“Hành động quyết liệt” là cụm từ Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến trong bài phát biểu nhậm chức ngày 5 tháng 4 năm 2021.
Ông nói: “Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các đồng chí Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc”.
“Hành động quyết liệt” cũng là nhận xét của nhiều người về tân Thủ tướng khi ông đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015).
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là Ủy viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, từng đánh giá ông Phạm Minh Chính là “một trong bốn Bí thư đổi mới, năng động nhất trong thời gian gần đây”.
Ngay khi ông Phạm Minh Chính nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam: “Ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng tôi rất mừng vì đây là người dám nghĩ, dám làm, có tầm nhìn đột phá”.
Ông Hưng nhớ lại: Khi ông Phạm Minh Chính mới về Quảng Ninh làm Bí thư có đến nhà tôi thăm hỏi gia đình. Ông ấy bảo "giờ em về đây, tỉnh có việc gì nhờ anh trao đổi, góp ý thêm". Ông ấy khiêm tốn lắm.
Về năng lực quản lý, tư duy điều hành, ông Hưng cho rằng điểm nổi bật nhất ở ông Phạm Minh Chính là luôn tìm ra những cái bất hợp lý để điều chỉnh, đổi mới, đã quyết sẽ làm đến cùng.
Gần 4 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính để lại nhiều dấu ấn đột phá về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Một cán bộ tăng cường về Quảng Ninh mà tâm huyết với địa phương như thế, ông Hưng nói “không nhiều đâu”.
Thời điểm ông Phạm Minh Chính bắt đầu về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ cuối năm 2008, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách của tỉnh Quảng Ninh khi đó 70% từ than, chỉ 20% từ sản xuất kinh doanh, 10% từ đất.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính đã khởi xướng chuyển đổi chiến lược kinh tế từ “nâu” sang kinh tế “xanh” (tức từ khai khoáng sang phát triển du lịch, dịch vụ).
Đây có thể coi là bước ngoặt lịch sử đối với vùng đất Mỏ. Bởi lẽ, từ lâu Quảng Ninh phát triển chủ yếu dựa vào khai thác khoáng sản.
Năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thuê các nhà tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)... để lập quy hoạch chiến lược.
Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch, do chính Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, vào cuộc chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với nhà tư vấn, đồng thời tranh thủ tối đa ý kiến từ các chuyên gia, bộ ban ngành Trung ương, giám sát của HĐND cũng như góp ý của doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh.
Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô quốc gia với gần 1.000 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giới thiệu Quảng Ninh với những tiềm năng lợi thế nổi trội để kêu gọi thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nhờ vậy, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, CEO Group, Texhong (Hồng Kông), Tập đoàn Amata (Thái Lan)… đầu tư với những dự án hàng tỷ USD về hạ tầng, khu công nghiệp, giao thông, sân bay, cảng biển, đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng…
Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, rồi Hạ Long đến Vân Đồn sau đó được triển khai, giúp phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 18, rút ngắn khoảng cách từ Quảng Ninh đi Hà Nội chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng, thay vì 4-5 tiếng như trước đây.
Ông Phạm Minh Chính cũng tiên phong kêu gọi đầu tư và xin cơ chế cho tư nhân xây dựng sân bay ở Vân Đồn. Dự án đã được hoàn thành chỉ trong 2 năm với số vốn 7.500 tỷ đồng, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam.
Sự quyết liệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho Quảng Ninh. Từ năm 2011 trở lại đây, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP của Quảng Ninh giảm dần, tới năm 2020 chỉ còn 17,3%, đóng góp 39% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách giai đoạn 2016-2020 ước đạt 55 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.
Năm 2015, tổng sản phẩm kinh tế đạt khoảng 100.300 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD/năm, gấp 1,76 lần so với năm 2010 và gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước (2.200 USD).
Thu ngân sách nhà nước thuộc top 5 cả nước; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 159.342 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Quảng Ninh hiện nay được coi là một hiện tượng phát triển của đất nước, một hình mẫu chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công từ chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào tài nguyên khoáng sản thô là chủ yếu sang du lịch và dịch vụ với sự tăng tốc từ 8,8% GDP năm 2014 lên mức hai con số suốt nhiều năm, cả trong năm đại dịch Covid-19 vừa qua.
Nhiều cán bộ và người dân Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh bắt đầu bứt phá và tăng tốc từ giai đoạn 2011-2015 - thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy, với cách làm sáng tạo, quyết liệt.
Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là hướng đi đúng đắn của tỉnh, đây cũng là điều mà ông Phạm Minh Chính rất tâm huyết.
Bên cạnh những đổi mới quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cũng để lại dấu ấn đặc biệt trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tháng 12 tháng 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thông qua Đề án Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế (Đề án 25).
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, tiến hành thận trọng, coi trọng dân chủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Quảng Ninh đã thành công trong việc đi đầu đề xuất, triển khai thực hiện các mô hình đột phá.
