Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Phải đo độ bền vững của quốc gia bằng nông nghiệp

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp chúng tôi tại tư gia ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ông ân cần giới thiệu từng kỷ vật về cha mình - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví “như con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng lại thấy được những cái rất cụ thể trên mặt đất”.

Chúng tôi dừng lại hồi lâu bên những bức ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xắn quần chỉ đạo sản xuất; những cuốn sách ông viết về nông nghiệp với những cái tên rất gũi, giản dị như “Lề lối làm việc của đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã nông nghiệp”, “Trai gái Đại Phong”, “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong”… Và câu chuyện của chúng tôi cũng được gợi mở từ chính phong trào Đại Phong lẫy lừng cách đây tròn 60 năm.

 

 

Thưa Thượng tướng, ngày 11/1/1961 trên Báo Nhân dân, Bác Hồ viết bài "Một hợp tác xã gương mẫu" nói về Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại Phong không chỉ trở thành lá cờ đầu trong nông nghiệp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà phong trào này đã có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước? 

Trước khi nói về HTX Đại Phong, chúng ta cần nói đến tầm nhìn của Đảng về việc phát triển nông nghiệp, vai trò của ngành nông nghiệp trong bối cảnh những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Khi đó chúng ta đã có Nghị quyết 15 với quyết tâm chống Mỹ bằng bạo lực cách mạng và bên cạnh đó xác định xây dựng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm hậu phương cho chiến tranh ở Miền Nam.

Lúc bấy giờ, thử thách sống còn của đất nước là cuộc chiến tranh ở Miền Nam. Nếu không thắng lợi thì sẽ mất nước.

Với nhiệm vụ như vậy, chúng ta nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô và một số nước XHCN song Việt Nam phải đối đầu với đế quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, với đội quân rất hùng mạnh và cả quân đội của Sài Gòn.

Bao trùm lên khả năng quân sự là việc làm thế nào để duy trì được sức nước, trong đó có sức dân, sức quân.

Do đó, Bác Hồ xác định lấy cái ăn làm đầu, người dân phải đủ no để sống và xây dựng XHCN ở Miền Bắc, quân phải no để chiến đấu ở Miền Nam.

Vì vậy, vấn đề lương thực lúc bấy giờ không phải là cấp bách nữa mà là sống còn của chiến lược giải phóng Miền Nam cũng như xây dựng XHCN ở Miền Bắc.

Bên cạnh đó, lương thực, nông nghiệp cũng là thế mạnh của Việt Nam. Khi đánh giặc có thể các nước giúp được chúng ta vũ khí nhưng về lương thực thì không thể trông chờ vào sự giúp đỡ mãi được mà phải làm sao để mỗi người dân có thể sống được, dựa vào mặt trận nông nghiệp.

Một vấn đề nữa là chủ trương của Việt Nam khi đó rất rõ ràng, mặc dù nhận được sự giúp đỡ rất to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN nhưng chúng ta luôn lựa chọn đường lối độc lập, tự chủ. Muốn được như vậy thì phải tự chủ được về lương thực, về cái ăn.

Đánh giặc có thể bằng gậy tầm vông, bằng súng trường, bằng tên lửa nhưng ăn thì chỉ có gạo, không thể ăn cỏ, ăn đất được.

Do đó, khi có được nền tảng vững chắc về nông nghiệp thì đó sẽ trở thành chỗ dựa cho cả đất nước để vừa xây dựng XHCN vừa đánh giặc giải phóng Miền Nam.

Sau một thời gian dài, đất nước trải qua kháng chiến chống Pháp và những biến động sau năm 1954, Bác Hồ đã lấy mặt trận nông nghiệp làm mũi nhọn kinh tế, để có khả năng nuôi sống cả đất nước một cách độc lập.

Từ năm 1954-1959, nền nông nghiệp Việt Nam gặp phải những khó khăn rất lớn, nhất là sau cải cách ruộng đất, chúng ta chưa nhìn ra được nên duy trì tư nhân như cũ hay phát triển mô hình hợp tác xã, phải làm thế nào để duy trì được cơ chế quản lý của XHCN nhưng vẫn đủ gạo ăn. Đó là điều Bộ Chính trị và Bác Hồ rất quan tâm.

