi đã tính toán là sẽ cấy hoặc sạ cụm, giúp cho bụi lúa thưa đều, cá sẽ dễ bơi lên mặt ruộng kiếm thức ăn", anh nói.

 

Xã viên Huỳnh Thanh Hùng có diện tích canh tác 2,2 ha. Đã nhiều năm nay, ông Hùng chỉ làm 2 vụ lúa/năm, chờ đến khi lũ mùa nước nổi đổ về thì nuôi cá ruộng. Ông Hùng bảo, do nuôi đơn lẻ nên chi phí đầu tư lưới che chắn, bảo vệ đàn cá trên ruộng không bị thất thoát khá tốn kém, bởi vậy diện tích nuôi không được nhiều. "Còn năm nay làm ăn tập thể, vây lưới chung cả khu hàng chục ha nên tôi góp hết diện tích đất", ông cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng, nuôi cá trên ruộng lúa cần chăm sóc tốt lúc ương vèo con giống. Nên chú ý bổ sung thêm men tiêu hóa, các loại vi khoáng, canxi, kẽm… vào thức ăn để cá phát triển tốt, đồng đều, không bị gù lưng, dị tật thì khi bán mới được giá. Còn khi cá đã lớn, thả ra nuôi diện rộng, cá sẽ tự kiếm thức ăn từ tự nhiên trên ruộng để phát triển, nông dân chỉ cần giữ để cá không bị thất thoát và chờ đến ngày thu hoạch.

“Đối với cá trê vàng thì cứ thả 100 kg cá giống, nuôi trên ruộng lúa tầm 4 tháng sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn cá thương phẩm. Giá cá bán sỉ cho thương lái trung bình là 60.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi ha sẽ thu về khoảng 60 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ từ 25-30% so với doanh thu, lợi nhuận cao hơn hẳn so với trồng lúa vụ 3”, ông Hùng tính toán.

Điều độc đáo của mô hình luân canh lúa - cá là hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững, đem lại nhiều lợi ích và đạt hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn môi trường. Không chỉ phá thế độc canh cây lúa mà mô hình còn đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và đem lại hiệu quả cao. Ngoài thức ăn tự nhiên là các loài cá nhỏ di trú theo mùa nước nổi, các loại côn trùng thì những gì còn sót lại sau vụ lúa, lúa tái sinh, lúa rụng đều là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cá.

Ông Hùng bảo: “Cứ sau vụ nuôi cá là mặt ruộng trở nên láng te, cá sục bùn tìm mồi ở đáy nên lớp mùn trên mặt nhiều, phân cá thải ra là nguồn cung cấp hữu cơ rất tốt cho cây lúa. Vì vậy, khi bắt cá xong là tiến hành gieo sạ lúa được ngay mà không phải tốn chi phí làm đất, lượng phân bón cũng giảm đi rất nhiều. Kết quả cho thấy mô hình luân canh lúa – cá đem lại nhiều lợi ích theo hướng tuần hoàn nên nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và thu nhập trên cùng một diện tích”.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ Lâm Văn Việt cho biết, vụ nuôi cá ruộng mùa nước nổi năm nay huyện có kế hoạch hỗ trợ nông dân thực hiện với tổng diện tích 55 ha, kinh phí hỗ trợ 50% chi phí mua con giống. Ưu tiên chọn các điểm nuôi là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, có quỹ đất để nuôi tập trung thành từng ô lớn hàng chục ha.

Trong đó, tại HTX Tân Phú Thành được hỗ trợ nuôi gần 40 ha, chia thành 3 điểm nuôi. Các xã khác trên địa bàn huyện đều được hỗ trợ 1 điểm nuôi tập trung, quy mô tối thiểu là 3 ha. Đây sẽ là điểm để các hộ nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng trên địa bàn huyện các năm tiếp theo. Ngoài nuôi cá ruộng, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ còn phát triển mô hình nuôi tôm – lúa với diện tích tập trung 25ha, đối tượng nuôi là tôm càng xanh, nông dân cũng được hỗ trợ 50% chi phí mua tôm giống. 

Theo ông Việt, để phát triển mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa, với đối tượng nuôi là cá và tôm, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên cử cán bộ xuống các điểm mô hình để tập huấn, theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho bà con xã viên, nông dân. Bà con nông dân rất đồng thuận để thực hiện mô hình luân canh lúa - cá, lúa - tôm, nên tích cực đầu tư, bỏ công chăm sóc, các đối tượng nuôi đều đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ có vụ thu hoạch đạt năng suất cao. Ngành nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ tìm các đầu mối thu mua, để tiêu thụ cá, tôm cho bà con xã viên, nông dân khi đến vụ bắt, đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch.