Tiêu biểu là các mô hình thí điểm như: Thi tuyển công chức tập trung để giảm chi phí, tránh tiêu cực, và siết đầu vào chặt chẽ; nhất thể hóa chức danh (Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; Bí thư đồng thời là trưởng thôn bản khu phố...); hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp có cùng chức năng, nhiệm vụ...
Trong nhiệm kỳ của ông Phạm Minh Chính, Quảng Ninh đã giảm được 83 đầu mối ở cấp ban, sở ngành; 67 đầu mối thuộc cấp huyện; chuyển đổi mô hình hoạt động đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp hoặc hợp tác công - tư đối với 39 đơn vị và 15 trường học. Tỉnh cũng giảm được 8,4% biên chế và 1.164 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; không thực hiện chi trả phụ cấp cho 17.679 người.
Quảng Ninh cũng là “ngôi sao” trong cải cách hành chính của cả nước, khi dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 3 năm 2017-2019; dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính PAR Index, đứng đầu chỉ số phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019…
Bí thư Phạm Minh Chính là người tiên phong xúc tiến xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công làm cho người dân và doanh nghiệp, cơ chế một cửa được triển khai với tinh thần phục vụ. Người dân và doanh nghiệp chỉ cần đến làm thủ tục, hồ sơ và giải quyết trong hành chính công, không phải đi qua quá nhiều sở ngành.
Ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá, Bí thư Phạm Minh Chính rất coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người. Bởi, muốn đổi mới những cái khác, việc cần làm đầu tiên là phải đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Ông Chính đã tạo ra bộ máy tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả để giúp hiện thực hóa những tầm nhìn phát triển.
“Ngày ông Phạm Minh Chính đến nhà tôi, ông ấy bảo quan điểm của em đề bạt cán bộ là phải thấy được sản phẩm”, ông Hưng kể và nói rằng một người năng động, quyết liệt như ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng thì các Bộ trưởng “chạy theo” cũng mệt.
Gần 1 thập kỷ nhìn lại, có thể thấy, những quy hoạch chiến lược được định hình từ thời kỳ này, với người “thuyền trưởng” là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính đã giúp Quảng Ninh có những bước phát triển đột phá.
Hình ảnh vùng mỏ bụi bặm đã được thay thế bằng những công trình du lịch dịch vụ đẳng cấp, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh năng động, thông thoáng.
Dấu ấn về ông Phạm Minh Chính, theo ông Nguyễn Văn Đọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, có thể gói gọn trong hình ảnh một “người truyền lửa” - người từ nơi khác đến, tổng kết, phát hiện và truyền lại cho chính người dân Quảng Ninh về tình yêu, niềm tự hào, khát vọng vươn lên từ những tiềm năng, cơ hội nổi trội, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của một “Việt Nam thu nhỏ”; người tìm tòi để xác định tầm nhìn, hướng đi mới cho Quảng Ninh; người khơi dậy nguồn lực từ trong sức dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.
Phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã nhắc đến vai trò kiến tạo của thế hệ đi trước và khẳng định Quảng Ninh hôm nay vẫn tiếp tục mạch phát triển đổi mới có nhiều nét được khai phá từ thời ông Phạm Minh Chính.
“Kiên trì đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.
Phương thức đầu tư vẫn được kế thừa từ thành công của giai đoạn 2010-2015, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Kể từ đó đến nay, Quảng Ninh đứng đầu cả nước trong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 44 dự án có tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng). Cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được từ 8,9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Cao tốc thông suốt từ Hà Nội cho đến Móng Cái, sân bay quốc tế, cảng biển là những công trình mang ý nghĩa quốc gia, rút ngắn đi khoảng cách đến với vùng phát triển nhất không phải chỉ Trung Quốc mà của Đông Bắc Á. Đây sẽ là một cửa ngõ của Việt Nam - ASEAN, Trung Quốc và Quảng Ninh có vai trò giữa chính trị, giữa kinh tế tạo nên, toàn bộ khu vực miền Đông nghèo khó sẽ được thúc đẩy, du lịch cũng được phát triển.
“Quảng Ninh là địa phương hoàn toàn không đi xin tiền Trung ương mà cũng không có cơ chế gì cả, tự xin làm thí điểm hợp tác công tư thành công rồi ra Nghị định 15 và trở thành đầu vào cho Luật hợp tác công tư. Nếu Bí thư Phạm Minh Chính không quyết liệt, mạnh dạn và cứ trông chờ vào nguồn ngân sách, chờ Trung ương thì Quảng Ninh không có hệ thống hạ tầng giao thông tốt như hôm nay”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Những nền tảng mà ông Phạm Minh Chính tạo dựng trong nhiều năm qua có thể coi là “chỉ số tín nhiệm” để Đảng, Quốc hội giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục kỳ vọng vào sự quyết liệt, đổi mới, chinh phục nền kinh tế toàn cầu với khát vọng nước Việt Nam thịnh vượng.