Khi đó, nông nghiệp Việt Nam cần có sự đột phá, cần có một điển hình để rút ra con đường phát triển nông nghiệp ở Miền Bắc.

Theo tôi, HTX Đại Phong là một thí điểm thành công, từ đó mở ra một con đường đi đúng cho phát triển nông nghiệp tập thể ở Miền Bắc lúc đó. Đặc điểm của HTX Đại Phong đó là đảm bảo được 2 lợi ích rõ ràng, bao gồm lợi ích của tập thể và lợi ích của người nông dân.

Và nguyên tắc, nguyên lý ấy, đến tận ngày hôm nay vẫn còn đúng, nếu chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân thì sẽ không có kinh tế nhà nước, còn nếu không quan tâm đến lợi ích của người nông dân thì cũng không có nguồn lực cho kinh tế nhà nước tồn tại.

Đây không phải là điển hình tự nhiên xuất hiện mà được xây dựng, thí điểm, thấy đúng và nhân rộng do trực tiếp Bác Hồ chỉ đạo.

Nhìn lại, bên cạnh lợi ích của nhà nước và lợi ích của nông dân, ở Đại Phong còn một điều nữa đó là đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động. Đây là yếu tố tạo ra sức mạnh không thể đo đếm được trong xây dựng đất nước, trong phát triển ngành nông nghiệp vì nó có khả năng nhân sức mạnh vật chất lên nhiều lần.

Ở Đại Phong lúc bấy giờ, ban ngày đi làm ruộng, ban đêm thì ca hát, giao lưu, xây dựng những hương ước, quy định của làng, hợp tác xã khiến cho những người nông dân tuy ít học nhưng lại có văn hóa hơn cả những người ở thành thị.

Điều đó cũng do Bác Hồ nhìn ra và định hướng, gắn văn hóa với lao động để tạo ra sức mạnh tinh thần cho người nông dân, sức mạnh không thể kể được để giúp mô hình HTX Đại Phong thắng lợi.

 

 

Ông có thể lý giải vì sao Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn cha ông - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một nhà quân sự để “thổi luồng gió mới trên đồng ruộng” vào thời điểm đó?

(Ngừng một hồi). Trong bài báo của Bác Hồ có viết, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu đã được Đảng và Nhà nước xác định nhưng trong một thời gian dài vẫn cứ “bình bình”, không tạo được phong trào.

Theo tôi, việc thoát ra khỏi cái “bình bình” đó, cần đến những mô hình, điển hình.

Với cha tôi, được Bác Hồ cử sang phụ trách vấn đề nông nghiệp trước hết vì ông là một người nông dân, gần gũi nông dân, hiểu nông dân.

Còn một điều ít người biết là trong những năm 1963-1964, tôi thường xuyên được theo cha sang ăn cơm cùng Bác Hồ, các câu chuyện giữa hai người chủ yếu là vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chứ chuyện chiến đấu lại không nhiều.

Ông say sưa nói về chuyện đi Hưng Yên gặp Bí thư Lê Quý Quỳnh thế nào, bên cạnh làm lúa làm mật ong ra sao hay về Ninh Bình xem nông dân nuôi dê…

Nhất là năm 1967, trước chiến dịch Mậu Thân, cha tôi từ trong Nam ra, khi đó ông là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, sặc mùi chiến trường, thuốc súng nhưng từ tháng 4-7, ngoài thời thời gian họp về quân sự, chủ yếu ông đi các tỉnh.

Ông đi Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương… về đến từng hợp tác xã và nói rằng đi để hiểu về nông nghiệp, hiểu vì sao miền Nam đánh thắng.

Lý do thứ hai, cha tôi thường được đặt vào những chỗ khó, cả trong kháng chiến lẫn sau này và trong quá trình đó ông được Bác Hồ gọi là “Ông tướng du kích”, có nghĩa là ông thích nghi được mọi hoàn cảnh, mọi vai trò được giao. Chính vì thế, Bác Hồ mới giao cho ông nhiệm vụ làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.

Có thể nói, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã làm nên HTX Đại Phong thành công theo sự chỉ đạo của Bác Hồ, nhưng nếu ông không làm được, sẽ có người khác làm.