 

 

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã phê duyệt Kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm 2023, đồng thời cho chủ trương hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất rau màu, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình theo kế hoạch này là gần 32,4 tỷ đồng, trong đó riêng hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa gần 30 tỷ đồng, đầu tư phát triển diện tích nuôi cá ruộng là 7.500 ha, tăng 2.000 so với chỉ tiêu giao từ đầu năm.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang khuyến khích, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình, mở rộng diện tích nuôi các loài thủy sản, nhất là nuôi cá trên ruộng lúa, tận dụng thời điểm mùa nước nổi tăng thêm khoảng 2.000 ha nuôi cá nước ngọt các loại, đạt tổng diện tích là 7.500 ha.

Việc tăng diện tích nuôi thủy sản, tăng sản lượng thu hoạch sẽ bù đắp cho lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất lúa không đạt kế hoạch, góp phần đảm bảo tăng trưởng của ngành năm 2023. Đồng thời, cũng góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản xuất, tối ưu hóa sản xuất trên diện tích đất.

Theo đó, sẽ khuyến khích nông dân khai thác, tận dụng diện tích đất vườn còn trống, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích không đáp ứng đủ điều kiện sản xuất vụ lúa thu đông chuyển sang trồng cây rau màu, nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, phù hợp nhu cầu thị trường, tạo sản phẩm an toàn và nâng cao thu nhập. Dần hình thành các liên kết trong cộng đồng để phát triển sản xuất thủy sản theo hình thức “mua chung, bán chung” trong quá trình nuôi như mua con giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm.... Tạo thành các khu vực nuôi thủy sản tập trung trên ruộng và từng bước xây dựng các khu vực cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, không tàng trữ và sử dụng xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản,...

Vụ lúa thu đông 2023, nông dân Hậu Giang chỉ xuống giống hơn 25.000/75.000 ha diện tích đất lúa toàn tỉnh. Do đó, còn diện tích rất lớn để nông dân có thể chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác trong mùa nước nổi, tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ruộng chỉ phù hợp với diện tích trũng thấp, làm lúa vụ 3 kém hiệu quả. Hơn nữa, nuôi cá cần phải đầu tư lưới, con giống, người nuôi phải có kỹ thuật, tốn công chăm sóc, giữ cá không bị thất thoát. Đặc biệt, nuôi cá ruộng cần phải tính toán chọn đối tượng nuôi phù hợp, có nhu cầu thị trường và đầu ra ổn định thì mới đạt hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, nghề nuôi cá ruộng đã được nông dân trong tỉnh phát triển nhiều năm qua, tập trung chủ yếu ở các địa phương có nền ruộng trũng thấp như huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và Vị Thủy. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp do không tốn tiền mua thức ăn, cá sống trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Ngoài ra, việc cắt giảm vụ lúa còn giảm nguy cơ dịch bệnh, chất hữu cơ tồn dư sau vụ nuôi cá giúp giảm chi phí phân bón vụ lúa tiếp theo.

Khai thác tiềm năng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh để kết hợp nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, phù hợp nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Phát triển nuôi thủy sản trên ruộng lúa với đối tượng nuôi chủ yếu là cá lóc, trê vàng và một số loài cá ăn thực vật, hữu cơ như chép, mè... để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trên ruộng.

Thời gian qua, nông dân Hậu Giang đã phát triển nghề nuôi cá trên ruộng lúa với 2 hình thức nuôi. Một là nuôi quảng canh cải tiến, nông dân tận dụng ruộng ngập nước, vây lưới theo bờ mẫu và thả cá giống vào nuôi, chủ yếu là các loại cá trắng ăn thực vật, rong tảo, chất hữu cơ. Hai là nuôi bán thâm canh, nông dân có đầu tư đào mương nước chung quanh ruộng lúa và quây lưới quanh bờ, thả nuôi cá lóc, cá trê, cá rô và một số loài cá trắng.

Theo bà Lam, mùa nước nổi năm nay tỉnh có kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình “nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng” với tổng quy mô diện tích 200 ha. Đối tượng được hỗ trợ thực hiện mô hình là các hộ dân có kiến thức, kỹ thuật tốt, có công trình đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, có nhân công chăm sóc, quản lý mô hình,  có đủ nguồn vốn đối ứng để đầu tư thực hiện. Ưu tiên các hộ là thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết trực tiếp giữa người thực hiện mô hình và cơ sở chế biến, tiêu thụ, chú trọng tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung Chánh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trung Chánh - Hồ Thảo
Trung Chánh - Hồ Thảo