Vì quan trọng, Bác Hồ là người nghĩ ra và thực hiện ý tưởng bằng cách dùng người nên nếu ông Thanh không thành công, người khác sẽ thay thế cho đến khi thành công mới thôi. Với một quyết tâm tự chủ về nông nghiệp để giữ được miền Bắc và đánh thắng ở miền Nam.

Như ông nói thì có thể thấy rằng “các cụ” ngày xưa nắm tình hình thực tế rất chắc rồi mới đưa ra quyết sách?

Đúng vậy! Trước đây, có cách thực hiện chủ trương rất hay, không viết lên giấy vội, sản phẩm tư duy của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo không được thể hiện trên giấy. Bao giờ cũng phải nắm tình hình trước. Như ông Nguyễn Chí Thanh sau khi được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, 3 tháng ông không đến cơ quan mà đi tất cả các tỉnh để nắm tình hình, nhưng không phải qua cấp ủy mà trực tiếp nắm từ những người nông dân.

Sau bước đầu tiên là đến giai đoạn xác định mục tiêu. Với phong trào 5 tấn mà cha tôi đưa ra, khi đó các chuyên gia đã chọn 7 hoặc 8 tấn vì khi đó Thái Bình đã đạt năng suất 7 tấn, ông Thanh cũng định đưa ra mục tiêu 7 tấn nhưng có nhiều tỉnh chỉ mới đạt 3 tấn nên con số cuối cùng được ông chọn là 5 tấn. Con số này được đưa ra vì những tỉnh vượt mức là số ít và để đa phần các địa phương còn lại có thể bắt kịp mục tiêu.

Khi đã có mục tiêu rồi, sẽ chuyển sang giai đoạn thí điểm, có thể thất bại, có thể thành công nhưng dứt khoát chỉ trong một thời gian nhất định. Ví dụ ở HTX Đại Phong là 3 mùa nhưng chỉ trong 2 mùa đã thành công.

Sau khi thí điểm thành công thì tổ chức rút kinh nghiệm. Ông Thanh cho tổ chức Hội nghị nông nghiệp toàn quốc ở Đại Phong, chứ không phải ở Hà Nội. Từ đó tổng kết rồi xây dựng điển hình và từ đó nhân rộng, tạo phong trào “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong”.

Có thể tổng kết lại, quy trình thực hiện một chủ trương sẽ là giao nhiệm vụ, nắm tình hình, đặt mục tiêu, thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng điển hình và nhân rộng tạo phong trào. Đây là một quy trình chuẩn, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực và cũng do Bác Hồ nghĩ ra.

Vì vậy, bên cạnh thành công cụ thể về nông nghiệp, chúng ta đã tạo ra một mô hình quản lý nông nghiệp, nông thôn theo định hướng XHCN và rút ra được một phương pháp làm hoàn toàn chính xác, đó có thể gọi là “phương pháp cách mạng”.

Phương pháp ấy vẫn còn rất hữu ích cho hôm nay, thưa ông?

Khi nhắc về những bài viết, nhận xét hay rộng ra là tư tưởng của cha tôi về nông nghiệp, chúng ta có thể thấy ông nói rất đúng và có những tư tưởng sáng, đi trước thời đại.

Tôi đã biên tập tất cả những bài viết tay của cha thì thấy nông nghiệp ông viết đúng, quân sự viết hay, chính trị viết được, chống chủ nghĩa cá nhân, bảo vệ đường lối viết còn ác chiến nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là có phải ông rất giỏi, rất tài hay không?

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần các bài viết của cha và đọc thêm nhiều tài liệu của các cha chú ngày ấy thì nhận ra rằng, cha tôi không giỏi mà ông đã viết đúng thực tế đang diễn ra, khái quát lên thì tự nhiên sẽ hay, thuyết phục, đi trước thời đại.

Cái gì ông đã viết, đã nói đều từ thực tế, biết chắc mới nói, nói thật đúng, phản ánh đúng sự thật khách quan, tự nhiên sẽ hay.

Ví dụ như “Huyện ủy 5 không”, ông đi thực tế, gặp thực tế mới biết để viết về Bí thư huyện ủy, hỏi 5 điều nhưng không trả lời được điều gì. Từ đó tạo được tiếng vang rất lớn, khiến các Bí thư huyện ủy phải sốt sắng đi học để có hỏi còn biết trả lời.

Từ đó có thể thấy rằng, tập thể do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo không cho phép ai không biết mà nói hay biết lơ mơ mà nói, chỉ biết chắc mới dám nói, đã nói là trúng. Chính vì thế người ta mới gọi đó là “thế hệ vàng”.

 

 

Tình trạng “biết lơ mơ mà nói” hiện nay hẳn vẫn còn. Bằng chứng là nhiều chỉ đạo còn xa rời thực tiễn, chạy theo thực tiễn?

Tôi cho rằng, nguyên nhân đó là thiếu thực tế, hiểu không đúng thực tế và không chịu xem thực tế là kim chỉ nam cho mọi hành động. Muốn làm được điều đó thì phải gần với thực tế.

Theo tôi, hiện nay chúng ta nên quay lại những bài học cũ mà chúng ta đã có một phong trào rất rộng rãi là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỗi một cán bộ, mỗi một đảng viên được giao nhiệm vụ, việc đầu tiên là phải nắm chắc tình hình, phải sống trong môi trường đó, thứ hai là chỉ nói khi đã nắm thật chắc và thứ ba là làm việc có phương pháp, thì lúc đó sẽ thành công.

Hiện nay, chúng ta vẫn còn tình trạng văn bản chỉ đạo còn xa rời thực tế, không thích chê. Đó là do không nắm chắc tình hình, vội vàng. Có chức có quyền muốn nói gì thì nói và làm việc không có phương pháp.

Nếu học được những bài học cũ thì không tốn kém gì cả, chỉ bớt tốn kém hơn nhưng hiệu quả cao, nhất là trong nông nghiệp.

Trong xã hội, đặc tính của người nông dân là làm nhiều nói ít, nên hiểu được họ không dễ và nếu không hiểu được họ thì đừng nói đến nông nghiệp.

Hiện nay, nói đến nông nghiệp là nói đến giống, khoa học kỹ thuật, thời tiết… nhưng theo tôi nói đến nông nghiệp phải nói đến người nông dân, họ cần gì, họ làm được gì, đó mới là điều quyết định.

Trong những tài liệu của Bác Hồ hay của cha tôi, gần như không nhắc đến các HTX, chỉ viết về người nông dân. Bây giờ chúng ta cũng nên như thế, cần có thực tế, nhìn mọi việc dưới con mắt của người lao động, bớt hình thức và trong mọi vấn đề cần coi con người là chủ thể, để nghiên cứu, để đẩy người ta lên. Nếu làm được như vậy, nói chung nông nghiệp sẽ thành công.

 

 

Sau ngày 30/4/1975, đất nước ta dù đã được thống nhất nhưng nền nông nghiệp vẫn chậm phát triển, người dân chưa đủ ăn. Là quân sự, ông đánh giá gì về giai đoạn này?

Cha tôi đã viết đề cương “Chiến lược phát triển nông nghiệp sau giải phóng” vào năm 1964 trước khi vào miền Nam, năm 1967 ông lại viết lại.

Khi đọc đề cương đấy, có những điều không thực tế vì mới chỉ dừng lại ở các ý tưởng nhưng vẫn thấy được tầm nhìn của ông lúc bấy giờ.

Chưa đánh Mỹ xong đã tính đến đánh Mỹ xong phải phát triển nông nghiệp thế nào, thúc đẩy sản xuất ra sao, tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau giải phóng. Đó đều là những điều ông được Bác Hồ dạy.

Nông nghiệp miền Bắc có thể chia làm 3 giai đoạn, đầu tiên là trong kháng chiến chống Mỹ. Một điều kỳ lạ là, trong khó khăn như vậy, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam cơ bản ổn định và tận dụng được mọi nguồn lực tạo ra được sản phẩm nông nghiệp.

Có thể nói, trong giai đoạn đó, vai trò của hợp tác xã, hợp tác hóa đã mang tính chất quyết định và đó là những gì được kế thừa, phát huy từ phong trào HTX Đại Phong.

Sau năm 1975, nông nghiệp Việt Nam lại chậm phát triển, theo tôi có lẽ vì chủ trương của chúng ta khi đó tập trung vào công nghiệp hóa mà thiếu quan tâm nông nghiệp, vốn là vấn đề sống còn.

Cho đến khi vấn đề lương thực trở nên quá cấp bách, mới quay lại quan tâm đúng mực vào nông nghiệp, nông dân qua các phong trào của những năm 1986, 1988… như Khoán 10, Khoán 100..

Những bước đột phá này là do cuộc sống bức bách, buộc chúng ta nhận ra rằng nếu không có nông nghiệp thì sẽ chết. Từ đó đến nay, nông nghiệp của Việt Nam chỉ có đi lên.

Như ông nói thì nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông có thể dẫn chứng chuyện cụ thể để thấy rõ điều này?

Năm 2018, giá trị xuất khẩu của nông nghiệp cao hơn của dầu khí. Tôi đã nói trước Trung ương rằng, nếu các anh tăng cho tôi được 1 USD xuất khẩu từ nông nghiệp, thì sẽ bớt đi 1 gánh nặng ở Biển Đông.

Nếu chúng ta vẫn phải lao ra Biển Đông tìm nguồn lợi dầu mỏ phát triển kinh tế thì chúng ta còn phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng khi nông nghiệp đã phát triển, càng ngày càng phát triển, sức ép về dầu khí giảm đi thì sẽ rảnh tay hơn để bảo vệ chủ quyền.

Như vậy, nông nghiệp phát triển thì áp lực Biển Đông sẽ giảm, không phải khoan bằng mọi giá nên sẽ bảo vệ được hòa bình. Không để mất biển nhưng cũng không bất chấp mọi thứ để khai thác dầu mỏ. Rõ ràng, phát triển nông nghiệp không những đem lại nền tảng cơ bản mà còn có tính độc lập rất cao.

Tôi từng trao đổi với những đồng nghiệp Mỹ về lý do họ xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương. Câu trả lời là, trước đây Trung Đông là điểm quan trọng của Mỹ nhưng bây giờ cứ thêm 1 chiếc xe hybrid chạy ngoài đường thì áp lực ở Trung Đông của họ lại giảm đi 1 phần, giảm đi việc sử dụng sức mạnh quân sự, chính trị.

Trở lại câu chuyện Việt Nam, khi nông nghiệp phát triển, về mặt chiến lược, đảm bảo cho đất nước ổn định, không phải lệ thuộc vào yếu tố nào, ví dụ như dầu khí ở Biển Đông.

Vừa qua, thấy nông nghiệp xuất khẩu tốt như vậy tôi rất mừng, có niềm tin vào sự phát triển của đất nước. Nông nghiệp như vậy thì đất nước sẽ vững, quốc phòng sẽ mạnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, khi đã có ăn rồi, chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều gánh nặng lệ thuộc vào các nước khác. Khi đã tự chủ được lương thực, thì Việt Nam có quyền tự quyết nhiều vấn đề.

Nhìn lại suốt quá trình đó, chúng ta phải tôn vinh ngành nông nghiệp, cụ thể là tôn vinh những người nông dân, đã tạo ra được một nền tảng rất vững chắc cho đất nước phát triển.

Việt Nam phải đưa nông nghiệp lên hàng đầu, đo độ bền vững của đất nước bằng nông nghiệp. Còn công nghiệp, thương mại, du lịch cũng quan trọng nhưng với Việt Nam phải là nông nghiệp.

Trong thời gian tới, với phát triển của khoa học kỹ thuật, độ mở của nền kinh tế như hiện nay, chúng ta càng phải quan tâm đến nông nghiệp như tăng chất lượng, đẩy mạnh chế biến… lúc bấy giờ đất nước mới bền vững được.

Có thể nói, khi đứng trước một thách thức quốc phòng thì phải dùng lương thực để đo sức chịu đựng, đó là vai trò của nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp vẫn chưa được xem là một mặt trận sở trường của Việt Nam để có được sự quan tâm đích đáng.

 

 

Hình ảnh bộ độ Cụ Hồ luôn đẹp trong tâm trí người dân Việt Nam. Năm 2020, hình ảnh ấy lại gây xúc động mạnh khi các chiến sĩ căng mình phòng chống đại dịch Covid-19 và bão lũ ở miền Trung bao phủ tang tóc đau thương. Đã nhiều chiến sĩ ngã xuống cho bình yên hôm nay. Là vị tướng, mất mát ấy để lại trong ông điều gì?

(Ngừng một hồi lâu). Đau xót. Khi có sự hy sinh của quân đội trong thời bình thì cảm xúc đầu tiên trong tôi là đau xót.

Nhưng qua năm 2020, hay rộng hơn là nhiệm kỳ vừa rồi, thì thấy được con người Việt Nam, chứ không chỉ người chiến sỹ, có một phẩm chất đó là khi cần sẵn sàng hy sinh.

Ví dụ như nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị không quân, rõ ràng khả năng xảy ra tai nạn là rất cao vì thời tiết xấu nhưng vẫn bay. Hay như vụ Rào Trăng, tôi đã gặp trực tiếp một đồng chí may mắn thoát nạn thì anh ấy nói, vì mệnh lệnh cấp trên, vì cứu người nên dù biết chết vẫn vào.

Khi cách ly các trường hợp nhập cảnh, các cán bộ chiến sỹ có khả năng lây nhiễm rất cao nhưng hàng vạn cán bộ chiến sỹ không ai từ chối nhiệm vụ.

Chưa kể, lực lượng biên phòng đóng chốt ở biên giới nhiều tháng nay, bất chấp mọi điều kiện thời tiết, dựng lán giữa rừng, kiên trì bám trụ.

Rõ ràng, đó là những phẩm chất nói chung của con người Việt Nam, được hội tụ và thể hiện thông qua hình ảnh người chiến sỹ Quân đội nhân dân, hay vẫn được gọi là Bộ đội Cụ Hồ.

Tôi cho rằng, những phẩm chất đó cần được phát huy nhưng trách nhiệm của Đảng và Quân đội là giảm bớt thiệt hại, không thể để cứ đi là hy sinh mà phải giảm đến mức thấp nhất.

Khi họp Trung ương, tôi đã nói: “Cán bộ lãnh đạo làm gương cho cấp dưới là đúng, nhưng qua những tấm gương của các cán bộ chiến sỹ trong thời gian qua, tôi lại thấy một phần ngược lại. Đó là chúng ta phải cúi xuống học tập tấm gương của anh em về sự hy sinh dũng cảm, thì chúng ta mới nên người được”.

Trong những năm qua, hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng, không chỉ trong hỗ trợ nhân dân mà còn trong cuộc chiến với Covid-19. Như ở Biển Đông, giả sử chỉ cần một chiến sỹ ở đảo mắc Covid-19 thì tình hình sẽ trở nên rối loạn ngay tức khắc. Hay các chiến sỹ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, không một ai từ chối nhiệm vụ mặc dù châu Phi là ổ dịch…

Bên cạnh những tấm gương sáng, thời gian vừa rồi, nhiều sĩ quan cấp cao của quân đội bị xử lý vì những vi phạm. Việc xử lý này có khó không, thưa ông?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói quân đội phải gương mẫu đi đầu trong phòng chống tham nhũng. Đúng như vậy, nếu tham nhũng trong quân đội thì sức chiến đấu không còn. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc vẫn có người mắc sai lầm, vi phạm pháp luật. Việc xử lý trong quân đội có 2 cái khó.

Thứ nhất, là có dám xử lý không, vì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quân đội. Thứ hai, những cán bộ quân đội vi phạm thường là cấp cao nên đã qua chiến đấu, có gian khổ hy sinh, có đóng góp, thậm chí vào sinh ra tử, do đó có tâm lý nương nhẹ.

Thế nhưng, với chủ trương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không sợ xử lý sai phạm. Càng làm càng có uy tín nên Quân đội vẫn làm, làm mạnh, đau vẫn phải làm cho nên mới có một loạt sĩ quan cao cấp bị kỷ luật trong thời gian qua.

Xin cảm ơn Thượng tướng!

Mai Xuân Nghiên - Tùng Đinh
Trọng Toàn
Tùng Đinh